Ở cuộc sống đời thường, mỗi người sinh sống bằng một nghề khác nhau, nhưng có chung niềm đam mê là vẽ, nặn, khắc... Niềm đam mê này gắn chặt các họa sĩ với cuộc sống.
Ở cuộc sống đời thường, mỗi người sinh sống bằng một nghề khác nhau, nhưng có chung niềm đam mê là vẽ, nặn, khắc... Niềm đam mê này gắn chặt các họa sĩ với cuộc sống.
Cùng là chuyên ngành mỹ thuật, nhưng mỗi người có sở trường riêng, người thì giỏi về sơn dầu, đồ họa hoặc vẽ lụa, người thì giỏi về ký họa, tranh xé dán hoặc điêu khắc… Chính sự khác nhau phong phú này mà anh em họa sĩ tỉnh nhà đã đóng góp cho xã hội nhiều việc, tùy vào vị trí việc làm và sở trường của mình.
Phân hội Mỹ thuật thuộc Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Vĩnh Long hiện có 26 hội viên. Tuy số lượng còn khiêm tốn, nhưng trong đó có 9 hội viên Trung ương, đạt tỷ lệ 30%.
Anh em không chỉ sáng tác cho Hội, cho bản thân để tham gia các cuộc triển lãm lễ, tết, triển lãm theo chủ đề, chuyên đề hoặc sáng tác để dự thi giải mỹ thuật các cấp; mà còn dùng tay nghề của mình phục vụ đắc lực cho cuộc sống, trong đó có chính bản thân mình.
Đó là những việc làm thầm lặng bằng bàn tay và óc thẩm mỹ như thiết kế những gian hàng triển lãm lễ, tết; những công trình xây dựng liên quan đến mỹ thuật; thi công các tượng đài, phù điêu, tranh hoành tráng, trang trí cổng chào; làm tranh tượng ở các đình chùa, miếu mạo…, đâu đâu cũng có dấu ấn bàn tay người cầm cọ tỉnh nhà.
Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh là anh Hứa Văn Chiến, cũng là họa sĩ, chuyên ngành điêu khắc. Anh có những tác phẩm thật ấn tượng, “hoành tráng”, đứng sừng sững giữa đất trời, hiện thân thành chứng nhân lịch sử kể chuyện ngày qua. Đó là những công trình tượng đài, phù điêu, bia tưởng niệm…
Tính đến nay, anh có 8 công trình trong và ngoài tỉnh. Có thể nêu điển hình: Tượng đài Chiến thắng Mậu Thân đặt tại Phường 9 (TP Vĩnh Long); tượng đài Chiến thắng Quân khu 9 đặt tại TP Cần Thơ; bia Chiến thắng Bắc Nước Xoáy tại xã Tân An Luông (Vũng Liêm),…
Họa sĩ Trần Minh Thái nguyên Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Vĩnh Long chuyên sáng tác về đề tài truyền thống kháng chiến. Anh là thành viên Hội đồng Thẩm định Nghệ thuật tỉnh, đã từng thẩm định, góp ý các phác thảo tượng đài, bia, tranh hoành tráng… trước khi công trình chính thức được thi công.
Bản thân anh cũng là tác giả, đã phác thảo, làm bản vẽ nhiều công trình lịch sử của tỉnh như: Tranh hoành tráng trong Công viên Tượng đài Chiến thắng Mậu Thân 1968, thể hiện khí thế của quân và dân tiến công vào TX Vĩnh Long; Bia chiến thắng Mương Khai- Hiệp Hòa đặt tại xã Hòa Bình (Trà Ôn); Bia Chiến thắng Mậu Thân đặt tại Phường 3 (TP Vĩnh Long);...
Ánh Hồng là họa sĩ nữ nhiều năm công tác tại Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, phụ trách mỹ thuật. Mỗi khi có đợt thi hoặc triển lãm, chị nhiệt tình vận động, động viên anh em họa sĩ sáng tác. Chị có nhiều tranh về đề tài lịch sử được trưng bày, lưu trữ tại Bảo tàng Vĩnh Long, tác giả của phù điêu tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh… Ánh Hồng có công lớn trong việc tham gia bồi dưỡng và hướng dẫn đội ngũ sáng tác trẻ.
Rồi nếu ai đó thư thả rảo một vòng quanh các đường phố, gặp những tấm áp phích, những tấm pa nô cổ động phục vụ các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội của tỉnh, biết ngay là có sự tham gia sáng tác hoặc thi công của họa sĩ Nguyễn Lưu.
Anh Nguyễn Lưu hiện là Phân hội trưởng Phân hội Mỹ thuật, công tác tại Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh. Thông thường, các ngày chuẩn bị đón lễ, đón xuân, thường là phải có pa nô, áp phích cổ động; vậy là Nguyễn Lưu tìm tư liệu sáng tác hoặc vận động các anh em trong phân hội cùng sáng tác. Bây giờ công nghệ in bạt tấm lớn phát triển, nên các họa sĩ đỡ vất vả, máy vi tính và máy in làm tất cả mọi việc.
Chớ trước kia, mỗi lần vẽ các pa nô cao nghều nghệu, anh em phải leo lên thang, treo mình lủng lẳng để vẽ dưới ánh mặt trời gay gắt. Những lúc làm nhiều, thời gian gấp, Nguyễn Lưu huy động các anh em họa sĩ cùng tham gia.
Các ngày lễ, tết, ở những nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng đông vui, ta thấy thỉnh thoảng có những đám đông xúm xít, thấy có nhiều tờ giấy đỏ, giấy vàng treo ngang treo dọc, thì biết ngay đó là nơi hành nghề của họa sĩ Trần Có. Họa sĩ Trần Có đang cho chữ qua những nét thư pháp rồng bay, phượng múa.
Ai thích chữ gì, đến “xin” chữ ấy, rồi “thỉnh” về treo trong nhà hoặc tặng bạn bè. Có vài ba người thích thư pháp, xin học, anh Trần Có bỏ ra mỗi tuần vài ba tiết để bồi dưỡng. Trước đó một thời gian, họa sĩ Trần Có chuyên vẽ các áp phích quảng cáo phim. Cùng vẽ thư pháp còn có họa sĩ Lâm Quý.
Lâm Quý có số vốn kha khá về chữ Hán, nên chợ chữ của Lâm Quý trở nên đa dạng. Ngày tết, 2 họa sĩ này vận khăn đóng áo dài trịnh trọng, khum khum, vẽ vẽ, chẳng khác mấy với thầy đồ ngày xưa, không khí tết thêm nét văn hóa dân gian.
CLB Thư pháp được thành lập và ra mắt vào đầu năm 2017, bước đầu có trên dưới 20 thành viên, nhiều tác phẩm được triển lãm tại Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh trong các dịp tết và triển lãm tại Khu lưu niệm Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa nhân Ngày thơ Việt Nam lần thứ XV.
Còn họa sĩ Tín Đức thì sử dụng Facebook để giới thiệu tranh của mình. Người trong nước, người nước ngoài lên đó thưởng ngoạn, chọn lựa, vừa ý thì đặt hàng; phương thức thanh toán, cách chuyên chở liên lạc qua điện thoại di động hoặc qua email. Anh đã từng có phòng tranh ký gửi tại Đà Lạt và TP Hồ Chí Minh.
Tương tự như vậy, có họa sĩ Đặng Can, anh cũng giới thiệu tranh của mình trên Facebook và hàng loạt tranh ký gửi như Tín Đức. Họa sĩ Đặng Can có nét vẽ mềm mại, lãng mạn, nhẹ nhàng với cảnh miền quê sông nước và các thiếu nữ duyên dáng, nét vẽ và màu sắc lung linh như trong mơ.
Có lẽ 3 họa sĩ này bán được tranh khá nhất trong số các họa sĩ của tỉnh. Riêng họa sĩ Tín Đức không dừng lại ở việc vẽ tranh, anh còn tham gia thực hiện nhiều công trình mỹ thuật như thi công các cổng chào, trang trí nội thất, trang trí các gian hàng triển lãm, hội chợ…
Một họa sĩ khác cũng bán được tranh kha khá là anh Lâm Chiêu Đồng (vừa mất trong năm 2018). Anh có biệt tài về tranh xé dán (giấy dán). Nhiều tranh có kích cỡ lớn, phải mất nhiều thời gian, công sức, trí lực để hoàn thành.
Tranh xé dán của anh công phu đến từng chi tiết, từng mảng màu. Anh có sở trường về phong cảnh thôn quê, sông nước, tĩnh vật, đặc biệt là những bức mô tả bông hoa. Ngoài ra, anh còn có nghề điêu khắc, chạm khắc những tác phẩm nghệ thuật theo sở thích để trưng bày hoặc theo đặt hàng của bạn bè, của khách hàng.
Một họa sĩ của đồng quê với phong cảnh thôn quê dân dã, trữ tình; có tranh treo, bán thường xuyên tại các khu du lịch của huyện Cái Bè (Tiền Giang) là họa sĩ Thanh Hải. Tranh của anh được người nước ngoài ưa thích bởi những nét xưa gợi cảm trong phong cảnh làng quê Việt Nam với bến nước, con đò, cây dừa soi bóng, con trâu trên đồng…
Họa sĩ Minh Nhựt thì có việc làm và thu nhập ổn định tại Công ty CP Dược phẩm Cửu Long. Việc hàng ngày của anh là đồ họa vi tính để trang trí, trình bày nhãn hiệu, bao bì các sản phẩm thuốc. Còn họa sĩ Nguyễn Văn Suol chuyên về điêu khắc, tham gia một số công trình mỹ thuật trong và ngoài tỉnh.
Nhiều họa sĩ không chỉ sáng tác mà còn tham gia bồi dưỡng năng khiếu hội họa cho thiếu nhi tại các điểm như Trung tâm Văn hóa tỉnh, Trung tâm Hoạt động thanh thiếu niên tỉnh… Kế thừa lực lượng họa sĩ lớn tuổi, năm 2015- 2016 xuất hiện nhiều họa sĩ trẻ đầy triển vọng, đạt giải trong các cuộc thi cấp tỉnh như Phương Bình, Đoàn Văn Thay, Đức An, Thanh Hương,…
Và còn nữa, còn nhiều hội viên chuyên ngành mỹ thuật của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh nhà đã âm thầm đóng góp công sức của mình cho cuộc sống thêm nhiều màu sắc.
PHONG LAN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin