Từ sông nước gắn liền với cuộc sống của nông dân

08:12, 17/12/2018

Sông nước có vai trò rất quan trọng trong đời sống văn hóa vật chất và tinh thần đối với người ĐBSCL. Dòng sông là đường giao thông huyết mạch, là nơi giao thương, lập chợ, cư dân có tập quán sinh sống trên sông, cất nhà ven sông. 

Sông nước có vai trò rất quan trọng trong đời sống văn hóa vật chất và tinh thần đối với người ĐBSCL. Dòng sông là đường giao thông huyết mạch, là nơi giao thương, lập chợ, cư dân có tập quán sinh sống trên sông, cất nhà ven sông. 

Mưu sinh trên đồng nước nổi. Ảnh: LƯU NHẤT HẢI
Mưu sinh trên đồng nước nổi. Ảnh: LƯU NHẤT HẢI

Khi thủy triều dâng lên, đẩy nước sông chảy ngược vào đất liền theo các kinh, rạch tưới tắm cho các vùng trồng cây ăn quả, chở nặng phù sa bồi đắp đồng ruộng. Khi triều ròng, nước sông rút theo để lại nhiều sản vật dồi dào, đặc biệt là các loài tôm cá.

Những từ ghép chính phụ “nước cạn”, “nước sát” nói về nước gắn với nghề bắt cá, chủ yếu kiếm thực phẩm cho bữa ăn của gia đình.

Các bà và trẻ em mang thùng, thau và rổ xuống sông đắp, tát bắt cá, nếu có nhiều thì bán cho lối xóm. Nước sát thì đánh cá lăng khỏi cần đắp, tát, người theo sau móc cá chạch.

Nước kém thì các ông đi nơm hoặc đi dặm dấu bắt cá lóc ở sông rạch. Nước kém tháng 10, tháng 11 đi kéo lưới hoặc đi nhũi bắt tép rong, bắt cá chạch, cá trắng, cá linh.

Từ tháng 6 đến tháng Giêng, hễ nông dân thấy nước đứng lớn hoặc đứng ròng thì mang lưới gân xuống xuồng giăng lưới ngang sông, rạch bắt cá mè vinh, nông dân nào có vó thì hạ vó bắt cá linh.

Khi nước lớn chảy mạnh hoặc ròng mạnh thì cuốn lưới, cất gió về nhà nghỉ. Nước ròng thì nông dân xuống xuồng đi chài ở những sông, rạch bắt cá trắng, cá linh…

Khi nói “nước kiệt” thì nước quá cạn không có cá. Nước rong từ tháng 8 đến hết tháng 10, nông dân chuẩn bị câu giăng, câu cặm, để vào buổi chiều khi trời hạ xuống đọt cây thì lấy xuồng ba lá đi giăng câu hoặc cắm câu ở những cánh đồng cấy lúa mùa tàu hương, lúa tiều hay trắng chùm để bắt cá lóc, cá trê,...

Nay cắm hoặc giăng đồng này thì mai cắm, giăng ở đồng khác. Nông dân còn chuẩn bị ống trúm để đi đặt lươn ở những mương vườn.

Những từ ghép chính phụ nói về sự chuyển động của nước gắn với nghề chuyên chở, mua bán, đi lại của người dân bằng phương tiện thủy dựa vào sức chảy của nước như xuồng, tam bản, ghe chài dùng sức người bơi, chèo.

Khi nông dân di chuyển bằng xuồng bơi hoặc ghe chèo mà nếu đi ngược nước lớn chảy vào thì đợi nước đứng ròng di chuyển sẽ ít mệt, ít tốn sức hơn, khi đến ngã ba nước ròng chảy ra, đi vào cùng chiều nước chảy ra thì sẽ đi nhanh hơn.

Khi nước ròng mạnh thì đợi nước đứng lớn, nước chảy yếu, bơi hoặc chèo khỏe hơn, khi đến ngã ba nước đổ vào bơi hoặc chèo cùng chiều với dòng chảy của nước lớn di chuyển nhanh hơn.

Nam Bộ còn gọi từ khác như: “nước nhữn lớn”, “nước nhữn ròng”. Khi nói về sản xuất nông nghiệp, nước đứng lớn thì nông dân chuẩn bị khai nước khi nước vừa lên ruộng. Nước đứng ròng thì nông dân nhanh chóng ra ruộng đắp bờ giữ nước.

Có tính chất dự báo nước tiếp tục dâng cao, nguy hiểm, cần theo dõi, và có việc làm phòng ngừa như đắp bờ, củng cố bộng, đề phòng mội bờ, gây vỡ bờ làm ngập đường, ngập vườn, nguy hại cho người và vườn tược có từ ghép chính phụ “nước lên”, “nước nổi”, từ ghép chính phụ có nhân cách hóa “nước nhảy”, “nước trồi”.

“Nước ươn”: Mực nước qua các ngày ngang nhau, không dâng cao, không chịu rút xuống, chuẩn bị cho những ngày tới nước nhiều, ở các ngày 23, 24, 25 và 26 của tháng 7, tháng 8, tháng 9 và tháng 10 âl.

“Nước chết”: Mực nước ngày này qua ngày khác ngang nhau, khoảng hơn nửa sông, rạch, không vào mương vườn, ao cá và ở những ngày nước rong 14, 15, 16 và 29, 30 và 1 âl của tháng 3, 4, 5, 6.

ĐBSCL không khí đón mùa nước nổi sôi động dần theo từng con nước, cảm giác người dân ĐBSCL chuẩn bị cho một mùa làm ăn nhiều hơn là chống chọi với mùa nước ngập trắng đồng.

Cho nên ở ĐBSCL, nông dân không gọi mùa nước dâng cao, đổ về các dòng sông, cánh đồng là “mùa nước lũ” mà gọi là “mùa nước lên” hay “mùa nước nổi”.

Mùa nước ở ĐBSCL tuy có khó tính, khó chiều nhưng trong sâu thẳm lòng dạ rất đỗi hiền từ. Đằng sau những con nước ngập nhà, ngập đồng, mùa nước luôn ban tặng cho nông dân những đặc ân rất đỗi thân thương. Mùa nước nổi là mùa nông dân nghỉ ngơi sau một vụ lúa tất bật.

Đó cũng là mùa cho đất nghỉ, rửa phèn mặn, phân bón hóa học và đón phù sa về bồi tụ cho đất thêm màu mỡ, nhấn chìm các loại côn trùng, sâu bọ phá lúa, đưa cá về sinh sôi mang lại nguồn lợi thủy sản lớn. Trên cánh đồng nước là một cuộc mưu sinh nhọc nhằn nhưng thấm đậm nghĩa tình.

TRẦN VĂN MƯỜI

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh