Thoạt đầu, tôi chỉ muốn đọc lướt vài trang sách trong ngày cuối tuần bị kẹt xe trên đường cao tốc, nhưng càng đọc càng thấy cuốn hút quên mất chuyến xe đò đã hơn tiếng đồng hồ không chạy. "Dạo chơi- Tuổi già" của nhà văn Sơn Nam ghi chép những chuyến đi ở tuổi già như là cuộc dạo chơi dài không ít thú vị mà cũng nhiều suy ngẫm.
Thoạt đầu, tôi chỉ muốn đọc lướt vài trang sách trong ngày cuối tuần bị kẹt xe trên đường cao tốc, nhưng càng đọc càng thấy cuốn hút quên mất chuyến xe đò đã hơn tiếng đồng hồ không chạy. “Dạo chơi- Tuổi già” của nhà văn Sơn Nam ghi chép những chuyến đi ở tuổi già như là cuộc dạo chơi dài không ít thú vị mà cũng nhiều suy ngẫm.
“Dạo chơi- Tuổi già” do NXB Trẻ phát hành năm 2015. Đây là tập sách tái bản có sửa chữa và bổ sung từ 2 tập sách mỏng: “Dạo chơi” (NXB Trẻ, 1994) và “Tuổi già” (NXB Văn Học, 1997) của ông- già- đi- bộ Sơn Nam. |
“Giữa thập kỷ 90 của thế kỷ XX, ở vào tuổi trên dưới 70, ông- già- đi- bộ Sơn Nam không chỉ in dấu chân mình loanh quanh vùng đất ĐBSCL và miền Đông Nam Bộ mà còn vươn rộng, vươn xa hơn.
Ông đến với Hà Nội dự hội nghị nhà văn trẻ, đặt chân lên Đền Hùng, đất Tổ, ra Cố đô Huế rồi lại xuôi Nam trên con đường vạn dặm”- lời giới thiệu tập sách dẫn dắt vào cuộc “Dạo chơi…”. Những vùng đất ông đặt chân đến mới lạ mà thân quen, gần gũi biết bao.
Đó là nơi chốn quê nhà trong hằng tưởng của người đi mở đất xa xưa. Với ông còn là sự kiểm nghiệm những điều được đọc, được nghe qua sách vở, qua giao tiếp mà ông đã dành gần cả cuộc đời nghiên cứu tìm tòi, học hỏi.
“Đọc sách nước mình, nước ngoài, xưa và nay. Riêng về văn chương cổ điển và dân gian thì không được bỏ sót. Nếu thiếu căn bản tối thiểu, có thể ngẫu hứng làm vài bài thơ hay, vài truyện ngắn xuất sắc, nhưng về lâu về dài, lần hồi đuối sức”- ông bảo rằng- “đó là kinh nghiệm của tôi. Nhà tôi, sách khá nhiều, thêm sách về dân tộc học, mỹ thuật, lịch sử, tôn giáo, v.v… Chồng chất đầy nhà, nhịn ăn mà mua”.
Chính ông cũng thừa nhận, “lắm khi, đọc thấy không ích lợi gì hết”, nhưng cái sự đọc đó lại có “ích lợi rất gián tiếp”. Chẳng hạn, những bức sơn mài. “Trông đẹp, óng ánh, vì đã vẽ trên cái nền chuẩn bị châu đáo.
Ván phơi nắng kỹ lưỡng rồi bọc hom vải, phủ sơn lần lượt, chờ đợi nhiều ngày với năm bảy lớp khác nhau để làm nền. Và sau rốt, lớp chót được lộng lẫy nhờ cái nền bên dưới, chẳng ai thấy. Lại còn công phu rửa, đánh bóng”. Quả là một kinh nghiệm quý báu!
Trong “Dạo chơi- Tuổi già”, ta bắt gặp ông- già- đi- bộ- không- mệt- mỏi Sơn Nam đã ghi lại những suy nghĩ, cảm xúc của mình về đất và người nơi mình từng qua, từng biết, từng thấy, từng nghe.
“Thi sĩ Đông Hồ (sinh năm 1906), sinh trưởng nơi tỉnh lẻ mà chịu khó tự trau dồi tiếng Việt. Bấy giờ, báo Nam Phong của Phạm Quỳnh nổi bật lên, như tờ báo tập trung trí tuệ, nhất nước. Mới 20 tuổi, Đông Hồ đã gây ngạc nhiên, thơ của ông được đăng báo Nam Phong. Ta nhớ chủ bút báo này là nhà “học phiệt” rất kỳ thị với kẻ chưa ai biết danh. Đông Hồ còn trẻ mà đạt tầm cỡ “quốc gia!”
Nhà văn Sơn Nam còn cung cấp cho độc giả rất nhiều kiến thức về thi sĩ Đông Hồ: thiên khảo cứu về dòng dõi họ Mạc ở Hà Tiên gây ngạc nhiên cho cả nước; là người hưởng ứng phong trào “thơ mới” từ buổi đầu; dám mở trường dạy nghệ thuật viết văn “Trí Đức Học Xá”; người phiên dịch thơ của thi hào Ấn Độ Tagore; người đầu tiên dịch ca dao Khmer sang tiếng Việt…
Và còn rất nhiều điều thú vị mà người đọc có thể tìm thấy trong tập sách này. Nó là tiếng lòng của nhà văn với cuộc đời ở độ tuổi 70, là một mạch những suy nghĩ của ông về cuộc đời, con người, về nghề nghiệp... “Làm nghệ thuật là “khóc mướn thương vay”, “ưu thời mẫn thế”, bất chấp hoàn cảnh giàu nghèo, vui buồn của cá nhân ta”.
Bài, ảnh: LÝ AN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin