TPHCM: Thiếu sân khấu, lấy đâu ra đất diễn để nuôi dưỡng cải lương?

11:12, 28/12/2018

Thiếu sân khấu đúng tầm, không ít nghệ sĩ vì muốn bám nghề phải chấp nhận biểu diễn tại những địa điểm chưa thực sự phù hợp như quán ăn, đám tiệc…

Thiếu sân khấu đúng tầm, không ít nghệ sĩ vì muốn bám nghề phải chấp nhận biểu diễn tại những địa điểm chưa thực sự phù hợp như quán ăn, đám tiệc…

Sau 100 năm hình thành và phát triển với nhiều thập kỷ thành công rực rỡ, đến nay, TPHCM và các tỉnh Nam bộ nói chung đang chứng kiến sự “thoi thóp” của các sân khấu cải lương. Hơn 20 sân khấu lớn và hàng trăm điểm biểu diễn nhỏ đã mất dấu, nhiều nghệ sĩ cải lương tài năng phải chật vật kiếm sống bằng các show diễn phục vụ đám cưới, đám giỗ, thậm chí khai trương cây xăng, quán nhậu. Nhiều nghệ sĩ cải lương thành danh cho biết, họ trăn trở khi thấy thế hệ tài năng trẻ thiếu đất diễn và lo lắng cho tương lai nghệ thuật cải lương trong giai đoạn tới.     

Nghệ sĩ Kim Tử Long chia sẻ những khó khăn mà các đơn vị xã hội hóa cải lương đang gặp phải hiện nay.
Nghệ sĩ Kim Tử Long chia sẻ những khó khăn mà các đơn vị xã hội hóa cải lương đang gặp phải hiện nay.

Đứng ra làm đơn vị tổ chức biểu diễn cải lương theo hình thức xã hội hóa tại TPHCM khoảng 3 năm nay, nghệ sĩ Kim Tử Long chật vật ngược xuôi với hàng loạt bất cập phát sinh. Ngày nghe tin thành phố sẽ đầu tư 137 tỷ đồng xây dựng Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, “ông bầu” Kim Tử Long cùng nhiều nghệ sĩ khấp khởi trong lòng. Thế nhưng đến khi nhà hát thành hình, mọi giấc mộng tan biến vì nhà hát cải lương lớn nhất thành phố hóa ra chỉ là một hội trường cao cấp. Sân khấu khác chuẩn đã đành, giá thành của rạp lại cao trong khi số ghế quá ít nên rất ít vở dám diễn vì… sợ lỗ.

Nghệ sĩ Kim Tử Long tâm tư: “Các đơn vị xã hội hóa phải xin để được vào với một mức giá hữu nghị. Tôi nghĩ rằng điều đó bất công với cải lương, với sân khấu. Các đơn vị xã hội hóa như chúng tôi phải bỏ tiền túi ra để làm ra những tác phẩm đến với công chúng. Đó là điều mà nhà nước đang kêu gọi chúng tôi làm. Nhưng khi chúng tôi làm thì không được ai ủng hộ hết.”.

Ít cơ hội vào diễn tại sân khấu cải lương chính thống duy nhất của thành phố, “ông bầu” Kim Tử Long phải chọn diễn tại các sân khấu khác với mức chi phí đầu tư quá lớn. Cách đây không lâu, nghệ sĩ này đã bỏ ra hơn 800 triệu đồng để dàn dựng vở “Rạng ngọc Côn Sơn” và được đánh giá rất cao. Thế nhưng chỉ sau 2 đêm diễn tại Nhà hát Bến Thành, nghệ sĩ Kim Tử Long quyết định dừng lại vì không chịu nổi chi phí. Một đêm diễn ông phải trả 45 triệu đồng tiền rạp, mỗi suất tập phải bỏ thêm 10 triệu đồng. Với mức chi này, giá vé phải lên đến 1 triệu đồng mới đủ trang trải mọi thứ, nhưng đó là mức giá không tưởng trong giai đoạn hiện nay, khi mà vé xem kịch nói giá cao nhất chỉ 300 ngàn đồng/suất vẫn chẳng ai mặn mà.

Tại các tọa đàm, hội thảo về cải lương, điều người ta nghe nhiều nhất vẫn là những trăn trở, tâm tư của nghệ sĩ với nghề.
Tại các tọa đàm, hội thảo về cải lương, điều người ta nghe nhiều nhất vẫn là những trăn trở, tâm tư của nghệ sĩ với nghề.

Thiếu sân khấu đúng tầm, không ít nghệ sĩ vì muốn bám nghề phải chấp nhận biểu diễn tại những địa điểm chưa thực sự phù hợp như quán ăn, đám tiệc… Cũng vì thiếu đất diễn mà biết bao kịch bản hay, vở diễn xuất sắc chỉ để đem đi thi, tham gia hội diễn rồi… cất kho. Sự khắc nghiệt của thị trường cũng khiến đội ngũ soạn giả cải lương ngày càng vơi dần, dẫn đến nguy cơ thiếu sản phẩm chất lượng trong tương lai gần. Theo đạo diễn Nguyễn Mộng Long, cái chính của nghệ thuật là phải có đất diễn, bằng không mọi giải pháp đều vô nghĩa.

Đạo diễn Nguyễn Mộng Long nói: “Muốn ca hay diễn giỏi rõ ràng nghệ sĩ phải có sân khấu, phải có chỗ để họ thể hiện tài năng. Hiện nay TPHCM ngoài Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang èo uột ra thì chúng ta đâu còn gì nữa đâu. Sân khấu là những thiết chế văn hóa, xã hội cần thiết để cho nghệ sĩ cải lương hành nghề không có thì ca diễn đó rốt cuộc sẽ dừng lại ở mức tiềm năng nhiều hơn ở mức ngôi sao.”.

Nhiều nghệ sĩ và chuyên gia cho rằng, muốn tồn tại trong giai đoạn cạnh tranh gay gắt như hiện nay cải lương phải thay đổi chứ không thể cứ ôm hoài giấc mộng thời hoàng kim. Bên cạnh việc duy trì những vở diễn chuẩn mực, kinh điển, cần bổ sung những kịch bản mang hơi hướng thời đại để thu hút lớp khán giả trẻ đến rạp thưởng thức. Thế nhưng muốn người trẻ yêu cải lương, trước hết phải giúp họ hiểu cải lương là gì. Hiện nay hệ thống giáo dục đã quan tâm đến công tác này nhưng vì thiếu sự phối hợp nhuần nhuyễn với các đơn vị quản lý văn hóa nên chưa có được cách tiếp cận, triển khai phù hợp. Việc đưa nghệ thuật cải lương vào trường học là chủ trương hay nhưng liều lượng thế nào, cách thức ra sao để hiệu quả thì cần phải bàn bạc cụ thể.

Tiến sĩ Lê Hồng Phước, chuyên gia nghiên cứu và bình luận cải lương, giảng viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học quốc gia TPHCM phân tích: “Ví dụ cấp 1 chúng ta đưa đến mức độ nào, cấp 2 đưa cái gì, cấp 3 ra sao. Học sinh cấp 1 mà các bạn vào lý luận nguồn gốc cải lương là gì, 20 bài bản tổ là gì thì làm sao các em hiểu. Và khi truyền cho tuổi trẻ những kiến thức về cải lương, nghệ sĩ đừng bao giờ đòi hỏi khán giả trẻ phải yêu cải lương. Đừng nuôi tham vọng tất cả người trẻ Việt Nam sẽ yêu cải lương nhưng chúng ta phải nuôi tham vọng tất cả người trẻ Việt Nam phải biết cải lương là gì.”.

Đã qua rồi thời hoàng kim, nghệ sĩ cải lương đang từng ngày làm mới mình để níu chân khán giả quay về với loại hình nghệ thuật mang đậm bản sắc văn hóa này. Thế nhưng, tự thân các nghệ sĩ nỗ lực thôi chưa đủ, họ cần sự quan tâm, hỗ trợ từ nhiều phía. Đó là những chính sách đồng bộ, kịp thời, là sự phối hợp nhuần nhuyễn nhằm từng bước tái tạo sức sống cho các sân khấu cải lương, để không nghệ sĩ nào phải ngậm ngùi thốt lên câu “Muốn thêm của thì sắm cày. Muốn ăn mày thì lập gánh hát”./.

Theo Mỹ Dung/VOV-TPHCM

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh