Ai cũng có một góc riêng để cất giữ những ký ức tuổi thơ. Nào là những ngày cùng nhau bắt cào cào, châu chấu rồi bắt gặp những chú chàng hiu, hót cổ. Giờ chắc nhiều người còn nhớ những câu chuyện mà người lớn hay hù hay dọa bọn trẻ ngày ấy.
Ai cũng có một góc riêng để cất giữ những ký ức tuổi thơ. Nào là những ngày cùng nhau bắt cào cào, châu chấu rồi bắt gặp những chú chàng hiu, hót cổ. Giờ chắc nhiều người còn nhớ những câu chuyện mà người lớn hay hù hay dọa bọn trẻ ngày ấy.
Một góc riêng cất giữ với hình ảnh buồng chuối chín treo lủng lẳng nơi mái bếp. |
Chẳng như con hót cổ mà hót lên cổ là chết queo bà quèo hay vạc sành kêu là nhà có trộm. Mỗi khi nghe tiếng vạc sành kêu đêm là sợ chết đi được. Lại chuyện, đứa nào đập chết con vạc sành là con vạc sành khác mang than lại đốt nhà đứa ấy. Đúng là con nít thật, sao mà dễ bị hù quá.
Bởi vậy mới có câu “mày tưởng tao là con nít chắc”. Nhưng đến khi lớn lên người ta muốn quay về cái thuở hồn nhiên đáng yêu ấy.
Với bao trò chơi mang đậm chất quê như bong bóng, chong chóng, kéo mo cau, kéo co, cò chẹp,… Tôi thích nhất được chơi bong bóng. Thích nhìn bong bóng thả mình theo ngọn gió dù chỉ trong vài giây đã tan biến mất.
Ngày ấy, chúng tôi đi hái đọt dâm bụt, đọt gòn về vò nát với nước rồi pha thêm chút xà phòng cho có màu xanh, đỏ, vàng… trông mới đẹp mắt.
Vót cọng dừa cho láng, một đầu thắt tạo thành vòng tròn. Rồi nhúng vào nước mới vừa làm ra, tạo thành màng mỏng.
Chúng tôi nhẹ nhàng thổi ra từng quả bong bóng to. Thi nhau, đứa nào trong nhóm thổi quả bong bóng to hơn là khéo thổi.
Vì làn hơi ra mạnh bong bóng chưa kịp tròn đã bị vỡ, còn làn hơi nhẹ quá cho ra bong bóng nhỏ xíu xiu. Khi thổi mệt rồi thì chỉ việc quơ cọng dừa đã có hàng chục bong bóng bay ra. Thích làm sao.
Nhưng bong bóng chỉ hiển hiện vài giây trong gió rồi vỡ mất. Trong cuộc sống cũng thế, có đó rồi mất, dù đang giữ trong tay, dù có trân quý đến mấy đi nữa.
Tụi tôi cũng thích chơi bong bóng bay. Ngày ấy, lâu lâu chiếc ghe bán bong bóng bay ghé bán ở bến sông gần nhà. Người bán bong bóng bay rao bán, đổi bong bóng bằng những hũ chao, đôi dép đứt.
Vì thế mỗi lần trong nhà ăn chao, cá mòi, có đôi dép đứt là chúng tôi đem cất một nơi (trong kẹt bồ lúa, kẹt lu mái đầm) để chờ ghe bong bóng bay đến đổi.
Lũ trẻ chúng tôi ngày ấy nhặt lũ khũ lù khu chai, hũ, dép đứt. Đem đi đổi, mỗi đứa được một quả bong bóng bay.
Người ta bơm vào quả bóng ấy một lượng khí đá, nên bong bóng dễ dàng bay vụt khỏi tay. Cầm quả bong bóng trong tay, tít mắt, rộn lòng không thể nào tả được niềm vui ấy.
Có một quả bong bóng đã bay lên trời, có đứa cầm không khéo, bong bóng vụt bay. Nó ngẩn ngơ, ngước mắt nhìn theo quả bong bóng cho đến khi quả bong bóng mất hút.
Nhờ vậy ta nhận ra được cái mà mình quý mình gìn giữ thì nó lại dễ vượt ra khỏi tay mình. Được- mất là chuyện cuộc sống thôi mà, như giờ lớn lên mỗi đứa “bay” một nơi vậy.
Trong đám đó, có người muốn quay về chốn cũ mà có được đâu, vì theo gia đình ở tận trời Âu. Rồi người tâm sự, “đôi khi nghe điện thoại của anh chị xong, lòng thấy chống chếnh. Thấy thiếu thiếu cái gì trong cuộc sống của mình”.
Lâu lâu bắt gặp những người quen của mình đăng trên trang cá nhân những tấm hình ký ức thuở bồng trên tay, góc ảnh khép nép bên cạnh cửa, tấm ảnh cả làng lại coi chung chiếc ti vi hay ôm chiếc bập dừa bập bõm bập bõm trông giống chú thòi lòi,…
Với dòng chữ kèm theo “tuổi thơ của tôi đã đi qua”, “ngày ấy sao tôi quên”, “ký ức ngọt ngay như chè”,… Chắc lòng họ đang khắc khoải nhớ chốn thương yêu nên đăng tải lên để vá víu mảnh nhớ trong lòng.
Những khoảnh khắc, khung cảnh nên thơ đã ăn sâu vào trong ký ức, thỉnh thoảng khẽ chạm vào nỗi nhớ. Đơn cử như cơn gió đầu đông vô tình thổi qua làm trí não lục lọi tìm kỹ ngày cùng nội làm bầu gieo hạt chờ tết.
Cứ ngỡ chúng tôi đang ngồi bên nội, đứa xé lá chuối, đứa chặt ghim dừa, đứa quấn bầu vậy. Ngọt ngào và sâu lắng nằm ở một góc riêng lâu lâu gặp phải hình, phải bóng, phải mùi xưa rồi mở ra.
Bài, ảnh: MAI KHA
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin