Mấy suy nghĩ về thờ cúng tổ tiên, ông bà

11:04, 23/04/2019

Sự hình thành các đồng bằng châu thổ ở nước ta trong quá trình vận động của tự nhiên cùng với bàn tay cải tạo của con người, đã hình thành nên nền văn minh lúa nước. 

 

Dâng cúng phẩm vật và các loại bánh truyền thống trong ngày Quốc Giỗ Hùng Vương. Ảnh: TL
Dâng cúng phẩm vật và các loại bánh truyền thống trong ngày Quốc Giỗ Hùng Vương. Ảnh: TL

Sự hình thành các đồng bằng châu thổ ở nước ta trong quá trình vận động của tự nhiên cùng với bàn tay cải tạo của con người, đã hình thành nên nền văn minh lúa nước.

Nền văn minh này đặc biệt gắn liền với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên ông bà, trải qua hàng ngàn năm nay luôn được giữ gìn từ trong mỗi gia đình, cho đến cộng đồng làng xã và cao hơn là Quốc Tổ Hùng Vương. Đó là điểm khác biệt với một số nền văn minh nông nghiệp của các nước khác khu vực Đông Nam Á và một số nước Châu Á.

Từ Đồng bằng Bắc Bộ nằm giữa núi và biển, chỉ chiếm một phần năm diện tích đất đai, nhưng lại có tầm quan trọng lớn hơn nhiều, vì từ buổi đầu bình minh lịch sử đã trở thành trung tâm của nền văn minh.

Châu thổ sông Hồng là nơi dân tộc Việt Nam được nhắc đến từ thế kỷ III trước Công nguyên. Chính từ đây, cuộc Nam tiến vĩ đại đã đưa dân tộc từng bước định cư dọc theo bờ biển tới tận vùng đất bằng phẳng phì nhiêu của hạ nguồn sông Mekong vào cuối thế kỷ XVII.

Ngạn ngữ quen thuộc dân Việt ví von hai miền châu thổ Bắc- Nam nối nhau bởi dải đất chật hẹp miền Trung, tựa hai thúng gạo ở hai đầu đòn gánh bằng tre trên vai nông dân Việt Nam.

Nền nông nghiệp này được sử liệu ghi nhận rõ nét ngay từ thời Vua Hùng đầu tiên dựng nước Văn Lang, khi đã tập hợp được các bộ tộc và phát triển một nền nông nghiệp kết hợp với việc đốt cỏ làm ruộng và dẫn nước vào ruộng.

Đây có thể xem là bước tiến nhảy vọt hình thành nên nền văn minh, văn hóa lâu đời của dân tộc. Và cũng chính từ thời Vua Hùng, dân ta lớn nhỏ ai cũng đều biết, đều nằm lòng sự tích bánh giầy, bánh chưng; cũng chính là ngợi ca nền văn minh lúa nước, tôn vinh hạt gạo nếp nuôi sống con người, sau giai đoạn săn bắt hái lượm thời nguyên thủy.

Nhưng từ Nhà nước Văn Lang còn đặt kinh đô trong vùng trung du, đến thời An Dương Vương đã trở thành một quốc gia hùng mạnh có đội quân chuyên nghiệp, thì kinh đô Âu Lạc được thiết lập ngay tại đồng bằng.

Nhà nước hùng mạnh này dựa trên nền tảng sự phát triển mạnh mẽ nền nông nghiệp có một bước tiến vượt bậc so với trước, đây là thời kỳ: “Dân Việt đã biết sử dụng nước lên, nước xuống theo thủy triều để làm ruộng”. Sự phát triển nông nghiệp ở trình độ cao, giúp cho Vua An Dương Vương xây dựng công trình vĩ đại thời bấy giờ là thành Cổ Loa sử dụng hơn 2 triệu mét khối đất.

Dẫn lại một số sử liệu chính thống cùng một số truyền thuyết, sự tích của dân tộc để thấy rằng, ngay từ buổi đầu bình minh lịch sử và cả một tiến trình hàng ngàn năm, nền văn minh lúa nước đóng vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống vật chất, tinh thần của dân tộc.

Do đó, mà mọi nghi thức thờ cúng quan trọng nhất trong vòng đời của người Việt đối với người sống cũng như người đã khuất đều gắn liền với gạo nếp.

Mà biểu trưng cao nhất là hình ảnh bánh chưng, bánh giầy; dù cho có thay đổi về hình dạng, tên gọi đối với người Nam Bộ, thì bản chất vẫn là gạo nếp.

Nền văn minh lúa nước biểu hiện ngay trong cách tính tuổi của người Việt Nam, cũng như những lễ cúng đầy tháng, thôi nôi cũng đều gắn với chè, xôi. Ngay ở đất nước phát triển hiện đại như Nhật Bản, những nghi thức truyền thống họ vẫn gắn liền với gạo nếp, như bánh O Mochi (bánh nếp) là không thể thiếu.

Như vậy, trong truyền thống người Việt Nam, có kỷ niệm ngày sinh, ngày mất (tính theo âm lịch) đều gắn với gạo nếp, xôi chè; trong quá trình giao lưu tiếp nhận những giá trị văn hóa mới, chúng ta có tổ chức sinh nhật và gắn liền với chiếc bánh kem hay còn gọi là bánh gato. Ngày nay, bánh kem trở thành thông dụng và không thể thiếu dịp sinh nhật, tiệc cưới hỏi…

Nhưng bánh kem chắc hẳn là không thể thay thế được bánh chưng, bánh giầy hay bánh tét, bánh ít trong ngày giỗ, ngày tết của người Việt; trong đó, có ngày giỗ chung của dân tộc là Quốc Giỗ.

Người lớn trong một gia đình phải biết nhớ kỹ điều này, để việc tổ chức lễ giỗ cúng tổ tiên, ông bà cho đúng ý nghĩa, vừa để con cháu cùng noi theo nếp đó mà làm cho đúng và giữ gìn một nét đẹp trong đời sống văn hóa, tinh thần của dân tộc ta.

NGỌC TRẢNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh