Nguyễn Nhật Ánh là nhà văn nổi tiếng chuyên viết về mảng văn học thiếu nhi. Hầu như những truyện ngắn của ông đều nói đến sự ngây thơ, hồn nhiên và trong trẻo của tuổi mới lớn. Truyện ngắn "Cây chuối non đi giày xanh" là một minh chứng.
Nguyễn Nhật Ánh là nhà văn nổi tiếng chuyên viết về mảng văn học thiếu nhi. Hầu như những truyện ngắn của ông đều nói đến sự ngây thơ, hồn nhiên và trong trẻo của tuổi mới lớn. Truyện ngắn “Cây chuối non đi giày xanh” là một minh chứng.
Truyện ngắn “Cây chuối non đi giày xanh”, Nguyễn Nhật Ánh đã đề cập đến ký ức về những kỷ niệm ngây thơ, hồn nhiên của tuổi mới lớn như: chuyện học tập ở trường, chuyện vui chơi trong cuộc sống, chuyện về mối tình đầu,… Và trong đó, kỹ năng học bơi lội của trẻ cũng được nhà văn thể hiện khá đậm nét.
Thường ở khu vực nông thôn, kỹ năng bơi lội của những đứa trẻ có được chủ yếu nhờ vào sự tự hỏi lẫn nhau giữa những đứa bạn cùng trang lứa. Đứa biết lội dạy lại cho đứa chưa biết. Vấn đề này được nhà văn tái hiện lại khá chân thực trong tác phẩm. Để biết bơi, thằng Đăng “thường xuyên lén ba mẹ theo tụi thằng Định, thằng Trí và thằng Phan ra suối tập bơi”[tr51].
Sở thích của thằng Đăng cũng là sở thích chung của trẻ nhỏ ở vùng nông thôn. Các em rất thích được tự do tắm cùng các bạn hơn là tắm dưới sự trông coi, giám sát của những người lớn trong gia đình. Điều đó đồng nghĩa với việc các em được quyền tự do bơi lội trên sông, suối; các em muốn tắm đâu thì tắm, muốn bơi đây thì bơi. Song ở độ tuổi của trẻ chưa nhận biết được nơi nào nguy hiểm, nơi nào an toàn khi tắm.
Các em cứ hành động theo ý của mình theo kiểu thích thì làm. Trong khi đó, trên sông, suối không phải chỗ nào cũng cạn và bằng phẳng; có nhiều chỗ sâu, nước xoáy và chảy xiết thì rất nguy hiểm. Hơn nữa, khi gặp phải sự cố xảy ra thì các em lại không đủ khả năng để giải quyết sự việc.
Đọc truyện ngắn “Cây chuối non đi giày xanh”, người đọc thấy được sự tài tình của nhà văn trong việc miêu tả kỹ năng học bơi của đám trẻ. Có 2 kỹ năng bơi lội mà các bạn đã biết bơi đã hướng dẫn, chỉ dạy lại cho các bạn chưa biết bơi được tác giả đề cập đến trong tác phẩm:
Thứ nhất, kỹ năng nằm lên tay người khác để tập bơi. Đây là kỹ năng khá đơn giản. Chỉ cần người dạy (người đã biết bơi) luồn tay dưới bụng của người học (người chưa biết bơi) để nâng lên. Trong lúc người dạy luồn tay nâng người lên, thì bản thân người học phải có sự phối hợp vận động giữa tay và chân.
Dùng hai tay đẩy nước gạt về hai bên, đồng thời phối hợp với 2 chân đạp nước và đẩy người về phía trước. Các động tác trên được thực hiện liên tục và nhịp nhàng trong lúc bơi...
Đến lúc người học thuần thục hoạt động đó thì người dạy từ từ buông tay ra. Đúng như hành động thằng Trí tập cho thằng Định bơi: “Trí luồn tay dưới bụng Định để thằng này luôn nổi trên mặt nước. Khi Định quạt tay và đập chân thuần thục rồi, Trí mới buông tay ra. Chẳng may bạn nó chìm, nó lại vội vàng đưa tay ra đỡ” [tr55].
Hay lúc thằng Đăng đã biết bơi rồi dạy cho con Thắm bơi cũng vậy “Tôi lội xuống chỗ, đưa tay ngoắt nhỏ Thắm:
- Mày xuống đây!
Nhỏ Thắm nghiêng ngó một lát, thấy chỗ tôi đứng nước không sâu lắm, nó rụt rè thò một chân xuống, rồi tới chân thứ hai.
Khi ngập nửa người trong nước, nó nhìn tôi cảnh giác:
- Giờ sao nữa?
Tim đập bình bịch, tôi nói mà nghe cổ họng khô rang:
- Bây giờ tao chìa hai tay ra, mày… nằm lên tay tao rồi đập tay, đập chân cho quen” [tr71].
Kỹ năng này được các bạn nhỏ vận dụng rất phổ biến khi đi tắm sông, suối, nhất là đối với những đửa trẻ là nữ, những đứa trẻ thích bơi lội nhưng lại thiếu sự can đảm. Với cách học bơi này, người học được đảm bảo sự an toàn hơn. Bởi lúc nào thân người tập bơi cũng được nâng đỡ từ tay của một người khác ở cạnh bên. Cho nên lỡ có bị chìm xuống cũng không sợ bị chết đuối.
Thứ hai là cách bơi bừa. Tức là người học bơi ở trên bờ lấy trớn phóng mạnh xuống sông, suối. Trong khi đó, người (biết lội) thì đứng chờ sẵn ở bên kia bờ. Nếu người học bơi bị chìm xuống thì chụp vớt lên. Với cách này, người học bơi lúc nhảy vì hoảng sợ nên chân tay sẽ vận động liên tục và sẽ thành người biết bơi.
“Tôi vịn tay vào cành nhánh đang đung đưa bên cạnh, chân nhấp nhổm trên rễ cây to lấy thế. Hít vào một hơi thật sâu để lấy can đảm, tôi buông tay khỏi cành cây, co giò đạp mạnh vào khúc rễ, phóng vụt người đi” (tr56). Đây là cách học bơi mà thằng Đăng học được từ thằng Phan.
Và thằng Đăng đã dạy lại cho chú tiểu Khôi cũng bằng cách này “Chú chọn cách lao mình qua khúc suối hẹp, có tôi đứng bên kia bờ thò tay ra chụp” [tr76]. Đây là cách học bơi khá nguy hiểm đòi hỏi người học phải có sự can đảm thì mới làm được.
Tuy nhiên, chỉ cần sơ hở chút thôi thì có thể xảy ra tai nạn đuối nước. Như chúng ta biết, ở độ tuổi của các em mà nhảy từ nơi có độ cao xuống sông, suối là rất nguy hiểm. Chẳng may gặp lúc nước chảy xiết, bị chuột rút hay bị đuối sức, thì liệu các em có bơi nổi chăng? Trong khi trên bờ không có người lớn trông coi để cứu giúp khi có xảy ra tai nạn.
Kỹ năng học bơi trong truyện ngắn “Cây chuối non đi giày xanh” vừa đơn giản, vừa có tính chất nguy hiểm. Điều này rất phù hợp với tình hình thực tế đã diễn ra ở một số địa phương trong thời gian qua đối với những đứa trẻ khi tập bơi.
Mặc dù, những kỹ năng ấy có phần đơn giản, kỹ thuật có phần chưa phù hợp với quy trình dạy bơi của những người dạy bơi chuyên nghiệp. Nhưng phần nào tác giả đã cho độc giả thấy được sự cố gắng, nỗ lực của những đứa trẻ vùng nông thôn trong việc tập luyện để không những bản thân mình, mà cả những người bạn xung quanh đều biết bơi, phòng tránh được tai nạn đuối nước có thể xảy ra.
Như chúng ta biết, hiện nay tình trạng đuối nước ở trẻ em ngày càng có chiều hướng gia tăng, nhất là ở khu vực nông thôn. Do đó, đọc truyện ngắn “Cây chuối non đi giày xanh”, người đọc như được trang bị kỹ năng bơi lội cho mình, đặc biệt là đối với các bạn ở tuổi mới lớn, góp phần kéo giảm đến mức thấp nhất tai nạn đuối nước có thể xảy ra đối với các em.
NGUYỄN VĂN DÔ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin