Hương thời gian tím ngát

05:09, 16/09/2018

Thoạt nghe, câu hò xứ Quảng là lạ vang xa, ngòn ngọt như hương sữa đòng đòng của khách thương hồ cắm sào cho ghe đậu lại dưới dòng kinh Ba Thê êm ả hiền hòa để chờ nước lớn. 

Rồi mùa toóc(1) rạ(2) rơm khô

Bậu về quê bậu biết mô mà tìm

Thoạt nghe, câu hò xứ Quảng là lạ vang xa, ngòn ngọt như hương sữa đòng đòng của khách thương hồ cắm sào cho ghe đậu lại dưới dòng kinh Ba Thê êm ả hiền hòa để chờ nước lớn.

Thím Hai Hiền liền đẩy cửa bước ra sân, mắt đựng sao trời nhòe nhoẹt, buồn mênh mang theo tiếng vạc kêu thảng thốt bên kia cánh đồng Năm Xã trước kia.

Rồi hình ảnh của người thím yêu, chú Tư Thành hiện ra mờ ảo lung linh trong cõi tĩnh lặng, trong nỗi nhớ mênh mông, buộc người phụ nữ có cái nhan sắc ban chiều còn hắt ra những tia xa lắm này bỏ mặc lòng mình trôi về với mối tình đầu thời chiến tranh thừa mứa đau thương, mất mát và chia ly.

Tranh minh họa: Trần Thắng (TP Vĩnh Long)
Tranh minh họa: Trần Thắng (TP Vĩnh Long)

Hồi ấy hễ nghe thấy hơi sương se se lạnh, cu gáy nhặt khoan và nắng vàng tươi tắn là đồng đất Ba Thê bước vào thời điểm thu hoạch lúa.

Cánh thợ gặt ở khắp nơi kéo tới tranh thủ cắt và đập lúa cả những đêm trăng sáng. Ôi! Mặt trăng mảnh dẻ như thiếu nữ sầu chưa vương mắt biếc, đẹp đến nao lòng!

Ả ta lóng lánh dát bạc lên những thảm lúa mà bông cái đã vàng rực đến chót đuôi, bày ra những hột lúa no tròn, bụ bẫm, óng a óng ánh đẹp tợ bức tranh thừa thãi những gam màu sặc sỡ.

Và như thách thức cùng hiểm nguy đạn rền bom nổ đang rình rập gieo chết chóc tang thương, tiếng nói cười, giọng hò đối đáp trêu ghẹo tỏ tình của những cô cậu thợ gặt, những con người mộc mạc, giản đơn nhưng rất chân tình vẫn rộn rã bay xa tận núi non chớn chở, làm rung rinh màu xanh lặc lìa cây lá, làm sóng sánh vầng trăng tròn trĩnh dưới con suối trong róc rách chảy miệt mài.

Thím Hai Hiền lúc ấy là dân sở tại, tuổi vừa mười tám, mái tóc bum bê, mặt trái xoan, làn da bánh mật, còn khỏe mạnh, hiền thục, nết na. Đúng là một điển hình cho nét đẹp duyên dáng và rắn rỏi của con gái chốn đồng bưng.

Ngoài chuyện giỏi giang trong công việc đồng áng, cô gái có cái tên dễ gần, khó quên: Hiền, lại sở hữu một giọng hò nhẹ nhàng, luyến láy như chim hót nghe thật bùi tai nên có sức quyến rũ lạ lùng!

Vì thế, đã bẻ rụng cuống trái tim không biết bao nhiêu trai làng thịt bắp vai u, trói chặt cuộc đời với lũy tre làng hay những chàng trai tóc tém bảy ba mướt rượt, cầu thực tha hương tựa bao cánh chim ngàn bạt gió.

Vào một đêm trăng, mùa thu hoạch lúa cũng sắp đi qua. Mấy ngọn khói đốt đồng lẽo đẽo theo sau từng tốp thợ gặt dường như muốn hong khô, sưởi ấm bao giọt mồ hôi trên bước đường mưu sinh đầy nhọc nhằn cơ cực.

Rồi thời gian và sự gần gũi không ít đôi gái trai đã đầu mày cuối mắt, ăn ý với nhau, trong đó có chị Hiền và chú Tư Thành. Ừ, ờ… anh Thành mới đúng chớ.

Chàng ta chỉ mới hai mươi tuổi mà, thân hình vạm vỡ, khỏe mạnh, cao to thấy từng trải dày dặn nhưng chưa hề chai sạn.

Sở dĩ chàng trai có giọng nói miền ngoài này làm kiếp bèo trôi dạt tận nơi đây, là bởi đất quê không đủ lớn, để gồng gánh nổi chuyện cơm áo gạo tiền.

Và bây giờ giây phút biệt ly đã đến cận kề, chẳng những họ mà kể cả đồng nghiệp chân lấm tay bùn đều mong muốn biểu hiện tình cảm một cách chân chất thật thà, nhưng không kém phần lãng mạn qua câu hò cất trong niềm thương nỗi nhớ.

- Hiền, hò đi mầy, để mấy ảnh nói gần nói xa nghe mà thương đứt ruột hà! Nhớ bé Bảy gặt lối lúa cạnh bên chị Hiền, giương đôi mắt đen láy, vẻ tảo tần hiện hình ở lớp mồ hôi rịn nơi chân tóc may sợi ngắn, liến thoắng xúi bạn mình.

Chị Hiền ngượng ngùng, không giấu được bối rối nên mới càm ràm.

- Mây sắp đâm ngang chưa rồi hai công cắt người ta cười cho coi. Ở đó mà hò với hát!

Bầu không khí trở nên đặc sệt, vì cánh thanh niên ai cũng lên tiếng góp vào.

- Hò đi cô Hiền ơi! Hò lên đi cho cuộc đời bớt khổ. Đến sáng cắt lúa không xong, thằng Thành sang cắt phụ. Gần trống đồng rồi lo gì! Hò đi! Hò đi!...

- Ừ, hò thì hò chớ không cần ai cắt phụ đâu nghe. Nè, hò nghe dở đừng cười à!

Hò…ơ…

Rồng chầu ngoài Huế

Ngựa tế Đồng Nai

Nước sông trong chảy lộn sông ngoài

Thương người xa xứ lạc loài tới đây

Tới đây thì ở lại đây

Bao giờ tốt rễ xanh cây hãy về!

- Hay, hay quá! Coi cái mòi muốn bắt rể luôn mấy anh ơi. Ở bển có ai hò đối đáp lại không? Bé Bảy nghe hò thấy rậm rật trong dạ, loay hoay đi lại, to tiếng hỏi vậy.

Năm Thà- dân Chợ Mới chính hiệu- liền nhướn cao cổ, trợn mắt, đằng hắng lấy giọng sau đó buông lời:

- Có, có ta đây!

Chín Cô Đơn lo lắng, cất giọng ồm ồm hỏi và động viên bằng hữu:

- Được hông cha? Ráng mần cho ngon nghe!

Năm Thà tự tin, phấn chấn vui vẻ hẳn lên:

- Nghề của chàng mà. Tập trung nghe nè nhe!

Hò… ơ…

Trời xanh cây cứng lá dai

Gió lay mặc gió chiều ai không chiều.

- Trời ơi trời! Nghe trớt da me vậy ông nội? “Đâm xuồng bể” rồi. Ứ, dở như hạch!

Nhăn nhó mặt mày, Chín Cô Đơn thả lỏng cái lưỡi liềm rơi xuống đất, quay sang Tư Thành:

- “Nước sông trong chảy lộn sông ngoài. Thương người xa xứ lạc loài đến đây”. Người ta đang “khều” mày đó. Mầy mần một cái gỡ gạc lại coi, chớ để Năm Thà hăng máu mần nữa có nước “đội vải”!

- Ừ, “lần” thì “lần” sợ chi nhỉ!

Hò… ơ…

Rồi mùa toóc rạ rơm khô

Bậu về quê bậu biết mô mà tìm…

Giọng Tư Thành nặng, chậm, lạc trong tiếng gió rì rào. Hai Hiền thật sự không tin vì chẳng hiểu hết cái lời trong câu hò của Tư Thành.

Nhưng chị thấu hiểu đến khắc khoải niềm khát vọng mỏng manh và cồn cào nơi anh qua lời nói: “Dù thời gian có làm cho tình yêu han gỉ đi ít nhiều thì Hiền ơi chúng mình vẫn ở bên nhau mãi mãi không bao giờ chia ly”.

Lời nói đó cũng vào một đêm trăng bom đạn đầy trời, mặt đất, mặt nước mịt mù khói súng khi anh ghì chặt chị vào lòng ở trên đống rơm mềm mại, ngai ngái sức nước mùi trời lẫn bùn đất.

Trăng mỗi lúc một sáng, bủa vây không gian, lùa vào áo, vào tóc những người thợ gặt một mùi hương dịu nhẹ.

Hương trăng tỏa và những cơn gió từ mặt kinh Ba Thê đưa lên ướt rượt và mơn man. Sao Mai đã mọc gọi ông Mặt trời về. Đêm trăng trôi nhanh mơ hồ như một giấc mơ tuyệt đẹp!

Khi Hai Hiền hiểu hết lời trong câu hò của Tư Thành thì chị lại lo sợ, bởi rồi mùa rơm khô, rạ rã Tư Thành có thể về quê, chị biết đâu mà tìm?

Rồi chắc mỗi chiều Hai Hiền ra đứng ở ngã ba sông ngóng xa vời theo từng mảng lục bình lững thững trôi, mang tình yêu tím rựng của chị đi tìm người thương khắp chốn! Điều này sẽ không bao giờ xảy ra như lời anh nói: “Chúng mình ở bên nhau mãi mãi không bao giờ chia ly” đúng không Thành?

Chị Hai Hiền nghĩ như thế và thật vậy: Tư Thành cùng một số bạn gặt quê ở Chợ Mới đầu quân vào đội biệt động của thị trấn Ba Thê thuộc xã Vọng Thê, làm nhiệm vụ trừ gian, diệt ác, đánh phá có trọng điểm những mục tiêu của địch buộc chúng phải co cụm, hạn chế càn quét, lấn chiếm vùng giải phóng.

Ôi! Niềm vui của cặp gái trai tha thiết yêu nhau trong thời ly loạn lại nở tung ra, say sưa, tràn đầy! Vì họ có những ngày tháng bên nhau tuy ngắn ngủi, bởi hiểm nguy luôn dọa dẫm, răn đe nhưng cũng đủ để tình yêu đâm chồi hạnh phúc, bay lên tan quyện vào đất trời ầm đùng đạn pháo.

Nhưng trời hỡi! Chiến tranh nào khác tên đao thủ, lén lút giáng xuống đầu con người trong mọi lúc mọi nơi.

Vào đợt hai của cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân một ngàn chín trăm sáu mươi tám, Tư Thành cùng các chiến sĩ đội biệt động Ba Thê kết hợp với binh vận đánh đồn Sân Tiên, tiêu diệt một trung đội địch, thu toàn bộ vũ khí, đạn dược rồi đánh trái phá sập đồn.

Sáng hôm sau, lúc màn sương còn đặc quánh, toàn bộ đã rút về căn cứ nhưng còn trú quân ở cụm tràm mồ côi.

Ôi! Các chiến sĩ vừa ra vào lửa đạn đang được lắng nghe hơi thở của đất trời, hòa mình với thiên nhiên bao la, tận hưởng mùi hương tràm tinh khiết lung linh trong gió và bông tràm ánh vàng rực rỡ với nắng xuân thì bị gián điệp khai báo. Địch liền cho pháo và trực thăng võ trang bắn phá.

Trời ơi! Chỉ trong phút chốc, trận địa dường như bị thít chặt giữa những tiếng nổ long trời. Mặt đất rung lên bần bật, đá trên đồi cao đổ vỡ ầm đùng, núi non trốn mất trong những cột khói đen vì khét lẹt.

Hai mươi sáu tay súng của Đội biệt động Ba Thê vững vàng trong bom rơi đạn nổ, bám từng gốc tràm, bờ đất, chiến đấu kiên cường với một tiểu đoàn vang danh ngạo mạn của Sư đoàn chín ngụy, có sự yểm trợ pháo binh và phản lực từ trưa đứng bóng đến khi mặt trời khuất sau dáng núi.

Do lực lượng quá chênh lệch, năm chiến sĩ bị thương nặng được bí mật đưa vào nhà dân cứu chữa. Còn lại hai mươi mốt chiến sĩ trong đó có Tư Thành- người đội phó Đội biệt động Ba Thê- gan dạ, mưu trí, tài giỏi đã bám trụ tiếp tục lấy gan vàng chọi cùng sắt thép.

Rồi anh cùng đồng đội lần lượt ngã xuống, tạo nên hình hài hiên ngang của đất mẹ Vọng Thê anh hùng.

Ôi! Mới đó mà thím Hai Hiền và chú Tư Thành xa nhau ngót nghét đã năm mươi năm, một phần hai thế kỷ, gần một đời người rồi.

Vậy mà tâm hồn của người phụ nữ lỡ thì này chưa nguôi ngoai nỗi buồn năm cũ nên luôn tìm bên cõi nhớ, để hương thời gian tím ngát một màu thủy chung.

- Phương ngữ Quảng Trị (1) chính là rạ - phần thân lúa còn lại sau khi gặt.

(2) là rã – khi gốc rạ rã ra, gục xuống.

HỒNG SƠN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh