Ở bất cứ thời đại nào thì những người viết trẻ vẫn luôn nhận được sự quan tâm và chú ý, bởi họ chính là những người hứa hẹn sẽ tạo nên diện mạo cho văn chương nước nhà. Dễ dàng nhận thấy, nắm giữ vị trí chủ lực của văn học trẻ hiện nay là những tác giả thuộc thế hệ 8X và 9X.
Ở bất cứ thời đại nào thì những người viết trẻ vẫn luôn nhận được sự quan tâm và chú ý, bởi họ chính là những người hứa hẹn sẽ tạo nên diện mạo cho văn chương nước nhà. Dễ dàng nhận thấy, nắm giữ vị trí chủ lực của văn học trẻ hiện nay là những tác giả thuộc thế hệ 8X và 9X.
Một số nhà văn trẻ có tác phẩm vào chung khảo cuộc thi Văn học tuổi 20 lần 6: Bùi Cẩm Linh, Tiểu Quyên, Đinh Phương, Cao Nguyệt Nguyên và Phạm Bá Diệp (lần lượt từ trái qua). Ảnh: HỒ SƠN |
Sáng tác của họ được chia thành hai xu hướng, với một bên là văn chương đại chúng và bên còn lại là văn chương truyền thống. Không thể phủ nhận, những người viết trẻ đang dần làm chủ văn đàn hiện nay.
Dấn thân và nghiêm túc
Những cái tên như: Anh Khang, Nguyễn Ngọc Thạch, Hamket Trương, Iris Cao, Gào, Phan Ý Yên... là những tác giả thành công vang dội về số lượng sách xuất bản, về việc tạo dựng lượng độc giả cũng như xây dựng tên tuổi…
Ở các hội sách, trong danh sách những tác phẩm bán chạy, đa số đều đến từ những tác giả này. Ngoài ra, chỉ cần dạo qua một nhà sách bất kỳ, đến không gian dành riêng để trưng bày những tác phẩm được gắn nhãn best-seller (bán chạy nhất), câu trả lời sẽ có khi độc giả xem qua những tác phẩm của các tác giả trẻ.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra với văn trẻ hiện nay là sự tủn mủn, thiếu sáng tạo và thể nghiệm ở khuynh hướng văn chương đại chúng. Đôi khi, họ còn gồng mình ra vẻ triết lý, buông tuồng theo thị hiếu độc giả, còn tựa sách được đặt một cách dễ dãi, gây sốc, tạo scandal.
Nhà phê bình trẻ Nguyễn Đình Minh Khuê từng chia sẻ quan niệm của mình trên một số diễn đàn, rằng văn học đại chúng viết bởi những người trẻ hiện nay là một hiện tượng “bội thực những nỗi đau riêng”, chỉ chăm chăm nhìn về vết thương của riêng mình mà ít khi ngó ngàng đến những nỗi đau phổ quát hơn, rộng lớn hơn. Theo Minh Khuê, đó là một hạn chế lớn của những tác giả trẻ thuộc dòng văn chương đại chúng.
Nhà văn trẻ Kai Hoàng thừa nhận, một số tác giả trẻ hiện nay đang tự “cường điệu hóa nỗi đau” của chính mình và dễ dàng nhận được sự đồng cảm từ một bộ phận không nhỏ người đọc chưa có nhiều trải nghiệm. Tuy nhiên, theo anh, nói sáng tác của những người viết trẻ hiện nay đang xa rời cuộc sống là chưa đúng.
Anh chia sẻ: “Vẫn còn rất nhiều những người viết trẻ đang nghiêm túc dấn thân vào những lát cắt của xã hội và truyền tải thành tác phẩm của chính mình. Qua thời gian, những gì hào nhoáng bóng bẩy sẽ bị đào thải, còn những ý nghĩa tích cực vẫn giữ nguyên giá trị của nó”.
Ở chiều hướng ngược lại, trong khuynh hướng văn chương đề cao những thể nghiệm nghệ thuật mới mẻ, người trẻ cũng là thế hệ dẫn đầu xu hướng với không ít những đóng góp vượt bậc, nhất là trong việc nối chúng ta gần hơn với đời sống, nhịp độ và bước đi của văn học toàn cầu. Điểm chung của những tác phẩm trong khuynh hướng này là số lượng in không nhiều, mỗi đầu sách chỉ vào khoảng 1.000 - 2.000 cuốn.
Những tác giả này không ồn ào, không tuyên ngôn mà thường lặng lẽ, bền bỉ viết và sáng tạo. Nhà văn Trần Nhã Thụy nhìn nhận sự tương đồng giữa các bạn viết trẻ ngày nay với thế hệ của anh: “Các bạn tập trung vào trang viết nhiều hơn là “mất sức” cho những khía cạnh ngoài trang viết. Như vậy, thời nào cũng có những người viết thầm lặng. Những người viết biết cách “vắng mặt” để cho tác phẩm thật sự cất tiếng”.
Mới đây, một sự kiện đặc biệt đối với văn học trẻ 2018 là việc công bố 20 tác phẩm vào chung khảo cuộc thi “Văn học tuổi 20 lần 6”. Bên cạnh những cái tên quen thuộc tham gia vào cuộc thi như Nguyễn Thị Kim Hòa, Cao Nguyệt Nguyên, Tiểu Quyên, Đinh Phương… là sự xuất hiện của những cái tên mới như Hiền Trang, Phát Dương, Mai Thảo Yên, Đặng Hằng, Nguyễn Đinh Khoa…
Những tác phẩm của họ phần nào đó thể hiện sự dấn thân, một thái độ nghiêm túc với văn chương thật sự. Điều đó làm nên sự kỳ vọng đối với nền văn chương nước nhà nói chung và văn học trẻ nói riêng.
Chờ đợi những cuộc bứt phá
Dòng văn chương đại chúng với những tác phẩm ngôn tình, sướt mướt, đơn giản, triết lý vụn vặt đang có xu hướng chững lại. Bằng chứng là những tác phẩm trong dòng văn chương này giờ đây đã có sự “dè chừng” trong số lượng in.
Nếu ở Hội sách TPHCM 2018, trong tốp 10 cuốn sách bán chạy nhất, số lượng sách thuộc dòng sách thị trường chỉ khiêm tốn góp mặt bằng 3 đầu sách. Còn ở hội sách chào mừng Ngày sách Việt Nam lần thứ 5 diễn ra tại Hà Nội, đứng đầu trong tốp 10 cuốn sách bán chạy nhất là Đại Việt sử ký toàn thư.
Các đầu sách khác lần lượt là bộ sách Chuyển động thông minh đa ngữ Việt - Anh - Pháp, bộ sách Thử thách IQ nâng cao trí tuệ, Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu, Đắc nhân tâm, Sống đơn giản cho mình thanh thản, Trời xanh ngập nắng…
Thực tế cho thấy, sự quan tâm của độc giả hiện nay đang chuyển hướng sang các mảng sách hướng nghiệp, khởi nghiệp hướng dẫn kỹ năng sống, sách nghiên cứu về lịch sử, văn hóa Việt Nam… Trong nội hàm của văn học trẻ, sự quan tâm, chú ý của độc giả cũng đang có sự dịch chuyển sang những tác phẩm có chiều sâu, sáng tạo, hướng đến những giá trị chân - thiện - mỹ.
Nhà phê bình trẻ Minh Khuê bày tỏ sự lạc quan: “Dòng văn chương truyền thống khắc phục được những hạn chế của dòng văn chương đại chúng rất hiệu quả. Thậm chí, đôi khi họ còn khiến cho độc giả phải bất ngờ khi có khả năng bao quát được và nhìn nhận một cách sâu sắc cả những vấn đề lớn, mang tầm vóc nhân loại.
Đinh Phương, Huỳnh Trọng Khang, Nguyễn Thị Kim Hòa, Tru Sa, Lê Vũ Trường Giang… là những cái tên đáng chú ý. Đọc họ giúp niềm hy vọng về sự khởi sắc của văn chương Việt không bị lụi tắt đi trước biết bao nhiêu những xô bồ không đáng có của văn đàn đương đại”.
Tuy vậy, nhà phê bình trẻ Minh Khuê cũng lưu ý: “Khuynh hướng văn chương này đôi khi lại thiếu đi sự chừng mực. Những pha đột phá kỹ thuật quá mức khiến tác phẩm thiếu tự nhiên, những sự thể hiện tri kiến quá sỗ sàng và ít chọn lọc, cả những hoa mỹ yểu điệu không cần thiết. Tất nhiên, là người trẻ, họ có quyền thỏa sức vùng vẫy trong những giấc mơ hào sảng, bạo liệt của mình. Nhưng nếu biết kiểm soát bản thân một chút, một chút ít nữa thôi, tôi nghĩ, họ sẽ còn vượt xa”.
Sáng tác là một hành trình tự thân và đơn độc. Vậy nên, người viết trẻ rất cần sự quan tâm và hỗ trợ để giữ lửa và tạo động lực với tình yêu văn chương.
Kai Hoàng bày tỏ: “Hiện nay vẫn còn quá ít những cuộc thi văn học bám sát cuộc sống cũng như trải nghiệm của những người trẻ. Theo tôi, cần có những đề tài thiết thực để có thể lắng nghe và phát huy sự sáng tạo của những người viết trẻ trong bối cảnh hiện nay, thay vì những đề tài đã đi vào lối mòn và không phù hợp với cuộc sống của những người trẻ”.
Là tác giả của nhiều tác phẩm được chú ý như Hát, Chàng trẻ măng ở phố treo đầu, Những bước chậm của thời gian, Sự trở lại của vết xước… và cũng là thế hệ đàn anh, nhà văn Trần Nhã Thụy chia sẻ chân tình: “Các bạn phải thật sự lao động. Lao động càng nhiều thì kết quả càng tốt. Ai cũng có thể viết sách, cũng như ai cũng có thể trồng hoa. Nhưng lao động khác nhau sẽ cho ra kết quả khác nhau. Đừng quá lười biếng mà đòi thu hoạch bội thu”.
“Điều tôi muốn làm nhất trong thời gian tới là tạo được một diễn đàn phê bình văn học trẻ thật sự mang tinh thần học thuật, góp tiếng nói của lương tri và trách nhiệm. Nói cho cùng thì nhà văn có thể bị thua thiệt trong cuộc đời này, nhưng tác phẩm của họ thì nên được sống một cách thật xứng đáng”, Nhà văn Trần Nhã Thụy, Trưởng ban Nhà văn trẻ, Hội Nhà văn TPHCM cho biết |
Theo HỒ SƠN/SGGP
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin