Những ngày qua, dư luận đặc biệt quan tâm việc chùa Ba Vàng ở Quảng Ninh truyền bá chuyện vong báo oán và gọi vong để giải nghiệp. Tại đây, mọi người được tuyên truyền rằng, ai cũng có thể bị vong bám theo hành hạ, quấy nhiễu và muốn tai qua nạn khỏi thì phải trả nợ cho vong bằng cách "công đức" vào chùa khoản tiền từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng.
Những ngày qua, dư luận đặc biệt quan tâm việc chùa Ba Vàng ở Quảng Ninh truyền bá chuyện vong báo oán và gọi vong để giải nghiệp. Tại đây, mọi người được tuyên truyền rằng, ai cũng có thể bị vong bám theo hành hạ, quấy nhiễu và muốn tai qua nạn khỏi thì phải trả nợ cho vong bằng cách "công đức" vào chùa khoản tiền từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng.
Chùa Ba Vàng (Ảnh: TTXVN) |
Những câu chuyện thương tâm gây rúng động xã hội thời gian gần đây bị lôi ra phân tích, lý giải theo hướng là quả báo từ việc gây ác nghiệp kiếp trước... Ðây không chỉ là sự mê muội trong thực hành tín ngưỡng mà còn cho thấy thực trạng đáng báo động việc lợi dụng tâm linh để trục lợi nơi thờ tự.
Mong muốn có cuộc sống bình yên, an lành, mọi sự được hanh thông là nguyện vọng chính đáng của bất cứ ai.
Gửi gắm những mong muốn đó vào niềm tin tâm linh đã trở thành phong tục. Song đáng nói là để thỏa mãn nhu cầu này, việc thực hiện một số nghi lễ tâm linh đang có chiều hướng biến tướng, thậm chí bị đẩy đi quá đà đến mức trở thành mê tín dị đoan, trong đó việc trả nợ vong kể trên là một thí dụ.
Theo đại diện Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam và nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, hoàn toàn không có việc gọi vong, trừ vong trong giáo lý nhà Phật.
Phật giáo giáo huấn con người sống hướng thiện, và chỉ con người mới có thể chuyển nghiệp, giải nghiệp nhờ tu thân, tích đức.
Do đó, việc thỉnh vong, gọi vong từ những kiếp trước lên để hóa giải mọi tai ách, bệnh tật cho kiếp này là đi ngược lại giáo lý nhà Phật. Ðã thế, lại lý giải những câu chuyện đau lòng trong cuộc sống hiện tại bằng những hành động phi thực từ nhiều kiếp trước thì đây là hành vi gieo rắc sự mê tín, cần bị lên án.
Thêm nữa, dù là thu tiền dưới dạng công đức vào nhà chùa thì việc dùng tiền để hóa giải nghiệp chướng cũng đã là biểu hiện của việc lợi dụng niềm tin tín ngưỡng, lợi dụng nỗi lo sợ của người khác để thu lời bất chính. Và đương nhiên, kéo theo đó là hàng loạt hệ lụy đáng lo ngại.
Không những phải chịu tiêu hao, mất mát tài sản, con người còn bị dẫn dụ vào cõi u mê, mất đi ý chí phấn đấu, sự nỗ lực tự thân, vượt qua khó khăn cuộc sống hoặc sẵn sàng làm điều xấu, điều ác sau đó dùng tiền "công đức" để hóa giải...
Ðành rằng, tự do tín ngưỡng là quyền của mỗi người nhưng rõ ràng, khi việc thực hành tín ngưỡng bị đẩy đến mức tiêu cực, gây ảnh hưởng xấu đến xã hội thì cần được định hướng, chấn chỉnh.
Chuyện thỉnh vong giải nghiệp chuyện dâng sao giải hạn, ai dám chắc chỉ diễn ra tại một vài ngôi chùa. Ðược biết, ngay sau khi tiếp nhận thông tin trên báo chí, Ban Tôn giáo Chính phủ đã có công văn gửi Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam và công văn gửi Ban Tôn giáo - Sở Nội vụ tỉnh Quảng Ninh đề nghị kiểm tra, xác minh sự việc.
Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề nghị Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh làm việc với trụ trì cơ sở thờ tự nêu trên để kiểm điểm làm rõ sự việc, đồng thời thực hiện chấn chỉnh việc thuyết giảng, có hình thức kỷ luật nghiêm khắc đối với các cá nhân để xảy ra sai phạm trong thuyết giảng gây mê tín, dị đoan.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã lập đoàn công tác để làm việc với các cơ quan, đơn vị liên quan của Quảng Ninh nhằm xác minh vụ việc, từ đó đề xuất giải pháp cụ thể để chấn chỉnh sai phạm (nếu có)...
Những động thái này thể hiện sự vào cuộc kịp thời của các cơ quan chức năng trong việc quyết liệt ngăn chặn, xử lý nghiêm những biểu hiện biến tướng, núp bóng nghi lễ tâm linh để trục lợi.
Các biện pháp xử phạt có thể sẽ chỉ giải quyết được phần "ngọn" bởi về lâu dài, để đẩy lùi những hành vi mê tín dị đoan trong thực hành tín ngưỡng, cần có sự vào cuộc đồng bộ và phối hợp chặt chẽ của cả cơ quan chức năng và các giáo hội, cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo.
Những người hướng dẫn thực hành tâm linh ở những cơ sở tín ngưỡng trước hết cần được bảo đảm có sự hiểu biết đúng các nghi lễ tôn giáo để từ đó không tuyên truyền hay thực hành sai lệch, gây nhiễu loạn niềm tin tâm linh của người dân.
Bên cạnh đó, người tham gia nghi lễ cũng cần được tuyên truyền, hướng dẫn để hiểu đúng, đủ về ý nghĩa của nghi lễ, từ đó biết tự bảo vệ mình trước những hành vi trục lợi, không bị sa vào mê tín, dị đoan trong thực hành tín ngưỡng.
Theo Nhân dân
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin