Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, mũi binh vận được tiến hành song song cùng mũi chính trị và vũ trang, hình thành 3 mũi giáp công. Có nơi, binh vận trở thành mũi nhọn, quyết định mọi thắng lợi trên chiến trường.
Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, mũi binh vận được tiến hành song song cùng mũi chính trị và vũ trang, hình thành 3 mũi giáp công. Có nơi, binh vận trở thành mũi nhọn, quyết định mọi thắng lợi trên chiến trường.
Ông Nguyễn Ký Ức cho rằng, binh vận thắng địch không phải bằng súng bằng gươm, mà “đem đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cho cường bạo”, từ đó hạn chế được tiêu hao sinh lực. |
Binh vận trong lòng địch
Theo lời kể của ông Nguyễn Ký Ức- nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long, trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, đồng chí Chín Hoài (Ban Binh vận Quân khu) cải trang thành dân Sài Gòn về quê ăn tết, qua mắt nhiều tên tình báo gián điệp để đột nhập vào nhà xã trưởng Thường, vận động người này giác ngộ lý tưởng và trở về với cách mạng.
Khi xây dựng được cơ sở nội tuyến, đồng chí Chín Hoài tiếp tục đề nghị xã trưởng Thường chỉ đạo viên cảnh sát tên Vĩnh cho lính “án binh bất động”, tạo điều kiện thuận lợi để địa phương quân huyện Châu Thành đột nhập, tấn công đồn cảnh sát ở bến phà Mỹ Thuận.
Khi tiếng súng tiến công đồng loạt vang lên từ sân bay và thị xã, đồng chí Chín Hoài thông qua xã trưởng Thường lôi kéo cảnh sát Vĩnh kêu gọi 4 trung đội dân vệ đóng ở 5 đồn buông súng trở về với nhân dân. Xã Tân Hòa được giải phóng là nhờ công tác binh vận khéo léo, tài tình giúp ta làm chủ cửa ngõ phía Tây để tiến vào thị xã.
Sau sự kiện này, địch chuyển hướng từ chiếm đóng dàn trải chuyển sang co cụm thành đồn cứng trong nông thôn sâu, mục tiêu là để đối phó với các phong trào cách mạng ở địa phương. Mỗi đồn có từ 1 trung đội đến 1 đại đội, những nơi quan trọng chúng bố trí cả tiểu đoàn bảo an.
Trong hoàn cảnh khó khăn đó, ông Nguyễn Ký Ức đã “tìm ra ánh sáng từ trong bóng tối”. Đó là mô hình vận dụng chiến thuật bao vây đánh lấn, có pháo đài chiến hào, kết hợp 3 mũi giáp công bứt diệt đồn bót cứng trong sâu.
Tuyến sông Ngãi Tứ được chọn làm điểm mở màn, đồn Bình Phú là điểm đột phá. Thời điểm này, đại đội phòng thủ bảo vệ Tỉnh ủy có hơn 20 tay súng là đơn vị chủ công, kết hợp du kích, trinh sát và nhân dân xã Ngãi Tứ, được đồng chí Mười Quẹo (Tỉnh đội phó) chỉ huy.
Cuối năm 1974, đội vũ trang tỉnh do đồng chí Mười Rua chỉ huy, kết hợp du kích xã Hòa Hiệp chốt chặn các đồn, sau đó đưa gia đình vào vận động binh lính quy hàng cách mạng. Tuy nhiên, có 1 tên trưởng đồn vì gây nhiều tội ác với nhân dân và sợ bị trả thù nên cố thủ không chịu giao nộp vũ khí.
Lúc này, một phụ nữ xung phong đứng lên thay mặt bà con dõng dạc nói: “Có Mỹ xâm lược mới có bọn tay sai bán nước, gây cảnh nồi da xáo thịt, cốt nhục tương tàn.
Dù bất cứ ai có lỡ lầm cầm súng cho giặc bắn giết lại bà con xóm làng mình mà biết ăn năn hối lỗi, quay súng lập công trở về với nhân dân sẽ được cách mạng khoan hồng, gia đình bảo lãnh, bà con tha thứ.
Không có bà mẹ sông Măng hiền hòa nào lại muốn có bà mẹ nào khác nữa mất con”. Nghe xong, tên trưởng đồn cúi đầu xin hàng và giao nộp vũ khí.
Binh vận góp phần thắng lợi mùa Xuân 30/4
Theo ông Mai Thế Chiến- Trưởng Ban liên lạc Binh vận tỉnh Vĩnh Long, tuy công tác binh vận đã góp phần to lớn trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, nhưng một số nơi vì thời cơ và điều kiện không thuận lợi nên liên lạc giữa bộ đội và các cơ sở nội truyến bên trong bị “gãy”.
Đó là bài học to lớn để ta tổ chức lại các đường dây hoạt động binh vận bài bản hơn, đóng góp to lớn hơn vào Chiến thắng Mùa Xuân 1975.
Theo ông Nguyễn Ký Ức, khi có quyết định của cấp trên cho phép giải phóng TX Vĩnh Long vào đêm 30/4/1975, lực lượng ta nhanh chóng tập trung về các địa điểm tập kết với tư thế sẵn sàng cho trận quyết chiến cuối cùng. Từ 16 giờ chiều 30/4, Chi khu Tam Bình, Trà Ôn, Vũng Liêm cùng nhiều chi khu khác lần lượt quy hàng cách mạng.
Tối hôm đó, từ hướng sân bay, có một trung úy là cơ sở nội tuyến của ta hướng dẫn một bộ phận của Tiểu đoàn 857 thọc sâu vào trung tâm sân bay, khống chế tên chỉ huy là đại tá Thăng, buộc hắn phải ra lệnh cho binh lính quy hàng quân giải phóng.
Cùng với áp lực của cánh vũ trang, binh vận cũng tăng cường sức ép, trước tình thế không còn lối thoát, buộc Tỉnh trưởng Vĩnh Long phải đầu hàng. TX Vĩnh Long được giải phóng trong đêm, nhân dân treo cờ, hò reo, nhộn nhịp xuống đường chào mừng đất nước giải phóng.
Tổng kết lại công tác binh vận trong 2 cuộc kháng chiến, ông Nguyễn Ký Ức khẳng định: Có nhiều trường hợp binh vận trở thành mũi nhọn trong 3 mũi giáp công, quyết định mọi thắng lợi trên chiến trường.
Có những tình huống mà binh vận chuyển bại thành thắng, biến không thành có. Binh vận xây dựng quân ngầm, hình thành trận tuyến trong lòng địch, dùng “gậy ông đập lưng ông”, gây bất lợi cho địch mà chúng không làm sao chống đỡ được.
Bài, ảnh: NGUYỄN THỊNH- TRƯỜNG CHINH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin