Đình làng Kỳ Hà chỉ là một ngôi đình nhỏ nằm ngay ngã ba sông Cái Cau và con rạch Kỳ Hà ở ấp An Thạnh (xã Phú Đức- Long Hồ) nhưng chứa đựng khá trọn vẹn câu chuyện di dân vào Nam của những đoàn ghe bầu từ xứ ngũ Quảng, trước cả chủ trương lớn của chính quyền Chúa Nguyễn ở Đàng Trong từ sau năm 1698.
Đình làng Kỳ Hà chỉ là một ngôi đình nhỏ nằm ngay ngã ba sông Cái Cau và con rạch Kỳ Hà ở ấp An Thạnh (xã Phú Đức- Long Hồ) nhưng chứa đựng khá trọn vẹn câu chuyện di dân vào Nam của những đoàn ghe bầu từ xứ ngũ Quảng, trước cả chủ trương lớn của chính quyền Chúa Nguyễn ở Đàng Trong từ sau năm 1698.
Đặc biệt hơn các ngôi đình khác, đây còn là nơi nhiều năm hương khói tôn nghiêm để người dân phụng cúng tưởng nhớ về cội nguồn Quốc Tổ và có giai đoạn còn được gọi tên chính thức là “Đền thờ Vua Hùng”.
Người dân thành kính đến dâng hương ngày Giỗ Tổ tại Bảo tàng tỉnh Vĩnh Long năm 2018. |
Ngôi đình làng đặc biệt
Đình làng Nam Bộ có một vai trò, vị trí rất đặc biệt trong tình cảm, niềm tin tín ngưỡng của người dân; đây còn là di tích cụ thể ghi dấu công lao khai mở vùng đất mới, lập ấp dựng làng của các bậc Tiền hiền, Hậu hiền.
Mỗi ngôi đình có một số phận riêng, lịch sử riêng và hàng ngàn ngôi đình trên vùng đất mới phương Nam đã tái hiện khá đầy đủ tiến trình lịch sử dân tộc trong suốt mấy thế kỷ cận đại.
Ngôi đình Nam Bộ còn một ý nghĩa đặc biệt quan trọng, khi còn là nơi để người dân lưu xứ tưởng nhớ về gốc gác quê nhà và hương khói tôn nghiêm hướng về cội nguồn đất Tổ.
Những người đi tiên phong trong cuộc khai phá vùng đất Nam Bộ hồi buổi đầu, phần lớn là những nông dân nghèo miền Trung không chịu nổi ách áp bức của chế độ phong kiến đương thời, hoặc trốn tránh bệnh dịch, lao dịch trong cuộc chiến tranh tương tàn giữa Đàng Trong và Đàng Ngoài.
Họ lần lượt tiến vào miền đất mới bằng đường biển, với phương tiện chủ yếu là thuyền buồm và ghe bầu.
Theo sử cũ, các điểm cư ngụ đầu tiên của họ là Mỗi Xoài (Bà Rịa) và Đồng Nai, sau tiến dần xuống Sài Gòn, Mỹ Tho, Hà Tiên. Đặc biệt, trong nửa đầu thế kỷ XVIII, người Việt tiếp tục di chuyển xuống vùng Long Hồ (Vĩnh Long), Trà Vinh, Ba Thắc- Bãi Xàu (Sóc Trăng, Bạc Liêu), Sa Đéc, Long Xuyên.
Trong cuộc di dân vĩ đại đó, người dân Vĩnh Long chúng ta còn ghi nhớ câu chuyện nhóm người ở làng Kỳ Hà xứ Quảng đã lần lượt vào đây dựng làng trở thành quê hương mới lưu truyền mấy đời con cháu cho đến ngày nay.
Câu chuyện còn ghi rõ, nhóm người đầu tiên đã từ sông Long Hồ rẽ vào nhánh sông nhỏ (cầu Ông Me) rồi men theo đến cuối con rạch Kỳ Hà gặp dòng sông Cái Cau rộng lớn, nước chảy thông thương thuận lợi giao thông đường thủy, đất đai bằng phẳng thuận việc canh tác trồng trọt; chính ngay ngã ba sông này họ đã dừng chân lập làng mới. Và sau đó ngôi đình làng Kỳ Hà được dựng lên ngay ở ngã ba sông.
Trải qua bao thời gian, dòng sông bồi lở thế đất đổi thay, đình được chuyển dời nhưng “hồn cốt” tinh anh vẫn được dân làng bảo tồn nguyên vẹn.
Ở ngôi đình này, có một gia đình đã gắn bó sinh sống bên cạnh và truyền nhau đến 4 đời con cháu chăm lo bảo vệ và hương khói cho đến nay, trong đó có anh Trần Văn Vũ (47 tuổi).
Anh Vũ nói “thiệt tình” hổng rành chuyện xưa, nhưng chỉ giữ lấy một điều là từ đời ông cố mình rồi tới ông nội, rồi cha anh truyền lại vậy thì mình giữ theo nếp đó mà làm.
Đình làng thờ Quốc Tổ
Đình làng Kỳ Hà (Long Hồ). |
Quá trình nhập cư của người Việt gắn liền với việc hình thành những thôn ấp, trên vùng đất mới với rừng rậm bạt ngàn hay sình lầy, đầm phá mênh mông, lưu dân Việt luôn phải đối mặt với rất nhiều thử thách khắc nghiệt của thiên nhiên.
Đó là nạn thú dữ, rắn độc, bệnh tật ốm đau. Để sinh tồn, trụ vững, người dân Việt càng phải quần tụ, gắn bó, giúp đỡ tương trợ lẫn nhau trong việc khai hoang mở đất, chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt.
Về ý nghĩa này mà các ngôi đình Nam Bộ, ngoài các vị Nhân thần, còn thờ cúng các vị Nhiên thần, Thành Hoàng bổn cảnh, phù trợ dân làng an yên lập nghiệp, niên niên phong hòa vũ thuận.
Đến năm 1852, đình được vua Tự Đức sắc phong “Thành Hoàng bổn cảnh”, sắc phong ghi rõ: “Thần kỳ tương hựu bảo ngã lê dân. Khâm tai” (Thần hãy che chở giúp đỡ cho dân ta. Hãy kính tuân theo!)
Theo tài liệu của ông Dương Văn Lâm (Quý Nghĩa)- Trưởng Ban quản lý đình Kỳ Hà gần 20 năm trước ghi lại: Đình nằm giữa huyện lỵ Long Hồ và căn cứ Rừng Dơi.
Từ năm 1927, nhiều nhân sĩ, trí thức về đây hoạt động. Đến khi Chi bộ Ngã tư Long Hồ được thành lập, đình là địa điểm họp dân để cán bộ tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng. Khi bị mật thám ruồng bố thì cán bộ, nhân dân chạy vào Rừng Dơi ẩn náu, bình yên lại trở ra hoạt động.
Đình Kỳ Hà là điểm tựa của cách mạng trong 2 thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước… Sau năm 1975, đình Kỳ Hà có đổi tên thành Đền thờ Hùng Vương.
Có bài thơ khá hay lưu lại trong tài liệu về đình Kỳ Hà do ông Quý Nghĩa ghi lại (chúng tôi không rõ là sưu tầm hay của tác giả Quý Nghĩa), ca ngợi giống nòi, công đức dựng nước của Quốc Tổ Hùng Vương:
“Huân công dựng nước mãi lưu truyền
Ân đức Vua Hùng sách sử biên
Xẻ núi mở đường vùng Lạc Việt
Xây nền đắp mống giống Rồng Tiên.
Tổ tông đào tạo quê cha đẹp
Con cháu điểm tô đất mẹ hiền
Gấm vóc hai miền liền một dải
Muôn năm bền vững với sơn xuyên”.
Cũng theo tài liệu này ghi lại: “Hình thức Đền thờ Hùng Vương nhỏ hẹp, phương tiện sử dụng bị hạn chế rất nhiều, tuy nhiên địa phương có nơi thờ phượng trang nghiêm, ghi nhớ công ơn Đức Tổ Hùng Vương dựng nước, lưu truyền cho con cháu muôn đời”.
Ông Nguyễn Văn Ngọc- hiện là Trưởng Ban quản lý đình- cho biết: Đình Kỳ Hà tuy quy mô không rộng lớn nhưng là nơi thờ tự tôn nghiêm, nằm cạnh sông Cái Cau thơ mộng gợi nhớ không khí hội hè náo nhiệt và không khí uy nghi của ngôi đình xưa.
Đình thờ Thành Hoàng bổn cảnh và 146 liệt sĩ của xã. Ngày trước lễ Giỗ Quốc Tổ được tổ chức long trọng với mục đích giáo dục truyền thống yêu nước, lòng biết ơn sâu sắc các Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước; giữ gìn và phát huy đạo lý “uống nước nhớ nguồn”.
Từ năm 2007, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long đã cung thỉnh “đất- nước” tại đền Thượng, thuộc Khu di tích Đền Hùng về an vị tại bàn thờ Quốc Tổ Hùng Vương trong khuôn viên Bảo tàng tỉnh. Kể từ năm 2008 đến nay, vào dịp mùng 10/3 âl hàng năm, lễ Giỗ Tổ luôn được tổ chức trang trọng.
Ngày Giỗ Tổ đã trở thành dịp hành hương về nguồn cội của người dân Vĩnh Long, từ đó được hội tụ về dâng hương, dâng cúng phẩm vật ngày Giỗ Tổ tại Bảo tàng tỉnh, nên đình làng Kỳ Hà và một số đình làng trong tỉnh không còn tổ chức cúng Giỗ Tổ riêng nữa.
Song, điều này đã thể hiện nét đẹp truyền thống dân tộc ta được lưu truyền, gìn giữ một cách trang nghiêm, bền chặt; tình cảm thiêng liêng hướng về nguồn cội đặc biệt đối với những người dân vùng đất phương Nam trong bất kỳ cảnh ngộ nào.
Trong tiến trình lịch sử của đất nước, người Nam Bộ đã tạo nên những nét đẹp, phẩm chất mới cho những giá trị chung của dân tộc Việt Nam.
Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG- PHƯƠNG THÚY
[links()]
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin