Nhớ chú Hai Phan Văn Đáng- một người cộng sản chân chính

06:10, 13/10/2018

Nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Phan Văn Đáng- Phó Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Báo Vĩnh Long trân trọng giới thiệu bài viết của ông Trương Công Giang- nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cửu Long- Vĩnh Long, hội viên Hội Khoa học lịch sử Việt Nam. 

LTS: Nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Phan Văn Đáng- Phó Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Báo Vĩnh Long trân trọng giới thiệu bài viết của ông Trương Công Giang- nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cửu Long- Vĩnh Long, hội viên Hội Khoa học lịch sử Việt Nam.

Bài viết được ông chăm chút nghiên cứu từ khối tư liệu không nhỏ và quan trọng là tác giả đã trực tiếp tiếp xúc với nhân vật để chúng ta hiểu thêm một cách chân thật về con người giản dị mà nhân cách cao quý của chú Hai Phan Văn Đáng.

Ảnh đồng chí Phan Văn Đáng (1918- 1997) trên bìa quyển sách do Tỉnh ủy Vĩnh Long chủ biên.
Ảnh đồng chí Phan Văn Đáng (1918- 1997) trên bìa quyển sách do Tỉnh ủy Vĩnh Long chủ biên.

Nhớ chú Hai Phan Văn Đáng- một người cộng sản chân chính

Chú Hai Phan Văn Đáng hơn tôi 20 tuổi, vì vậy đối với tôi chú Hai là bậc cha chú. Năm 1939, khi tôi còn là đứa trẻ mới lẫm chẫm biết đi thì chú Hai đã là một trang thanh niên 21 tuổi, đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương, một thành viên trong ban lãnh đạo khởi nghĩa Nam Kỳ giành chính quyền ở quận Tam Bình (Vĩnh Long).

Địch phản công, cả nhà chú Hai bị bắt cầm tù. Chú Hai và cha là ông Phan Văn Hòa- đảng viên năm 1930, Bí thư Huyện ủy Tam Bình- bị địch kết án 20 năm khổ sai đày ra Côn Đảo và ông đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng trong tù ngục của kẻ thù.

Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời. Đảng, Chính phủ ta ra đón chú Hai Phan Văn Đáng và hơn một ngàn tù chính trị ở Côn Đảo về đất liền.

Chú Hai lại tiếp tục lãnh đạo quân dân miền Nam kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Từ đây cho đến khi qua đời (9/5/1997), chú Hai đảm trách nhiều chức vụ quan trọng của Đảng ở địa phương và Trung ương, lần lượt là:

Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long, Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Trà, Xứ ủy viên rồi Thường vụ Xứ ủy Nam Bộ, Phó Bí thư Trung ương Cục Miền Nam, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Phó Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Năm 1990, kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng cả nước học tập và làm theo tư tưởng đạo đức của Bác Hồ, tỉnh Cửu Long thực hiện công trình xuất bản cuốn sách “Tấm lòng nhân dân Cửu Long với Bác Hồ”.

Để thu thập tư liệu, tôi và đồng chí Nguyễn Chiến Thắng (Sao Vàng)- Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy- lên gặp chú Hai ở khu Thanh Đa (TP Hồ Chí Minh).

Cổng nhà chú Hai rộng mở, chúng tôi tự nhiên vào, thấy chú Hai vận bộ xà lỏn, lom khom trồng tỉa mấy chậu cây bên nhà.

Chợt thấy chúng tôi, chú Hai vẫy vẫy tay, cột con chó xa lối khách ra vào. Chúng tôi chưa kịp chào hỏi, chú Hai đã nói “Tụi bây lên đây bằng gì, ở tỉnh có gì mới không?”

Chú dẫn chúng tôi vào phòng khách trong căn nhà trệt, rồi vội thay bộ bà ba, tự tay pha trà kêu chúng tôi uống nước.

Tuy đã đăng ký trước nhưng anh Mười Sao Vàng vẫn nhắc lại chủ trương của tỉnh là xuất bản cuốn sách… Mắt chú Hai sáng lên, chú khen: “Tụi bây làm chuyện này đúng lúc, hợp lòng dân”.

Chú Hai gợi ý: Không phải chỉ vận động những cán bộ của địa phương đã từng được gặp, được sống và làm việc bên cạnh Bác Hồ để viết bài mà cả các tầng lớp nhân dân, đồng bào các dân tộc, người có đạo và không có đạo, các cháu thanh thiếu niên nhi đồng có tấm lòng yêu nước, ơn Đảng, ơn Bác Hồ cùng tham gia.

Đặc biệt dưới ách kìm kẹp, thống trị của Mỹ và chính quyền Sài Gòn, quân dân Cửu Long vẫn lập đền thờ Bác Hồ ở xã Long Đức (TX Trà Vinh).

Với Bác Hồ, chú Hai nói có nhiều chuyện hay để viết. Nhỏ nhẹ chú tâm sự: “Mình rất vinh hạnh được gặp Bác Hồ, khi mình ra miền Bắc vào đầu năm 1957 chờ dự Hội nghị Trung ương lần thứ 15 (khóa II). Cuộc hội nghị này bàn về quyết định đường lối cách mạng miền Nam sau Hiệp định Genève.

Trong thời gian hơn một năm ở Hà Nội, mình được gặp Bác mấy lần. Ngoài cuộc họp Trung ương, có 3 lần được Bác gọi đến ăn cơm và kể chuyện miền Nam cho Bác nghe.

Những bữa cơm đơn giản đậm đà tình người và sự ân cần của Bác khắc sâu vào tim óc mình, những gì vĩ đại của Bác, của người cha đối với con nhưng không phải chỉ ở mức tình cảm thông thường mà còn cao hơn đó là sự ân cần trìu mến của Bác đối với đồng bào miền Nam ruột thịt”.

Chú Hai tiếp lời: “Bác hỏi mình rất tỉ mỉ, rất cụ thể từ việc địch khủng bố cướp của dân, bắt bớ, giết hại những người kháng chiến cũ, các hình thức ta đấu tranh chống địch, tuyên truyền lừa bịp và thái độ của đồng bào ta đối với địch như thế nào…

Bác chăm chú nghe mình kể chuyện từng việc một. Có lần mình rất ân hận khi đã thưa với Bác là ngôi mộ Cụ Phó bảng (Cụ Nguyễn Sinh Sắc- thân sinh Bác Hồ) ở Cao Lãnh (Đồng Tháp) vẫn được nhân dân ở đây gìn giữ chu đáo, làm Bác xúc động lặng đi.

Trong những lần gặp Bác, mình thấy Bác hiểu và thông cảm sâu sắc những nỗi khổ của cán bộ và nhân dân do địch gây ra.

Bác nhắc nhở dặn dò mình rất tỉ mỉ phải hết sức cảnh giác, không được chủ quan khinh thường âm mưu, thủ đoạn của địch, phải thương yêu đoàn kết đồng chí, phải sát dân, đấu tranh giành quyền lợi cho dân, miền Nam đi trước về sau, tuy còn nhiều khó khăn gian khổ nhưng nhất định thắng lợi.

Thím Hai đi chợ về. Chú Hai giới thiệu: “Có 2 đồng chí ở Tỉnh ủy Cửu Long lên nhà mình chơi”. Là đảng viên, nghe nói đồng chí lại ở quê lên, thím Hai vui vẻ, mến liền.

Nhìn đồng hồ đã hơn 10 giờ, sợ chú Hai mệt, chúng tôi cáo ra về. Thím Hai nói: “Đã lên đây phải ăn cơm với chú thím rồi mới được về”.

Nghỉ giải lao, chú Hai dẫn chúng tôi vãng cảnh quanh nhà. Khuôn viên nhà của chú Hai ở rộng chừng 2- 3 công đất, phía trước tiếp giáp con sông lớn, mương nước quanh vườn, chận ngang những hòn đá láng tròn, ngày đêm nước sông lên xuống róc rách chảy như suối tự nhiên.

Hướng ra sông, ngôi biệt thự của chủ cũ đúc bê tông theo kiểu nhà sàn, chú dùng để tài liệu sách vở. Cả nhà ăn ở sinh hoạt trong khu nhà trệt phía sau, xung quanh nhà có nhiều chậu lớn nhỏ, không có hoa kiểng mà chỉ thấy chú trồng ớt đỏ và rau xanh.

Cả khu vườn có tới vài chục cây dừa đang cho trái. Cách đôi ba ngày, thím Hai lượm dừa khô ra chợ bán phụ thêm tiêu chuẩn, chế độ sinh hoạt của gia đình.

Ít ngày sau, chú Hai đã gửi về cho chúng tôi bài viết của chú với nhan đề “Không ngừng học tập đạo đức cách mạng của Hồ Chủ tịch” (Bài này đã in trang sách “Tấm lòng nhân dân Cửu Long với Bác Hồ” NXB Cửu Long, năm 1990).

Năm 1993, sau khi tỉnh Cửu Long chia tách thành 2 tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh. Tỉnh Vĩnh Long thực hiện công trình biên soạn bộ lịch sử của tỉnh. Để thu thập tư liệu, ngoài sách vở, chúng tôi tìm gặp các nhân chứng sống qua các thời kỳ lịch sử của địa phương.

Tôi và cháu Hạnh (TS. Trần Thị Mỹ Hạnh) lên thành phố gặp chú Hai. Hồi này, gia đình chú đã chuyển về số nhà 54 Lê Quý Đôn (Quận 3).

Chú tiếp chúng tôi ở phòng khách căn nhà trệt, vẫn bộ bàn ghế gỗ cũ, bộ quần áo bà ba bạc màu, mái tóc vuốt ngược, vầng trán rộng, vành tai to, đôi mắt sáng, phong thái đĩnh đạc như nhà hiền triết. Sức khỏe chú Hai tuy có phần sút kém nhưng vẫn vui tươi, hiền hậu, dễ gần.

Vui vẻ nhiệt tình, chú cung cấp cho chúng tôi nhiều sự kiện lịch sử trong từng thời kỳ của địa phương đồng thời không quên nhận xét đánh giá rút bài học kinh nghiệm.

Bản tính của các nhà khoa học, chính trị gia thường say mê công việc, lao động quên mình. 65 tuổi, được nghỉ hưu trí nhưng chú Hai vẫn gắng sức làm những việc chưa kịp làm. Tranh thủ thời gian chú về nguồn thăm quê, thăm căn cứ kháng chiến, thăm các gia đình cơ sở nuôi chứa cán bộ cách mạng khi xưa.

Là cán bộ lãnh đạo cấp cao, lão thành cách mạnh nhưng hòa đồng với mọi người. Giữa chú với lớp trẻ, cán bộ nhân viên cấp dưới hầu như không có khoảng cách.

Khi còn tại chức hay lúc nghỉ hưu, ở nhà riêng của chú thường có nhiều người tới vui như hái lộc, già có, trẻ có; người tới gặp chú đàm đạo, sẻ chia, tâm tình; người tới nhờ cậy chú, tham kiến giúp đỡ;… Việc trà nước tiếp khách chú tự làm, ít khi phó thác, sai bảo, phiền bận vợ con.

Mỗi lần về quê công tác, chú thường về sớm từ chiều hôm trước để gặp gỡ mọi người thăm hỏi tình hình, cặm cụi viết bài tới khuya.

Cán bộ văn phòng cơ quan giúp chú đánh máy chữ, quay rô-nê-ô. Sáng ra, khi dự họp chú trao cho chúng tôi vài ba chục bản, phân cho cán bộ chủ chốt các ban ngành tỉnh đọc.

Vốn không phải là người quen với nghề nghiệp viết, thế mà hơn 10 năm cuối đời chú Hai đã viết tới 43 bài chính luận, trong đó có 27 bài được chú chọn lọc cho đăng báo.

Chú Hai là một cán bộ lãnh đạo chuyên trách công tác Đảng, giàu kinh nghiệm thực tiễn và tư duy lý luận khoa học. Khi còn tại chức hay lúc nghỉ hưu, chú Hai luôn quan tâm công tác xây dựng Đảng.

Các bài viết của chú từ những năm 90 cuối thế kỷ XX đến nay vẫn còn nguyên giá trị thời sự.

Về Đảng, chú viết: “Đảng ta phải có năng lực trí tuệ ngang tầm thời đại”, “Đảng vững mạnh và trong sạch là nhân tố quyết định mọi thắng lợi”, nói phải đi đôi với làm, “kết quả việc làm là giám khảo công bằng nhất”, nghiêm túc tự phê bình và phê bình để khắc phục những chệch hướng và thoái hóa đạo đức, “phát triển kinh tế phải gắn với phồn vinh văn hóa và ổn định chính trị”,…

Về quan hệ giữa Đảng với dân, chú viết “Trong mỗi giai đoạn cách mạng, quan hệ giữa Đảng phải gắn bó với dân là vấn đề cốt yếu”; muốn tồn tại, Đảng phải gắn bó với dân như cá với nước;

“muốn dân tin Đảng, trước hết Đảng phải tin dân, muốn nói quần chúng nghe phải lắng nghe quần chúng nói”; Đảng ta là Đảng cầm quyền “chỉ có dân chủ hóa xã hội mới lôi cuốn quần chúng nhân dân theo con đường chủ nghĩa xã hội và giữ được vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản”…

Điều mà tôi tâm đắc gắng học chú Hai là ở phương pháp diễn đạt. Là người thực tiễn dày kinh nghiệm nhưng chú luôn nói, viết có sách, trích dẫn kinh điển của chủ nghĩa Mác- Lê-nin, văn kiện của Đảng, lời dạy của Bác Hồ, lấy đôi câu ca dao, tục ngữ tiếng nói của nhân dân đã được đúc kết thành chân lý.

Từ nội dung ý tứ đó, chú diễn đạt bằng niềm tin ý chí, lời lẽ mộc mạc ngắn gọn của mình, không chút khuôn sáo, kinh viện, sách vở, khô khan nên có sức thuyết phục dễ đi vào lòng người.

Hoạt động trong vùng địch hậu, chú Hai và gia đình cùng cơ quan đơn vị phải sống rày đây mai đó, di chuyển nhiều nơi nên hành trang gọn nhẹ, thiếu thốn đủ bề,

kham khổ thành quen, bữa ăn chú chỉ ưa dùng hơn chén cơm canh cùng món cá kho, tương chao dân dã. Nếu có thêm miếng cơm cháy thơm giòn tráng miệng là đủ.

Sau giải phóng, gia đình chú được cấp nhà ở, nhưng đồ đạc tiện nghi sinh hoạt chẳng có gì đáng giá. Tuy có chế độ ưu đãi, bảo vệ nhưng mỗi khi chú Hai đi công tác thường chỉ đi “một xe một lái”.

Là một cán bộ đảng viên thời chiến cũng như thời bình, thím Hai vừa tham gia công tác vừa quán xuyến mọi việc trong nhà, phụng dưỡng mẹ chồng, phụ giúp các em, nuôi dạy con cái. Được các em chồng thương mến, nể trọng coi chị dâu như đấng sinh thành.

Qua tiểu sử biên niên của chú Hai, ta thấy 79 mùa xuân, 66 năm hoạt động cách mạng, 5 năm bị địch bắt cầm tù, đày ra Côn Đảo, nơi địa ngục trần gian, khổ ải biết chừng nào.

30 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược, ra bưng biến làm việc ở chiến khu, bám sát địa bàn cơ sở nông thôn, thành thị ăn nghỉ thất thường, sinh hoạt thiếu thốn, tinh thần căng thẳng, cái chết cận kề.

Hòa bình thống nhất đất nước, không ngày nghỉ ngơi chú Hai lại ra Bắc về Nam tiếp tục làm công tác Đảng và Quốc hội, lãnh đạo nhân dân miền Nam cùng cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Những năm sau này, chú Hai hay đau yếu, nhưng vẫn say sưa viết, gặp gỡ bạn bè để trao đổi bàn bạc mọi vấn đề. Lo cho sức khỏe chú, bạn già chiến hữu muốn chú gác bút an tri, chú nói: “Viết và nói là cách nghỉ ngơi, không cho nói hay viết là tôi chết”.

Cũng cần nói thêm rằng đời sống hoạt động cách mạng của chú Hai có nhiều cái may nhưng cũng không ít cái rủi tưởng chừng hỏng việc- thậm chí đe dọa cả mạng sống của mình- nhưng tất cả điều tai qua nạn khỏi.

Suốt đời chú Hai sống vì mọi người, mưu cầu hạnh phúc cho mọi người, nên được mọi người thương yêu giúp đỡ.

Dấu ấn các yếu nhân, lãnh tụ thường để lại những công trình thế kỷ, sống mãi với thời gian. Trong quá trình hoạt động cách mạng, dấu ấn chú Hai Phan Văn Đáng để lại cho đời phải chăng một hình mẫu vẹn toàn, một tấm gương sáng của chính mình cùng những bài nói và viết trên giấy trắng mực đen góp phần giáo dục lý tưởng đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên phấn đấu hết mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng của dân tộc?

Xuất thân từ vùng đất “địa linh nhân kiệt” huyện Tam Bình (Vĩnh Long)- nơi sớm có phong trào chống Pháp xâm lược nơi tâm điểm của phong trào Đông Du, khởi nghĩa Nam Kỳ, lâu dài kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược.

Bản thân và gia đình có truyền thống cách mạng. Suốt từ năm 1930- 1975 các thành viên trong gia đình gồm song thân và 4 anh em (1 gái, 1 trai, 1 rể, 1 dâu) đều xả thân vào bão táp, đứng trên tuyến đầu của cuộc đấu tranh sống mái với kẻ thù, không một thành viên nào của gia đình lùi bước.

Đó là một gia đình cách mạng tiêu biểu có một không hai ở tỉnh Vĩnh Long.

Để góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ tương lai, khi còn sinh thời, ý nguyện của chú Hai sau khi bán được nhà ở thành phố chú sẽ dành một phần tiền để xây dựng trường học ở Cái Ngang và xin đặt tên trường là Phan Văn Hòa (thân sinh chú Hai).

Nhưng, lực bất tòng tâm chú Hai không thực hiện được ý muốn. Tuy nhiên, tại Cái Ngang đã có ngôi trường mang tên Phan Văn Hòa (như thế lại có ý nghĩa tác dụng hơn là chú Hai và gia đình tự bỏ tiền ra xây dựng).

Tục ngữ có câu “Gần đèn thì rạng”. Ngoài Bác Hồ ra, chú Hai đã từng được sống làm việc với các đồng chí cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng và Chính phủ như các chú, các bác: Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn, Phạm Hùng, Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Chí Thanh, Hoàng Văn Thái, Văn Tiến Dũng, Võ Văn Kiệt, Nguyễn Văn Cung,…

Những yếu nhân lịch sử, những người hùng của thời đại anh hùng, những ngọn đèn sáng rạng đồng hành cùng chú Hai đấu tranh giành độc lập dân tộc.

Sống trong thời kỳ sôi động nhất trong lịch sử cách mạng Việt Nam, tiếp thu truyền thống cách mạng của gia đình, quê hương, đất nước tất cả hun đúc nên chú Hai Phan Văn Đáng- một con người có bản lĩnh năng động, trí tuệ sáng suốt kinh nghiệm dạn dày, giàu tình cảm thương yêu đồng chí, đồng bào; một người phú quý không thể quyến rũ, bần hàn không thể chuyển lay, uy vũ không thể khuất phục.

Suốt đời tận trung với Đảng, tận hiếu với dân; chú Hai Phan Văn Đáng xứng đáng một người cộng sản chân chính, một dũng sĩ kiên cường của miền Nam thành đồng Tổ quốc; một người con ưu tú của quê hương Vĩnh Long.

Cuộc đời 79 mùa xuân của chú Hai thật trong sáng trọn vẹn. Chú được Trung ương Đảng và Quốc hội tôn vinh ghi nhận: “Đồng chí Phan Văn Đáng là một chiến sĩ cộng sản chân chính, một trong những đồng chí lãnh đạo tiêu biểu của cách mạng miền Nam, suốt đời hoạt động không mệt mỏi vì lý tưởng cao đẹp giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội”… (điếu văn do đồng chí Nông Đức Mạnh- Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội đọc trong lễ tang chú Hai).

* Nguồn tư liệu:

- Tỉnh ủy Vĩnh Long: Phan Văn Đáng cuộc đời và sự nghiệp, NXB Chính trị quốc gia 9/2006.

- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cửu Long: Tấm lòng nhân dân Cửu Long với Bác Hồ, NXB Cửu Long 1990.

- Lịch sử tỉnh Vĩnh Long, NXB Chính trị quốc gia 2002.

- Lịch sử Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long (1930- 2010), NXB Chính trị quốc gia 10/2015.

- Báo Sài Gòn giải phóng năm 1990- 1996.

- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Long. Bí thư Tỉnh ủy qua các thời kỳ (1931- 2005), NXB Trẻ 4/2005.

- Tỉnh ủy, UBND tỉnh Vĩnh Long. Khởi nghĩa Nam Kỳ ở Vĩnh Long (kỷ yếu, hội thảo khoa học) 7/2006.

- Tiếp xúc trực tiếp của tác giả.

TRƯƠNG CÔNG GIANG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh