Như những khúc ca hào hùng từ ngàn xưa của ông cha ta, thơ ca về biển đảo của đất nước ta hôm nay không còn riêng là tiếng lòng của người thi sĩ mà đã trở thành tiếng nói chung của hàng triệu trái tim người Việt Nam.
Như những khúc ca hào hùng từ ngàn xưa của ông cha ta, thơ ca về biển đảo của đất nước ta hôm nay không còn riêng là tiếng lòng của người thi sĩ mà đã trở thành tiếng nói chung của hàng triệu trái tim người Việt Nam.
Nơi đầu sóng.Ảnh: NGUYỄN HÒA BÌNH (TP Vĩnh Long) |
Người làm thơ ở Vĩnh Long cũng vậy, họ đã chấp bút và lan tỏa mạnh mẽ những dòng thơ viết về biển đảo thân yêu...
Từ tình yêu biển đảo đó, những người làm thơ ở Vĩnh Long đã nói lên được những điều muốn nói về những bông hoa nở đẹp rực rỡ trên biển đảo quê hương, đó là những món quà tinh thần đầy ý nghĩa từ đất liền đến với những người lính đảo hiền hòa, dung dị, đáng yêu. Và qua lời thơ, họ đã thể hiện được tình yêu đến người lính biển:
“Tôi yêu những người lính đảo
Như yêu núi, yêu sông, yêu rừng, yêu biển”
(“Hoa đầu sóng”- thơ Nguyễn Thị Thúy Vân)
Những người lính đảo đến từ những nơi rất xa, khắp cả 3 miền đất nước. Họ ra đi làm nhiệm vụ với quê hương, họ mang theo mùa hoa gạo nở tháng 3, họ mang theo con đò bến nước, họ từ giã người thân và làng quê yêu dấu để làm nhiệm vụ bảo vệ biển đảo.
Ôi! Đẹp vô cùng những người lính đảo xa quê. Qua những trải nghiệm khó quên trong chuyến hải trình về đảo ngọc Phú Quốc, nhà thơ Song Hảo đã cảm xúc và viết lên lời tặng chân tình về những người lính ở trạm Rađa 620 Hải quân Gành Dầu:
“Có người lính giữ bóng hình ai trong ba lô…
…Mang theo tháng ba mùa hoa gạo nở
Đỏ một dòng sông cháy bùng nỗi nhớ…”
(“Những người lính đảo xa quê”- thơ Song Hảo)
Có thể nói trong những ngày biển Đông dậy sóng vừa qua, ngọn lửa thi ca về biển đảo đã kịp bùng lên dữ dội, góp phần cùng muôn triệu trái tim người Việt Nam yêu nước luôn hướng về biển đảo thân yêu- khúc ruột của đất nước ta:
“... Tôi nghe được
Tiếng chuông chùa vọng về từ đảo Song Tử Tây
Quả chuông đồng trên đảo Trường Sa Lớn
Gióng lên mùa biển động
Mẹ Âu Cơ dõi mắt trông chờ
Mong bình yên Tổ Quốc…”
(“Tiếng chuông chùa trên đảo Trường Sa”- thơ NH)
Không chỉ là những đợt “gió cuồng, sóng giật” nơi đảo xa mà qua góc nhìn của người thi sĩ đã ẩn chứa một nỗi khát khao vô bờ trong khoảnh khắc lãng mạn bình yên nơi đầu sóng ngọn gió:
“Tiếng đàn bầu
Dìu dặt thang âm, êm đềm…
… Tiếng đàn bầu mãi ngân vang nỗi nhớ!
Lắng đọng trong tim
Người lính xa quê…”
(“Đêm Gành Dầu nghe tiếng đàn bầu”- thơ Minh Xuân)
Thi ca yêu nước có một sức tác động rất lớn đối với thế hệ trẻ hôm nay. Qua những bài thơ viết về biển đảo, các tác giả đã gửi gắm qua đó niềm tự hào dân tộc, thành kính nhớ về những người đã đổ xương máu để bảo vệ biển đảo quê hương như một nén nhang kính tặng hương hồn 64 chiến sĩ hy sinh ngày 14/3/1988 trên đảo Gạc Ma:
“Cắm ngọn cờ Tổ Quốc trên đảo Gạc Ma
Các anh ngẩng cao đầu không khiếp sợ
… 64 chiến sĩ
Dâng tuổi xuân cho đảo
Vòng hoa trắng thay lời đất nước”
(“Cờ Tổ quốc trên đảo Gạc Ma”- thơ Gan Thị Phương Ánh)
Bảo vệ lá cờ Tổ quốc thiêng liêng là nhiệm vụ trách nhiệm của mỗi người dân Việt Nam chúng ta. Mỗi sáng chào cờ đầu tuần, nhìn lá quốc kỳ phấp phới tung bay trong gió, chúng ta cảm thấy không khí thật trang nghiêm, chúng ta cảm thấy tính thiêng liêng hào hùng trong bài Quốc ca.
Với nhà thơ Bằng Lăng, anh cảm thấy một cảm xúc vô cùng khó tả vừa trang trọng vừa thiêng liêng khi hát Quốc ca ở đảo Trường Sa:
“Hát Quốc ca ở Trường Sa
Quốc kỳ tung bay rưng rưng hồn dân tộc
Thấu cảm sự vẹn toàn của đất nước
Sự hy sinh của cha ông
Càng nặng sâu trách nhiệm của mình”
(“Hát Quốc ca ở đảo Trường Sa”- thơ Bằng Lăng)
Còn nhiều nhiều nữa những lời thơ đầy xúc cảm, chân thật của người thơ Vĩnh Long. Tất cả như những thông điệp hào hùng, sâu lắng, thiết tha chất chở đầy lòng yêu nước nồng nàn, giúp cho chúng ta thấu hiểu hơn về nơi “đầu sóng ngọn gió” của đất nước mình, tự hào hơn về truyền thống đấu tranh bất khuất kiên cường của cha ông ta.
NGỌC HẢI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin