Tìm hiểu về thể loại tranh manga

01:10, 20/10/2018

Manga là thuật ngữ đặc biệt dùng để chỉ riêng các thể loại truyện tranh có nguồn gốc xuất phát từ Nhật Bản, mang ý nghĩa là "truyện tranh và tranh biếm họa". 

Manga là thuật ngữ đặc biệt dùng để chỉ riêng các thể loại truyện tranh có nguồn gốc xuất phát từ Nhật Bản, mang ý nghĩa là “truyện tranh và tranh biếm họa”.

Manga được xuất hiện từ thế kỷ XVIII, tiền thân của nó là một loại tranh khắc gỗ của Nhật ra đời trước đó có tên là ukigo-e, nhưng chỉ phát triển nhanh chóng kể từ sau Thế chiến thứ II (sau 1945).

Hiện nay, manga là một trong những nền công nghiệp mạnh của Nhật Bản, có ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế và văn hóa nước Nhật cũng như đã trở thành một phần không thể thiếu của văn hóa đọc trên toàn thế giới.

Thanh- thiếu niên rất thích vẽ tranh manga. Ảnh minh họa: Internet
Thanh- thiếu niên rất thích vẽ tranh manga. Ảnh minh họa: Internet

Theo nghĩa đen, man có nghĩa là mạn (tràn đầy); ga: họa, bức vẽ. Khởi thủy, manga chỉ có 2 thể loại chính: shounen (truyện tranh dành cho con trai) và shoujo (truyện tranh dành cho thiếu nữ).

Tuy nhiên, không như trẻ em nhiều nước khác, đa phần trẻ em người Nhật vẫn đọc manga khi lớn lên. Điều này, đòi hỏi sự phân nhánh và phát triển thêm các nội dung mới phù hợp với từng lứa tuổi và nhu cầu đọc.

Do đó, các thể loại truyện như shounen-ai (truyện đồng tính nam), shoujo-ai (truyện đồng tính nữ), seinen (truyện dành cho người trên 18 tuổi), josei (truyện dành cho người trưởng thành)... ra đời.

Việc phân loại thị trường và độc giả ngày càng khó tính trong việc chọn lựa tác phẩm khiến cho các mangaka (tác giả) luôn phải tìm tòi để làm mới tác phẩm của mình.

Nội dung cốt truyện giờ đây không chỉ gói gọn trong một thể loại nữa mà đã kết hợp giữa nhiều thể loại và chất liệu khác nhau, chẳng hạn như kết hợp giữa shounen với yếu tố kỳ ảo và hài hước, hay kết hợp giữa shounen với học đường, thể thao. Song song đó, cách thể hiện, khai thác tranh vẽ cũng được tận dụng một cách tối đa.

Từ sau năm 1945, khi manga trở nên thịnh hành, các sáng tác chủ yếu tập trung vào chiến đấu, thám hiểm, du hành không gian...

Vào thời đó, phụ nữ thường ít được nhắc đến. Nếu có, thì cũng chỉ xuất hiện với vai trò mẹ, chị em gái hoặc là bạn bè của các nhân vật chính! Tuy nhiên, ngày nay lại là thời kỳ hưng thịnh của thể loại tranh shoujo manga (tranh vẽ về nữ giới).

Bắt đầu vào năm 1969, một nhóm các nữ họa sĩ có tên gọi Year 24 Group (hay Magnificent 24) cùng kết hợp lại, ra mắt cuốn manga đầu tay. Họ cũng chính là người tiên phong cho phong trào nữ họa sĩ vẽ manga hướng tới các thiếu nữ.

Đến năm 1971, họa sĩ Ikeda Riyoka cho ra đời bộ truyện tranh Versailles no Bara (Hoa hồng Véc-xây) đã thành công vang dội với nội dung cuốn hút và nét vẽ khác lạ. Bộ truyện này nhanh chóng tạo ra cơn sốt mang tên phong cách manga thập niên 1970” với hình tượng thiếu nữ mắt long lanh, dáng mảnh khảnh, được trau chuốt và cầu kỳ.

Sau năm 1975, shoujo manga vẫn mang phong cách cũ, nhưng chủ đề thì không còn bó buộc chỉ riêng về tình yêu, chiến tranh nữa mà đã được kết hợp với các thể loại khác để cho đề tài phong phú hơn.

Ngày nay, trong shoujo manga, tình yêu vẫn là chủ đề chính nhưng từng bộ truyện lại được kết hợp với rất nhiều yếu tố và các thể loại khác nhau để thu hút độc giả như cuộc sống thường ngày như: manga anh hùng, dã sử, thể thao, viễn tưởng...

Chúng ta có thể kể đến một số manga nổi tiếng như Bishoujo Senshi Sailormoon (Thủy thủ Mặt trăng), Mars Ouke no Manshou (Nữ hoàng Ai Cập), Glass no Karmen (Mặt nạ thủy tinh), Candy Candy (Cô bé mồ côi), Fushigi Yuugi (Quyển sách kỳ bí),...

Theo trào lưu của thế giới, những năm gần đây tranh manga đã trở thành phong trào nở rộ trong giới trẻ Việt Nam. Khắp nơi từ thành phố cho đến nông thôn, từ trẻ em đến thanh thiếu niên và ngay cả người trưởng thành đều yêu thích và say mê loại truyện tranh này!

Từ đó, hình thành trào lưu học vẽ theo phong cách manga, thời trang ăn mặc, trang điểm theo phong cách manga, hình thành các CLB mà trong đó các em hóa trang thành những nhân vật truyện tranh xuất hiện trên sân khấu thời trang trẻ thu hút rất đông người hâm mộ!

Các nhà xuất bản sách cũng bén nhạy không kém! Hàng loạt sách truyện tranh Việt, hàng loạt sách dạy vẽ theo phong cách manga được in ấn bán rất chạy khắp nơi!

Ở TP Vĩnh Long hiện nay, tại Trung tâm Hoạt động thanh- thiếu niên tỉnh Vĩnh Long, lớp mỹ thuật thiếu nhi là nơi đầu tiên của tỉnh mở ra chương trình huấn luyện năng khiếu vẽ theo phong cách manga cho các em thanh- thiếu niên. Lớp học này đã và đang được các em theo học rất đông!

Tóm lại, thể loại tranh manga này đã ảnh hưởng rất lớn và hình thành một phong cách, một trào lưu có tính nghệ thuật rất cao! Chính nó đã góp phần làm thay đổi diện mạo thế giới, từ âm nhạc, mỹ thuật, thời trang, phong cách sống, khơi gợi sức sáng tạo và lòng đam mê nghệ thuật mới không những cho giới trẻ mà cả đến những người đã trưởng thành...

Từ đó, chúng ta mong rằng các nhà giáo dục nên chú ý quan tâm hơn trong lĩnh vực này với những ý kiến và chỉ đạo sâu sát để phong trào ngày một phát triển tốt hơn theo định hướng văn hóa dân tộc đúng đắn!

Họa sĩ TÍN ĐỨC

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh