Ở sau khu Trường Chu Văn An, cạnh hồ Tây (Hà Nội), những năm 60 của thế kỷ trước có một ngôi nhà đơn sơ, vẻn vẹn với 10m2 làm nơi cư ngụ cho cả gia đình nhà văn Phùng Quán.
Ở sau khu Trường Chu Văn An, cạnh hồ Tây (Hà Nội), những năm 60 của thế kỷ trước có một ngôi nhà đơn sơ, vẻn vẹn với 10m2 làm nơi cư ngụ cho cả gia đình nhà văn Phùng Quán.
Để có một chỗ viết văn tĩnh tại, nhà văn Phùng Quán đã dựng một cái chòi trên trần nhà cấp 4 ấy: rộng khoảng 6m2. Bạn bè đến chơi đều được mời lên chòi.
Phùng Quán gọi là cái “chòi ngắm sóng”, bởi vì buổi sáng và chiều, sóng hồ Tây nổi lên rất thơ mộng. Cũng trên cái chòi ấy, hàng chục tập truyện, hàng ngàn bài báo ra đời. Trong đó có cuốn tiểu thuyết “Tuổi thơ dữ dội” 3 tập, được giải thưởng của Hội Nhà văn năm 1989.
Sau vụ “Nhân văn” năm 1958, Phùng Quán phải đổi tên ký dưới bài báo, thậm chí mượn tên bạn để lĩnh nhuận bút mà sống.
Sau này, anh em bạn bè hiểu ra gọi “chòi ngắm sóng” ấy là “chòi kiếm sống” của Phùng Quán. Kể về cái “chòi ngắm sóng”, trong hồi ký của mình, có đoạn ông viết: “Có những việc với người này thì dễ như móc đồ vật trong túi, nhưng với người khác lại khó bằng dời một quả núi”.
Hố rác tôi đã san lấp xong. Cái nền tương lai của chòi rượu tôi đo được 6m2. Hình thang. Tôi phải dựng lên cái nền hố rác hình thang ấy một cái chòi cao chừng 8m mới có thể ngắm được hồ Tây.
Nhà trường xây một tường rào bao bọc lấy khu vườn trường, cao 2,5m. Rào trường cắt ngang trước cửa nhà tôi. Ngồi trong nhà chỉ thấy tường.
Phải ngồi ngang chiều cao của rào tường mới ngắm được hồ Tây. Tôi muốn dựng một ngôi nhà sàn, dù diện tích chỉ có 6m2, hình thang, nhưng phải đầy đủ tiêu chuẩn một nhà sàn. Cũng ví như bài thơ lục bát chỉ 4 câu thôi, nhưng phải là thơ, chứ không là vè.
Vè- nhà- sàn chỉ cần một mái
Thơ- nhà- sàn phải đủ cả hai mái và sàn phải lót tre vầu đập giập.
Làm một ngôi nhà như vậy mà không một tấc nguyên liệu, gỗ ván cây que. Quan trọng hơn là không có lấy một đồng… Cuối cùng thì tôi cũng dựng xong chòi- ngắm- sóng vào cuối thu năm đó. Một mình tôi dựng mất 21 ngày đêm”…
Với Phùng Quán, thơ với rượu là một, văn với rượu cũng là một. Trong hoàn cảnh túng bấn vậy, ai đến nhà Phùng Quán, dù là giàu sang, nghèo hèn đều được coi là thượng khách và được chủ nhà đãi rượu cuốc lủi với cá hồ Tây do nhà thơ câu. Chả có thế mà khi nhà văn mất, cô hàng bán rượu ở gần phố lúc đưa thi hài nhà văn, cứ vật vã khóc:
- Bác ơi! Bác bỏ cháu ra đi, rượu của cháu sẽ bán cho ai? Mỗi lần nghe bác đọc thơ, cháu chỉ muốn cả hồ Tây là hồ rượu thôi.
Khi còn sống, nhà văn Phùng Quán tiết lộ với bạn bè một cách vô tư: “Trong vòng 20 năm gian khổ, để tồn tại, tôi đã “câu trộm” khoảng 4 tấn cá ở hồ Tây”.
Cũng may, ngót một phần tư thế kỷ lao đao ấy, nhà văn Phùng Quán đã sống cùng thơ văn, cùng rượu và cá hồ Tây nữa. Đúng như trong một bài thơ, có câu ông viết: “Vịn câu thơ mà đứng dậy”…
LÊ HỒNG THIỆN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin