LTS: Đồng chí Phan Văn Đáng không chỉ là một chiến sĩ cách mạng tiêu biểu hy sinh cả cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng mà còn là một người đam mê và am hiểu về văn học nghệ thuật. Báo Vĩnh Long trân trọng giới thiệu đến bạn đọc bài viết của ThS. Nguyễn Xuân Hoanh- Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long.
LTS: Đồng chí Phan Văn Đáng không chỉ là một chiến sĩ cách mạng tiêu biểu hy sinh cả cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng mà còn là một người đam mê và am hiểu về văn học nghệ thuật. Báo Vĩnh Long trân trọng giới thiệu đến bạn đọc bài viết của ThS. Nguyễn Xuân Hoanh- Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long.
Chân dung đồng chí Phan Văn Đáng. |
Đôi nét tiểu sử đồng chí Phan Văn Đáng
Đồng chí Phan Văn Đáng (tức Hai Đáng, Hai Văn, bí danh Phan Xuân Phái, Hồi Sinh) sinh tháng 10/1918 trong một gia đình nông dân có truyền thống yêu nước tại xã Mỹ Lộc (Tam Bình).
Cha là cụ Phan Văn Hòa- một nông dân tiến bộ sớm đến với cách mạng và là một trong những đảng viên đầu tiên ở xóm Ngã Cại (Tam Bình). Mẹ là bà Nguyễn Thị Ngân.
Đồng chí Phan Văn Đáng chịu ảnh hưởng từ cha và sớm giác ngộ cách mạng, hai người em của ông là Phan Thị Tốt và Phan Văn Trạch cũng tham gia cách mạng từ rất sớm.
Từ năm 1930, đồng chí tham gia công tác liên lạc, rải truyền đơn tuyên truyền cách mạng ở Tam Bình. Giai đoạn 1931- 1940, đồng chí hoạt động trong các tổ chức thanh niên ở Cái Ngang.
Tháng 9/1939, cha bị bắt, bản thân bị địch truy nã, đồng chí đã chuyển địa bàn hoạt động. Cũng trong thời gian này, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương.
Năm 1940, đồng chí tích cực chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ ở Cái Ngang. Sau Nam Kỳ khởi nghĩa, thực dân Pháp đàn áp dã man phong trào cách mạng.
Tháng 12/1940, đồng chí bị thực dân Pháp bắt, kết án tù khổ sai, đày đi Côn Đảo. Cách mạng Tháng Tám 1945 thắng lợi, đồng chí Phan Văn Đáng trở về quê hương tham gia xây dựng chính quyền cách mạng ở Vĩnh Long.
Cuối năm 1945 đầu năm 1946, Pháp tái chiếm Vĩnh Long, để bảo toàn lực lượng đồng chí Phan Văn Đáng chỉ đạo lực lượng kháng chiến hành chánh tỉnh rút về vùng U Minh.
Tháng 2/1946, đồng chí đưa lực lượng quay về Vĩnh Long xây dựng lại cơ sở cách mạng tỉnh nhà. Tháng 7/1946, Tỉnh ủy lâm thời Vĩnh Long được thành lập, đồng chí Phan Văn Đáng được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy.
Từ tháng 10/1946 đến năm 1947, Tỉnh ủy Vĩnh Long chính thức được thành lập, đồng chí làm Bí thư Tỉnh ủy.
Tháng 6/1951, khi sáp nhập 2 tỉnh Vĩnh Long- Trà Vinh, đồng chí được phân công làm Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Trà. Từ tháng 10/1954 đến năm 1959, đồng chí là Thường vụ Xứ ủy Nam Bộ.
Từ năm 1960 đến năm 1975, đồng chí giữ chức vụ Phó Bí thư Trung ương Cục Miền Nam, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Cục, Trưởng Ban An ninh Trung ương Cục Miền Nam. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đồng chí là Phó Ban Đại diện Đảng và Chính phủ tại miền Nam Việt Nam.
Tháng 12/1976, tại Đại hội Toàn quốc lần thứ IV của Đảng, đồng chí được bầu làm Ủy viên BCH Trung ương Đảng.
Giai đoạn 1976- 1982, đồng chí là đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Phó Ban Tổ chức Trung ương Đảng.
Năm 1983, đồng chí nghỉ hưu tại TP Hồ Chí Minh. Ngày 9/5/1997 vì tuổi cao sức yếu, đồng chí Phan Văn Đáng từ trần, hưởng thọ 79 tuổi.
Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, đồng chí Phan Văn Đáng được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao nhiều trọng trách.
Dù ở cương vị nào đồng chí cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đồng chí đã nêu tấm gương sáng của một chiến sĩ cách mạng.
Đồng chí được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều huân, huy chương cao quý: Huân chương Hồ Chí Minh, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng, 2 Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huy chương Vì sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc. Ngày 8/6/2008, đồng chí được Nhà nước truy tặng Huân chương Sao Vàng.
Để tưởng nhớ, ghi nhận công lao to lớn của đồng chí Phan Văn Đáng tên của đồng chí được đặt cho nhiều công trình công cộng: con đường trước Trung tâm hành chính Quận 2 (TP Hồ Chí Minh); con đường ở Phường 8 (TP Vĩnh Long); con đường tại trung tâm thị trấn Tam Bình; trường tiểu học tại TX Bình Minh; trường THPT tại xã Tân An Luông (Vũng Liêm).
Bộ sưu tập hiện vật phong phú, quý giá
Vợ và con gái của đồng chí Phan Văn Đáng tại căn cứ Trung ương Cục Miền Nam, năm 1972. |
Đồng chí Phan Văn Đáng là người đam mê và am hiểu về văn hóa nghệ thuật nên thỉnh thoảng cũng có làm thơ, tuy không còn lưu lại nhiều tác phẩm. Nhưng có những vần thơ hay, đầy dũng khí cách mạng, như 2 câu thơ đồng chí sáng tác trong ngục tù Côn Đảo:
“Hồi kèn giục giã người cộng sản
Sinh tử một lòng với nước non”
Hay bài thơ đầy tình cảm, tình nghĩa vợ chồng thủy chung mà đồng chí sáng tác tặng cho vợ là bà Trần Thị Hóa, nhân ngày sinh nhật lần thứ 75 của mình:
“Xưa anh nói yêu “em” đến già
Bây giờ tôi vẫn yêu “bà” như xưa!”
(Trích: Phan Văn Đáng- Sứ giả đồng khởi, trang 118, tác giả Nguyễn Chiến Thắng, NXB Văn Nghệ TP Hồ Chí Minh, Hội Khoa học lịch sử tỉnh Vĩnh Long, xuất bản 10/2018)
Đặc biệt, từ thuở thiếu thời, đồng chí Phan Văn Đáng bộc lộ niềm đam mê vẽ tranh, chụp ảnh và đồng chí đã lên Sài Gòn theo học nghề chụp ảnh, vẽ quảng cáo.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ ác liệt, dù bận trăm công ngàn việc nhưng đồng chí Phan Văn Đáng vẫn thể hiện lòng đam mê chụp ảnh, quay phim của mình.
Đồng chí ghi lại hình ảnh sinh hoạt đời thường của các đồng chí lãnh đạo, cán bộ, chiến sĩ ở Trung ương Cục Miền Nam tại Tây Ninh; các sự kiện chính trị, quân sự quan trọng; ảnh gia đình, đồng đội, đồng chí, ảnh thiên nhiên tươi đẹp,… Trong chiến khu, đồng chí vẫn say mê tráng phim, rọi ảnh, bảo quản tư liệu.
Về niềm say mê nghệ thuật nhiếp ảnh của đồng chí Phan Văn Đáng, đồng chí Phan Thành Trưởng (Ba Đời)- người có thời gian dài làm cần vụ cho đồng chí Phan Văn Đáng- cho biết: “Ông Hai mê chụp ảnh lắm. Đi đâu ông cũng mang máy ảnh theo. Tối về ông tự tay tráng phim, rọi ảnh.
Ông còn rang gạo để chống ẩm, bảo quản phim. Sau này từ chiến khu về thành phố, ông giữ gìn như báu vật là 3 thùng đại liên phim ảnh”.
Hình ảnh do đồng chí Phan Văn Đáng chụp hiện được lưu trữ, sử dụng ở nhiều cơ quan trung ương, các tỉnh- thành trong cả nước.
Các bảo tàng, ban quản lý di tích của Tây Ninh, TP Hồ Chí Minh, Vĩnh Long,… bảo quản, trưng bày nhiều hình ảnh quý do đồng chí Phan Văn Đáng ghi lại trong chiến tranh.
Ở Vĩnh Long, từ năm 1997, sau khi đồng chí Phan Văn Đáng qua đời, Bảo tàng Vĩnh Long đã tích cực nghiên cứu, sưu tầm và xây dựng thành bộ sưu tập hiện vật quý về đồng chí Phan Văn Đáng.
Hiện nay, Bảo tàng Vĩnh Long đang lưu giữ gần 150 hiện vật lưu niệm của đồng chí Phan Văn Đáng. Sưu tập gồm nhiều bài viết của đồng chí đăng trên các báo, tạp chí.
Các bài báo được đồng chí sưu tầm, phân loại, giữ gìn hết sức cẩn trọng. Cạnh đó, bảo tàng lưu giữ nhiều máy chụp ảnh, máy quay phim mà lúc sinh thời đồng chí Phan Văn Đáng sử dụng khi hoạt động ở Trung ương Cục Miền Nam.
Bộ sưu tập là tư liệu, tài liệu, hiện vật hết sức độc đáo, quý giá minh chứng sống động về cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng nhiệt thành, phong phú và oanh liệt của đồng chí Phan Văn Đáng.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin