Liên hoan Đờn hát dân ca Nam Bộ lần thứ I đặc biệt bởi đây là lần đầu tiên chương trình được tổ chức trên quê hương của nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội- Phan Văn Đáng nhân 100 năm ngày sinh của ông.
Liên hoan Đờn hát dân ca Nam Bộ lần thứ I đặc biệt bởi đây là lần đầu tiên chương trình được tổ chức trên quê hương của nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội- Phan Văn Đáng nhân 100 năm ngày sinh của ông. Những câu hò, vè, điệu lý, lời ru… vang vọng mang lại nhiều cảm xúc cho người dân huyện Tam Bình.
Các bạn trẻ có dịp tìm hiểu sâu hơn về các làn điệu dân ca, góp phần gìn giữ di sản văn hóa của dân tộc. |
Điệu lý, câu hò đậm đà tình quê
Qua 2 đêm (16- 17/10), Liên hoan Đờn hát dân ca Nam Bộ lần thứ I với 150 nhạc công, diễn viên, kỹ thuật viên đã mang đến 40 tiết mục đặc sắc.
Các điệu lý truyền thống dân gian: lý cây bông, lý áo vá quàng, lý đuổi chim, lý bông sen, lý kéo chài, lý vọng phu,… lúc khuấy động sân khấu với không khí hăng say lao động của những “nông dân” mặc áo bà ba, đội khăn rằn; lúc lại êm đềm, sâu lắng, gây xúc động bởi tình cảm gia đình, tình làng nghĩa xóm thấm đượm trong từng câu hát.
Đã lâu lắm rồi, trống, mõ, đờn bầu, đờn kìm, đờn cò, đờn tranh mới xuất hiện đủ đầy và “làm chủ sân khấu”. Bởi âm nhạc dân gian mà không có nhạc cụ truyền thống thì lời ca tiếng hát có hay đến mấy cũng mất đi một phần hồn.
Em Lâm Dư Mẫn (sinh viên năm 4, Trường ĐH Cửu Long) chia sẻ: Quê ở Kiên Giang, Mẫn tham gia văn nghệ từ thời học phổ thông đến giờ và chỉ thích hát dân ca thôi.
Bởi “em ghiền nghe dân ca từ hồi nhỏ, do quen nghe bà hát, chiều chiều lại mở truyền hình coi với bà. Trong 2 tuần liền, chiều nào tan học, em và các bạn cũng tập luyện.
Hiểu sâu sắc hơn về bối cảnh, ý nghĩa các bài dân ca, em mới nhận ra những làn điệu dân ca của quê mình phong phú và đẹp đến như vậy”.
Với chủ đề “Điệu lý hồn quê”, đơn vị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh gây ấn tượng mạnh và xuất sắc giành giải A với 6 tiết mục giới thiệu các điệu lý từ quen thuộc đến khá mới mẻ với công chúng như: lý cây duối, lý cúng đình.
CLB yêu thích hát ru và hát dân ca của Bộ Chỉ huy Quân sự được thành lập từ tháng 6 đã trở thành điểm hẹn của những người có cùng tình yêu với âm nhạc dân tộc.
Đại úy Lê Thị Thúy Hằng- Phòng Chính trị- chia sẻ: “CLB ra đời mong muốn nhạc dân tộc được giữ gìn và phổ biến rộng rãi hơn, giáo dục thế hệ mai sau.
Những câu hát gần gũi nhưng không phải dễ hát vì âm điệu, cách xử lý câu chữ luyến láy đòi hỏi người hát phải thực sự yêu thích và kiên trì tập luyện”.
Những ca từ, làn điệu trong các câu hò, điệu lý đã thể hiện niềm vui, tình yêu đất nước, con người, những khát vọng cháy bỏng của người dân đồng bằng.
Trong lao động nhọc nhằn, trong dãi dầu mưa nắng, câu hát đã sinh ra. Với ca từ dung dị, mộc mạc, người nghe như được hòa mình trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của người lao động. Cái độc đáo nhất của dân ca chính là gần gũi và dường như sinh ra từ “ngẫu hứng”.
Ngoài những bài hát có nội dung định trước còn phải biết ứng tác thêm bớt cho phù hợp với hoàn cảnh thực tiễn.
Người hát cần dựa vào vốn dân ca có sẵn và tùy hứng hát đối đáp lại cho thêm phần sinh động. Và người hát được dân ca, có thể đối đáp “ngọt xớt” thì hẳn phải am hiểu, gắn bó và dành tình cảm thật nhiều cho mảnh đất quê mình.
Gìn giữ song hành cùng đổi mới
NSƯT, thạc sĩ, nhạc sĩ Huỳnh Khải cho biết, lần đầu tiên tổ chức liên hoan về dân ca là điều rất phấn khởi cho những người mê âm nhạc dân gian.
Thành công của chương trình còn nằm ở chỗ tập trung những bài ca, những điệu nhạc rất xưa cũ nhưng thế hệ sau đã viết lời ca mới để xây dựng phong trào đờn hát dân ca với tinh thần mới, ca ngợi thành công mới trên chặng đường xây dựng quê hương.
Không bỏ lỡ chương trình văn nghệ nào từ 10 năm nay, anh Tô Hữu Tài- Phòng Văn hóa- Thông tin huyện Mang Thít- nói:
“Biết thêm một làn điệu dân ca là một lần thấy yêu quê hương mình hơn. Nên mỗi người trẻ chúng ta có trách nhiệm giữ gìn những câu hát này”.
Điều mà anh Hữu Tài còn trăn trở là không phải ai cũng có điều kiện để hát khi có các loại nhạc cụ, đặc biệt là các loại nhạc cụ truyền thống.
Nếu tự đọc sách hoặc nghiên cứu tài liệu, có người cũng sẽ hát được, nhưng khó mà ngọt ngào thể hiện hết giá trị của vốn quý cha ông để lại.
Vì vậy, để giữ gìn, bảo tồn các làn điệu dân ca khỏi bị mai một và phát huy giá trị trong thực tiễn hôm nay thì không ai khác, người làm công tác văn hóa- nghệ thuật phải chú trọng tổ chức thường xuyên các lớp bồi dưỡng, tạo điều kiện thế hệ trẻ được tiếp xúc.
Các tác phẩm sáng tạo và thú vị ở liên hoan lần này phải kể đến hò vè quê hương Long Hồ, liên khúc 13 tỉnh miền Tây của đơn vị Trường ĐH Cửu Long và bài vè về rượu của đơn vị huyện Tam Bình mang đến tiếng cười sảng khoái cho khán giả.
Trong mỗi tâm hồn người Việt Nam, những làn điệu dân ca là một phần của hồn quê, dáng quê đất Việt. Văn hóa truyền thống, những giá trị tưởng xưa cũ vẫn có thể “sống” và có năng lực hòa nhập trong đời sống hiện đại.
Như ông Lê Thanh Hiền- Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch- đã nói: “Câu hò, điệu lý miền Nam vẫn tồn tại sâu lắng trong lòng mỗi chúng ta. Liên hoan sẽ góp phần bảo vệ và phát huy những giá trị quý báu của văn hóa dân tộc, góp phần phát triển văn hóa, văn nghệ của tỉnh nhà”.
Liên hoan Đờn hát dân ca Nam Bộ tỉnh Vĩnh Long lần thứ I được tổ chức tại Trung tâm Văn hóa- Thể thao huyện Tam Bình trong 2 đêm (16- 17/10/2018). Với 7 đội tham dự đến từ các huyện- thành, ngành và các trường học trong tỉnh, BTC trao 38 giải cho các tập thể, cá nhân. Đơn vị huyện Tam Bình và đơn vị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đồng giải A. |
Bài, ảnh: PHƯƠNG THÚY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin