Do yêu cầu công tác, vào khoảng cuối năm 1970, anh Liên Tâm- nguyên Giám đốc Sở Văn hóa- Thông tin tỉnh Cửu Long và tỉnh Trà Vinh- được Ban Tuyên huấn Trà Vinh điều động từ Tiểu ban Thông tấn Báo chí (B9) về Tiểu ban Văn nghệ (B4)- phụ trách biên tập Tập san văn nghệ Lửa Hồng của Ban Tuyên huấn Trà Vinh.
Do yêu cầu công tác, vào khoảng cuối năm 1970, anh Liên Tâm- nguyên Giám đốc Sở Văn hóa- Thông tin tỉnh Cửu Long và tỉnh Trà Vinh- được Ban Tuyên huấn Trà Vinh điều động từ Tiểu ban Thông tấn Báo chí (B9) về Tiểu ban Văn nghệ (B4)- phụ trách biên tập Tập san văn nghệ Lửa Hồng của Ban Tuyên huấn Trà Vinh.
Anh Liên Tâm khi công tác ở Tiểu ban Thông tấn Báo chí còn là một trong những cộng tác viên tích cực của Tập san Lửa Hồng với khá nhiều bài ca ngắn, vọng cổ và vở cải lương. Đa phần những sáng tác của anh Liên Tâm rất được cán bộ, chiến sĩ và nhân dân yêu thích.
Nhiều vở cải lương của anh được Đoàn Văn công Ánh Hồng (Ban Tuyên huấn Trà Vinh) đưa lên sân khấu phục vụ, được thu âm gửi về trên và được phát vào chương trình sân khấu cải lương Đài Phát thanh Giải Phóng. Với tôi, trong những sáng tác ca cổ của anh, tôi nhớ nhất là bài vọng cổ “Lính bán ván cầu”.
Bài vọng cổ “Lính bán ván cầu” được anh Liên Tâm viết vào năm 1971, nói về tinh thần hoang mang rệu rã của bọn lính giữ đồn cầu Sư Bích ở xã Tân An (Càng Long), trước sự bao vây, uy hiếp của anh em du kích xã này.
Do cuộc sống thiếu thốn, cái chết ngày đêm luôn rình rập lại không được sự quan tâm chi viện của trên nên bọn lính đón ở đồn cầu Sư Bích luôn tìm cơ hội rút chạy.
Vậy là để tạo cớ cho mình, lính ở đồn này nghĩ ra cách, hàng ngày lợi dụng lúc trưa bung ra tháo gỡ ván cầu Sư Bích sau đó đem bán cho dân để vừa có được tiền tiêu xài vừa có cớ nói với cấp trên để bỏ đồn. Phát hiện sự kiện này, anh Liên Tâm nảy ngay ý định sáng tác bài vọng cổ với tựa “Lính bán ván cầu”.
Trong những năm tháng chiến tranh, việc sáng tác luôn gặp phải không ít khó khăn, nhưng chỉ trong 1 đêm anh Liên Tâm vẫn có được bài vọng cổ nói trên với lối văn hài hước pha chút chế giễu.
Bài vọng cổ này sau khi được in trên Tập san Lửa Hồng và phát hành thì được Đoàn Văn công Ánh Hồng đón nhận ngay và nhanh chóng tập dợt để phục vụ.
Trước sự yêu thích nồng nhiệt của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, bài vọng cổ “Lính bán ván cầu” luôn là một trong những tiết mục được Đoàn Văn công Ánh Hồng đưa ra phục vụ công chúng mỗi khi đoàn biểu diễn.
Anh Út Ai (em anh Mười Tước)- diễn viên Đoàn Văn công Ánh Hồng là người được lãnh đạo đoàn phân công hát bài vọng cổ này.
Anh Út Ai ngoài nét tươi vui khi biểu diễn lại còn hát được theo giọng của danh hài Văn Hường (diễn viên cải lương trong Sài Gòn) nên càng làm cho bài vọng cổ “Lính bán ván cầu” thêm hấp dẫn.
Tôi nhớ lần Đoàn Văn công Ánh Hồng về phục vụ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ở ấp Te Te (xã Hùng Hòa- Tiểu Cần). Phục vụ xong, tất cả anh em trong đoàn về ấp Ông Rùm để nghỉ.
Khi đoàn về đến đây đã thấy mấy mẹ, mấy chị chuẩn bị sẵn 2 bàn cháo vịt thơm lừng. Khi anh em có mặt đầy đủ vào bàn thì có tiếng của một bà mẹ: “Lính bán ván cầu” đâu rồi? Mày phải ăn cho no đi để còn đủ sức rao bán.
Mà nè tới đây nhớ bán luôn đồn nghe, để về với gia đình và bà con chớ”. Vậy là một trận cười nổi lên trong niềm phấn khởi.
47 năm trôi qua và người viết bài vọng cổ ấy nay cũng không còn nữa. Vậy mà với tôi bài vọng cổ “Lính bán ván cầu” vẫn không sao quên được; bởi bài hát ấy của anh Liên Tâm đã thật sự đi vào lòng cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Trà Vinh trong những năm kháng chiến.
Hơn thế nữa, bài vọng cổ ấy còn có sức động viên cổ vũ mạnh mẽ tinh thần cán bộ, chiến sĩ và nhân dân tỉnh nhà đánh bại âm mưu bình định ác liệt của quân thù.
TRỌNG DÂN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin