Chiều nào cô gái cũng ngồi đấy. Đôi mắt cô vương vướng nét u buồn. Nhìn từ sân thượng, phố xá lúp xúp trong hoàng hôn như một bức tranh cổ. Chếch về hướng Tây, nơi có cội bồ đề là ngôi chùa rêu phong mái ngói. Cô thả hồn theo tiếng chuông chùa.
Chiều nào cô gái cũng ngồi đấy. Đôi mắt cô vương vướng nét u buồn. Nhìn từ sân thượng, phố xá lúp xúp trong hoàng hôn như một bức tranh cổ. Chếch về hướng Tây, nơi có cội bồ đề là ngôi chùa rêu phong mái ngói. Cô thả hồn theo tiếng chuông chùa.
Tranh minh họa: Trần Thắng (TP Vĩnh Long) |
Tiếng chuông ngân nga, êm ái như kêu gọi con người hãy tránh xa điều ác, điều xấu mà quay về với ngã phật từ bi. Còn chỗ cây dương cao vút là chùa Bà của người Hoa.
Tượng bà phúc hậu tạo cho con người cái cảm giác được che chở, bình an. Hoàng hôn xuống phố, những nấm mộ tròn tròn tựa bát úp trong khu nhị tỳ của người Hoa bên kia sông như đang đẫm trong sương, trong cái mờ ảo của dãy ngân hà huyền hoặc.
Hoàng hôn len vào mọi ngõ ngách rồi lan nhẹ ra ngoại ô nhuộm tím làn khói bếp trong một chiều thổi cơm muộn. Cô gái rùng mình, hơi lạnh đang thẩm thấu vào từng làn da, thớ thịt.
Mẹ cô bảo: “Lan à, ngồi may suốt một ngày mệt mỏi sao con không xuống dưới dạo quanh phố để mà thư thả?”
Cô mỉm cười: “Ngồi đây nhìn xuống có nhiều cái hay lắm mẹ ạ! Có những thứ mà đi giữa lòng phố ta chẳng thấy được - cái hồn của nó…”
Bà mẹ lắc đầu ngao ngán biết rằng không thể thay đổi được cô con gái. Bà lặng người nhớ lại cái quá khứ đau buồn đã khắc sâu vào trong tim, trong trí bà như những dòng nhật ký nhạt nhòa dòng lệ.
… Ngày ấy, bà là một cô thợ may khéo léo, xinh đẹp, tiệm may của bà nổi tiếng khắp thị trấn. Gia đình đang sống trong ấm êm, hạnh phúc thì tai họa bỗng dưng ập đến.
Trong cái đêm định mệnh ấy, trên đường đạp xe từ chợ trở về nhà, bà đã hứng trọn ca a xít do một cuộc đánh ghen nhầm. Bà đã sống sót sau cơn thập tử nhất sinh bằng gương mặt méo mó, dị dạng.
Xuất viện chẳng được bao lâu, chồng bà- cái người đáng lý phải chăm sóc và an ủi bà nhiều nhất lại nhẫn tâm bỏ đi biền biệt. Đau đớn thể xác lẫn tinh thần khiến bà cuồng trí như một kẻ tâm thần.
Nhưng rồi bà đã gượng được dậy, bà cố sống để nuôi nấng bé Lan- đứa con gái duy nhất. Mặc cảm, bà dẹp hiệu tiệm, lãnh đồ về may mướn cho các tiệm khác và rất hạn chế tiếp xúc với mọi người.
* *
*
Chiều chiều, cô gái lại ngồi đấy. Ngay từ lúc bé đôi mắt hồn nhiên của cô đã đượm vẻ u buồn. Thuở nhỏ, bé thường bị bạn bè trêu chọc: “Con Lan không có cha, mẹ của nó thì gương mặt ghê lắm, đừng lại nhà nó chơi tụi bây ơi!...”
Vào trường học, tuy vẫn có bao bạn bè tốt, biết cảm thông cho hoàn cảnh của bạn nhưng Lan vẫn mặc cảm và chẳng kết thân với ai.
Ngoài giờ ở lớp, bé chỉ quanh quẩn việc nhà với mẹ, trò chuyện cùng mẹ. Ngày một lớn, Lan càng thêm xinh đẹp, cô cảm nhận được đằng sau gương mặt xấu xí của mẹ là tình mẫu tử thiêng liêng, cao cả.
Song ký ức về người cha thiếu trách nhiệm, chẳng nghĩa tình với vợ, con, khiến Lan trở nên trầm cảm, “dị ứng” với hết thảy đàn ông.
Trước mắt cô, người thanh niên nào cũng đáng ghét, giả dối. Vì thế cô đã dửng dưng trước những lời tỏ tình và đốt biết bao lá thư ngỏ ý.
Cô nghĩ rằng: chẳng qua là họ chỉ yêu cái hình thức bên ngoài, đến khi nhan sắc tàn phai liệu chữ yêu, chữ thương, chữ chung, chữ thủy có còn hay không?
Mà, bi kịch cuộc đời mẹ là một minh chứng xác thực! Vì lẽ ấy, cô đã sống khép kín trong một thế giới riêng của mình cạnh mẹ cô cũng như cái bóng của xã hội.
Trên sân thượng, cô gái ngồi đàn hát một mình. Chính mẹ cô đã dạy cô đàn, tập cô hát. Mùa xuân đến, niềm vui gõ cửa đến từng nhà, thị trấn rực rỡ màu hoa, cô gái lặng lẽ ngắm những cánh mai vàng rơi trong gió mà tựa hồ đang đếm từng ngày xuân qua nhanh trong cuộc đời.
Mùa hè, màu phượng buồn rưng rức bên góc phố gợi nhớ màu đỏ của hoa phượng sân trường, cái nơi thời áo trắng lặng lẽ đi qua trong ký ức.
Những chiều mưa, cô gái vẫn lẳng lặng ngồi trong mái hiên sân thượng mà nghe những tiếng thì thầm trong lòng phố.
Mưa rải thảm trên các mái ngói rêu phong như thủ thỉ ru nàng công chúa đang ngủ trong tòa lâu đài cổ tích; mưa dùng dằng, vương vướng những sợi tơ mong manh vào các ô cửa sổ; mưa chạy dài trên đường nhựa loang loang in bóng hàng cổ thụ; mưa mịn màng tan nhẹ trên mặt sông khiến nó mờ ảo tựa đang hòa quyện vào trong sương, trong khói.
Rồi mưa nhẹ nhàng lách mình qua ngôi chùa cổ làm dìu dặt tiếng chuông. Mưa, sợi dây leo nơi vách tường loang lổ vừa nhú thêm một chiếc lá mới non tơ, mỏng dính, bấp bênh trong gió. Cô nghe lòng mình trống vắng tựa giọt mưa từ trên cao rơi xuống rồi vỡ tan.
Bất chợt cô lại nghĩ đến mẹ, đến gương mặt dị dạng, méo mó đáng thương… Cô lại đàn và hát nho nhỏ một bản nhạc buồn.
* *
*
Chiều thứ bảy, cô gái vừa giao hàng cho khách xong chợt có một em bé bước vào:
- Chị ơi! Chị có phải tên Lan không vậy?
Cô gái gật đầu. Đứa bé trao cho cô một bức thư dán kín:
- Có anh kia nhờ em đưa cho chị cái thơ này.
Em bé quay lưng rồi mất hút qua cánh cổng. Cô lẳng lặng bật quẹt. Bức thư lóe lên bên ánh lửa, phút chốc đã trở thành một nhúm tro tàn. Cô lạnh lùng đốt bỏ như đã từng đốt cháy những lá thư tỏ tình của bao kẻ khác.
Chiều thứ bảy tuần sau, cũng em bé ấy đến trao một lá thư. Cô gái nghĩ ngợi xong rốt cuộc nó cũng biến thành tàn tro bay theo gió… Cô thở phào nhẹ nhõm. Những ngày sau ấy, cứ mỗi chiều thứ bảy cô lại đều đặn nhận được bức thư từ tay em bé.
Cô nhíu mày: Ai mà nhẫn nại đến thế? Có đôi lúc con tim chai cứng của cô như muốn chùng lại, nhen nhúm chút cảm tình, cô muốn mở ra để xem thế nào, người ta đã viết những gì.
Nhưng lúc ấy, hình ảnh người mẹ đáng thương và người đàn ông phụ bạc lại hiện ra trước mắt… bức thư lại trở thành nhúm tro mỏng dính như con tim đang phập phồng theo nhịp thở. Gió cuốn, nó chao nghiêng rồi âm thầm nằm im trong lòng phố.
* *
*
Phố đã lên đèn. Cô gái phá lệ xin phép mẹ đi xem triển lãm tranh. Cô không có tài hội họa nhưng rất thích xem tranh, nhất là cảnh trời chiều man mác gợi nhớ quê hương.
Đây là lần đầu tiên thị trấn nhỏ bé của cô tổ chức triển lãm tranh mà nghe nói lại là một họa sĩ không chuyên ở địa phương.
Nhà văn hóa huyện hôm nay đèn điện sáng choang, dân thị trấn, dân các xã kéo đến thật đông vui. Cô không thích những nơi nhộn nhịp thế này nhưng vốn mê tranh nên đành một mình đến đấy.
Bước vào gian phòng rộng là bức ảnh chân dung và những lời giới thiệu sơ lược về nhà họa sĩ: Lê Minh Phước, ba mươi bốn tuổi, có gương mặt phúc hậu, cặp mắt đen linh hoạt hài hòa với cái sống mũi cao cao. Anh từng là bộ đội ở Campuchia, bị thương và chỉ còn lại một chân,…
Đặc biệt, ở dòng cuối có ghi hàng chữ to: “Nếu quý khách cần mua tranh, họa sĩ sẽ bán và tặng tất cả số tiền ấy cho hội nuôi dưỡng trẻ em mồ côi, tật nguyền”. Cô gái thầm cảm phục: Thì ra vẫn còn được một thanh niên tốt bụng!
Cô gái say sưa thả hồn theo những bức tranh. Đa số phong cảnh của thị trấn đều được họa sĩ nhìn từ góc độ trên cao, vào buổi chiều. Sao mà trùng hợp với sở thích của cô đến thế?
Từ ngôi chùa cổ nhìn từ trên xuống có mái ngói cong cong cho đến nét đặc sắc của chùa Bà người Hoa; dòng sông mờ ảo trong sương tựa cô gái xõa mái tóc mượt mà; hàng phượng buồn đỏ rực đang lóe lên bên những tia nắng cuối ngày,…
Bức nào cũng đẹp nhưng với cô nó đều đượm vẻ buồn buồn của buổi hoàng hôn tím. Ngoài ra, họa sĩ còn vẽ về đất bạn Campuchia, vẽ đền Ăng-co, núi rừng, cảnh sinh hoạt của người dân, cảnh chiến tranh ác liệt,…
Đặc biệt, bức tranh bà mẹ ẵm đứa con thơ giữa khói bom mờ mịt làm mọi người đều cảm động, gợi nhớ về những bà mẹ Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh khói lửa.
Cô gái tò mò bước vào gian phòng mà bên ngoài có ghi dòng chữ: “Tranh không bán”. Cô giật mình: hai mươi mấy bức đều là tranh thiếu nữ có cặp mắt đen buồn lóng lánh nước và cả thảy đều giống cô.
Bức giống như in, bức hao hao vóc dáng. Có năm, sáu bức tranh đều mang một tựa đề: “Người trong mộng”, đó là tranh thiếu nữ ngồi ôm đàn trên sân thượng, thiếu nữ ngồi tựa ban công xõa mái tóc đen huyền,…
“Người trong mộng” của họa sĩ như ẩn, như hiện trong bức tranh, là sự giao thoa giữa thực và hư, giữa nắng và hoàng hôn.
Rồi tim cô gái càng đập rộn ràng hơn khi đối diện với bức tranh “Thất vọng”, cô thiếu nữ nhìn theo những mảng tro mỏng dính là cô! Đích thực là cô rồi!
Linh tính như mách bảo: Anh ta! Cái anh chàng nhẫn nại mỗi tuần gửi một lá thư chứ chẳng ai. Cô gái trở về nghe tim mình thổn thức như những cơn gió đang thoảng nhẹ trong lòng phố.
Đêm, chiếc đồng hồ báo thức cứ tích tắc đều đều, êm ru. Cô gái mông lung nghĩ về những bức tranh, về chàng họa sĩ tài hoa, về những lá thư.
Chiếc chìa khóa vạn năng nào vừa mở ngỏ trái tim, đưa máu lưu thông khắp cơ thể để cô biết rung động, lưu luyến ở cõi lòng.
Lần đầu tiên trong đời cô thấy mình có những ý tưởng khác hẳn, lạ lùng, như nhớ, như thương, như chập chờn chếnh choáng trong cơn mộng.
Lá thư, bức tranh, chàng họa sĩ, ba hình ảnh ấy đã liên kết, cộng hưởng nhau tạo thành phương thuốc thần kỳ, xoa dịu cái ác cảm tưởng chừng như muôn đời đối với phái nam của cô con gái từ nhỏ đã sống khép kín trong mặc cảm.
Cô nhận ra rằng: Ở chùa còn có ông Thiện, ông Ác thì bên cạnh cái xấu, thế giới này vẫn đẹp, vẫn có biết bao điều tốt, vẫn có những con người đáng được trân trọng mà tình cảm của chàng họa sĩ đã dành cho cô, cho xã hội, cho những em bé mồ côi, tật nguyền là một minh chứng tốt đẹp.
Chiều, cô gái lại ngồi trên sân thượng mà lòng không còn thanh thản như thuở nào. Cô đưa mắt một lượt: sân thượng những nhà kế bên, các ô cửa sổ,… không cách nào tìm được người họa sĩ.
Anh ta đang ở đâu để vẽ trộm? Đằng kia, trên mái ngói, đôi chim sẻ đang rỉa lông, âu yếm nhau thật hạnh phúc. Cô gái bỗng nghe lòng nôn nao. Có lẽ cô đang chờ đợi cánh thư chiều thứ bảy.
Chiều thứ bảy, cô gái cố chần chừ trước cổng để đợi tin em bé. Cô tự hỏi lòng: Tình yêu? Cô bối rối pha chút thẹn thùng, nhưng biết rằng không thể dối được lòng.
Cô muốn dửng dưng như mọi khi xong con tim cứ luôn thôi thúc một thứ tình cảm gì đó như mơ mà như thực.
Một tuần… Hai tuần… Em bé vẫn không đến. Cô gái thấy ngày sao cứ kéo dài vô tận, hoàng hôn xuống phố chình chịch một màu đen ngòm rồi trùm cả khu nhị tỳ yên ắng.
Cô muốn gạt bỏ, quên hết những ý nghĩ của con tim nhưng hình ảnh cái anh chàng bộ đội- họa sĩ có gương mặt phúc hậu, cặp mắt đen linh hoạt, hài hòa với cái sống mũi cao cao kia cứ như ẩn, như hiện.
Cô muốn xuống phố hỏi thăm mọi người cho ra lẽ nhưng… không làm thế được. Trên trời, một cánh én lạc loài giữa hoàng hôn đang chao đảo mà chẳng thấy tín hiệu của mùa xuân.
Chiều thứ bảy, em bé lại xuất hiện trước cổng. Cô gái muốn chạy ngay đến, vồ ngay để đọc ngấu nghiến lấy bức thư song cô đã tự kiềm chế được.
Đôi mắt bé vẫn lay láy, vẫn hồn nhiên như mọi khi: “Hổm nay, ảnh bận công việc nên không viết thơ cho chị được…”.
Cô định hỏi thăm em bé nhiều lắm nhưng tay chân cứ lúng túng, vụng về. Cô đứng trơ ra, cứng đờ. Khi em bé đi rồi, cô chạy ngay vào phòng cẩn thận mở bức thư…
Chiều, hoàng hôn đang pha loãng trong những tia nắng vàng nhạt màu chanh, phố xá cũng được nhuộm một gam vàng dìu dịu.
Cô gái bước lên sân thượng, thẹn thùng không dám nhìn sang khoảng sân tương cách đó không xa có nhiều chậu hoa giấy là địa điểm lý tưởng, kín đáo dể chàng họa sĩ vẽ trộm cô bấy nay.
Cô nhìn xuống phố, những đôi tình nhân đang đèo nhau thơ mộng, tình tứ. Cô ao ước… rồi bẽn lẽn cố giấu một nụ cười ý nhị.
* *
*
… Chiều thứ bảy, hoàng hôn xuống chậm trong cái hây hây của gió. Cô gái hai mươi tám tuổi lần đầu tiên xin phép mẹ đi chơi cùng người yêu.
Cô nép vào chàng trai, người họa sĩ có dáng đi khập khiễng vì bị tật một bàn chân. Bà mẹ tiễn hai trẻ ra cửa mà lòng tràn ngập niềm vui, đôi mắt bị kéo lại ti hí chợt tuôn rơi dòng lệ rồi lăn dài xuống gương mặt méo mó kết thành một nụ cười hạnh phúc…
Đôi trai gái sánh bước bên nhau. Hoàng hôn thoảng trong gió như những lời tình tự.
NGUYỄN LINH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin