… 4 giờ sáng, thằng Tính dựng đầu hai đứa tui dậy. Nó mượn chiếc tàu đánh cá nhỏ rồi cùng đi ra biển. Không dám đi xa, tụi tui chỉ quẩn quanh gần bờ. Thằng Tính dùng chĩa đâm cá. Thằng này hay thiệt. Lần quần buổi sáng vậy mà nó đâm cũng được một mớ kha khá.
[links()]
(Tiếp theo kỳ trước và hết)
… 4 giờ sáng, thằng Tính dựng đầu hai đứa tui dậy. Nó mượn chiếc tàu đánh cá nhỏ rồi cùng đi ra biển. Không dám đi xa, tụi tui chỉ quẩn quanh gần bờ. Thằng Tính dùng chĩa đâm cá. Thằng này hay thiệt. Lần quần buổi sáng vậy mà nó đâm cũng được một mớ kha khá.
Nó còn lặn xuống bắt cua, bắt ốc. Cả ba quay về với chiến lợi phẩm đầy tàu. Ăn không hết, tụi tui gửi nhờ mấy nhà hàng xóm để dành ăn dần. Cuộc sống ở đảo thật phóng khoáng.
Không cần lo cái ăn. Cá thì ra biển đánh bắt. Bắt được nhiều thì đổi gạo, thịt, mắm, muối. Thằng Tính ở đảo mấy năm về nhà nó không biết xài tiền luôn.
Thằng Tính dắt tụi tui đi tham quan lớp học của nó. Gọi lớp học chớ thiệt ra chỉ là một bãi cát. Bốn bề trống huơ trống hoác. Chỉ cần che cái mái với mấy bộ bàn ghế sơ sài là đã thành cái lớp.
Trẻ em ở đảo thiệt thòi thật! Ngày đầu đến Bắc Đảo, thằng Tính dạy lớp một. Đa số con nít ở đây không biết trường lớp, chữ nghĩa là gì. Suốt ngày lê la ngoài bãi biển hay lên rừng hái trái dại, tìm bắt con chim, con sóc.
Lúc nào chúng cũng mình trần trùng trục, mũi dãi lòng thòng, hồn nhiên như củ khoai, củ chuối. Lần đầu tiên biết đọc biết viết chúng thấy cũng vui vui. Ở nhà không có việc gì làm nên cha mẹ khuyến khích chúng đi học cho biết đọc biết viết với người ta!
Thoát cái mà đã hết lớp một. Trò bối rối mà thầy cũng bối rối. Lên lớp hai ai dạy đây? Vậy là thầy Tính quyết định mua sách vở về nghiên cứu dạy lớp hai. Năm học mới bắt đầu với từng ấy bọn học trò lớp một. Lớp hai lại trôi qua nhanh. Một lần nữa thầy trò lại bối rối.
Thầy Tính tiếp tục nghiên cứu mớ sách vở lớp ba. Năm học mới lại diễn ra êm xuôi. Giờ thì học trò của thầy đã bự chảng rồi. Trẻ em miền biển phát triển nhanh lắm.
Mà đa số đều quá tuổi đi học nên lớp học đủ mọi lứa tuổi. Đứa 6, 7 tuổi. Đứa 9, 10 tuổi. Có cả đứa 15, 16 tuổi. Những đứa lớn đã có thể đi biển phụ giúp cha mẹ!
Nghỉ hè xong là tới năm học mới. Tôi hỏi thằng Tính:
- Vậy rồi năm nay mầy dạy lớp bốn luôn hả?!
Thằng Tính lắc đầu. Nó nói nó không đủ trình độ dạy lớp bốn! Nhưng nếu phải nghỉ dạy thì chắc là buồn lắm. Nó không thể rời xa nơi này được. Nó ngồi trầm ngâm cả buổi. Mắt thẫn thờ nhìn ra biển. Không ngờ nó lại yêu nghề đến như vậy. Sau một hồi lặng im. Nó chợt phá ra cười và nói:
- Tao nghĩ ra rồi. Năm học mới tao sẽ tiếp tục dạy. Nhưng mà là dạy lại… lớp một… ha ha.
Nó cười vang có vẻ khoái chí lắm. “Thằng này chắc nói chơi”. Tôi nghĩ.
Lũ học trò của nó sau khi nghe thầy Tính tuyên bố năm tới sẽ dạy lớp một, chúng tiu nghỉu. Vậy là không còn được học nữa rồi.
Nhưng đúng là thầy đã khùng mà trò cũng khùng không kém thầy. Sau một hồi hội ý, cả đám học trò đồng thanh nói: “Nếu thầy dạy lớp một, thì tụi em cũng xuống lớp một… học lại!”
Đúng là ở cái nơi khỉ ho cò gáy này lắm điều buồn cười thật. Ngay cả việc đi vệ sinh cũng quá là buồn cười. Bãi cỏ cao quá đầu người được khoét một lỗ chính giữa vậy là đã thành cái nhà vệ sinh công cộng.
Mọi người cần giải quyết cứ vô tư. Hôm sau trời nắng chói chang cái gì cũng quéo lại coi như không còn mùi màng vết tích gì. Những đêm trăng thanh gió mát thì khỏi phải nói.
Nhìn ra biển mặt nước lăn tăn rải những ánh vàng ánh bạc thật lãng mạn. Gió thổi xào xạc. Đặc biệt cây cỏ cứ thi nhau cọ quẹt liên tục làm cho lòng người cứ lâng lâng. Nhưng vào mùa mưa thì… chịu sao nổi trời!
Buổi chiều, thầy trò kéo nhau ra cái bãi cát gần lớp học chơi đá banh. Lúc này, tôi không còn thấy bóng dáng của một ông thầy nữa, chỉ thấy thầy và trò như hòa quyện với nhau.
Cùng chơi đùa. Cùng oánh lộn tranh giành bóng. Giữa thầy và trò đã không còn khoảng cách. Như có một sợi dây thân tình nào đó buột chặt lấy thằng Tính.
Mấy ngày ở Bắc Đảo vui biết bao nhiêu!
… Chiều nhạt nắng. Phía xa, tán cây cao như che hết chút ánh sáng còn sót lại của buổi hoàng hôn. Ba đứa ngồi ngắm những vệt nắng dài mỏng manh nghiêng nghiêng trên mặt biển.
Cảnh vật âm u huyền bí nhưng đẹp đến nao lòng. Chỉ mới có mấy ngày mà cái thằng tôi cũng cảm thấy quyến luyến nơi đây vô cùng. Tôi hỏi thằng Tính:
- Tính! Sao mầy lại chọn nơi đây làm quê hương thứ hai của mầy?
Thằng Tính cười:
- Tao cũng không biết. Tao chỉ cảm thấy như có một cái gì đó quá đỗi thân thương ở nơi đây làm tao không thể rời xa được.
- Nhưng ở đây vắng vẻ, hoang sơ và nghèo nàn lạc hậu quá. Không trường học, không trạm xá, không có y, bác sĩ. Đêm hôm bệnh hoạn rồi biết làm sao?- tôi hỏi.
Thằng Tính lơ đãng:
- Lo gì! Đã có thầy mo rồi. Ở đây ai cũng tin tưởng thầy mo hết. Bệnh tật gì đến thầy cúng, cho uống thuốc là hết liền. Mày không thấy mọi người vẫn sống khỏe mạnh đó sao?
Trời! Nó nói sao nghe dễ quá. Ở Phú Quốc, bệnh nặng đi bệnh viện khám bệnh, uống thuốc mà đôi khi không khỏi vẫn phải thuê tàu chở vào tận Kiên Giang, huống gì vài lá bùa đốt lên rồi quậy quậy uống mà hết bệnh được.
Vậy mà nó cứ khăng khăng là ở đây không cần bệnh viện, trạm y tế gì hết. Trời sanh trời lo. Tôi tức cành hông mà không cãi lại nó được.
Thằng Phong nãy giờ cứ thả hồn tận đâu đâu. Nghe hai đứa tôi cãi lộn, nó như sực tỉnh. Nó quay qua nhìn thằng Tính hỏi: “Gì? Gì mà có thầy mo thầy tụng ở đây nữa?”
Sau khi nghe tôi nói nó gật gật. Bất chợt như nhớ ra điều gì nó “a” lên một tiếng rồi quay qua nhìn thằng Tính. Nó nhìn lom lom từ trên xuống dưới rồi… từ dưới lên trên. Bỗng nó trợn mắt chỉ vào bụng thằng Tính, miệng lắp bắp:
- Tính. Mày… mày…
Tôi và thằng Tính nhìn nó ngạc nhiên:
- Mày… mày gì?- thằng Tính hỏi.
- Bụng mày… - giọng thằng Phong bắt đầu run sợ.
- Bụng tao bình thường, có gì đâu?
Mặt thằng Phong cắt không còn giọt máu. Tự nhiên nó lấm lét nhìn đi nơi khác rồi lẩm bẩm một mình:
- Chết rồi. Không được rồi!
Nó như trúng tà. Suốt đêm không nói năng gì. Sáng sớm hôm sau, nó nằng nặc đòi về cho được. Tôi nổi quạu:
- Khùng hay gì rồi? Đang chơi vui vậy mà tự nhiên đòi về.
… Sau hôm đó ba đứa chia tay. Tôi bận lu bu dọn nhà nên cũng không kịp hỏi thằng Phong có chuyện gì. Vậy mà thoắt cái đã gần hai mươi năm.
Thỉnh thoảng tôi có sang Phú Quốc thăm bạn bè thầy cô nhưng không có thời gian ra Bắc Đảo thăm thằng Tính. Hôm nay được trở lại Bắc Đảo, bao nhiêu kỷ niệm cứ đan xen làm lòng tôi vui buồn lẫn lộn.
*
* *
Thằng Tính sau một thời gian được cử đi học nghiệp vụ chuyên môn bây giờ đã là Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Bãi Thơm. Xóm chài đông đúc hơn xưa.
Nhà cửa khang trang hơn xưa. Nhiều nhà xây tường kiên cố. Đã có đường xe từ Phú Quốc đến Bắc Đảo nên người đến lập nghiệp ngày càng đông. Khu du lịch, resort mọc lên như nấm. Tuy nhiên cuộc sống của làng chài vẫn yên ắng như thuở nào, dù có tiện nghi hơn đôi phần.
Thằng Tính đãi chúng tôi đặc sản miền biển. Vợ nó là cô giáo dạy chung trường. Hai đứa con một trai một gái tầm mươi, mười một tuổi xinh đẹp, ngoan hiền. Xem ra nó thật hạnh phúc. Khi đã ngà ngà, ba đứa nhắc lại kỷ niệm xưa. Bất chợt tôi hỏi thằng Phong:
- Phong! Ngày đó mày bị ma ám hay sao mà đột nhiên mặt mày tái mét. Hôm sau nói thế nào cũng nhất quyết đòi về vậy?
Thằng Phong cười ngượng nghịu:
- Thôi đi. Chuyện cũ lâu rồi ai mà nhớ.
- Cũ gì, gần hai mươi năm rồi, cái cục tức này để trong lòng chưa giải đáp được. Hôm nay mày phải nói cho rõ mới giải được cục tức trong tao đó!
Thằng Phong cười hề hề:
- Chuyện là vầy. Má thằng Tính nói với tao là bả nghi thằng Tính bị bùa ngải gì đó nên kêu tao đi Bắc Đảo theo dõi nó.
Hôm đó, tao thấy gần rún thằng Tính có một cái bớt màu đỏ hình thù kỳ dị. Mà tao chơi với nó từ hồi nhỏ lận tao biết nó đâu có cái bớt nào đâu. Nên tao nghi là nó bị dính bùa rồi. Tao sợ tụi mình ở lâu cũng bị nên nhất định đòi về đó ông nội.
Trời. Nghe nó nói mà tôi lạnh cả sống lưng. Vậy ra là nó cứu mình bấy lâu nay mà mình hổng biết còn trách móc nó sao? Tuy nhiên tôi vẫn nhìn thằng Tính như thầm hỏi. Thằng Tính ngớ người ra rồi phá lên cười. Nó vén áo lên hỏi:
- Phải cái bớt này không?
Một lần nữa mặt thằng Phong biến sắc. Thằng Tính vừa cười vừa nói:
- Thôi đi ông khùng! Bớt gì, cái này là cái thẹo lúc tắm suối vô tình tao trợt té bị mấy cái cạnh đá nó cắt. Lành lại tự nhiên nó thành vậy đó.
Thì ra Thằng Phong ám ảnh chuyện bùa ngải nên nhìn cái thẹo nghĩ là cái bớt bùa rồi ba chân bốn cẳng chạy về báo với gia đình thằng Tính.
Sau đó gia đình thằng Tính tức tốc rước thầy xuống Bắc Đảo để giải bùa cho nó. Nhưng chính những ngày ở Bắc Đảo, ba má thằng Tính mới biết được nguyên do vì sao nó không chịu về Phú Quốc.
Theo lời những cư dân xóm chài. Thầy Tính là một người hiền lành, có đạo đức. Tiền lương mỗi tháng thầy đều mua quần áo, sách vở, bánh kẹo cho bọn trẻ trong xóm. Thầy chăm sóc chúng như em cháu của mình, cùng dân làng chia sẻ những khó khăn, gian khổ.
Người dân xóm chài thì không có gì, chỉ có tấm lòng. Lúc nào cũng yêu thương, kính trọng thầy. Luôn biết ơn thầy- người đã đem ánh sáng văn hóa đến cái nơi xa xôi hẻo lánh này.
Những lúc thầy ốm đau bệnh hoạn, họ thay nhau chăm sóc. Khi thì nấu cho thầy tô cháo, lúc thì chén thuốc.
Còn thầy mo hay thầy thuốc thì cũng cứu người. Thuốc chỉ là cây cỏ, hoa lá trên rừng. Nhưng sự hiệu nghiệm ở đây chính là “tình người”. Tình người đã gắn kết những mảnh đời tứ xứ, trôi dạt về đây cùng chung tay xây dựng xóm chài ngày càng phồn thịnh hơn.
Câu chuyện về bùa thiêng Bắc Đảo chỉ đơn giản vậy thôi!
Tuy nhiên, tôi vẫn cố vớt vát:
- Mà bùa thiêng thiệt! Không thiêng sao giữ chân thằng Tính đến tận bây giờ!
Cả ba đứa cùng cười!
GAN THỊ PHƯƠNG ÁNH (TP Vĩnh Long)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin