Nhà văn Nguyễn Tuân "mời tiệc" thợ sửa mo rát

06:01, 13/01/2019

Năm 1944- 1946, khi ấy nhà thơ Yên Huy đang là anh thợ sửa mo rát cho Nhà xuất bản Quốc Văn. Chủ nhà xuất bản này là Lê Ngọc Vũ. Ông Vũ vốn là chủ hiệu thuốc "Thượng Đức" ở phố Nhà Chung (Hà Nội), sau còn là chủ tờ báo "Dân mới".

Năm 1944- 1946, khi ấy nhà thơ Yên Huy đang là anh thợ sửa mo rát cho Nhà xuất bản Quốc Văn. Chủ nhà xuất bản này là Lê Ngọc Vũ. Ông Vũ vốn là chủ hiệu thuốc “Thượng Đức” ở phố Nhà Chung (Hà Nội), sau còn là chủ tờ báo “Dân mới”.

Làm việc ở đây, nhà thơ Yên Huy kiêm rất nhiều công việc: kế toán, đánh máy, sửa mo rát nhà in,… Nhờ công việc này, Yên Huy được tiếp xúc với rất nhiều nhà văn, nhà báo nổi tiếng ở đất Hà thành! Trong đó có kỷ niệm sâu sắc với nhà văn Nguyễn Tuân.

Năm 1946, Nguyễn Tuân xuất bản tập truyện “Chùa Đàn”. Khi bản thảo mang đến nhà xuất bản, Yên Huy được Nguyễn Tuân tin cậy và giao cho việc sửa bản in thử.

Hôm đến nhà in về, khi sách còn thơm mùi mực thì nhà văn đã đọc hết lượt. Đọc xong, Nguyễn Tuân nghĩ ngay đến anh thợ sửa mo rát và đi tìm gặp bằng được Yên Huy.

Ông bắt tay Huy thật chặt, giọng phấn chấn: “Ông sửa mo rát cừ lắm, không sai sót một dấu phẩy, dấu chấm nào. Lại còn chiều ý tôi, bỏ đứt cái dấu sắc mà tôi coi là thừa trên những từ như: “bat ngat”, “man mac”… Cảm ơn, rất cảm ơn!”

Không chỉ bày tỏ lòng cảm ơn bằng những lời chân tình, Nguyễn Tuân còn mời “anh thợ nhà in” đi nghe hát ca trù (còn gọi là hát ả đào) cùng các văn sĩ nổi tiếng- bạn văn của Nguyễn Tuân ở Cống Trắng (Khâm Thiên). Hát ả đào thời ấy là thú sinh hoạt văn hóa dân tộc của giới thượng lưu ở thủ đô.

Điều bất ngờ và vô cùng thú vị là anh được thưởng thức giọng ca trù hòa nhịp tiếng đàn đáy của nghệ nhân và tiếng trống chầu đĩnh đạc, tài hoa của nhà văn Nguyễn Tuân.

Ít ngày sau đó, vào một chiều thứ bảy, Yên Huy lại nhận được một tấm danh thiếp của Nguyễn Tuân mời ông xuống nhà uống trà (khu Cầu Mới, đường Hà Nội- Hà Đông). Đến nơi, thấy Nguyễn Tuân tự tay pha trà đãi khách gần xa, chừng hơn chục người- trong đó có Yên Huy.

Thật đáng ngại… tuần trà vừa dứt, anh thanh niên người nhà Nguyễn Tuân “bưng” lên một mâm cơm thịnh soạn. Nguyễn Tuân “tuyên bố lý do”: “Đây là bữa cơm thân mật (đúng ra là một bữa tiệc sang trọng) ăn mừng tác phẩm “Chùa Đàn” hoàn thành. Lúc này, “anh thợ nhà in” cứ ngỡ mình đang trong mơ vậy. Có ngờ đâu một anh nhân viên quèn, nay được “yết kiến” và “chạm chén” với các bậc đàn anh tài ba

trong giới văn nghệ sĩ, có cả họa sĩ Nguyễn Tiến Chung- người vẽ phụ bản cho tập sách. Yên Huy cố nhìn khắp lượt, xem ông chủ Nhà xuất bản Quốc Văn nhưng không thấy!

Chỉ có khách văn chương và họa sĩ, những người cùng “chiếu văn” với Nguyễn Tuân mà thôi. Sự ưu ái của Nguyễn Tuân dành cho Yên Huy khiến anh vô cùng cảm động, vinh dự và hạnh phúc.

Thường một cuốn sách “ra lò”, tác giả tặng sách ông chủ nhà xuất bản, người biên tập, người vẽ bìa minh họa… Nhưng với nhà văn Nguyễn Tuân, anh thợ sửa mo rát cũng được tặng sách, cảm ơn, rồi lại được mời đi thưởng thức hát ả đào, dự tiệc chiêu đãi như một “thượng khách”.

Cách cư xử nhân văn của nhà văn Nguyễn Tuân với “anh thợ nhà in”, không phải nhà văn nào cũng có và thời bây giờ thì càng hiếm. Các tác giả in xong, đến lấy sách về, dù có in đẹp, chuẩn xác, cốt lấy sách về là “phắn” một mạch, nghĩ gì đến thợ “vi tính” công nhân in ấn?

LÊ HỒNG THIỆN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh