Nét mới của Festival Nghề truyền thống Huế 2019 là việc tổ chức không gian giới thiệu những làng nghề, cơ sở sản xuất với những sản phẩm độc đáo lần đầu tham gia trưng bày.
Nét mới của Festival Nghề truyền thống Huế 2019 là việc tổ chức không gian giới thiệu những làng nghề, cơ sở sản xuất với những sản phẩm độc đáo lần đầu tham gia trưng bày.
Du khách tham quan, mua sắm các sản phẩm làng nghề. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN) |
Festival Nghề truyền thống Huế lần thứ 8 năm 2019 với chủ đề "Tinh hoa nghề Việt" diễn ra từ 26/4-2/5 có hơn 350 nghệ nhân từ 60 đơn vị thuộc 40 làng nghề, cơ sở nghề trong cả nước, đông nhất từ trước đến nay.
Bên cạnh đó, còn có sự tham gia rất đông của 69 nghệ nhân đến từ 11 quận, thành phố, hiệp hội của Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc, Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ với những sản phẩm làng nghề truyền thống đặc trưng.
Không gian giới thiệu sản phẩm truyền thống
Nét mới của Festival Nghề truyền thống Huế 2019 là việc tổ chức không gian giới thiệu những làng nghề, cơ sở sản xuất với những sản phẩm độc đáo lần đầu tham gia trưng bày như không gian tôn vinh nghệ nhân và làng nghề, không gian sen, không gian lụa và thổ cẩm, không gian áo dài, không gian lồng đèn, diều, không gian giới thiệu sản phẩm truyền thống của các thành phố quốc tế...
Không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm, tôn vinh nghệ nhân và làng nghề trong và ngoài nước được tổ chức tại đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu kết nối với công viên Tứ Tượng và Bảo tàng Văn hóa Huế (bên bờ sông Hương) với 39 nhà rường, nhà tre đã được dựng lên. Mỗi không gian là một câu chuyện về nghề, giới thiệu sản phẩm thủ công truyền thống mang dấu ấn Việt cũng như sự hội nhập quốc tế.
Lần đầu tham gia Festival Nghề truyền thống Huế 2019, không gian giới thiệu ngành y học cổ truyền vốn là đặc trưng của Huế.
Không gian trưng bày tổ chức tại Trung tâm Phật giáo Liễu Quán, giới thiệu đến người xem những tư liệu, hiện vật, hình ảnh về tổ chức, sinh hoạt của nghề Đông y Huế xưa và nay. Trong đó có phần giới thiệu các hình ảnh, tư liệu liên quan đến Thái Y Viện, những ngôi làng có nhiều ngự y, các vị lương y nổi tiếng, các dụng cụ được sử dụng trong ngành Đông y, như tủ thuốc, các bài thuốc, vị thuốc, dụng cụ sắc thuốc, bào chế thuốc, những cây thuốc Nam...
Hoạt động này giúp người xem khái quát đặc điểm truyền thống, nét tinh hoa của ngành Đông y Huế, đồng thời tôn vinh những đóng góp của các lương y, các dòng họ y gia, các cơ sở khám chữa bệnh Đông y trong chăm sóc sức khỏe nhân dân; bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị tinh hoa của một nghề truyền thống đáng tự hào của vùng đất cố đô Huế. Đặc biệt, ở đây, còn có hình thức tổ chức cho các thầy thuốc đông y khám chữa bệnh và trình diễn tài năng.
Tại Festival Nghề truyền thống Huế 2019 giới thiệu may áo dài - vốn là nghề truyền thống lâu đời của Huế và dịch vụ may áo dài nhanh. Hướng chủ đạo của nghề này là tôn vinh chất liệu truyền thống, đẩy lùi tơ lụa giả.
Không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm lụa từ tơ cây sen của nghệ nhân đến từ Hà Nội. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN) |
Theo nhà thiết kế Viết Bảo, tác giả đã mang đến 30 mẫu áo dài thiết kế ấn tượng tham gia Festival Nghề truyền thống Huế 2019. Đây là câu chuyện về một thời vàng son được nhà thiết kế kể một cách sinh động, bắt mắt trên dáng áo dài Việt Nam với dòng vải lụa quý thượng phẩm của làng nghề Việt Nam, thể hiện sự tự hào về bản sắc văn hóa, tình yêu quê hương đất nước trong tâm hồn người nghệ sỹ.
Nhà thiết kế Viết Bảo cho rằng một trong những di sản nổi bật của Huế là mỹ thuật triều Nguyễn. Trong đó vẻ đẹp của nghệ thuật điêu khắc trang trí trên kiến trúc Hoàng thành Huế có dấu ấn rõ nét được tác giả vận dụng tinh tế để điểm xuyến trên tà áo dài.
Trên các mẫu thiết kế là hoa văn trang trí từ các linh vật cho đến các kiểu thức hoa lá có sẵn trong thiên nhiên hay các biểu tượng trừu tượng như mây, mưa... được cách điệu thành hoa văn trang trí.
Điều ấn tượng nhất là từ những vốn cổ sẵn có, nhà thiết kế cùng đội ngũ nghệ nhân chắt lọc và "triển lãm" những hình ảnh mỹ thuật tinh tế trên trên những tấm lụa tơ tằm tự nhiên thượng hạng của Bảo Lộc (Lâm Đồng). Lụa ở đây được người dệt chăm chút cẩn thận từng chi tiết nhỏ từ lúc chăn tằm cho tới ươm tơ dệt vải.
Ngoài kỹ thuật thêu truyền thống, nhà thiết kế Viết Bảo cho biết anh chú trọng khai thác công nghệ in trên tơ tằm tiên tiến để chuyển tải vẻ đẹp của tà áo dài truyền thống. Đồng thời, qua bộ sưu tập lần này, nhà thiết kế Viết Bảo muốn tôn vinh chất liệu lụa truyền thống của làng nghề Việt Nam, xóa bỏ những chất liệu không nguồn gốc, vải giả tơ lụa đang trà trộn trên thị trường, đánh lừa người tiêu dùng.
Lần đầu tiên xuất hiện tại Festival nghề truyền thống Huế 2019, không gian Lễ hội Hoa làng nghề mang lại nhiều nét thú vị, trở thành điểm nhấn ấn tượng, độc đáo, hấp dẫn tại Festival Nghề truyền thống Huế 2019.
Không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm làng nghề làm mõ của Thừa Thiên-Huế. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN) |
Để thực hiện không gian này, Doanh nghiệp tranh thêu XQ đã dành gần một tháng để thực hiện, trong đó có hàng nghìn chậu hoa nhiều sắc màu được mang về từ Đà Lạt, được chăm sóc, bảo quản rất công phu, chu đáo trong điều kiện thời tiết ở Huế mùa này rất nóng.
Ông Võ Văn Quân, Tổng Giám đốc XQ, cho biết không gian Lễ hội Hoa làng nghề tại Festival nghề truyền thống Huế 2019 vừa mang tính nghệ thuật và nhân văn, càng tôn thêm vẻ đẹp cho không gian trình diễn nghề tại các tuyến phố này.
Trong không gian này, các nghệ sỹ còn thực hiện tác phẩm sắp đặt có tên "Ngõ cụt" với chất liệu chủ đạo từ là những tác phẩm làm từ lốp cao su phế thải - của tác giả Nguyễn Văn Phúng (Nha Trang, Khánh Hòa).
Một góc khác có tên "Phụ nữ trong nội thất," trưng bày những bức tranh thêu của XQ, sản phẩm từ lụa tơ tằm thiên nhiên Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng. Ở đây còn có chương trình "Ẩm thực của bà" nhằm đề cao tài nội trợ của người phụ nữ, tôn vinh những người mẹ, người chị, người vợ tinh tế... góp phần nuôi dưỡng sự khao khát về sự trở lại của bản thân con người, bảo vệ gia đình và không thể khác, các làng nghề muốn hồi sinh cũng cần có những cơ sở như thế.
Không gian Lễ hội Hoa làng nghề còn có không gian trưng bày hàng thủ công mây tre đan và đồ gốm sứ Hương Sa, được chế tác từ làng gốm Bát Tràng, Hà Nội. Đây lần đầu tiên các tác phẩm gốm Hương Sa được trưng bày ở Festival nghề truyền thống Huế...
Hồi sinh, phát triển các ngành nghề truyền thống Huế
Đặc biệt, lần đầu tiên tham gia Festival nghề truyền thống Huế 2019, Hiệp hội thợ thủ công thành phố Namyangju, tỉnh Gyeonggi, giới thiệu với công chúng và khách du lịch các sản phẩm thủ công khảm xà cừ và sơn mài truyền thống với gần 20 loại sản phẩm khác nhau như hộp trang sức, hộp tài liệu, trâm cài áo, bình gốm... được kết hợp giữa phương pháp truyền thống và kỹ thuật sản xuất hiện đại.
Đến với Festival nghề truyền thống Huế 2019, ba thành phố của Nhật Bản là Takayama, Sasayama và Saijo cũng đã giới thiệu đến công chúng nhiều sản phẩm nghề độc đáo như gốm, sơn mài, điêu khắc...
Ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Huế, Trưởng Ban Tổ chức Festival, khẳng định Festival nghề truyền thống Huế mới đi được nửa chặng đường, nhưng theo đánh giá chung của lãnh đạo thành phố, cứ mỗi kỳ tổ chức thành công đã góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu xây dựng thành phố Huế xứng đáng là thành phố Văn hóa ASEAN, thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam.
Hiệu quả của lễ hội mang lại những tác động tích cực đến sự hồi sinh và phát triển của các ngành nghề truyền thống Huế. Đến với Festival nghề truyền thống Huế năm 2019, ngoài các nghệ nhân trong và ngoài nước tham gia, các nghệ nhân ở Huế đã tạo được nhiều mẫu thiết kế sản phẩm đa dạng, có ý thức và tập trung nhiều hơn cho việc sáng tác, sản xuất các sản phẩm quà tặng, lưu niệm phục vụ nhu cầu của du khách; đồng thời, thu hút được sự tham gia của các họa sỹ trong việc sáng tác, thiết kế các mẫu hàng lưu niệm thủ công mỹ nghệ Huế.
Đáng chú ý, các nghề và làng nghề truyền thống ở địa phương có nhiều triển vọng hồi sinh, phát triển rõ rệt sau mỗi kỳ tổ chức Festival nghề truyền thống Huế, cụ thể như: Nghề Pháp lam; nghề chế tác nhà rường; nghề may (may áo dài truyền thống); làng nghề đúc đồng Phường Đúc với các sản phẩm lư, chuông, tượng, hàng mỹ nghệ lưu niệm; nghề thêu tranh ở phố Phan Đăng Lưu, Hùng Vương, Phạm Ngũ Lão, Chu Văn An, tranh thêu XQ; tranh làng Sình; nón lá Mỹ Lam; gỗ mỹ nghệ Mỹ Xuyên; gốm Phước Tích; hoa giấy Thanh Tiên; giấy Trúc chỉ.
Festival Nghề truyền thống Huế 2019 còn gắn kết, tăng cường mối quan hệ liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, gắn các sản phẩm nghề truyền thống với du lịch, với thị trường tiêu thụ trong nước và quốc tế.
Festival Nghề truyền thống Huế 2019 tiếp tục có các hoạt động Lễ tế tổ bách nghệ, lễ rước; Lễ hội áo dài; Lễ hội ẩm thực và các hoạt động văn hóa cộng đồng hấp dẫn, sôi động như Lễ hội khinh khí cầu quốc tế, Liên hoan sắc màu tuổi thơ, hoạt động triển lãm nghệ thuật và các chương trình biểu diễn nghệ thuật dành cho giới trẻ nhằm tạo tính tương tác với cộng đồng, hứa hẹn mang lại ấn tượng sâu sắc trong lòng công chúng, và khách du lịch.../.
Theo Quốc Việt (TTXVN/Vietnam+)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin