Khi các gameshow âm nhạc không còn là bệ phóng cho các ca sĩ trẻ, họ tìm đến những cách khác với giá trị và thước đo khác để kiếm sự nổi tiếng.
Phiên bản "Độ ta không độ nàng" của Anh Duy |
Khi các gameshow âm nhạc không còn là bệ phóng cho các ca sĩ trẻ, họ tìm đến những cách khác với giá trị và thước đo khác để kiếm sự nổi tiếng.
3 năm trở lại đây, gameshow âm nhạc bước vào thời kỳ bão hòa và thoái trào. Nếu như gameshow âm nhạc đã từng là bệ phóng cho những tên tuổi như Uyên Linh, Văn Mai Hương Hương Tràm, Bùi Anh Tuấn, Đức Phúc, Phương Mỹ Chi... thì giờ đây, mỗi năm có hàng chục Quán quân mới từ các chương trình khác nhau và không mấy ai được khán giả “nhớ tên, biết mặt”. Đó là lúc các thí sinh, các ca sĩ trẻ tìm đến một cách khác mà hiện đang là xu hướng: làm MV trên YouTube.
Sức ảnh hưởng không thể phủ nhận
Trong bối cảnh thói quen thưởng thức, tiếp cận âm nhạc của khán giả đang thay đổi sang trực tuyến, các trang mạng xã hội với khả năng chia sẻ khổng lồ giúp cho việc lan tỏa âm nhạc tới đại chúng dễ dàng hơn đã đánh dấu một kỷ nguyên mới của nền công nghiệp âm nhạc mà MV (Music video) là trọng tâm.
Sản xuất MV có chi phí rẻ hơn nhiều so với ra CD/album và cũng nhanh chóng tạo dấu ấn hơn việc mất một khoảng thời gian dài tham dự các gameshow thực tế. Sức lan tỏa của nó cũng lớn hơn và có thể mang tên tuổi của người làm nhạc nhanh chóng vươn lên tầng, bậc mới, thậm chí là vươn ra tầm thế giới.
Với việc MV "Chạy ngay đi" của Sơn Tùng M-TP cán mốc kỉ lục 17 triệu lượt view (xem) trong 24h đầu, ngang ngửa với loạt sao đình đám thế giới, có lẽ lần đầu tiên khán giả Việt Nam thực sự cảm nhận được "quyền lực" của lượt view YouTube.
Kể từ đó, YouTube là một trong những "mặt trận" chủ chốt của các nghệ sĩ khi giới thiệu sản phẩm mới. Sự thành bại của các sản phẩm chuyển từ số lượng bán đĩa, các bản xếp hạng âm nhạc... sang lượt xem, lượt thích (like) trên YouTube. Sự sôi động trên đường đua âm nhạc được cân đo bởi những vị trí thứ hạng. Top Trending (Xu hướng) YouTube Việt Nam trở thành một trong những tiêu chí được quan tâm, phản ánh độ thành công của sản phẩm tại thời điểm ra mắt.
Chỉ trong khoảng 3 tháng gần đây, khán giả được chiêu đãi bằng loạt MV được đầu tư kỹ lưỡng của Đức Phúc, Hương Tràm, Đen, Min, Hoàng Thuỳ Linh, Thu Minh… "Để Mị nói cho mà nghe" của Hoàng Thùy Linh và "Hai triệu năm" của Đen Vâu đều nhanh chóng chạm mốc triệu view.
Cụ thể, “Hai triệu năm” đang giữ vị trí top 1 Trending YouTube Việt Nam khi sở hữu gần 11 triệu lượt xem với hơn 393.000 lượt thích. Xếp ngay sau đó là "Để Mị nói cho mà nghe" với gần 9,5 triệu lượt xem và 309.000 lượt thích. Hay dù chỉ mới phát hành đoạn teaser nhưng “Give it to me” của Sơn Tùng MTP đã nhanh chóng chiếm vị trí thứ 3 Top Trending YouTube sau một ngày ra mắt.
Điều đó một lần nữa khẳng định, việc làm MV đang là xu hướng và có sức ảnh hưởng rất lớn không chỉ với thói quen thưởng thức âm nhạc của khán giả mà còn với cách làm nhạc của nghệ sĩ.
Ai cũng có thể trở nên nổi tiếng
YouTube đang tạo ra một sân chơi bình đẳng cho tất cả mọi người chứ không chỉ với riêng ca sĩ tên tuổi. Ngay cả những nghệ sĩ mới cũng có thể sở hữu một MV với số lượt xem “khủng”.
Gần đây nhất là bộ đôi Jack và K-ICM với MV "Bạc phận" có lượt tăng đều đặn trên 10 triệu lượt xem mỗi tuần kể từ lúc ra mắt vào tháng 4/2019. Hiện tại sản phẩm này đã nhanh chóng đạt 135 triệu lượt xem. Hay Quân A.P với bản ballad “Ai là người thương em” cũng chạm mốc 28 triệu (bản MV chính thức) và 20 triệu (bản lyrics).
Cũng từ môi trường mạng này, nhiều người vô danh bất ngờ nổi tiếng chỉ sau một đêm, bằng một MV. Điển hình như Lệ Rơi, Linh Ka... hay gần đây là Hoa Vinh. Từ chàng trai mê hát hò ở một ứng dụng livestream trên điện thoại, Hoa Vinh biến thành một "hiện tượng âm nhạc" có cả triệu người xem trên YouTube, sánh ngang với các ca sĩ tên tuổi. Sản phẩm âm nhạc "Cuộc vui cô đơn" của giọng ca Lê Bảo Bình - một cái tên lạ lẫm trên bản đồ các nghệ sĩ Vpop cũng đứng vị trí thứ 2 Top Trending tháng 3 với 20 triệu view sau 2 tuần ra mắt.
Bên cạnh đó, Top Trending YouTube có sự xuất hiện của những MV thuộc dòng nhạc chế, nhạc “bình dân” và đứng ở thứ hạng cao. Điển hình như loạt MV cover “Độ ta không độ nàng” (một ca khúc trong phim hoạt hình Trung Quốc), “Cục xì lầu ông bê lắp” (chế từ ca khúc "Pump It Up" của Danzel) hay “Tạm biệt đại ca” của Long Hách với 6.5 triệu view trong 4 ngày.
Đâu là giá trị âm nhạc đích thực?
Ca sĩ Hoàng Bách từng chia sẻ: “View trên YouTube không tốt, không xấu, nhưng cũng không phải là tiêu chí để tán dương thái quá. Quan trọng là chúng ta có đủ nhận thức để hiểu chất lượng sản phẩm phải dựa trên những tiêu chí nào”.
Thực tế, YouTube không có chức năng cân đo, đong đếm giá trị thật sự của sản phẩm âm nhạc. YouTube là xu hướng phát triển tất yếu, mang tính tích cực và đồng thời cũng thể hiện được mức độ quan tâm của khán giả, độ phủ sóng của nghệ sĩ thông qua chính lượt xem, lượt thích.
Tuy nhiên, đôi khi những con số "ảo" này tạo ra sự sai lệch về nhận thức, khiến các ca sĩ trẻ dễ "ngủ quên”, muốn đi quá nhanh bằng những sản phẩm âm nhạc lẻ tẻ mà không tôi luyện tư duy làm âm nhạc đường dài như cách phát hành album nhạc.
Kết quả của cuộc chạy đua theo thị hiếu, của thời đại giải trí theo view cũng là hàng loạt sản phẩm âm nhạc kém chất lượng, ca từ hời hợt, dễ dãi, nội dung phản cảm, gây tranh cãi ra. Một số tác phẩm gây tranh cãi gay gắt nhất thời gian qua như “Mời anh vào team em” (ChiPu), “Như lời đồn” (Bảo Anh)...
Những sản phẩm chạy theo thị hiếu, chạy theo giá trị nhất thời sẽ không thể tồn tại lâu dài và tạo được tên tuổi tốt đẹp cho nghệ sĩ. Thực tế, có rất ít MV “triệu view” lọt vào danh sách đề cử cho các giải thưởng âm nhạc có tính chuyên môn cao. Nghệ sĩ có quyền lựa chọn cách làm nhạc, cách đưa âm nhạc của mình đến với công chúng, còn lại là quyền của khán giả: có nghe hay không những sản phẩm nhảm nhí, mang tính nhất thời đó!/.
Theo Thanh Vân/VOV.VN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin