Đối với những người làm nghệ thuật, "sống" bằng ý tưởng nói chung, thì sự sáng tạo chính là linh hồn, là điều quan trọng nhất. Đã khá lâu rồi Việt Nam chưa tổ chức một cuộc thi thiết kế thời trang thuần túy nào.
Thiết kế trang phục “Bàn thờ” trên trang mạng xã hội chính thức của Hoa hậu Hoàn Vũ Việt Nam 2019. |
Đối với những người làm nghệ thuật, “sống” bằng ý tưởng nói chung, thì sự sáng tạo chính là linh hồn, là điều quan trọng nhất. Đã khá lâu rồi Việt Nam chưa tổ chức một cuộc thi thiết kế thời trang thuần túy nào.
Chỉ nằm trong khuôn khổ truyền thông của một cuộc thi sắc đẹp, ý tưởng sáng tạo của tác giả Phạm Quang Minh (sinh năm 2000, quê Vĩnh Long) đã đặt ra câu hỏi về giới hạn nào cho sự sáng tạo?
Vừa qua, trên trang mạng xã hội chính thức của Hoa hậu Hoàn Vũ Việt Nam, đã công bố những thiết kế trang phục sẽ có cơ hội trở thành trang phục dân tộc xuất hiện tại cuộc thi Hoa hậu Hoàn Vũ năm 2019. Với chủ đề “Tinh hoa Việt Nam”, hơn 40 tác phẩm được giới thiệu với các thiết kế lấy ý tưởng từ thổ cẩm, hoa sen, trầu cau...
Bộ trang phục gây chú ý nhất lấy ý tưởng từ bàn thờ của tác giả Phạm Quang Minh đã gây tranh cãi lớn trên mạng xã hội. So với các bộ trang phục Bánh Mì (H’Hen Nie 2018), Hồn Việt (Nguyễn Thị Loan 2017), Nàng Mây (Lệ Hằng 2016), thiết kế trang phục của năm 2019, sự sáng tạo đã “bay cao bay xa” không giới hạn.
Ý tưởng thiết kế bộ váy đến từ tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt Nam. Trang phục gồm những chi tiết cách điệu từ ảnh thờ, bát hương, lọ hoa, mâm cỗ. Trên bản vẽ còn có thiết kế động cơ cài vào mâm cỗ, để người mặc nâng lên hạ xuống trong lúc người mẫu trình diễn.
Phần giới thiệu bài thi, tác giả viết: “Để lột tả hết ý nghĩa của trang phục này, người mẫu cần một phong thái trang trọng, thái độ thành tâm. Đến giữa sân khấu, người mẫu thắp ba cây nhang để vái ba lần rồi xoay lưng lại phía sau để người xem thấy được vật phẩm dâng lên bàn thờ”.
Chỉ sau gần một ngày đăng tải, bộ trang phục “Bàn thờ” đã nhận về hơn 50 ngàn lượt thích, hàng chục ngàn lượt chia sẻ và bình luận. Nhiều người tỏ ra “bức xúc” bởi với số lượng tương tác như vậy, khả năng cao bộ trang phục này sẽ lọt top 15 trang phục dân tộc có thể được mang đi thi tại Hàn Quốc.
“Mới nhìn thì thấy buồn cười vì hình ảnh bạn này lấy ý tưởng không phải từ hoa sen, tre hay ẩm thực mà là một hình ảnh quen thuộc nhưng ít ai dám nghĩ đến để làm thành quốc phục. Nhìn một lúc thì lại muốn khóc vì cách bạn ấy chuyển tải thành bộ trang phục thật sự thô và hơi phản cảm ở chỗ để mặt người mẫu vào ảnh thờ. Hình ảnh bàn thờ thiên về tâm linh tín ngưỡng nên rất khó chuyển tải vào trang phục, đòi hỏi người thiết kế phải khéo léo để tránh phản cảm”- bạn A.T. chia sẻ về thiết kế.
Bạn Trần Nữ Hoàng Nhi cũng bày tỏ: “Mỗi người mỗi suy nghĩ riêng về cái đẹp nhưng chúng ta đang bình chọn quốc phục, hãy suy nghĩ thật kỹ khi bấm like, share, comment vì nó mang cả bộ mặt quốc gia ra quốc tế. Hơn nữa, hãy nghĩ đến người mặc nữa”.
Nhà nghiên cứu văn hóa Trần Hữu Sơn cho biết, bây giờ quan niệm cởi mở hơn, tuy nhiên phần nhiều trong xã hội vẫn giữ những tư tưởng nhất định.
Cái gì trong sáng tạo đều có giới hạn, mặc dù toàn cầu hóa nhưng quá trình sáng tạo vẫn phải dựa vào đặc điểm tâm lý dân tộc. Yếu tố văn hóa truyền thống bao giờ cũng có nhiều chức năng như chức năng thiêng, phàm, ứng dụng, giáo dục, thẩm mỹ… nếu chọn sai là không chấp nhận được.
Trong buổi trưng bày chuyên đề: “Trang phục, trang sức các dân tộc ĐBSCL” tại Bảo tàng Vĩnh Long, ông Nguyễn Xuân Hoanh- Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vĩnh Long- đã nói: Mỗi bộ trang phục, mỗi món trang sức là một tác phẩm nghệ thuật đặc sắc lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống.
Xuất phát từ những đặc điểm về lịch sử, địa lý, kinh tế, phong tục, tập quán, quan niệm thẩm mỹ và sự giao lưu văn hóa giữa các dân tộc qua từng thời kỳ lịch sử. Thông qua trang phục, trang sức để cùng nhau giữ gìn và phát huy văn hóa truyền thống, tình anh em đoàn kết của cộng đồng các dân tộc ĐBSCL nói riêng và các dân tộc Việt Nam nói chung.
Sự sáng tạo nào cũng có giới hạn. Đuổi kịp những tiến bộ của thời đại nhưng mỗi người trẻ phải có trách nhiệm giữ gìn được nét đẹp trong đời sống văn hóa, tinh thần của dân tộc. Điều đó không dễ dàng nhưng mỗi người có thể bắt đầu từ những hành động nhỏ nhất, như có ý thức hơn khi chia sẻ, bình luận trên mạng xã hội.
PHƯƠNG THÚY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin