Mùa hè năm ấy, chiến tranh càng lúc càng trở nên khốc liệt. Khói lửa chiến tranh bay mù theo gió, lan tràn khắp nẻo quê hương. Không khí chết chóc bao trùm khắp mọi nơi.
[links()]
*
* *
Mùa hè năm ấy, chiến tranh càng lúc càng trở nên khốc liệt. Khói lửa chiến tranh bay mù theo gió, lan tràn khắp nẻo quê hương. Không khí chết chóc bao trùm khắp mọi nơi.
Riêng ở vũ trường Kim Sơn hình như không khí càng lúc càng trở nên cuồng loạn hơn. Người ta lao vào cuộc chơi hệt như những con thiêu thân.
Những chiếc áo trận còn đậm mùi thuốc súng càng ngày càng xuất hiện đông đúc hơn cùng với những pha quậy quạng của bọn xã hội đen xảy ra nhan nhản ngay trong lòng phố thị.
Phòng trà, vũ trường là mục tiêu chính cho các cuộc giành gái, bắn giết lẫn nhau của bọn lính chiến từ chiến trường trốn về. Hết tương lai rồi!
“Chơi đã đời đi rồi ngày mai chết!” Đó là câu nói đầu môi của những kẻ vác súng đi quậy phá. Họ rất muốn bị bắt, bởi vì bị bắt ở tù để khỏi phải ra chiến trường, mà khỏi ra chiến trường đồng nghĩa với được sống!
Một lần, khi đổ rác thải vào ban đêm, tình cờ Thụy bắt gặp Dạ Hương đang tiếp xúc với một người trong đám loạn binh kia! Liền sau đó, người ấy vội vàng leo lên chiếc Mobilette đen, phóng rất nhanh rồi biến mất trong màn đêm. Rồi nhiều lần như thế đã lặp đi lặp lại!
Có mấy lần Dạ Hương dọ hỏi Thụy đã nhìn thấy những gì, và nàng luôn cảm thấy an tâm qua cách trả lời của Thụy.
(Thật ra, Thụy chẳng hiểu gì việc làm của Dạ Hương và người lính trẻ kia. Nhưng đối với một người đã trao trọn trái tim cho nàng, thì chẳng có việc gì Dạ Hương phải lo ngại cả!)
Qua những lần đó, hình như Dạ Hương nhận biết được tình yêu đơn phương của Thụy. Phần Thụy, anh luôn dành cho nàng trọn vẹn cảm giác biết ơn, lòng ngưỡng vọng và cả những rung cảm đầu tiên. Nàng vẫn như hiện diện ở mọi ngõ ngách trong tâm hồn anh.
Rồi một buổi sáng nọ, Dạ Hương nhờ Thụy chở nàng tới một ngôi chùa nhỏ miệt ngoại ô. Thụy đã không khỏi ngạc nhiên khi khám phá ra vị sư trẻ Dạ Hương gặp lần này không ai khác hơn là nhân vật mà nàng đã thường gặp gỡ hàng đêm ngoài vũ trường Kim Sơn!
Thỉnh thoảng Thụy lại đèo Dạ Hương trên chiếc Dame cà tàng của anh đến ngôi chùa nọ. Đôi lúc, anh cũng đi một mình đưa thư cho vị sư nọ theo sự cậy nhờ của nàng…
Một hôm, chính Dạ Hương đã đề nghị rủ Thụy đến căn gác trọ của nàng ở một xóm lao động bên Thiềng Đức. Hôm đó, tự tay nàng đã nấu cơm mời anh ăn, một bữa cơm thật đạm bạc với món bầu luộc chấm với cá lóc kho tộ, tuy đơn sơ nhưng đối với Thụy là từ trước đến giờ anh chưa được ăn bữa cơm nào ngon hơn thế!
“Dạ Hương muốn gặp Thụy ngay đêm nay, sau giờ làm”. Đó là lời nhắn của Dạ Hương. Đêm đó, khi Thụy đến, Dạ Hương đã chuẫn bị sẵn hai cây đèn cầy, một ốp nhang, một dĩa trái cây và một lít rượu Sơn Đông.
Trên một cái ghế đẩu chông chênh, có sẵn một khung hình nhỏ của một phụ nữ và một người đàn ông tuổi độ trung niên. Dạ Hương bảo với Thụy đó là di ảnh của cha mẹ nàng!
Dưới ánh sáng tù mù của hai ngọn bạch lạp, cả hai cùng ngồi đối ẩm. Nàng đã khóc trước mặt anh khi kể thảm cảnh của gia đình nàng khiến nàng phải mồ côi mồ cút: ngày xưa, cha đi chăn vịt ngoài đồng bị trực thăng “cá lẹp” bắn nát thây!
Còn mẹ phải mất xác lúc dân làng tản cư khỏi vùng chiến địa do đạn pháo trên sông! Phần Thụy, anh cũng đã cho nàng biết cuộc đời anh cũng bạc phước chẳng khác chi nàng: lớn lên mà chẳng hề biết ai là người sinh thành ra mình, phải lăn lóc hết gia đình này sang gia đình khác với đủ thứ cay đắng mùi đời!
Cũng đêm đó, Dạ Hương đã tự nguyện trao thân cho Thụy. Lần đầu tiên trong cuộc đời, Thụy mới biết thế nào là ái ân; và thật diệu kỳ thay, đó lại là xác thân của một trinh nữ!
Thế nhưng, sau cái đêm hai người đưa nhau lên tận đỉnh Vu Sơn ấy, Dạ Hương lại biểu hiện những thái độ kỳ lạ! Mỗi lần gặp Thụy, nàng trở lại bản tính lãnh đạm cố hữu.
Thoạt đầu, tâm hồn Thụy chưa nhận biết điều đó! Qua những chuỗi sự kiện biểu hiện, Thụy bắt đầu mơ hồ cảm nhận: phải chăng đêm ấy chẳng qua chỉ là sự cuốn hút nhất thời của bản năng có hai thuộc tính trái ngược nhau?
Liệu sự yêu thương của anh đối với nàng có được thấu hiểu, đồng vọng hay chăng? Phải chăng, chai rượu Sơn Đông kia không là rượu giao bôi, nên khi nhắp vào men yêu của nó không thể tơ vương và tình yêu chỉ là dấu chân gió chạy?
*
* *
“Khi trở dậy ở một kiếp sống khác, mình sẽ là ai?” Anh đã tự hỏi như thế, khi tỉnh thức với những cơn đau đến tột cùng của thể xác.
Từng sự kiện như những thước phim quay chậm khi ký ức Thụy vừa hồi phục. Anh bật chồm dậy khi chợt nhớ đến Dạ Hương, và cũng chính vừa lúc nhận biết một bên chân của anh đã lìa xa khỏi thân thể của mình cùng với vô số vết thương chi chít trên cơ thể!
…Đêm ấy, Thụy còn nhớ rõ chính Dạ Hương đã nhờ Thụy mang dùm nàng một túi xách thật nặng được bọc kín từ tay vị sư trẻ trước cửa vũ trường vào tận bên trong. Trước khi quay đi, Dạ Hương đã nhìn thật sâu vào mắt của Thụy và nói khẽ: “Khuya nay mình sẽ gặp lại!”
(Lẽ ra đêm ấy là ngày Thụy được nghỉ phép, nhưng cuối cùng phải làm tăng ca vì Tỉnh trưởng tổ chức đột xuất một đêm party dành để chiêu đãi nhiều cố vấn Mỹ, quan chức chính quyền và sĩ quan cao cấp tại Kim Sơn).
Một tiếng nổ long trời, rồi nhiều tiếng nổ nữa tiếp theo… Có rất nhiều, rất nhiều tiếng gào thét của những người bị thương. Lửa bùng cháy ở khắp mọi nơi…
Thụy chạy băng băng xuống cầu thang, nhưng không cố thoát ra khỏi vùng nguy hiểm mà lại đi tìm Dạ Hương.
Anh đang cố gắng tìm kiếm nàng trong làn khói mịt mù, giữa hàng đống người ngập ngụa máu. Rồi lại thêm cả những tiếng nổ tiếp theo và cả một khúc tường đổ sập xuống người Thụy…
Một thời gian dài sau đó, Thụy rơi vào một trạng thái thật kỳ hoặc mà từ trước đến giờ chưa có tiền lệ xảy ra: anh có cảm giác như đang bềnh bồng giữa những làn sương mù.
Tri giác như không còn hiện hữu, mọi thứ diễn ra trước mắt anh theo một chiều hướng mất nét, nhòa lẫn và ngưng đọng. Hình như linh hồn anh đang từ từ nhích dần xa thể xác…
Thoạt đầu, linh giác anh cảm thấy lo sợ khi nghĩ đến cái chết. Nhưng dần dần, anh lại thấy vô cảm trước nó; bởi vì, anh chợt nhận ra cái chết không còn gắn với nỗi âu lo, mà trở thành cánh cửa để giải thoát khỏi khổ đau thực tại.
Anh nhích dần, nhích dần, cố dứt bỏ từng mẩu ký ức về cuộc sống để chọn cuộc ra đi thanh thản nhất, không hân hoan mà cũng chẳng muộn phiền!
Duy chỉ có một điều thật kỳ lạ là trong quãng thời gian ấy, hình bóng của Dạ Hương không hề hiện hữu trong những giấc mơ của anh!
Thụy đã trải qua nhiều ngày, nhiều đêm như thế, cho đến khi tai anh không còn văng vẳng những tiếng kèn cất lên, vừa như một tụng ca vừa như một khúc ca bi thiết, não nùng theo tiếng thở dài của các linh hồn phiêu dạt…
“Dạ Hương, em ở đâu?” Nàng là nguồn gốc của mọi cơn đau lẫn niềm hạnh phúc vẹn toàn nhất của anh, vì thế, khi trở lại với cuộc đời, ngày nào anh cũng tìm, cũng kiếm nàng trong vô vọng!
Thế nhưng, hình bóng nàng luôn là một ẩn số, mọi tin tức về nàng đều rất mơ hồ, lập lờ! Việc tìm kiếm nàng, mọi thứ dường như chưa bao giờ bắt đầu, cho nên anh không thể tìm được điểm kết thúc cho nó.
Một tháng, hai tháng, ba tháng, rồi nhiều tháng trôi qua kể từ ngày Dạ Hương mất tích. Đôi lúc, Thụy cảm thấy cay đắng khi nghĩ rằng nàng đã làm cho anh bị tổn thương quá đỗi!
Cũng có đôi lúc anh nghĩ rằng thà anh chết đi, thà rằng anh không còn trên cõi đời này thì sẽ dễ chịu hơn là còn sống, sống với những nỗi khắc khoải, muộn phiền vì nàng.
Nàng không hề nói với anh bất cứ điều gì về công việc bí mật của nàng, dẫu giữa anh và nàng đã có với nhau một đêm ngà ngọc, dẫu đã từng đến với nhau một lần tận cùng bóng lần bóng trập trùng!
Những ngày sau đó, dẫu rằng Dạ Hương quan trọng đối với Thụy như thế nào, anh cũng đã tìm mọi cách để quên nàng. Thế nhưng, sự phai lãng đi, chỉ là một cách chữa lành của thời gian hay là sự đè nén của hàng trăm nỗi đau khác!
Để khi được gợi nhắc lại, mọi ký ức dù chôn sâu thế nào cũng sẽ được tái sinh, mọi cơn đau dù nhòa phai thế nào vẫn sẽ lại âm ỉ.
Khi mọi cảm giác trở thành hiện thực thì thời gian sẽ mất đi khả năng đong đếm của nó! Nhưng dù sao đi nữa, bây giờ nàng đã trở thành ảo ảnh. Dẫu rằng nàng đối với anh tựa như hơi thở thì anh cũng sẽ phải thức dậy để sống cuộc đời thực của mình…
*
* *
Ông Tư chính là vị sư trẻ ngày nào! Qua câu chuyện, ông nói rằng ngày xưa Dạ Hương và ông là chiến sĩ biệt động, cùng hoạt động chung trong tổ công tác thành. Ông cũng đã xác tín với ông Thụy một điều quan trọng:
- Dạ Hương đã chết mất xác! Đêm xảy ra vụ nổ, sau khi giao cho anh chiếc túi xách, tiếp theo là vụ nổ xảy ra, trước khi tháo đi, tôi đã lảng vảng ngoài đường để ngóng tin tức của Dạ Hương. Nhưng tôi đã chờ mãi, chờ mãi trong vô vọng…
Một lúc sau, cho sự xúc cảm lắng xuống, ông Tư nói tiếp:
- Và trước đó, nàng có nhờ tôi trao lại cho anh quyển nhật ký của nàng.
- Thế quyển nhật ký ấy bây giờ ở đâu? Cô ấy đã viết những gì?- ông Thụy bật lên câu hỏi với ông Tư sau một lúc chết lặng cả hồn.
- Tôi hiện còn cất giữ!- ông Tư trả lời.
- Anh đã đọc qua rồi phải không?
- Tôi chưa hề xem qua nhật ký của cô ấy vì tôi sợ điều đó sẽ làm tổn hại đến vong linh của nàng, nhưng tôi khẳng định một điều là cô ấy rất yêu anh!
- Nàng đã nói với anh điều đó lúc còn hiện hữu ư?
- Phải. Cô ấy đã nhiều lần khẳng định với tôi như vậy!
- Tại sao cô ấy tâm sự với anh?
- Bởi vì cô ấy biết… chính tôi cũng yêu cô ấy như anh!… Anh biết không, ngày ấy, mỗi lần nghe nàng tâm sự, tôi đều ghen tức với anh!
Ông Tư chợt nhớ đến một điều quan trọng khác:
- Nếu như tôi nhớ không nhầm thì đêm đó anh được nghỉ phép?
Ông Thụy cảm thấy bàng hoàng khi chợt nhớ lại chuyện xưa. Phải rồi, nàng không hề có ý hại ông! Thế mà, trong nhiều năm ông đã nghi ngờ tình yêu của nàng. Cho nên, trời đã trừng phạt ông, để mấy mươi năm qua, nàng không hề đến với ông dù trong những giấc chiêm bao…
Đôi bạn, sau hơn bốn mươi năm chia cách, giờ đây tóc đã điểm sương…
HÀ NGUYÊN
(Tiếp theo kỳ trước và hết)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin