Cùng với "Vũ trụ trong vỏ hạt dẻ", "Lược sử thời gian" (*) được xem là cuốn sách nổi tiếng và phổ biến nhất về vũ trụ học của Stephen Hawking. Cuốn sách được tác giả viết xong năm 1987 và đã trở thành một trong những cuốn sách bán chạy nhất thế giới.
Cùng với “Vũ trụ trong vỏ hạt dẻ”, “Lược sử thời gian” (*) được xem là cuốn sách nổi tiếng và phổ biến nhất về vũ trụ học của Stephen Hawking. Cuốn sách được tác giả viết xong năm 1987 và đã trở thành một trong những cuốn sách bán chạy nhất thế giới.
Chính Stephen Hawking cũng phải kinh ngạc, vì từ trước đến nay, chưa có một cuốn sách khoa học nào được công chúng đón nhận nồng nhiệt như vậy.
Chúng ta sống cuộc sống hàng ngày của chúng ta mà hầu như không hiểu được về thế giới xung quanh. Chúng ta cũng ít khi suy ngẫm về cơ chế đã tạo ra ánh sáng mặt trời- một yếu tố quan trọng góp phần tạo nên sự sống, về hấp dẫn- cái chất keo đã kết dính chúng ta vào Trái đất mà nếu khác đi chúng ta sẽ xoay tít và trôi dạt vào không gian vũ trụ, về nguyên tử đã cấu tạo nên tất cả chúng ta và chúng ta hoàn toàn lệ thuộc vào sự bền vững của chúng.
Đó là lời giới thiệu khá hấp dẫn trong cuốn sách “Lược sử thời gian” do nhà vật lý lý thuyết nổi tiếng Stephen Hawking viết.
Ông chuyên nghiên cứu về lý thuyết tương đối rộng và tập trung vào vấn đề các kỳ dị không gian. Nhất là sự phát hiện khả năng bức xạ của các lỗ đen đã đưa ông lên hàng những nhà vật lý lý thuyết tài năng nhất thế giới.
“Lược sử thời gian” có nội dung cực kỳ phong phú và độc đáo. Bằng một lối trình bày sáng sủa, giọng văn hài hước, Stephen Hawking đã dẫn dắt người đọc phiêu lưu suốt lịch sử vũ trụ, từ khi nó còn là một điểm kỳ dị với năng lượng vô cùng lớn, cho tới ngày nay.
Cuốn sách đưa chúng ta du hành vào vũ trụ của Hawking trong lúc kinh ngạc trước trí tuệ của ông. Nó là cuốn sử thi về sự ra đời, sự hình thành và phát triển của vũ trụ với toàn bộ tiến trình khám phá của trí tuệ loài người trên nhiều lĩnh vực: triết học, vật lý, thiên văn học…
“Lược sử thời gian” khác với nhiều sách khoa học phổ thông khác, nó cũng cố giải thích một số ý niệm toán học phức tạp.
Nhưng tác giả chú thích rằng một biên tập viên đã cảnh báo ông ta rằng cứ thêm một phương trình vào cuốn sách thì số độc giả lại giảm đi một nửa, vì vậy cuốn sách chỉ có một phương trình duy nhất: E = mc².
Ngoài ra, quyển sách còn làm đơn giản bớt các vấn đề bằng việc thêm vào các tranh minh họa, miêu tả những mô hình và biểu đồ phức tạp.
Trong cuốn sách cập nhật và bổ sung nhân kỷ niệm lần in thứ 10, tác giả viết: “Tôi đã đưa vào một chương mới về lỗ sâu đục và sự du hành theo thời gian.
Lý thuyết tương đối rộng của Einstein dường như đã mở ra cơ hội để ta tạo ra và duy trì các lỗ sâu đục, tức là các ống nhỏ nối các vùng khác nhau của không- thời gian…” Cuộc tìm kiếm của tác giả giúp người đọc khám phá hết bí mật này đến bí mật khác.
Đôi khi ông dụ độc giả vào những ngộ nhận tưởng như rất có lý, rồi lại bất ngờ chỉ ra sự phi lý trong cách nghĩ, để rồi phá vỡ mọi ngộ nhận.
Cuốn sách đề cập đến những vấn đề nghiêm trọng và hóc búa nhất của vật lý lý thuyết, như vụ nổ lớn, lỗ đen, không- thời gian, thuyết tương đối, nguyên lý bất định... mà không hề làm bạn đọc bị rối.
Cuốn sách có lẽ sẽ giải đáp phần nào đó những băn khoăn luôn tồn tại trong chúng ta: Tại sao tự nhiên lại như thế này mà không như thế khác, vũ trụ ra đời từ đâu, hoặc nó có mãi mãi như thế này không, liệu có một ngày nào đó thời gian sẽ trôi giật lùi, hậu quả có trước nguyên nhân hay không; hoặc có giới hạn cuối cùng cho sự hiểu biết của con người hay không.
Thậm chí, chúng ta luôn tò mò muốn biết lỗ đen là cái gì; cái gì là hạt vật chất nhỏ bé nhất, tại sao chúng ta chỉ nhớ quá khứ mà không nhớ tương lai; và nếu lúc bắt đầu là hỗn loạn thì làm thế nào có sự trật tự như ta thấy hôm nay và tại sao lại có vũ trụ.
(*) Lược sử thời gian, Stephen Hawking, Nhà xuất bản Trẻ, in lần thứ 20, năm 2018.
Bài, ảnh: AN HƯƠNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin