Mọi người nhanh chóng và vội vàng tăng tốc trên những chiếc xe. Tất cả hối hả, vội vàng, không ai chú ý đến người xe ôm già trên chiếc xe cũ kỹ nơi góc cuối đường.
Trời mỗi lúc một tối. Mây từ đâu ầm ập kéo tới. Gió thổi lạnh.
Mọi người nhanh chóng và vội vàng tăng tốc trên những chiếc xe. Tất cả hối hả, vội vàng, không ai chú ý đến người xe ôm già trên chiếc xe cũ kỹ nơi góc cuối đường.
Tranh minh họa: Trần Thắng (TP Vĩnh Long) |
Ông co ro trong manh áo cũ, nép sát vào bức tường của căn nhà ven đường. Dường như ông cũng muốn hòa vào dòng người vội về nhà ấy lắm, nhưng ánh mắt vẫn dõi ra xa như trông đợi, như tìm kiếm một vị khách hiếm hoi đi cuốc xe cuối ngày. Nhìn ông lúc ấy, khắc khổ, bé nhỏ, cô đơn như một cây cổ thụ già cằn cỗi.
Từ cánh cổng của công ty thương nghiệp đầu đường, một bóng người chạy nhanh ra đường, anh ta mặc comple bảnh bao, nhìn dáo dác hai bên đường, dáng vẻ rất gấp vội. Nhìn thấy bóng ông xe ôm già, anh ta vẫy gọi rối rít:
- Xe ôm, xe ôm...
Người xe ôm rất vui mừng vì cuối cùng đã có được khách, vội vàng chạy đến trong cái lạnh của ngọn gió chuyển mưa.
- Đi đến 17, Chu Văn An nghe ông già!
- Ừ, ừ…
- Nhanh lên, đang gấp, trễ hết công chuyện của người ta.
Người xe ôm bối rối nhưng cũng vội vàng quay ra theo hướng đường Chu Văn An mà người khách yêu cầu. Ông bất ngờ và bối rối không phải vì lần đầu tiên ông chở một người khách sang trọng như vậy, cũng không phải vì ông vui mừng vì có một vị khách sộp cuối ngày.
Ông thảng thốt giật mình và ngỡ ngàng vì mình đã và đang chở người khách đặc biệt- Tuấn, người học trò cũ mà mình từng rất yêu thương và giúp đỡ rất nhiều, một đứa học trò mà ông không thể quên được.
Lúc nãy, trong ánh đèn đường vàng vọt, yếu ớt, ông đã nhận ra cậu học trò cũ ấy. Vẫn gương mặt góc cạnh rắn rỏi, vẫn mái tóc xoăn xoăn, vẫn cái dáng cao cao mảnh khảnh. Bất ngờ quá, ông chưa kịp gọi một tiếng Tuấn ơi.
Ngày ấy, ở ngôi trường cấp hai vùng ven, có một thầy giáo mới chuyển về. Thầy rất gần gũi và yêu thương học trò, nhất là những học trò của lớp thầy chủ nhiệm.
Trong lớp ấy, thầy đặc biệt chú ý tới Tuấn, đứa học nghiêm nghị, ít nói, lúc nào cũng chỉ ngồi trong lớp một cách ngoan ngoãn dù rằng đó đang là giờ ra chơi. Có lần, thầy hỏi Tuấn, Tuấn chỉ bẽn lẽn và nhẹ nhàng trả lời:
- Em không thích ra sân chơi, em chỉ muốn ngồi trong lớp thôi thầy à.
- Ra chơi với các bạn cho vui đi em!
- Dạ, thôi, em ở trong lớp được rồi thầy ơi.
- Ừ, ừ…
Lúc ấy, thầy chỉ nghĩ Tuấn không thích các trò chơi vận động ngoài sân, em chỉ muốn ở trong lớp. Thầy cũng không nghĩ nhiều đến chuyện ấy nữa, cho đến một ngày... Hôm ấy, thầy cho cả lớp làm bài tập làm văn với đề bài là hãy kể về một kỷ niệm xúc động nhất của em.
Lúc đi quanh lớp xem các em làm bài, đi ngang qua bàn của Tuấn, thấy vai em run run, nghe một vài tiếng nấc nho nhỏ, thầy chỉ nghĩ rằng Tuấn đang xúc động khi kể về kỷ niệm của mình. Chỉ vậy, thầy chỉ nhẹ nhàng đặt tay lên vai em, như để trấn an, như chia sẻ.
Tuấn quay lại nhìn thầy với ánh mắt biết ơn và buồn mông lung. Ánh mắt ấy cứ làm thầy nhớ mãi, để rồi khi về nhà, chưa cơm nước gì hết, thầy vội lấy bài của Tuấn ra xem. Trang bài làm bị nhòe nhiều chỗ, chắc là do nước mắt, thầy chợt thấy nao nao lòng và cay cay khóe mắt...
“Từ nhỏ tới giờ, em đã có nhiều lần xúc động, nhưng chưa bao giờ em thấy mình khóc nhiều đến thế khi đọc lá thư của ba em gửi lên cho em khi em ra trường cấp hai học ở ngoài huyện.
Lá thư của ba em chỉ vẻn vẹn có vài dòng, được dì Tám đi chợ huyện đem ra cho em, em đã khóc hết một buổi chiều và đọc đến thuộc từng dấu chấm, dấu phẩy
“... Ty con
Tía nè con. Hổm gày, con phỏe hông? Học phó hông? Bạn bè có bi nhiu đứa lận?
Bay ga guyện gùi, má bay phóc goài, tía cũng phóc goài
Lo học hen Ty, tía má lo cho bay nhìu hen
Hông dìa nhà nghe, lo mừ học hen.
Hông là tía buồn, tía guýnh hen bay
Tía nè…”…
Ba em là nông dân, chỉ biết có mấy chữ. Hàng ngày, từ sáng sớm, ba em đã ra ruộng rồi. Chắc là nhớ em lắm, thương em lắm, muốn em biết tin tức ở nhà lắm thì ba em mới viết lá thư này.
Nào tới giờ, em chưa bao giờ thấy ba em viết thư. Để viết được mấy dòng đó cho em, chắc là ba em phải bắt thằng nhỏ em trai em đánh vần, rồi mày mò cả buổi mới viết được. Lá thư làm cho em nhớ đến mái nhà lá xác xơ, nhớ dáng cha lọ mọ, lòng còng trên thửa ruộng của gia đình.
Em cũng nhớ dáng mẹ tảo tần nấu cơm, dọn dẹp trong ngoài nhà. Thằng em trai chắc một buổi đi học, một buổi đi bắt ốc...
Quê nhà gần lắm mà cũng xa lắm. Khi em ra huyện học cấp hai với dì em, ba má em đã dặn là khi nào học giỏi mới được về nhà, học mà không giỏi thì đừng có về.
Cho em ra huyện học, cha em phải vất vả hơn nhiều, mẹ em cũng phải tiết kiệm hơn nhiều, thằng em trai chắc là không được mua đồ mới để đi học. Em thương ba mẹ lắm, nhớ thằng em Tũn nữa, em sẽ phải cố gắng, em sẽ phải học thật giỏi cho ba mẹ vui, cho Tũn tự hào.
Sách vở dì Hai cho, em sẽ thật kỹ lưỡng, sẽ không gạch xóa, làm dơ để cho sau này thằng Tũn học. Bộ quần áo mẹ mua cho hồi đầu năm học, em sẽ giữ thật kỹ, không chạy nhảy, không dây bẩn, vì em chỉ có một bộ đồ này, nếu làm hư, mẹ sẽ phải mua đồ mới cho em, khạp gạo ở nhà sẽ lại lưng đi.
Em muốn chơi, muốn chạy nhảy với các bạn lắm, nhưng em sẽ cố gắng học, sẽ tập trung học cho ba má em hài lòng, để có được điểm 9, điểm 10 về khoe với mọi người ở quê.
Lá thư của ba em, em sẽ trân trọng và gìn giữ kỹ lưỡng. Em sẽ lấy nó làm niềm an ủi, động viên mình cố gắng. Ba ơi, con sẽ làm như ba dặn, sẽ học giỏi, sẽ ngoan, ba yên tâm nha ba”.
Đọc xong bài làm, thầy dựa lưng vào tường, tay vội quệt đi giọt nước mắt. Thì ra là vậy, thầy đã hiểu tại sao Tuấn chỉ ngồi trong lớp, tại sao em ấy không bao giờ đi chơi với các bạn, không bao giờ ăn một cái kẹo, cái bánh...
Chiều hôm ấy, thầy tìm đến nhà dì Hai của Tuấn, một căn nhà lá nhỏ xíu ở cuối xóm. Thầy mang đến cho em vài cuốn tập, nói chuyện và tâm sự với em rất lâu.
Em đã khóc, thầy cũng thấy sống mũi cay cay. Từ đó, trong mấy năm em học cấp hai, thầy luôn là một người thầy, một người anh, giúp đỡ em trong học tập cũng như cuộc sống. Bài nào không hiểu, thầy tận tình giảng lại, mượn thêm sách cho em xem. Bạn nào trêu chọc em, thầy nhẹ nhàng nhắc nhở bạn đó, an ủi em.
Có những hôm, Tuấn bị ốm, không đi học được, thầy đã nhờ các bạn chép bài, rồi đem đến cho em. Đến những năm em ra tỉnh học cấp 3, thầy vẫn hỏi thăm tin tức của em, dõi theo từng bước em đi.
Mỗi năm một vài lần, về nhà, đi ngang trường cũ, em vẫn ghé thăm thầy giáo. Bẵng đi một thời gian rất lâu, thầy không được tin tức gì về em, chỉ nghe nói em đã đi học đại học, đi làm gì đó ngoài tỉnh...
Rất nhanh chóng, kỷ niệm như một thước phim quay chậm trong ký ức của người lái xe ôm, một ông giáo già có một người vợ đang bị bệnh nặng, chiều nào ông cũng ra tỉnh làm vài cuốc xe ôm để cải thiện thu nhập trước khi về nhà.
Ông không dám chạy xe ôm ở huyện vì sợ gặp người quen, người ta nói này kia... Tập vở của ông, ông gói lại, kín đáo để ở trước rổ xe để không ai biết ông là thầy giáo.
Tối nay, định mệnh run rủi cho ông gặp lại đứa học trò mà ông yêu quý sau bao năm xa cách, ông bất ngờ và bối rối, không biết nên làm sao và nói gì.
Tuấn ơi, em đã từng trải hơn, mạnh mẽ, cứng rắn hơn. Chắc em đã thành công lắm, nhìn bộ quần áo và phong thái của em là thầy biết. Tuấn ơi, em nhận ra thầy không em? Tuấn ơi...
- Lẹ lên ông già, lẹ lên!
- Từ từ thôi cậu, vậy là nhanh lắm rồi đó.
- Cái xe của tôi mà không dở chứng giữa chừng, tôi không phải đi xe ôm như vậy đâu. Cái xứ quỷ gì đâu mà xe ôm cũng không có nữa.
- Cậu à, trời sắp mưa, chạy nhanh nguy hiểm lắm.
- Nhiều chuyện quá, ông chạy nhanh nhanh cho tôi nhờ, tôi cho thêm tiền.
- Ừ, ừ…
- Lẹ đi!
Mỗi câu nói, người xe ôm già nghe mà như đứt từng đoạn ruột. Sao không nhận ra thầy vậy Tuấn ơi? Sao con không nhớ ra giọng nói của thầy? Tuấn ơi, trò nhận ra thầy cho thầy vui đi trò ơi.
Trời đổ mưa, cơn mưa đầu mùa đến thật nhanh. Người lái xe ôm già vẫn chạy xe, ông định dừng lại mặc áo mưa, nhưng tiếng gắt của người khách đã vang lên, ngăn ông lại:
- Đi đi ông già, sắp đến rồi, dừng lại làm gì? Đi lẹ dùm đi, tôi có buổi hẹn quan trọng.
- Ừ, ừ…
- Ừ gì mà ừ, lẹ lên ông già ơi, rồi tôi cho thêm tiền. Đi đi.
- Ừ, ừ…
Mặc kệ mưa gió, mặc kệ những giọt nước mưa đang thấm ướt bộ quần áo mỏng manh trên người, người lái xe ôm vẫn chạy. Ông chạy xe như để cậu không trễ buổi hẹn quan trọng của cậu học trò cũ. Ông chỉ nghĩ phải chạy nhanh, không thể để trễ hẹn của người khách, ông nào có nghĩ tới ông...
- Tới rồi, dừng lại đi ông già!
- Ừ, ừ…
- Nhiêu tiền?
- Bốn chục.
- Bốn chục hả? Cho ông năm chục luôn đó, khỏi thối. Ông già gặp hên rồi nghe, đi đi!
- Ừ, ừ…
Người khách vội vàng quay ngoắt, chạy vội vào căn nhà sang trọng, để lại người tài xế già đứng chết lặng. Nghe giọng nói, không nhận ra thầy cũng phải, nhưng giáp mặt nhau rồi, sao vẫn lạnh như người dưng vậy?
Cầm tờ tiền vô cảm trên tay, nghe cái lạnh của nước mưa thấm vào mình và những cơn gió se sắt thổi xung quanh, bất giác ông thấy trống rỗng, thảng thốt.
Giơ vội cánh tay theo phía có cái bóng đổ dài của người khách cuối ngày, ông chỉ còn biết nghẹn ngào kêu hai tiếng: Trò ơi...
Nguyễn Hồng Minh
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin