Tuy những thân hình không được lành lặn đủ đầy nhưng vẫn vẹn nguyên khát vọng được cất lên tiếng hát. Hội thi Tiếng hát người khuyết tật tỉnh Vĩnh Long lần 2 là nơi để người khuyết tật vượt lên chính mình và được hòa nhập.
Tuy những thân hình không được lành lặn đủ đầy nhưng vẫn vẹn nguyên khát vọng được cất lên tiếng hát. Hội thi Tiếng hát người khuyết tật tỉnh Vĩnh Long lần 2 là nơi để người khuyết tật vượt lên chính mình và được hòa nhập.
Thân hình không lành lặn, khập khiễng bước đi nhưng những “nghệ sĩ” vẫn cháy hết mình với đam mê. |
Tự tin hòa nhập với cuộc đời
Đã nhiều lần đến những buổi biểu diễn văn nghệ, từng xem những em bé vài tuổi hồn nhiên cất giọng hát trong sáng, đến lặng thinh lắng nghe thanh âm như thăng trầm của cuộc đời cụ già tuổi lục tuần, nhưng chưa bao giờ chúng tôi thấy khán giả xúc động như khoảnh khắc được nghe những người khuyết tật “trổ tài”.
Có những thân hình cao thấp khác nhau, khập khiễng bước đi thật khó khăn để đến được sân khấu, có đôi mắt không nhìn thấy ánh đèn, đôi tai không nghe rõ nhạc,… Họ vẫn tự tin bước ra sân khấu và cất cao giọng hát.
Bởi theo chú Nguyễn Thành Lợi (Khóm 3, thị trấn Tam Bình): “Chúng ta chỉ thật sự thất bại khi chúng ta từ bỏ mọi cố gắng. Tui phải hát để các con không mặc cảm, mà thấy tự hào về mình!”
Bị sốt bại liệt từ năm 7 tuổi, tay phải không lành lặn, chú Lợi chuyển qua làm mọi việc bằng tay trái. Nỗ lực không ngơi nghỉ, không đầu hàng nghịch cảnh, chú hiện là Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Tam Bình. Nhà có hơn 1 công vườn, vợ chú bán bánh mì, bán vé số, cùng chắt chiu nuôi 2 con học ĐH ở TP Hồ Chí Minh.
Chất giọng trầm ấm, tự tin thể hiện bài hát “Đất nước”, chú Lợi chia sẻ: “Hổng có thấy run mà ngược lại trông tới ngày để được đứng trên sân khấu. Mừng lắm vì được đến sân chơi đúng với sở thích, mà phần vì chương trình nào tui cũng tới, để các con thấy mình việc gì cũng dám làm, con cũng sẽ tự tin mà bước vào đời”.
Chú Lợi vui vẻ giới thiệu bạn đồng hành cũng đến từ Tam Bình: “Em trai không nhìn thấy gì nên tui dẫn đi cùng. Hát hay dữ lắm nghen”.
Anh Thạch Ly (ở ấp Thông Nguyên, xã Loan Mỹ) cười chất phác: “Tui đi thi mấy lần rồi, năm 2016 ra Hà Nội thi “Tiếng hát từ trái tim lần 5”, tui được huy chương bạc. Mỗi ngày nếu thấy buồn là tui ôm đờn guitar ra ngồi hát, buồn phiền gì cũng không còn”.
“Hát để thấy mình được sống”
Những giọng hát truyền cảm cứ lần lượt cất lên, gieo vào lòng khán giả bao cung bậc cảm xúc. Những câu hát như muốn thay lời bày tỏ khát vọng được cống hiến, thay lời cảm ơn âm nhạc, cảm ơn những người đã luôn bên cạnh giúp đỡ họ vượt qua khó khăn.
BTC trao 2 giải nhất, 3 giải nhì, 4 giải ba và các giải khuyến khích, trong đó các thí sinh xuất sắc nhất được lựa chọn để tham dự hội thi cấp khu vực tại TP Hồ Chí Minh. Giải nhất tiết mục ca cổ được trao cho thí sinh Nguyễn Văn Đạt và Nguyễn Minh Đức giành giải nhất tiết mục ca nhạc. |
Vừa bước sang tuổi 21, em Võ Thị Kim Xuyến (xã Thành Trung- Bình Tân) là thành viên nhỏ tuổi nhất trong các thí sinh dự thi năm nay.
“Ông trời lấy đi của em ánh sáng nhưng bù lại cho em trí nhớ tốt lắm. Em nghe bài hát 5 phút là thuộc luôn”- Xuyến tự hào cho biết. Em ngồi chăm chú nghe các cô chú hát trên sân khấu, im lặng hồi lâu rồi Xuyến xúc động: “Hồi nhỏ xíu em đã bị bệnh rồi không nhìn thấy nữa, mẹ cho em nghe đĩa “Lan và Điệp”, từ đó ngày nào em cũng chờ nghe nhạc làm niềm vui nho nhỏ mỗi ngày.
Giờ em hát để thấy mình được sống. Nghề ca hát cho em thu nhập, nuôi sống em tới bây giờ luôn”.
Ngồi lặng lẽ trong “cánh gà” chờ biểu diễn tiết mục cuối cùng, anh Đặng Hà Vũ Linh cũng vui vẻ góp chuyện cùng Xuyến vì từ niềm đam mê, anh cũng sống bằng nghề ca hát.
Tay run run mất một hồi lâu để mở điện thoại “khoe” với chúng tôi đoạn phim đi hát khắp nơi, anh Vũ Linh cho biết: “Tôi bị sốt bại liệt từ nhỏ, 12 tuổi đã theo cô chú đi hát kiếm tiền. Hồi đó để dành tiền mua được cây đàn organ, mừng muốn khóc luôn. Thích đàn nên nhìn cô chú mà bắt chước chứ có học trường lớp gì đâu”.
Nhạc sĩ Huỳnh Tấn Lộc- Phó trưởng Phòng Quản lý nghiệp vụ văn hóa thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch- nhận xét: Niềm vui mừng của những người tổ chức chương trình là mỗi thí sinh đã chiến thắng chính bản thân mình, chiến thắng sự tự ti, mặc cảm để thể hiện bầu máu nóng của người nghệ sĩ.
Bà Lê Thanh Xuân- Chủ tịch Hội Người khuyết tật, Bảo trợ trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo- trao giải nhất cho 2 thí sinh. |
Nhạc sĩ nhắc lại một thí sinh đặc biệt trong hội thi lần 1 cách đây 4 năm, có một anh thi vòng loại ở huyện Mang Thít không được chọn nhưng không bỏ cuộc.
Anh đến huyện Vũng Liêm thi tiếp cho đến khi được thi vòng tỉnh và giành giải nhì. “Đó là bầu nhiệt huyết và tinh thần vượt qua khó khăn khiến chúng ta vô cùng xúc động. Các thí sinh đều thể hiện đam mê bằng tiết mục có nhạc cảm và truyền tải cảm xúc tốt”- nhạc sĩ Huỳnh Tấn Lộc chia sẻ.
“Những trái tim khát vọng” là thông điệp của chương trình đối với toàn xã hội về sức mạnh từ những trái tim không bao giờ bỏ cuộc.
Họ không chỉ vươn lên trong cuộc sống thường ngày mà còn khát khao hòa nhập cùng cộng đồng trong lời ca tiếng hát, bằng sự nối kết của nghệ thuật. Họ hát bằng trái tim để chúng ta cũng cảm thụ bằng trái tim.
Theo bà Lê Thanh Xuân- Chủ tịch Hội Người khuyết tật, Bảo trợ trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo tỉnh, hội thi tạo điều kiện để người khuyết tật vượt lên chính mình, tiếp cận với đời sống văn hóa văn nghệ, được thể hiện năng khiếu. Thông qua chương trình, mọi người nâng cao nhận thức, cảm thông, chia sẻ và trân trọng tài năng, năng lực của người khuyết tật. |
Bài, ảnh: PHƯƠNG THÚY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin