Ngày 24/11, tại Hà Tĩnh, Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp UBND tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức Hội thảo khoa học 'Nguyễn Công Trứ với lịch sử, văn hóa Việt Nam nửa đầu thế kỷ XIX'. Đây là hoạt động Kỷ niệm 240 năm ngày sinh và 160 năm ngày mất Uy Viễn tướng công Nguyễn Công Trứ (1778-1858).
Ngày 24/11, tại Hà Tĩnh, Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp UBND tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức Hội thảo khoa học 'Nguyễn Công Trứ với lịch sử, văn hóa Việt Nam nửa đầu thế kỷ XIX'. Đây là hoạt động Kỷ niệm 240 năm ngày sinh và 160 năm ngày mất Uy Viễn tướng công Nguyễn Công Trứ (1778-1858).
Quang cảnh cuộc Hội thảo khoa học. Ảnh: Công Tường/TTXVN |
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Giáo sư Tiến sỹ Nguyễn Hữu Đức, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội đã nêu bật những công lao to lớn của Uy Viễn tướng công Nguyễn Công Trứ đối với quê hương, đất nước trên các phương diện xã hội, văn hóa, quân sự và kinh tế. Giáo sư Tiến sỹ Nguyễn Hữu Đức mong muốn với đóng góp trí tuệ của các chuyên gia, những nội dung chuyên môn của cuộc Hội thảo sẽ được tiếp cận, phân tích từ nhiều góc độ, lĩnh vực khác nhau trên quan điểm nghiên cứu chuyên ngành kết hợp với liên ngành.
Với 80 năm tuổi đời, nếm trải những thăng trầm của cuộc sống, Nguyễn Công Trứ từng có nhiều triết luận sâu sắc, ẩn chứa những tư tưởng của Nho – Phật – Đạo về số phận của mỗi kiếp người và về cõi nhân sinh. Ông là nhà sáng tạo văn hóa và dấu ấn Nguyễn Công Trứ trong dòng chảy văn học, văn hóa Việt Nam thế kỷ XIX là rất sâu đậm và độc đáo.
52 tham luận tại Hội thảo đã tập trung phân tích, làm sáng tỏ bối cảnh chính trị, kinh tế, tư tưởng, văn hóa của Việt Nam giai đoạn cuối thế kỷ XVIII, nửa đầu thế kỷ XIX để phác dựng rõ hơn hình ảnh và những đóng góp của Nguyễn Công Trứ với vương triều Nguyễn và thời đại; những mối liên hệ và tác động qua lại giữa chính trị với các nhân tố xã hội, kinh tế.
Nổi bật tại Hội thảo là một số tham luận: “Tư tưởng tự do mang tầm thời đại” của Tiến sỹ Đặng Duy Báu, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh; “Nguyễn Công Trứ với biển – Tư duy và hành động” của Giáo sư Tiến sỹ Nguyễn Văn Kim (Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn); “Trường hợp Nguyễn Công Trứ với lý luận đọc văn học” của Giáo sư Tiến sỹ Trần Nho Thìn (Khoa Văn, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn).
Sau phiên toàn thể, Hội thảo đã chia thành 2 Tiểu ban để thảo luận với 2 chủ đề: “Nguyễn Công Trứ với văn học, văn hóa, gia đình, quê hương và dòng tộc” và “Nguyễn Công Trứ với lịch sử, chính trị, tư tưởng và thời đại”. Cùng với các chủ đề khoa học, thông qua nội dung của cuộc Hội thảo, các nhà khoa học, quản lý đã cùng nhau bàn thảo về việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của quê hương Hà Tĩnh (mà rộng ra là không gian văn hóa Nghệ - Tĩnh).
THeo Hoàng Ngà (TTXVN)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin