Được sinh ra nơi vùng đất Mỹ An, nằm dọc theo dòng Cổ Chiên trên địa phận Mang Thít với những cánh đồng bát ngát, với cây xanh trái ngọt, tâm hồn ông như được gieo trồng sẵn mầm thơ ca. Ông là Nguyễn Văn Hữu (bút danh Quý Hữu), một khuôn mặt thơ quen thuộc của làng Văn nghệ Vĩnh Long.
Được sinh ra nơi vùng đất Mỹ An, nằm dọc theo dòng Cổ Chiên trên địa phận Mang Thít với những cánh đồng bát ngát, với cây xanh trái ngọt, tâm hồn ông như được gieo trồng sẵn mầm thơ ca. Ông là Nguyễn Văn Hữu (bút danh Quý Hữu), một khuôn mặt thơ quen thuộc của làng Văn nghệ Vĩnh Long.
Từ thuở là một học sinh Đệ lục (lớp 7 bây giờ), ông đã viết nên những câu thơ đầu tiên. Và qua cuộc sống thăng trầm với nhiều nhiệm vụ trong xã hội, có lúc là giáo viên dạy học ở vùng xa, khi là hiệu trưởng, lúc là một giám đốc xí nghiệp, khi là Phó Chủ tịch MTTQ TX Vĩnh Long (nay là TP Vĩnh Long), ông vẫn bật ra những câu thơ khi có cảm xúc.
Đến tuổi nghỉ hưu, ông vẫn tiếp tục đảm trách một chức danh chủ chốt trong công tác khuyến học ở TP Vĩnh Long. Ở tuổi 76, bước chân ông vẫn năng nổ góp phần chăm lo cho sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ qua thực hiện công tác khuyến học.
Là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, ông vẫn tích cực tham gia các chuyến đi thực tế sáng tác. Và ông còn là một trong những thành viên sáng lập, lãnh đạo CLB Hoa Thơ TP Vĩnh Long duy trì sinh hoạt đều đặn hơn 26 năm qua và say mê sáng tác thơ.
Đến nay, ông đã sáng tác trên 5.350 bài thơ (từ năm 1992- 2018), với trên 70 tập thơ in chung trong cả nước, một tài sản thơ không phải nhỏ mà trong đó có hơn 4.000 bài là thơ Đường luật- một thể thơ rất khó làm với niêm luật thật chặt chẽ.
Ông được sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Cha là ông Nguyễn Văn Loan (sinh năm 1912), tham gia kháng chiến chống Pháp và mất vào năm 36 tuổi tại khu căn cứ của Tỉnh ủy Vĩnh Long (Cái Ngang- Tam Bình), anh trai là Liệt sĩ Nguyễn Minh Điền (tên khai sinh là Nguyễn Văn Phú) tham gia kháng chiến chống Mỹ, hy sinh năm 1963 khi ông 25 tuổi tại chiến trường Hòa Tân- Cái Tàu Hạ (Đồng Tháp).
Mẹ là bà Đỗ Thị Nương (sinh năm 1912) là cơ sở cách mạng, nuôi chứa nhiều cán bộ cách mạng trong 2 thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ ngay trong vùng địch chiếm đóng tại căn nhà ở xã Mỹ An (Mang Thít).
Bản thân ông kế thừa truyền thống yêu nước của gia đình, trong kháng chiến ông cũng là một cơ sở mật của cách mạng.
Trong thơ, ông thường gửi gắm tình yêu cách mạng, yêu thiên nhiên, yêu đất nước, yêu gia đình và bạn bè...
Ông có một đặc điểm là sáng tác rất nhanh nhạy. Trên đường đi công tác, đi tham quan do cơ quan tổ chức hay trong một chuyến đi thực tế sáng tác do Hội Văn hóa Nghệ thuật tổ chức… ông đã say sưa nhả ra những vần thơ, có khi mỗi ngày đều có 1- 2 bài để khắc họa chuyến đi và đến kết thúc mỗi chuyến đi ông đều có một tập nhật ký thơ.
Như lần dự trại sáng tác ở Nhà Sáng tác Đà Lạt, chỉ trong 15 ngày mà ông đã hoàn thành quyển “Nhật ký Đà Lạt” có đến hơn 50 bài thơ. Trên đường đến Đà Lạt, nhìn đồi núi chập chùng, hồn ông lâng lâng:
… Thiên nhiên điểm dáng đèo biêng biếc,
Cảnh trí xây thành núi ngất ngây
Lữ khách bâng khuâng vào đất mộng…
(Trên đèo Bảo Lộc)
Đến với thành phố ngàn thông và muôn hoa, ông dạt dào cảm xúc:
… Đà Lạt mộng mơ
Nghe hồn bay bay theo gió...
Đêm Đà Lạt
Mưa bụi lung linh vờn khắp phố,
Hơi lạnh dâng tràn theo tiếng thở ngàn thông…
(Đến Đà Lạt)
Vượt qua lối núi, đường đi gập ghềnh, ghé thăm thác Đamb’ Ri, ông viết:
… Gió vờn triền dốc về chiều,
Bức tranh đồi núi cho nhiều vấn vương…
…Đamb’ Ri bình lặng góc trời,
Đón tình thế tục mà đời vẫn trong.
(Thăm Thác Đamb’ Ri)
Trong chuyến thực tế sáng tác ở Đất Mũi, ông đã ghi lại:
Trập trùng đước trải xanh tầm mắt…
Thuyền cá bồng bềnh xa mắt vợi
Đước rừng tràn ngập thẳm trời cao…
(Nhật ký Cà Mau)
Về đến Cà Mau- vùng đất cuối cùng của Tổ quốc- khi ngồi bên cột mốc GPS 0001, lòng ông bồi hồi cảm xúc:
Ngồi bên cột mốc thảo trang xưa
Lãng đãng hồn thiêng giữa lặng tờ...
… Dừng chân Đất Mũi đêm nay
Lắng nghe Tổ quốc nối dài tuyến thương…
(Nhật ký Cà Mau)
Ông có điều kiện đi nhiều nơi, với tâm hồn của một thi nhân giàu cảm xúc nên thơ ông nhiều đề tài, rất phong phú, bạt ngàn như cánh đồng lúa mênh mông.
Đôi lần đến với hòn đảo nhiều chứng tích lịch sử của đất nước, ông có mấy chục bài thơ khắc họa một Côn Đảo non nước hữu tình và sự bất khuất, trung kiên, hào hùng của lớp lớp cha anh nơi địa ngục trần gian của chính quyền Sài Gòn thời chiến tranh. Trong tập “Nhật ký Côn Đảo”, ông đã viết:
Hăm hai năm! Trở lại nơi này,
Cảnh sắc Hàng Dương lắm đổi thay!
Từng mộ tù nhân xây đá núi,
Mỗi khu hào khí vượt hàng cây…
(Nghĩa trang Hàng Dương)
Hàng năm, ông đều làm thơ chúc tết người thân và bạn bè:
Vạn ánh Xuân về rạng tộc môn
Sự đời, việc nước giữ vuông tròn
Như thiều quang tỏa trên dòng rộng
Ý sáng, lòng trong mãi mãi còn.
(Mừng Ất Mùi)
Ông rất tâm đắc với những câu thơ này, có thể xem đây là tâm nguyện:
Rải thơ đi khắp đường tình,
Ai mà nhặt được thì mình thấy vui.
Dẫu đi nốt chặng đường đời,
Hẳn đâu tìm được nụ cười tương giao.
Thà không biết mặt mày nhau,
Chút tình đồng cảm hơn trao bạc tiền.
Trăm năm sau có nhớ tên,
Như Kiều đã khóc Đạm Tiên đủ rồi.
Giữ tròn vai chứng nhân đời,
Qua thơ đồng cảm với người mai sau!
Thơ như đã thấm vào máu thịt của ông, ông làm thơ không phải mưu cầu danh tiếng mà đơn giản vì ông yêu thơ. Ngoài người vợ hiền gắn bó trăm năm thì thơ là một người yêu chung thủy của ông.
Lúc nào tâm hồn ông cũng dệt nên thơ- bất cứ là tâm trạng vui, buồn, bức xúc hay tiếp xúc bất cứ sự kiện gì, ở bất cứ nơi đâu tâm hồn ông cùng đều hình thành nên thơ.
Thế nên gia tài thơ của ông đến nay đã có hàng ngàn bài, đây là một tài sản đáng trân quý mà ông dành cho những người yêu thơ.
Tiếng thơ ông đã góp phần cho thi ca Vĩnh Long thêm phần phong phú. Chúng ta không bình luận khen, chê, chúng ta để cho người đọc cảm nhận nhưng đều đáng trân trọng nơi ông là tâm hồn yêu thơ say đắm và trong thơ ông luôn có hình bóng quê hương, đất nước, người thân, bạn bè và cuộc sống muôn màu, muôn vẻ.
Tháng 8/2018
NAM PHƯƠNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin