Chuyện nhà thơ Trần Đăng Khoa viết về anh hùng liệt sĩ Mạc Thị Bưởi

05:11, 04/11/2018

Trần Đăng Khoa cứ phảng phất nghĩ về cô Bưởi, vừa cảm phục tinh thần hy sinh gan dạ, vừa thương cô. Vì viết theo cảm xúc nên bài thơ "Thăm mồ cô Bưởi" có phần nôm na chăng?

Nữ anh hùng Mạc Thị Bưởi là nữ du kích, làm giao thông liên lạc quê huyện Nam Sách (Hải Dương) đã hy sinh anh dũng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Chị bị địch bắt bị tra tấn rất dã man.

Chúng cắt vú rồi cắt cổ chị bằng con dao chọc tiết lợn. Chị Bưởi đã được truy tặng là Anh hùng Liệt sĩ lực lượng vũ trang. Ngay từ năm 1968, khi còn 10 tuổi, nhà thơ Trần Đăng Khoa đã làm tới 2 bài thơ ca ngợi chị Bưởi- người con cùng quê nhà thơ.

Năm ấy, nhà thơ Hồ Thiện Ngôn ở Trung ương Đoàn có về thăm Khoa, nhân có mang theo xe đạp, ông lai (chở) Khoa đến thị trấn Nam Sách thắp hương mộ chị Bưởi, 2 người cùng ngồi ở khu mộ một lúc lâu.

Về nhà, Trần Đăng Khoa cứ phảng phất nghĩ về cô Bưởi, vừa cảm phục tinh thần hy sinh gan dạ, vừa thương cô. Vì viết theo cảm xúc nên bài thơ “Thăm mồ cô Bưởi” có phần nôm na chăng?

Trưa nay con đến thăm cô

Lúa chiêm chín rực đôi bờ phi lao.

Ông trời dừng bước trên cao

Vi vu chị gió cùng vào thăm cô.

Tiếng gì dưới cỏ non tơ

Xôn xao trong đất mà mờ mắt em.

Bốn bề sóng lúa trào lên

Bốn bề sóng lúa ngả nghiêng, dập dồn.

Mẹ em chưa hết đau buồn

Trường em giặc Mỹ ném bom mấy lần.

Mấy lần đào hố dọc sân

Áo em cũng đã mấy lần nhuộm xanh.

Ánh đèn em học mong manh

Giấy không đủ trắng học hành long đong.

Dưới mồ cô có biết không

Mà nghe sóng cuộn đầy đồng thét vang.

Mà nghe lặng lẽ đường làng

Lô nhô mũi súng tạt ngang qua mô.

Nhìn ai cũng thấy dáng cô

Thoáng nghe tiếng nổ năm xưa phá đồn.

4/1968

Hôm sau, Trần Đăng Khoa đọc cho bác Ngôn nghe, bác khen hay. Hứng khởi, Trần Đăng Khoa chép ngay gửi cho Tạp chí Văn nghệ quân đội. Mấy hôm sau, khi bác Ngôn đi rồi, Trần Đăng Khoa có thời gian tập trung nghĩ ngợi đọc đi đọc lại thấy bài thơ ấy viết vội vã, nên có những câu còn dễ dãi.

Thế là Trần Đăng Khoa lại tức tốc đi bộ 7km, vào bưu điện huyện bỏ một bức thư có vài dòng xin lỗi tòa soạn Văn nghệ quân đội với mấy câu ngắn gọn “Bài thơ của cháu viết hỏng, xin các chú đừng in. Cháu sẽ gửi bài khác thay thế”.

Trần Đăng Khoa đã nói là làm, cậu trăn trở tìm tòi nội dung, cấu tứ, ngôn ngữ để thơ hơn. Và mãi nửa tháng sau, Trần Đăng Khoa cho ra đời bài thơ thứ hai về chị Bưởi với tên bài “Em dâng cô một vòng hoa”. Toàn bộ bài cũ đã như bỏ hẳn, chỉ giữ lại các câu đầu:

“Trưa nay em đến thăm cô

Nắng chiêm chín rực đôi bờ phi lao”

Trong hai câu trên, Khoa cũng chữa hai chữ: Con đến thành em, lúa chiêm thành nắng chiêm. Theo Trần Đăng Khoa chữa như thế vừa tả thực, vừa thơ hơn, nắng chiêm, là nắng vụ chiêm. Câu thơ bớt đi sự lười nhác, thấy gì nói nấy: Mấy câu trong bài “Em dâng cô một vòng hoa”. Có những câu, Khoa viết đã tỏ ra tài hoa sử dụng tu từ.

“Cô ơi! Sông nước gọi tên

Nắng mưa phục kích, trăng lên đánh đồn

Thương cô sóng cuộn quanh cồn

Nhát dao giặc giết, em còn thấy đâu!”

Câu kết của bài thơ, không khí chiến tranh, thời chống Mỹ được co lại, chốt lại hai câu:

Trăng suông sáng cả đêm rằm

Nhịp cầu vá vội ầm ầm xe qua.

Như đã hứa với Ban Biên tập Văn nghệ quân đội, Trần Đăng Khoa đã viết bài thơ thứ hai “Em dâng cô một vòng hoa”. Bài thơ này được in trong tập “Góc sân và khoảng trời”. Cho đến nay tập thơ này đã tái bản đến 30 lần, lần nào cũng có bài “Em dâng cô một vòng hoa”.

Rõ ràng, Trần Đăng Khoa lao động thơ rất nghiêm túc, ngay từ hồi còn là cậu bé 10 tuổi, mới làm thơ. Dù là thần đồng thơ... cũng không thể viết dễ dãi, Đăng Khoa cũng thừa nhận điều đó khi anh trả lời phỏng vấn Tạp chí Vì trẻ thơ (số 76, tháng 7/1997)”:

“Tôi làm thơ rất vất vả. Bài nào cũng có đến 2- 3 văn bản khác nhau”.

Vậy là nhà thơ Trần Đăng Khoa đã viết về đề tài liệt sĩ từ lúc còn là tuổi thiếu nhi đấy!

LÊ HỒNG THIỆN

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh