Sợ mất hồn... có Đồ Phồn hết sợ

03:01, 27/01/2019

Nhà văn Đồ Phồn (1911- 1990) sinh tại phố Đầm (xã Phượng Sơn, huyện Lục Ngạn- Bắc Giang). Năm 1954, sau khi hòa bình lập lại, CLB Thăng Long được thành lập. Nhà văn Đồ Phồn được cử phụ trách Tiểu ban Văn nghệ. 

Nhà văn Đồ Phồn (1911- 1990) sinh tại phố Đầm (xã Phượng Sơn, huyện Lục Ngạn- Bắc Giang). Năm 1954, sau khi hòa bình lập lại, CLB Thăng Long được thành lập. Nhà văn Đồ Phồn được cử phụ trách Tiểu ban Văn nghệ.

Năm 1984, nhân kỷ niệm 30 năm giải phóng thủ đô, TP Hà Nội tổ chức nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa văn nghệ, tiệc tùng chiêu đãi lãng phí. Tác giả Yên Huy có làm 2 bài thơ báo tường. Bài “Nói và làm” có câu:

“Nói thì tiết kiệm tiêu dùng

Làm thì chè chén tiệc tùng miên man…”

Bài thứ hai “Khoan sức dân” kiến nghị:

Còn nhiều kỷ niệm lớn

Mong sao khoan sức dân

Nên nhẹ về vật chất

Mà nặng về tinh thần

Nhà văn Đồ Phồn đọc rồi nhẹ nhàng nhận xét: “Cả 2 bài thơ của Yên Huy nội dung đứng đắn, thái độ phê bình xây dựng”, ông khuyên không nên đưa lên báo mà chỉ nên gửi lên Ban Tuyên giáo Thành ủy, coi như ý kiến đóng góp của thành viên CLB Thăng Long. Ban Trị sự CLB phản ảnh với Thành ủy theo đúng chức năng của mình.

Nhưng rồi không hiểu vì lý do nào đó, 2 bài thơ trên lại bị chuyển nhầm sang Sở Công an Hà Nội. Và sở này cử cán bộ đến CLB “tìm hiểu” tác giả- công dân Yên Huy và yêu cầu ban trị sự đưa toàn bộ các bài thơ, bài báo của Yên Huy mang về sở “nghiên cứu”.

Biết chuyện này, với cương vị Trưởng Tiểu ban Văn nghệ của CLB Thăng Long, nhà văn Đồ Phồn lanh lẹ đến Sở Công an can thiệp, ông nói: “Muốn tìm hiểu công dân Yên Huy thì các đồng chí đến phường, quận nơi cư trú của Yên Huy. Tiểu ban Văn nghệ chúng tôi cũng phải lưu trữ bài thơ, báo của hội viên, nên không cho ai mượn đem đi nơi khác”.

Sau đó lãnh đạo CLB Thăng Long làm việc trực tiếp với Thường vụ Thành ủy Hà Nội về sự việc này để rút kinh nghiệm. Đến lúc này mọi người trong ban lãnh đạo CLB và tác giả Yên Huy mới thở phào nhẹ nhõm. Thật chuyện tưởng sợ mất hồn, nhưng có nhà văn Đồ Phồn thì quả hết sợ.

Ít lâu Thành ủy có chỉ thị về việc tiết kiệm chống lãng phí tiệc tùng trong các ngày lễ. Phải chăng có phần “đóng góp” từ phản ánh của Yên Huy qua 2 bài thơ trên? Để trả ơn Đồ Phồn, 4 năm sau vào năm 1988, nhân nhà văn Đồ Phồn cho tái bản cuốn “Khao”(1) thì trên báo tường Sống vui của CLB Thăng Long, Yên Huy viết đôi câu đối tặng:

- “Khao” bầy bán lâu rồi, nhuận bút khao tiêu gần hết bao giờ bạn đọc được khao?

- Bác Phồn gặp “Phất”(2) lớn. “Lá huyết thư” sắp ra lò lần nữa hẳn phen này sẽ mổ cầy.

Đọc xong, hôm sau gặp Yên Huy ở CLB Thăng Long, bác Phồn khao… một tách cà phê và tặng cuốn “Khao” vừa tái bản rồi lấy bút ghi mấy câu:

“Tặng bạn trẻ Yên Huy

Để chống “khao” nên mới có khao…”.

(1)(2) Tên 2 tập tiểu thuyết của nhà văn Đồ Phồn

Lê Hồng Bảo Uyên

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh