Nếu dự thảo Nghị định sửa đổi về cấp phép cho các cuộc thi sắc đẹp được thực hiện, việc lựa chọn đại diện Việt Nam đi thi quốc tế sẽ được kỹ lưỡng
Nếu dự thảo Nghị định sửa đổi về cấp phép cho các cuộc thi sắc đẹp được thực hiện, việc lựa chọn đại diện Việt Nam đi thi quốc tế sẽ được kỹ lưỡng.
Nổi cộm vấn đề cấp phép cho các cuộc thi sắc đẹp
Thông tin Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) lập Hội đồng tư vấn để xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi về lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật, trong đó vấn đề được dư luận quan tâm là việc cấp phép cho các cuộc thi sắc đẹp.
Cụ thể, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, thi người đẹp, người mẫu phải có:
Thông báo bằng văn bản về nội dung chương trình biểu diễn đến Sở VHTT&DL hoặc Sở VH&TT nơi tổ chức biểu diễn trong thời hạn ít nhất 5 ngày làm việc trước ngày tổ chức; Thực hiện đúng các quy định của pháp luật về quyền tác giả và quyền liên quan…
Lê Âu Ngân Anh trong trang phục dân tộc tại Hoa hậu Liên lục địa 2018. |
Theo dự thảo này, Cục NTBD sẽ công bố danh sách khoảng 10 cuộc thi hoa hậu lớn nhất, uy tín và lâu năm trên thế giới/khu vực để các người đẹp Việt Nam tham gia. Dự thảo cũng đề xuất trong nước chỉ có một cuộc thi mang tên Hoa hậu Việt Nam hàng năm.
Từ cuộc thi này sẽ chọn ra Top 5 hoặc Top 10 để tham gia các cuộc thi lớn trên thế giới theo danh sách của Cục NTBD.
Cũng trong dự thảo mới, Cục NTBD sẽ phân chia chi tiết cuộc thi trong nước và quốc tế. Bộ VHTT&DL sẽ cấp phép cho cuộc thi cấp quốc gia và danh hiệu là hoa hậu.
Các cuộc thi khác sẽ phân theo khu vực với số lượng cuộc thi giới hạn. Với các cuộc thi sắc đẹp trong nước, Cục dự thảo theo hướng khoanh vùng, phân cấp các cuộc thi địa phương, chỉ cấp phép cuộc thi hoa hậu quốc tế tại Việt Nam hoặc cuộc thi cấp quốc gia (dự kiến 5 cuộc thi lớn).
Đối với các cuộc thi do các đơn vị tổ chức, công ty tổ chức tại địa phương nào thì địa phương đó cấp phép quản lý. Giấy phép này không nhất thiết phải do Cục NTBD cấp, có thể là địa phương quản lý cấp.
Phương án khác là chỉ cấp phép cho thí sinh tham gia một số cuộc thi quốc tế lớn với tư cách đại diện Việt Nam. Những cuộc thi nhỏ khác, những ai đủ điều kiện của ban tổ chức có thể tự do tham dự với tư cách cá nhân.
Ông Nguyễn Quang Vinh - Cục trưởng Cục NTBD, cho biết: "Thực tế hiện nay Việt Nam phát triển khá mạnh mẽ về các cuộc thi sắc đẹp, người mẫu. Chính sách của Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia hoạt động biểu diễn theo quy định pháp luật.
Hầu hết các cuộc thi này không sử dụng ngân sách nhà nước, là các hoạt động xã hội hóa, vì vậy, theo tôi, không nên cấm nếu họ không vi phạm pháp luật.
Dự thảo Nghị định chỉ đưa ra quy định, định mức kỹ thuật để các địa phương, các cơ quan quản lý nhà nước căn cứ vào đó để điều hành, quản lý".
Không có chuyện “loạn”, mạnh ai nấy thi
Trước vấn đề cấp phép cho các cuộc thi sắc đẹp, với quan điểm là một người đào tạo người đẹp và đưa các thí sinh tham dự các cuộc thi lớn trên đấu trường sắc đẹp quốc tế, chuyên gia Phúc Nguyễn cho rằng, hiện nay trên thế giới có quá nhiều cuộc thi về nhan sắc và ai cũng có thể tham gia, cho nên, việc phân loại ra cuộc thi nào nằm trong top những cuộc thi lớn thì cần được cấp phép hẳn hoi, đủ điều kiện đi thi theo dạng chính quy là cách sàng lọc hay nhất.
"Hiện nay có quá nhiều cuộc thi sắc đẹp, nếu bây giờ, bên cạnh những cuộc thi lớn, những cuộc thi nhỏ nhỏ cũng được cấp phép chính quy và khi cuộc thi kết thúc, thí sinh trở về Việt Nam, tất cả sẽ bị lẫn lộn vào nhau rồi xảy ra tình trạng người người đi thi, nhà nhà đi thi.
Cho nên việc phân loại như thế, với tư cách cá nhân, tôi rất ủng hội bởi vì vàng phải cho ra vàng, thau phải cho ra thau" - Chuyên gia sắc đẹp Phúc Nguyễn chia sẻ.
Trước câu hỏi, "Với những cuộc thi nhỏ, nếu đủ điều kiện của BTC, ai cũng có thể tham dự với tư cách cá nhân thì có xảy ra tình trạng "loạn" và quá tải không", anh Phúc Nguyễn bày tỏ, việc các thí sinh tự do tham dự tất nhiên sẽ xảy ra tình trạng bị loạn nhưng nếu phân loại rõ ràng và chỉ cấp phép cho những cuộc thi lớn, những hạn chế, nhập nhằng giữa các cuộc thi lớn nhỏ sẽ có khoảng cách, ranh giới khá xa và mọi người sẽ không bị nhầm lẫn.
Chuyên gia sắc đẹp Phúc Nguyễn cũng khẳng định, "Cuộc thi sắc đẹp quốc tế là định nghĩa rất chung chung, có những cuộc thi chỉ có vài nước tham gia rồi mười mấy, hai mươi người "đọ sắc" với nhau cũng được gọi là mang tầm quốc tế, như thế sẽ rất thiệt thòi và làm ảnh hưởng đến những cuộc thi lớn thu hút hơn 60, 70 quốc gia tham dự như Miss World, Miss Universe hay Miss Earth. Cho nên, việc sàng lọc như vậy trong thời gian này, tôi cho rằng là rất cần thiết".
Hoa hậu, Á hậu Việt Nam 2018. |
Biên đạo múa Tuyết Minh, thành viên Tổ Biên tập dự thảo Nghị định cho rằng, các cuộc thi Hoa hậu đều hướng tới quyền con người, tôn trọng con người nhưng tất cả đều phải tuân thủ theo pháp quyền, có trách nhiệm của một người công dân Việt Nam là bảo vệ cái đẹp chung, không vì tính cá nhân.
Trước câu chuyện làm sao để tránh tình trạng “mạnh ai nấy thi”, Biên đạo múa Tuyết Minh chia sẻ, chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận, việc quản lý người mẫu, người đẹp, thời trang hiện nay ở Việt Nam là khá phức tạp.
Trong dự thảo mới, Cục NTBD sẽ phân chia chi tiết cuộc thi trong nước và quốc tế. Bộ VHTT&DL sẽ cấp phép cho cuộc thi cấp quốc gia và danh hiệu là Hoa hậu.
Đồng thời, Biên đạo múa Tuyết Minh khẳng định, “Sẽ có những quy định về các cuộc thi trong nước và quy định cho các thí sinh tham dự thi quốc tế.
Quy định về các cuộc thi trong nước sẽ rất rõ ràng, còn đối với cá nhân tham gia các cuộc thi nước ngoài, đạt tiêu chuẩn thế nào, cái đấy chúng tôi vẫn đang tiếp tục nghiên cứu nhưng tôi chắc chắn, những quy định đó sẽ phù hợp với xu hướng của Thế giới và không có chuyện ‘loạn’ rồi mạnh ai nấy thi”./.
Theo VOV
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin