Tiến về TP Vĩnh Long

03:01, 27/01/2019

Những ngày chiến đấu gian khổ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, khi hành quân đêm, cán bộ, chiến sĩ ta nhìn về hướng TP Vĩnh Long luôn thấy một quầng sáng so với các vùng chung quanh bởi ánh đèn điện, ai cũng hẹn với lòng sẽ có một ngày trở về đó với tư cách của người chiến thắng. 

Những ngày chiến đấu gian khổ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, khi hành quân đêm, cán bộ, chiến sĩ ta nhìn về hướng TP Vĩnh Long luôn thấy một quầng sáng so với các vùng chung quanh bởi ánh đèn điện, ai cũng hẹn với lòng sẽ có một ngày trở về đó với tư cách của người chiến thắng.

Bởi khi đó Vĩnh Long đã cùng cả nước thực hiện được ý nguyện kết thúc chiến tranh của dân tộc ta, mở đầu cho ngày toàn thắng và ước vọng hòa bình đã nở hoa…

Những ngày ấy, chỉ riêng 2 năm 1968- 1969 hợp đồng với toàn miền Nam, quân và dân Vĩnh Long có đến 4 đợt gồm 5 lần phối hợp cùng lực lượng Quân khu 9 tiến công vào TX Vĩnh Long (nay là TP Vĩnh Long) trong nỗ lực góp phần đưa ước mơ đó thành hiện thực. Và phải đến lần thứ 6 tiến về TP Vĩnh Long vào ngày 30/4/1975, ước mơ đó mới thành sự thật!

“Về Vĩnh Long đi giữa mùa xuân…”

Đó là câu mở đầu bài hát của nhạc sĩ Kiên Tâm cổ vũ cuộc tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 của quân và dân Vĩnh Long với sự hỗ trợ của Quân khu 9 làm nên một chiến công vang dội.

Ngay đợt tiến quân đầu tiên ở cao điểm 1, các lực lượng ta đã liên tục 6 ngày đêm (từ 30/1/1968- 4/2/1968, tức từ mùng 1 đến mùng 6 Tết Mậu Thân 1968) đứng chân làm chủ phần lớn TX Vĩnh Long (trên toàn miền Nam chỉ sau TP Huế), cắt đứt QL4 và liên tỉnh lộ 70 (nay là QL1A và QL53) hơn 20 ngày.

Trước sức tiến công mạnh mẽ này, chính quyền Sài Gòn buộc phải huy động đủ mọi thứ quân với đủ các phương tiện chiến tranh chúng có và phải cầu viện đến sự tham chiến của lục quân Mỹ cùng với việc dùng bom pháo ở mức độ hủy diệt một số nơi trong thị xã mới đẩy lùi được các mũi tiến công của ta ra ngoại ô.

Nhưng chỉ 14 ngày sau, sau khi củng cố đội hình, bất chấp quân Sài Gòn và bộ binh Mỹ thiết lập được vành đai phòng thủ quanh thị xã, đêm 17 rạng 18/2/1968, các lực lượng ta với sự hỗ trợ người dân tại chỗ lại vượt qua các phòng tuyến đồng loạt nổ súng tiến công địch trong nội ô thị xã mở đầu cho cao điểm 2.

Cao điểm này do không còn yếu tố bất ngờ và địch đã được tăng cường quân số và vũ khí, đặc biệt là phải đối phó với sự phản kích tàn bạo bất chấp tính mạng dân thường của địch là dùng cả bom và pháo bầy trong khu dân cư của thị xã nên các mũi tiến công của ta không thể hiệp đồng với nhau, dù mũi chính diện đã thọc sâu vào đến khu tòa hành chính tỉnh ở trung tâm Phường 1.

Để bảo toàn lực lượng, quân ta không trụ lâu trong thị xã như cao điểm trước, nhưng cũng tiêu hao được nhiều sinh lực địch, trong đó đánh thiệt hại nặng Trung đoàn bộ binh chủ lực số15 của Sư đoàn 9.

Ngay ngày 20/2/1968, Phân khu ủy Tây Nam Bộ và Tỉnh ủy Vĩnh Long họp rút kinh nghiệm của đợt 1 với 2 cao điểm tiến công vào TX Vĩnh Long đã nhận định tương quan lực lượng giữa ta và địch từ thời điểm đó đã có sự thay đổi bất lợi cho ta do yếu tố bất ngờ không còn, địch đã dồn được lực lượng và phương tiện chiến tranh từ nơi khác về thiết lập xong vành đai bảo vệ thị xã, nên đề ra chủ trương cho các lực lượng ta trong tỉnh thời gian tới là: “Chặt đầu, chặt chân, lột da, móc ruột địch” (chặt đầu là kềm chân địch ở thị xã, chặt chân là cắt đứt giao thông, lột da là gỡ các đồn bót, móc ruột là phá các ấp chiến lược giải phóng nông thôn).

Để thực hiện nhiệm vụ này, trước mắt các địa phương trên địa bàn Vĩnh Trà (Vĩnh Long và Trà Vinh) cần củng cố các thứ quân làm đòn xeo cho 3 mũi giáp công đánh địch (quân sự- chính trị- binh vận).

Riêng lực lượng quân khu đứng chân trên địa bàn này ngay trong tháng 3/1968 đã rút địa phương quân ở 4 huyện của tỉnh Trà Vinh kết hợp với Phân đội pháo đường sông 106 của quân khu thành lập Tiểu đoàn 316.

Như vậy, đến thời điểm đó lực lượng Quân khu 9 ở Vĩnh Trà có đến 4 tiểu đoàn: 306, 308, 312 và 316. Tiếp theo các chiến công gây thối động hàng ngũ địch liền sau đó, đặc biệt là 2 trận phục kích 2 đoàn tàu chở quân đi càn bắn chìm đến 20 chiếc (có 1 tiểu pháo hạm) trên sông Măng Thít vào cuối tháng 3 và đầu tháng 4/1968 của Tiểu đoàn 312 và 306, diệt hàng trăm tên địch.

Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu 9 quyết định thành lập Trung đoàn 3 (ban đầu có tên là Trung đoàn Cửu Long) gồm các tiểu đoàn nói trên và ra mắt nhân dân ngày 20/4/1968 tại ấp Cây Gòn (xã Thuận Thới- Trà Ôn) nhằm tạo quả đấm thép cho chiến trường Vĩnh Trà, đặc biệt là chuẩn bị tiến công địch đợt 2 vào TX Vĩnh Long.

Sau các bước chuẩn bị của tỉnh Vĩnh Long và Quân khu 9, hiệp đồng với chiến trường toàn miền Nam, đợt 2 tiến công vào TX Vĩnh Long được ấn định từ ngày 5/5 đến ngày 16/6/1968.

Dựa vào tình hình thực tế lần này, lực lượng quân sự của ta chủ yếu dùng pháo binh và đặc công tập kích vào sân bay cùng một số mục tiêu quân sự địch trong TX Vĩnh Long, còn các tiểu đoàn bộ binh áp sát vùng ven gài thế đánh bọn địch rời công sự bung ra phản kích, còn các huyện ở phía sau dùng 3 mũi giáp công gỡ đồn bót giải phóng vùng nông thôn.

Đợt này, ta đánh thiệt hại nặng Trung đoàn 15 và 16 của Sư đoàn 9 địch, đánh quỵ Thiết đoàn 2 (lần 2), gỡ 50 đồn bót, cắt QL1 và liên tỉnh lộ 70 nhiều ngày. Nổi bật là trận phòng ngự kéo dài 5 ngày đêm ở Bà Khả trên vùng ven của TX Vĩnh Long loại khỏi vòng chiến đấu hơn 450 tên địch, bắn cháy 7 xe M113 và M118.

Từ tháng 8/1968, tương quan ta và địch đã có bước thay đổi: do áp lực của ta vào thị xã, thị trấn trên các chiến trường khác đã giảm nhiều, địch có thể gom quân về giúp TX Vĩnh Long ổn định vùng ven và chuyển hướng bình định về tuyến sông Măng Thít bao gồm các huyện Tam Bình, Cái Nhum, Vũng Liêm và Trà Ôn.

Riêng tại trọng điểm Cái Nhum chúng tô dày đồn bót giành dân với ta để đôn quân bắt lính. Trước thực tế này, tỉnh và quân khu quyết định đánh vào TX Vĩnh Long đợt thứ 3 trong 2 ngày 7 và 8/8/1968. Mục đích là thu hút chủ lực địch phải trở về giữ thị xã để giải tỏa áp lực cho các huyện tuyến sông Măng Thít vùng lên đánh phá bình định.

Cũng như đợt 2, lần này lực lượng ta chủ yếu dùng pháo binh đánh phá các mục tiêu quân sự, còn các lực lượng biệt động, đặc công luồn sâu được vào nội ô thị xã đã tung ra các đòn hiểm khiến địch thối động, như trận đánh mìn ở Cửu Long quán và bar Hồng Mai diệt 25 tên cố vấn Mỹ và Đại Hàn…

Tiến về TX Vĩnh Long, giải phóng Vĩnh Long

Như vậy, trong năm 1968, dù tương quan về quân số là ta phải “1 chọi 3” và kém địch tuyệt đối về khí tài quân sự, nhưng với tinh thần quyết chiến quyết thắng, quân và dân Vĩnh Long cùng lực lượng của Quân khu có 3 đợt gồm 4 lần tiến quân đánh thẳng vào TX Vĩnh Long đã tiêu diệt được nhiều sinh lực địch, đặc biệt đã mở thông tuyến giao thông qua sông Hậu từ Cần Thơ và nối liền 2 vùng Nam Bắc sông Măng Thít.

Đáng chú ý là đến thời điểm đó 2/3 số xã với hàng chục vạn dân trên địa bàn Vĩnh Trà được giải phóng hoàn toàn, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng chung của toàn miền Nam.

Ghi nhận thành tích này, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã tặng cho Vĩnh Trà 8 chữ vàng “Toàn dân đoàn kết, nổi dậy lập công” và thưởng Huân chương Thành đồng hạng nhất.

Tuy nhiên, có được thành tích này, lực lượng ta trên địa bàn- nhất là ở tỉnh Vĩnh Long- có tổn thất không nhỏ, quân đội và các đoàn thể cách mạng bị tiêu hao không kịp bổ sung, nhiều cán bộ cốt cán và cơ sở cách mạng trong thị xã, thị trấn hy sinh và bị lộ, đặc biệt là chậm chuyển hướng các hoạt động về nông thôn nên khi rút khỏi vùng ven thị xã thì ta bị “hẫng”… Trong khi đó, với viện trợ tài chính và quân sự của Mỹ, quân đội chính quyền Sài Gòn mau chóng hồi phục và mạnh hơn cả thời điểm trước năm 1968.

Ở nước Mỹ, đầu năm 1969 có một sự kiện liên quan đến Việt Nam là “Học thuyết Nixon” ra đời nhằm khôi phục sức mạnh Mỹ. Họ tạm thời hòa hoãn với Liên Xô và Trung Quốc, ở Việt Nam thực hiện “Việt Nam hóa chiến tranh” để có thể rút quân khỏi Việt Nam trong thế mạnh sau khi ý chí xâm lược bị lung lay bởi sự kiện Mậu Thân 1968 trên toàn miền Nam.

Thực hiện chiến lược này, địch dùng nhiều thủ đoạn thâm độc và tàn bạo: tăng cường đôn quân bắt lính; vũ trang cho các lực lượng phòng vệ dân sự; đánh phá mạnh vào các vùng giải phóng như càn quét dài ngày, dùng pháo mặt đất bắn phá ngày đêm, máy bay B52 đánh bom rải thảm, lập vùng oanh kích tự do, ủi phá địa hình để tát dân ra khỏi cách mạng và tô dày hệ thống đồn bót song song với tổ chức mạng lưới tề, điệp…

Trước tình thế này, tháng 4/1969, Khu ủy và Tỉnh ủy Vĩnh Long quyết định tiến công vào TX Vĩnh Long đợt thứ 4 với ý đồ tương tự như đợt 3.

Đêm 10 rạng 11/4/1969, Tiểu đoàn 308 và 312 của Quân khu và Tiểu đoàn 857, Tiểu đoàn 2 của tỉnh nổ súng đánh vào sân bay, quận mới và khu vực Phường 5. Suốt ngày hôm sau, quân ta trụ lại đánh địch phản kích, song đến tối do không đột phá được các mục tiêu đã định nên rút ra vùng ven đánh bọn địch nông ra phản kích. Tuy nhiên, những nỗ lực như thế của ta không ngăn được địch tiếp tục tiến hành bình định tại tỉnh Vĩnh Long- nơi địch chọn là trọng điểm bình định ở ĐBSCL.

Đến năm 1971, địch đã đóng tại Vĩnh Long 840 đồn, giữa ta và địch “cài răng lược” rất sâu đến không còn phân biệt đâu là tiền tuyến đâu là hậu phương… Đây là giai đoạn rất khó khăn của tỉnh nhà trong chặng đường chống Mỹ cứu nước, chỉ sau giai đoạn địch thực hiện “tố cộng, diệt cộng” (1954- 1960)…

Với quyết tâm của Đảng bộ Vĩnh Long là kiên trì bám trụ: lực lượng vũ trang bám sát địch mà đánh, cán bộ bám dân theo phương châm “có dân là có tất cả”. Từ đó chuyển phương thức hoạt động theo tình hình thực tế là “lấy bí mật làm cơ bản”, đồng thời dùng hình thức công khai và bán khai để tập hợp nhân dân cùng với “đòn xeo” quân sự từng bước đưa các phong trào cách mạng tạo thế đi lên.

Bằng những nỗ lực này, kể từ năm 1972, nhất là hòa cùng với khí thế tiến công của cách mạng miền Nam trong “Mùa Hè rực lửa 1972”, các lực lượng ta tại tỉnh đã vùng lên tiêu diệt 1 yếu khu, đánh thiệt hại 1 chi khu và bứt rút 130 đồn, địch từ đóng đồn dàn trải nay buộc phải dồn quân co cụm thành đồn cứng để đối phó với ta…

Các sự kiện này đánh dấu thời kỳ đầu chuyển lên của tỉnh nhà dẫn đến những thắng lợi to lớn ở các năm tiếp sau đó, để rồi 3 năm sau: Ngày 30/4/1975, các lực lượng ta lại rầm rập tiến về TX Vĩnh Long lần thứ 6 với tư thế của người chiến thắng. Điều tuyệt vời là không phải nổ súng và cả thành phố vẫn còn nguyên vẹn khiến những người đương thời suốt đời không thể nào quên!

HỒNG VÂN

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh