Từ ngàn xưa, ông bà ta đã dạy, nếu như đồng vợ, đồng chồng thì cho dù khó khăn gian khổ đến mấy vẫn có được niềm hạnh phúc lớn lao mà không có gì so sánh được.
“… Râu tôm nấu với ruột bầu
Chồng chan, vợ húp, gật đầu khen ngon…”
Từ ngàn xưa, ông bà ta đã dạy, nếu như đồng vợ, đồng chồng thì cho dù khó khăn gian khổ đến mấy vẫn có được niềm hạnh phúc lớn lao mà không có gì so sánh được.
Hãy chăm chút bữa cơm cho gia đình yêu thương.Ảnh: PHƯỚC GIANG |
Trong thực tế, nhiều gia đình tuy có đầy đủ về vật chất nhưng lại thiếu vắng những bữa ăn gia đình với đầy đủ các thành viên như ông bà, cha mẹ, con cái.
Hãy nghe một lời tâm sự rất chân tình của một học sinh lớp 6 khi làm bài văn của mình khiến người lớn không khỏi giật mình, suy ngẫm “… bữa tối đối với em quả là điều kinh khủng vì sự trống vắng rất đáng sợ, ba em thường về nhà rất khuya trong cơn say rượu rồi ngủ vật vã trên bộ ghế sa lông.
Mẹ em thì đi tập thể hình hay tán gẫu với mấy cô trong cơ quan. Một mình em ăn cơm trong căn nhà rộng thênh thang không một bóng người. Em ao ước mỗi chiều được ăn cơm quây quần bên ba mẹ mà có được đâu…”
Thực tế cũng cho thấy, nhiều trẻ em sống trong môi trường thiếu vắng tình thương, chăm sóc của người lớn, kể cả thiếu quan tâm đến bữa ăn gia đình đã trở thành trẻ bị tự kỷ, ngại tiếp xúc, dễ nổi nóng và phạm tội.
Nói đến hạnh phúc gia đình, người ta thường mô tả bằng những từ thật đẹp đẽ và được thể hiện qua những giá trị đạo đức rất đáng trân trọng như: tình yêu, lòng chung thủy, nghĩa vợ chồng, lòng yêu thương, hy sinh cho con cái, sự quý trọng, hiếu đễ của con cháu với cha mẹ, ông bà... nhưng lại quên đi ý nghĩa và giá trị của những bữa cơm gia đình.
Họ không hiểu rằng bữa cơm này là tình cảm, là cầu nối rất quan trọng của các thành viên để chia sẻ, tâm sự, tư vấn lẫn nhau về những vui, buồn, uẩn khúc, bức xúc trong cuộc sống, công việc của từng thành viên.
Bữa cơm tuy không có nhiều món ăn cầu kỳ đắt tiền, nhưng thường người nấu ăn, trước hết là người vợ, người mẹ luôn quan tâm đến sở thích của chồng con. Như vậy bữa ăn gia đình trước hết là phù hợp với khẩu vị từng người, từng gia đình. Với nhiều gia đình có nhiều thành viên thì những người nội trợ vẫn không quên sở thích thành viên để chế biến món ăn phù hợp nhất.
Có nhiều gia đình tranh thủ thông qua bữa cơm kết hợp giáo dục cho mỗi thành viên- đặc biệt là trẻ em- biết nhường nhịn, có miếng gì ngon cần chú ý để phần cho người khác, nhất là người cao tuổi. Cạnh đó, bữa cơm còn là dịp cả gia đình đoàn tụ sau một ngày sống xa nhau, người lớn làm việc, trẻ em đi học.
Hiện nay, có nhiều gia đình, buổi trưa cha mẹ ăn ở cơ quan, con ăn ở lớp học bán trú. Chỉ đến buổi tối cả gia đình mới lại gặp nhau ở bữa ăn, chuyện trò hàn huyên, thông tin cho nhau về những sự kiện diễn ra trong ngày: con cái đi học điểm bài ra sao, bố mẹ ở cơ quan, xí nghiệp có chuyện gì đáng lưu ý...
Tổ chức tốt bữa ăn thường ngày trong gia đình không chỉ là cung cấp năng lượng vật chất cần thiết cho sự sinh tồn của các thành viên, bồi dưỡng sức khỏe cho họ mà còn chứa đựng những giá trị tinh thần tâm lý, tình cảm sâu sắc. Đó là sự quan tâm đến tâm trạng vui buồn của mỗi cá nhân, là vun đắp những mối quan hệ tình cảm ấm áp giữa các thành viên. Đó cũng chính là hạnh phúc gia đình đơn sơ, mộc mạc nhưng lại đáng quý biết bao!
Qua bữa cơm gia đình, ông bà và cha mẹ giáo dục con cháu tinh thần đoàn kết, lối sống lành mạnh, kính trên nhường dưới. Các thành viên quây quần cùng làm công việc nội trợ trong sự ấm áp, hạnh phúc.
Qua thực tế có nhiều người cho rằng: vì phải chịu áp lực của công việc, mối quan hệ rộng lớn nên thường không có mặt tại bữa cơm gia đình hàng ngày, thay vào đó là những buổi tiệc ăn uống, nhậu nhẹt có khi kéo dài đến tận nửa đêm, để rồi một ngày nào đó khi nhận ra giá trị của bữa cơm gia đình thì đã muộn màng.
Hãy dành nhiều thời gian cho gia đình, nhất là thời gian bên nhau trong bữa ăn. Đó sẽ là chìa khóa hữu hiệu để nuôi dưỡng, gìn giữ hạnh phúc gia đình của chính mình.
TAM ANH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin