Yêu sách và lan tỏa tình yêu đọc sách

06:04, 07/04/2019

Chỉ trong 1 tháng phát động, cuộc thi "Đại sứ Văn hóa đọc" và "Viết cảm nhận về ấn phẩm Xuân 2019" thu hút hơn 1.000 bài dự thi. 

Chỉ trong 1 tháng phát động, cuộc thi “Đại sứ Văn hóa đọc” và “Viết cảm nhận về ấn phẩm Xuân 2019” thu hút hơn 1.000 bài dự thi.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng Nga- Phó Giám đốc Thư viện tỉnh, số lượng những bài thi với chia sẻ chân thành, đầy xúc động như thế cho thấy sách vẫn là người bạn thân thiết của các em học sinh dù thời đại công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ. Và bằng cách làm thiết thực, thế hệ trẻ được gieo mầm để lan tỏa tình yêu đọc sách.

Cần một không gian đọc và các bạn trẻ cần hơn một người có thể định hướng và chia sẻ về những quyển sách.
Cần một không gian đọc và các bạn trẻ cần hơn một người có thể định hướng và chia sẻ về những quyển sách.

Lần đầu tiên với 2 sân chơi để trải nghiệm

Chúng tôi có mặt ở Thư viện tỉnh thật sớm, hòa cùng không khí náo nức gặp gỡ những người yêu sách tại buổi vinh danh những bài dự thi xuất sắc nhất trong cuộc thi “Đại sứ Văn hóa đọc” và “Viết cảm nhận về ấn phẩm Xuân 2019”.

Những bài thi được viết tay nắn nót từng chữ. Người lớn với cảm nhận sâu sắc thì đưa ra nhiều góc nhìn hay với những trải nghiệm của mình. Bài viết của học sinh thì sáng tạo hơn, sống động hơn nhờ những bức tranh vẽ nhí nhố.

Bà Nguyễn Thị Hồng Nga đánh giá về cuộc thi “Đại sứ Văn hóa đọc”: Sau khi phát động, cuộc thi đã thu hút đông đảo mọi người tham gia với 1.006 bài dự thi.

Nhiều trường có số lượng học sinh tham gia đông như Trường TH Xuân Hiệp (Trà Ôn) với 496 bài dự thi, và với nhiều bài viết chất lượng, Trường THPT Nguyễn Thông (TP Vĩnh Long) có đến 8 bài thi đạt giải.

Đây là một trong những hoạt động thiết thực thúc đẩy phong trào đọc sách và tìm ra những bạn trẻ ham đọc sách, có thể giới thiệu sách hay và làn tỏa niềm đam mê đọc sách đến mọi người xung quanh.

Thầy Cao Phương Bình- Phó Hiệu Trưởng Trường THPT Nguyễn Thông- cho biết, để các em học sinh yêu thích đọc sách và tham gia đông đúc cần cả quá trình khuyến khích và tạo thói quen đọc sách cho các em.

“Từ 2 năm trước, trường bắt đầu xã hội hóa thành lập tủ sách để các em thường xuyên có sách mới đọc, tổ chức những chương trình giao lưu, chia sẻ cảm nhận về sách, gặp những tác giả, diễn giả,…

Cách làm này giúp việc đọc sách dần trở thành thói quen của các em, và tình yêu sách đến một cách rất tự nhiên, không gò bó.

Trường có 246 bài dự thi, trong đó có lớp đăng ký tham gia hết cả lớp, đó là điều khiến chúng tôi rất vui mừng. Nó là trải nghiệm giúp các em yêu sách hơn và cũng là động lực để phát triển văn hóa đọc”- thầy Cao Phương Bình chia sẻ.

Từ thị trấn Tam Bình, bé Dương Ngọc Mỹ Tuyền- lớp 5/4, Trường TH Lưu Văn Liệt (Tam Bình) đến Thư viện tỉnh rất sớm cùng ông bà nội. Cha mẹ đi làm xa, từ nhỏ, bé Mỹ Tuyền đã lớn lên với sự chăm sóc và dạy dỗ của ông bà.

Cô Trần Thị Ngọc Trước vui vẻ cầm giấy mời nhận giải khoe: “Từ khi nhận được tin, bé háo hức dữ lắm. Ông bà cũng thấy mừng đến mất ngủ luôn. Ở quê không có nhiều điều kiện đọc sách nhưng bé ham đến thư viện của trường đọc, về nhà thì tìm tòi trên máy tính.

Cháu đạt giải 3 câu chuyện viết tiếp song ngữ, chúng tôi cũng bất ngờ vì bé có thể tự mày mò viết bằng song ngữ. Cuộc thi là trải nghiệm để cháu quý sách hơn, ham học hơn”.

Cần không gian đọc và đọc có chọn lọc

Cháu gái thích đọc sách là niềm vui của ông bà, nhưng cô Trần Thị Ngọc Trước còn chia sẻ lo lắng: “Công nghệ hiện đại thì ngoài đọc sách ở thư viện, cháu tự lên mày mò trên mạng, học những điều cần thiết, hợp với lứa tuổi thì phụ huynh nên khuyến khích.

Tuy nhiên phụ huynh cần phải dõi theo con cháu, định hướng những điều cháu coi là phù hợp, tránh những điều không hay, học theo những “thần tượng” chưa tốt trên mạng xã hội”.

Em Nguyễn Đặng Thanh Trúc- lớp 12A10, Trường THPT Nguyễn Thông- đạt giải nhất hạng mục “Câu chuyện viết tiếp song ngữ hay nhất” và có cả bài đạt giải “Viết cảm nhận về ấn phẩm Xuân 2019” cho biết, em đọc sách nhiều từ năm lớp 10, đó là khi bước vào Trường THPT Nguyễn Thông, được gặp gỡ nhiều bạn thích đọc sách, chia sẻ cho nhau và được nhen nhóm tình yêu sách từ các thầy cô.

“Từ lúc bắt đầu đọc nhiều sách, em thấy mình học môn Ngữ văn ổn hơn, đối xử với mọi người tốt hơn. Sách như kho tàng tri thức, kỹ năng,… nếu ai bỏ qua coi như… thiệt thòi lớn rồi”- Thanh Trúc bộc bạch.

Và điều mà không chỉ Trúc mà nhiều bạn khác đã trả lời câu hỏi “Nếu được chọn là Đại sứ Văn hóa đọc, thì có kế hoạch và biện pháp gì để khuyến khích mọi người đọc sách nhiều hơn”?

Đó là cần có một không gian mở để thu hút mọi người đọc sách, kết nối để chia sẻ cho nhau những quyển sách hay, trao đổi những điều còn chưa hiểu, tạo động lực làm sao mọi người cảm thấy vui vẻ đọc sách như một thói quen.

Thư viện Việt Nam đang thay đổi theo hướng phát triển và hội nhập. Trong bước đường đi lên đó, tổ chức không gian thư viện là vấn đề vô cùng quan trọng trong xây dựng các thư viện hiện đại.

Không gian thư viện phù hợp sẽ góp phần cải thiện môi trường phục vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho người đọc phát huy sáng tạo, phát triển các tiềm năng của mình một cách toàn diện.

Thư viện tỉnh Vĩnh Long cũng đang nỗ lực kết hợp phương thức phục vụ truyền thống với hiện đại như: tổ chức kho đóng, kho mở, sách điện tử hỗ trợ bạn đọc tra tìm qua phần mềm tra cứu OPAC, khai thác các thông tin qua trang web của thư viện,…

Không chỉ ở Thư viện tỉnh mà thư viện ở các trường học cũng cần được quan tâm, đầu tư đúng mức tạo mọi điều kiện thuận lợi để nâng cao văn hóa đọc trong cộng đồng, độc giả được cung cấp thông tin phục vụ nhu cầu học tập, nghiên cứu, công tác và giải trí.

Bài, ảnh: PHƯƠNG THÚY

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh