Niềm tin

01:04, 06/04/2019

Trời đang vần vũ chuyển mưa. Những đám mây đen từ chân trời cuồn cuộn kéo về. Biển động dữ dội, tiếng sóng gầm thét kinh hồn. Bầu trời chuyển thành màu xám xịt.

Trời đang vần vũ chuyển mưa. Những đám mây đen từ chân trời cuồn cuộn kéo về. Biển động dữ dội, tiếng sóng gầm thét kinh hồn. Bầu trời chuyển thành màu xám xịt.

Biển cũng xám. Đất trời đang nổi giận. Bà Sáu vừa gom hết củi vô nhà. Bà không kịp chất đàng hoàng, chỉ quăng bừa bãi trong cái chái nhỏ dùng làm bếp. Mưa đã rào rào trút xuống. Bà Sáu bước lên nhà trên thắp ngọn đèn hột vịt ở bàn thờ ông Sáu.

Bà thắp nhang và khấn những lời khấn cũ mèm bà đã lặp đi lặp lại từ hơn ba chục năm nay “Ông có linh thiêng phù hộ cho thằng Rô mạnh giỏi trở về gặp tui”.

Rồi bà thắp ngọn đèn ống khói cao để trên cái bàn tròn giữa nhà. Cái bàn bằng cây thao lao đã lên nước bóng lưỡng. Cái bàn là món của cải duy nhứt còn lại sau những năm tháng kinh hồn mà xã anh hùng này phải gánh chịu. Bà Sáu têm trầu và bõm bẽm nhai.

Ở tuổi bảy mươi hai, bữa cơm chiều có khi không cần thiết. Một mình thui thủi, ăn vàng cũng chẳng ngon. Bà thường nói câu đó với những người tới chơi.

Ông Sáu hy sinh năm 1962 trong một trận càn ác liệt. Ông giữ chốt bảo vệ cơ quan Tỉnh ủy và ông đã chết như một anh hùng. Thằng Rô lúc đó bảy tuổi. Nó đã biết khóc khi chú Mười Cảnh chạy về báo tin.

Nó nắm lấy ống quần bà Sáu rồi cứ ôm chưn bà mà khóc. Ông Sáu được chôn vội vàng ở mé rừng đước, nơi có một cây đước già cụt ngọn vì đợt bom tháng rồi.

Bà Sáu không khóc như những người đàn bà khác. Bà nén nỗi đau vào trong và dặn mình phải vững vàng để nuôi con. Bà góa bụa ở tuổi ba mươi. Những ngày tháng sau đó, bà tham gia công tác phụ nữ. Bà không dữ dằn như Út Kiên cầm súng đi đánh giặc.

Bà chỉ làm công việc hậu phương, tiếp gạo tiếp lương, gói bánh tăng cường chiến dịch. Bà dồn tình thương yêu và nỗi nhớ nhung cho thằng Rô. Cái tên nó cũng là một kỷ niệm.

Chính ông Sáu đã chọn đặt. Chẳng là, lúc có bầu, bà Sáu chỉ thèm ăn cá rô. Ông Sáu đi chiến đấu vậy mà mỗi lúc về thăm nhà đã tranh thủ kiếm cá rô đem về. Một lần, ông đem giỏ cá hơn hai ký, con nào con nấy bằng bốn ngón tay bóng lưỡng.

Ông cười nói: “Bữa nay, anh nghe nói em bị kiện”. Bà Sáu vốn hiền lành, giựt mình: “Ai mà kiện tui, mà kiện cái gì mới được?”

Ông cười giòn: “Mấy con cá rô ở miệt này kéo nhau đi kiện em, vì em ăn hết bà con dòng họ nó”. Bà Sáu “hứ” một tiếng, lật đật đón lấy giỏ cá trên tay ông. Bữa đó, mâm cơm toàn cá: canh chua cá rô, cá rô kho tộ, cá rô chiên.

*

* *

Bà Sáu men theo bìa rừng, đó là một thói quen đã có từ khi im tiếng súng. Gia đình nào cũng đoàn tụ. Còn gia đình bà thì không. Thằng Rô đã không về. Bà chờ đợi một năm rồi hai năm. Xã thông báo thằng Rô hy sinh ở chiến trường miền Đông. Bà không tin.

Bà không tin thằng Rô chết khi người ta không tìm được xác nó. Không một vật chứng gì của nó để lại. Xã xác minh. Huyện cũng xác minh. Cuối cùng, một đoàn cán bộ của tỉnh về thăm bà.

Những mẹ Việt Nam đã hy sinh hết những người thân của mình, đã khóc lặng lẽ trong ngày vinh quang của Tổ quốc. Những bà mẹ mãi mãi là cô phụ. Người ta đề nghị truy tặng liệt sĩ cho thằng Rô, bà phản đối: “Nó chết đâu mà liệt sĩ! Mai mốt nó về sống với tui. Tui cưới vợ cho nó. Tui sẽ có cháu bồng”.

Ngày tháng qua đi… Mười năm… Rồi hai mươi năm. Thấy bà sống thui thủi như vầy, mọi người không đành lòng. Người ta cất căn nhà cho bà. Bà vẫn được cấp tiền mỗi tháng.

Thỉnh thoảng lại có người thăm viếng. Cái gì cũng được, nhưng đừng ai nói chuyện thằng Rô chết. Bà không muốn nghe những lời nói đó. Bàn thờ ông Sáu lúc nào cũng được thắp nhang. Bà đi ra vô, nhang tàn, bà lại thắp. Vẫn câu khấn đã khấn hàng triệu lần: “Ông có linh thiêng…”

Bà cứ bước đi, vừa đi vừa lẩm bẩm một mình: “Chỗ này hồi đó thằng Rô té vì chạy theo ba nó lúc ổng trở về đơn vị. Chỗ này nó trốn bà để bà đừng bắt nó về, lúc nó chạy theo chú Mười Cảnh”. Mỗi nơi mỗi chỗ ở vạt rừng này đều có kỷ niệm, đều in dấu chân của bà, đều thắp thoáng hình bóng nó.

*

* *

Mười ba tuổi, thằng Rô đã hai lần lén bà đi theo mấy anh em du kích. Người ta đuổi về, nó năn nỉ: “Mấy chú sai biểu gì con cũng làm!” Chú Ba Lung rầy nó: “Má mầy còn có mình mầy.

Mầy đi như vậy rủi ro có chuyện gì, bả chết chắc. Về đi con! Chừng nào lớn chút rồi đi, hổng ai cản mầy đâu!” Thằng Rô ngồi phụng phịu.

Lát sau, chừng nhớ ra chuyện gì, nó chạy về nhà chỗ để mấy bao lúa, lấy ra hai trái lựu đạn rồi tất tả chạy tới nhà Ba Lung: “Chú coi, con lấy được hai trái lựu đạn nè!” Ba Lung giựt mình: “Trời ơi! Mầy lấy được ở đâu vậy?”

Thằng Rô làm ra vẻ ta đây, nó cười để lộ hai cái răng nanh coi cũng có duyên lắm: “Bữa kia con đi bán cá, lúc vô quán bà Hai Giàu xin nước uống, con thấy tụi lính ngồi nhậu.

Thấy tụi nó không để ý, con ăn cắp”. Ba Lung lừng khừng một lúc rồi hoãn binh: “Để tao bàn với cấp trên, đâu nhận ẩu được mậy”.

Bà Sáu nghe Ba Lung kể chuyện thằng Rô cứ nằng nặc đòi đi theo du kích, bà làm trận làm thượng với nó dữ dằn lắm rồi nói: “Má hứa với con, chừng nào con được mười tám tuổi, má cho con đi, đi du kích hay bộ đội cũng được.

Nhưng từ đây tới đó, con phải ở nhà hủ hỉ với má. Má chỉ có mình con, con nghe lời má đi!” Cuối cùng, thằng Rô đành phải chịu, phải ráng chờ tới năm nó mười tám tuổi. Nó giỏi chuyện đồng áng lắm. Bắt cua bắt cá cũng giỏi. Càng lớn, nó càng giống ông Sáu như đúc.

Mười ba mười bốn tuổi rồi mà chưa được học chữ nào. Có ở yên đâu mà học. Cứ phải chạy tới chạy lui. Phần nó cũng ham làm hơn.

Một bữa kia trong lúc ăn cơm, bà Sáu nói với nó: “Con đi học đi! Được chữ nào hay chữ đó! Cứ lo làm hoài rồi dốt như me”.

Nó và cơm rồi vừa nhai vừa nói: “Con khoái đi đánh giặc hơn”. Bà Sáu lườm nó “Tổ cha mầy, đi đánh giặc cũng phải biết chữ. Rủi có cái gì mầy đọc hổng được rồi sao?”

Nói thì nói vậy, cuối cùng thằng Rô cũng đi học. Lớp học cũng như trái banh, nay chỗ này mai chỗ khác. Cuối cùng, thằng Rô cũng biết đọc biết viết.

Không đợi được mười tám tuổi, thằng Rô đã đi bộ đội năm mười bảy tuổi. Bà Sáu tuy buồn xa con nhưng lòng cũng tự hào. Chỉ có năm người được chọn lúc đó.

Ngày nó đi, bà đã bỏ theo ba lô cái khăn bà vẫn thường dùng khi gội đầu, bà nói để nó nhớ hơi bà. Thằng Rô vui lắm. Lúc nghe tin được chọn, nó đã mừng quýnh lên.

Nhưng khi nghĩ tới bà Sáu, nó lại buồn. Nó biết từ đây má nó phải sống một mình. Nhưng dầu sao cũng còn cô bác xóm giềng. Trong đầu nó, không có gì sôi sục bằng chuyện được đánh giặc, được trả thù cho ba nó.

Đơn vị thằng Rô thay đổi địa bàn hoạt động liên tục. Nó cũng gởi thơ cho bà Sáu khi có dịp. Có một cái thơ mãi đến một năm sau mới tới tay bà.

Trong thơ viết nếu có đợt công tác trở về xã nhà, nó sẽ tranh thủ về thăm bà. Bá Sáu mừng hơn lượm được vàng. Bà nuôi thêm mấy con gà chờ con về bất tử có mà ăn. Bà vẫn công tác trong tổ phụ nữ của ấp, bà vẫn theo dõi những trận đánh ở miền Đông- nơi thằng Rô đang chiến đấu.

Nhưng nó đã không về. Từ những ngày bắt đầu chiến dịch đến ngày toàn thắng, bà đã tưởng tượng không biết bao nhiêu chuyện: thằng Rô sẽ về và gặp bà ở đầu xóm.

Mà không, nó sẽ gởi thơ về cho bà trước, rồi xã sẽ cho xe đi đón, nó sẽ về với mấy đứa bạn nó. Bà sẽ nấu những món ăn nó thích. Nó ưa ăn cá thát lát chiên sả ớt.

Ở xứ này hiếm thát lát nhưng đâu có sao, bà sẽ kiếm cho nó ăn. Rồi bà sẽ cưới vợ cho nó. Bà sẽ có cháu bồng. Bà Sáu tha hồ tưởng tượng.

Lần lượt thằng Hùng con Ba Nhớ và thằng Lượm con Hai Lôi về. Tụi nó cho biết ở khác đơn vị và khác nơi đóng quân nên không liên lạc được.

Tin chánh thức thằng Lung với thằng Tứ đã hy sinh. Hai gia đình đã liên lạc được với đơn vị và cũng xác minh được chỗ an táng tạm thời.

Còn thằng Rô vẫn biệt tăm. Bà Sáu vừa chờ đợi vừa thúc hối địa phương hỏi thăm giùm bà. Mãi đến ba năm sau, tin chánh thức đưa về: Thằng Rô đã hy sinh.

Bà Sáu lắc đầu nguầy nguậy: “Hổng phải đâu! Chắc lầm với ai rồi! Thôi kệ đi, thủng thẳng nó về”. Kể từ ngày đó, bà Sáu trở thành một người khác. Bà lặng lẽ và cố tránh mọi người.

Bà không đi họp, ít đi đám. Có một điều rất tội nghiệp, mỗi lần bà trông thấy một bóng áo xanh bộ đội nào, bà cứ chạy theo nhìn…

Dần dần, mọi người cho rằng vì nhớ con nên bà đâm ra lẩn thẩn. Thật ra, bà vẫn bình thường, vẫn tỉnh táo, vẫn nhớ những chuyện xảy ra rất rành mạch. Chỉ một điều duy nhất: bà không tin thằng Rô chết.

*

* *

Bà Sáu nằm mơ. Hai ngày nay, bà sốt nặng sau đám mưa lớn hôm kia mà bà vẫn lầm lũi đi ra vạt rừng. Bà lẩm bẩm một mình: nó mà về lúc này chắc mừng lắm.

Hồi xưa nó ao ước có đất làm ruộng, có ao nuôi cá. Bây giờ, người ta nuôi tôm, bán tôm làm giàu. Hồi xưa, xứ này ai dám nghĩ tới chuyện trồng cây xoài, cây bưởi.

Vậy mà bây giờ, vườn xoài nhà Năm Thông, vườn bưởi nhà Út Đợi trái oằn cây. Bây giờ có điện tới xã, có cây nước xài, có cái gì a-lô mà người ta ở đâu nói ở đây cũng nghe…

Bà thấy thằng Rô về, tay nó cầm cái khăn bà cho. Nó đen lắm mà lại ốm. Nó nắm tay bà, bàn tay nó lạnh ngắt, nó khóc.

Bà cũng khóc: “Sao con đi lâu quá hổng về thăm má! Má nhớ con lắm!” Thằng Rô nói với bà: “Con gặp ba rồi! Con ở chung với ba!” Nói rồi, nó buông tay bà ra và tan đi như một làn khói.

Bà Sáu giựt mình, bà nghe đầu mình đau quá! Đau đến không chịu được. Bà không nhích được tay chân. Bà cố mở mắt. Vợ chồng Mười Cảnh, Út Lung, Hai Sơn Chủ tịch xã, Sáu Lùn phụ nữ đều có mặt. Thì ra bà đang nằm bệnh viện.

Người ta đã đưa bà vô đây. Nhìn thấy mọi người, bà cố sức nói: “Tui gặp thằng Rô rồi! Nó về thăm tui. Nó nói có gặp ba nó nữa!”

Bà nghỉ mệt, rồi cố thều thào: “Chừng nào tui chết, mấy em nhớ để cho thằng Rô bộ đồ tang, khi nó về có mà bận cho nó đỡ tủi”. Nói xong, bà lại thiếp đi và không bao giờ tỉnh dậy nữa. Bà đã ra đi với niềm tin không gì lay chuyển nổi là thằng Rô con bà vẫn còn sống.

Kính tặng các Mẹ liệt sĩ xã anh hùng Trường Long Hòa

TRẦM NGUYÊN Ý ANH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh