Trong kho từ ngữ, từ "Mẹ" sao mà thiêng liêng và êm đềm đến thế! Có lẽ vì vậy, khi nói về nơi sinh ra và nơi trở về của một con người người ta hay nói là "đất mẹ": Đất nước và Mẹ đã nằm sâu lắng đến tận cùng trong tình yêu thương ở mỗi con người.
Trong kho từ ngữ, từ “Mẹ” sao mà thiêng liêng và êm đềm đến thế! Có lẽ vì vậy, khi nói về nơi sinh ra và nơi trở về của một con người người ta hay nói là “đất mẹ”: Đất nước và Mẹ đã nằm sâu lắng đến tận cùng trong tình yêu thương ở mỗi con người.
Cũng có lẽ đối với bất cứ ai, Mẹ chính là hình ảnh của sự hy sinh, bao dung và tình thương yêu không thể nào đong đếm khiến không một ai muốn mất đi…
Với những người đã trưởng thành, tết này thật hạnh phúc biết bao khi vẫn còn được mừng tuổi Mẹ! Bởi “Mẹ già như chuối chín cây”, những nét chân chim bên khóe mắt vời vợi, nụ cười móm mém của Mẹ ẩn chứa bao điều trong mối liên hệ máu mủ với cuộc đời của chính mình…
Gió heo may đến rồi, một cái tết nữa lại về. Lật từng trang báo cũ mới ngộ ra rằng càng gần đến ngày tết người ta càng nghĩ nhiều về các đấng sinh thành.
Bởi mỗi cái tết đến là nhắc nhở cuộc đời mỗi con người đang bước sang một tuổi mới, một trang đời mới với những điều mong ước, nhưng đồng thời cũng có những điều - có thể là rất quý giá- sẽ mất đi theo quy luật tự nhiên.
Có một câu hát ai nghe qua cũng thấy lòng rưng rưng: “Mỗi mùa xuân sang mẹ tôi già thêm một tuổi... dù biết như thế tôi vẫn phải tin mẹ đang còn trẻ…”.
Thế đấy, thời gian có chờ đợi ai đâu! Ấm lòng biết bao khi được đọc trang báo kể về một chuyện đời thực: Một đứa con gác lại mọi chuyện để đưa bà mẹ quê của mình một lần đi du lịch nghỉ mát ở Nha Trang trong thời gian 4 ngày.
Đó là lần đầu tiên trong đời người mẹ già tảo tần này được đi xa như thế bằng máy bay, được ngủ khách sạn, được con gần gũi chăm sóc từng tí một, được chụp nhiều ảnh của chuyến đi để về khoe với xóm làng…
Phải đâu là chuyện to tát, nhưng bài báo cũng cho biết việc báo hiếu nho nhỏ đó cũng đủ khiến đôi mắt người mẹ già long lanh hạnh phúc rất lâu…
Một câu chuyện tương tự khác thâm trầm hơn, một cô gái ở Tây Nguyên tốt nghiệp đại học xong ra làm việc, định tập trung cho sự nghiệp ít năm để có vốn kha khá một chút rồi sẽ thực hiện nhiều việc trả hiếu với mẹ.
Rồi một lần về thăm nhà, nhìn người mẹ già quê mùa của mình, cô đã thay đổi ý định. Một kế hoạch nho nhỏ trong tiết kiệm chi tiêu của cô bắt đầu để có hơn chục triệu đưa mẹ mình lần đầu tiên rời làng quê đi du lịch Đà Nẵng.
Những thứ lần đầu tiên của 2 bà mẹ quê làm ấm lòng bất cứ ai khi nghe được những câu chuyện như thế…
Sự đổi ý của cô gái trong câu chuyện thứ hai là “bây giờ hay đến bao giờ?” khiến những ai có cha mẹ già cũng phải suy nghĩ về những việc báo hiếu với các đấng sinh thành, bởi cũng có chuyện có thật giống như 2 câu chuyện trên nhưng phần cuối thì khác: một bà mẹ quê thay chồng nuôi các đứa con để chồng yên tâm đi đánh giặc suốt 2 cuộc kháng chiến chống ngoại xâm vừa qua.
Những năm tháng gian truân ác liệt của cuộc kháng chiến lần thứ 2, chính tay bà đã khâm liệm đứa con gái út và đứa con trai thứ đang là cán bộ cách mạng bị giặc giết tại chính ngôi làng của mình.
Ngay năm đầu đất nước hòa bình, trong lúc nhiều gia đình được vui hưởng không khí đoàn tụ thì bà phải dành hầu hết thời gian chăm nuôi chồng ở bệnh viện, rồi ông cũng ra đi…
“Bây giờ hay đến bao giờ?” luôn là những băn khoăn của những người con còn lại của mẹ, bởi khi bà được Nhà nước tuyên dương danh hiệu “Mẹ Việt Nam anh hùng” ngay đợt đầu tiên, dù đã đủ đầy tình cảm, sự quý trọng của con cháu và xóm làng nhưng cũng là lúc bà không còn sức khỏe để được hưởng hạnh phúc của những thứ “lần đầu tiên” nhỏ nhoi như 2 bà mẹ quê kia, kể cả mong ước được một lần ra Hà Nội thăm Bác Hồ…
Hạnh phúc biết bao khi tết này ai đó còn được mừng tuổi Mẹ! Và cũng yên lòng biết bao khi đốt những nén nhang trên bàn thờ Mẹ trong tết này mà ta không có lan man hối tiếc điều gì với Mẹ!
HỒNG VÂN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin