Mùa xuân năm 1959, nhà văn Lê Lựu (sinh năm 1942, tại thôn Mạn Trù Châu, xã Tân Châu, huyện Khoái Châu- Hưng Yên) đang học lớp 7 ở trường huyện thì xung phong đi bộ đội.
Mùa xuân năm 1959, nhà văn Lê Lựu (sinh năm 1942, tại thôn Mạn Trù Châu, xã Tân Châu, huyện Khoái Châu- Hưng Yên) đang học lớp 7 ở trường huyện thì xung phong đi bộ đội.
Địa điểm giao quân ngày ấy tại văn miếu Xích Đằng (phường Lam Sơn- TP Hưng Yên bấy giờ). Sau một tuần hành quân bộ về Kiến An (Hải Phòng), Lê Lựu được biên chế về Tiểu đoàn Thông tin 48, Sư đoàn 320- còn gọi là Đại đoàn Đồng Bằng, Sư trưởng là tướng Hoàng Sâm.
Vốn ham mê văn học, báo chí từ nhỏ, nay được vào môi trường bộ đội, Lê Lựu được dịp thể hiện năng khiếu của mình bằng những bài báo tường nêu những gương người tốt, việc tốt trong đơn vị như: gương anh nuôi tận tụy, chiến sĩ coi kho xuất sắc,…
Năm 1960, Tổng cục Chính trị mở cuộc vận động sáng tác trong toàn quân “Viết về kỷ niệm sâu sắc trong đời bộ đội”, Lê Lựu được đồng chí Kiều Kim Trùy- Chủ nhiệm CLB Trung đoàn cử đi dự trại sáng tác.
Trại sáng tác cách đơn vị của Lê Lựu hơn 10km. Tại đây, sau 17 đêm thức trắng, Lê Lựu đã viết xong truyện “Những ngày cuối trận đánh”, nội dung theo lời kể của đồng chí Phó Tiểu đoàn trưởng đơn vị của Lê Lựu. Sau 2 hôm hồi hộp chờ đợi kết quả, đồng chí Kiều Kim Trùy tìm gặp Lê Lựu và nói: “Cậu viết như tường thuật bóng đá…”.
Không ngờ lời “chê khéo” ấy của đồng chí Kiều Kim Trùy lại làm cho Lê Lựu lầm tưởng là lời khen. Lê Lựu sung sướng quá, thốt lên: “Ối trời ơi! Thế thì sung sướng quá. Trên đời này không có gì hay, lôi cuốn mạnh mẽ bằng nghe tường thuật bóng đá. Mình viết được như tường thuật bóng đá thì còn gì bằng”.
Lê Lựu đang hân hoan, mải mê với những suy nghĩ, thì nét mặt ngây ngô của chàng lính trẻ bỗng sững lại khi nghe đồng chí trưởng trại nói: “Cậu viết như thế chưa phải là văn, mới chỉ là một bài báo quá dài, nhạt… mà… mà! Nói tóm lại, nó chưa ra cái loại gì cả…”.
Nghe vậy, Lê Lựu rất buồn và lo lắng, sợ mình không viết được văn, lãnh đạo trại đuổi về sớm. Buổi chiều hôm đó, Lê Lựu lang thang ra biển Đồ Sơn chơi, bỏ cả bữa cơm chiều.
Hôm sau, mấy nhà văn, nhà báo ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội Hà Nội là Hồng Diệu, Vũ Sắc, Mai Vui về đọc bản thảo của trại. Biết được tâm trạng của Lê Lựu, mấy nhà văn đó đã gặp và động viên: “Lựu cứ bình tĩnh, còn nước còn tát. Cậu xem bản thân hoặc những người thân của mình có kỷ niệm gì da diết không? Cậu viết thử xem, cốt là hay”.
Trở về phòng, sau một đêm trằn trọc, Lê Lựu đã viết về sự hy sinh của ông anh trai mình là du kích trong trận chiến đấu chống Pháp. Câu chuyện thật xúc động, rồi đem đọc cho cả trại nghe. Đó là truyện “Tết làng Mụa”.
Sau thành công ấy Lê Lựu đã viết bài “Tôi học viết như thế nào” in trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội số 12-1964, rồi liên tiếp xuất hiện các truyện ngắn, ký văn học trên các báo trung ương. Sau đó, Lê Lựu được đi học lớp bồi dưỡng những người viết văn trẻ ở Quảng Bá (Hà Nội).
Lớp học này do nhà văn Nguyên Hồng phụ trách. Tính đến năm 2000, trước khi bị tai biến mạch máu não, Lê Lựu đã viết trên 20 tác phẩm. Một số tác phẩm nổi tiếng đã được dựng thành phim như “Người về đồng cói”, “Sóng ở đáy sông”, “Thời xa vắng”. Nhà văn được nhận giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật đợt 1 năm 2001.
LÊ HỒNG THIỆN (st)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin