Bỗng dưng muốn trở về

06:08, 11/08/2018

Bộ phim "Bỗng dưng muốn khóc" khép lại với cảnh cô bé lọ lem bán sách lề đường tên Trúc đã hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc của mình là làm cho chàng công tử nhà giàu Bảo Nam trở thành con người tốt. 

Bộ phim “Bỗng dưng muốn khóc” khép lại với cảnh cô bé lọ lem bán sách lề đường tên Trúc đã hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc của mình là làm cho chàng công tử nhà giàu Bảo Nam trở thành con người tốt.

Cái mà Trúc nhận được sau bao nhiêu năm vất vả, cô đơn, không cha mẹ, không biết chữ là một tình yêu và một gia đình. Hạnh phúc của người dẫu ở trên phim làm cho em khóc.

Đôi mắt em đỏ hoe như thể em đang ngậm ngùi cho hạnh phúc hiếm hoi của cuộc đời, dẫu rằng chỉ lãng đãng trên phim.

Tranh minh họa: Trần Thắng (TP Vĩnh Long)
Tranh minh họa: Trần Thắng (TP Vĩnh Long)

Căn nhà của mình có nhiều cửa sổ, em mở tất cả các cửa sổ trong đêm. Em bảo, tại sao khí trời trong lành như thế mà phải nhốt mình trong phòng, mở máy lạnh?

Khí trời ngoại ô luôn thơm mùi cây cỏ, khác với mùi xăng xe hay đủ thứ mùi trong thành phố. Đó là lý do em bảo anh dọn ra ngoại ô để vợ chồng cùng sống.

Anh chịu khó đi đến nhiều nhà, ghé các vườn hoa để tìm, rồi đem các loại cây hoa nở có mùi thơm về trồng. Vào đêm trăng tròn, hoa nguyệt quế nở, đêm ngủ trong mùi hoa thoảng bay vào phòng làm cho giấc mộng đẹp.

Cây ngọc lan lại quanh năm bung từng bông hoa nõn nà như những ngón tay đẹp. Buổi sáng, con chim sâu nhỏ đậu trên cây mận, kêu chíp chíp.

Buổi sáng, em nói: “Có mấy bông hoa ngọc lan nở” hoặc: “Con chim sâu xinh ghê, anh ơi”. Là òa vui. Cây ngọc lan ấy anh mua từ một vườn cây xanh, là quà tặng sinh nhật em.

Em cười: “Em chưa thấy món quà sinh nhật nào lạ lùng như thế. Thường thì người ta tặng son phấn hay ít ra cũng là nhẫn vàng, nhẫn bạc”.

Anh bảo: “Thì anh tặng em một món quà không đụng hàng”. Cây ngọc lan ngày nào đem về tí xíu, vậy mà bây giờ đã cao.

Như cho anh và em biết rằng thời gian vẫn trôi qua, vẫn tiếp tục trôi qua. Còn anh trồng cây mận vì thuở bé anh hay đi hái trộm mận, anh trồng để nhớ cái thuở hái trộm từng trái mận chua chấm muối ớt mà tưởng như ăn cao lương mỹ vị.

Mười lăm năm sống với nhau vẫn chỉ có anh và em. Anh một xâu chìa khóa, em một xâu chìa khóa. Buổi sáng hai chiếc xe máy cùng đi song song ra phố, nếu thời gian còn kịp thì ghé quán ăn sáng.

Vợ chồng chỉ ăn sáng ở vài quán quen: phở, bún bò, cháo lòng, mì quảng,… Buổi trưa, căn nhà vẫn đóng cửa, có khi anh đi nhậu nhẹt với khách hàng, em ở lại cơ quan ăn cơm hộp.

Buổi chiều em đi chợ về nhà trước, em bận rộn với bếp núc, còn anh thì lại mở tivi xem phim truyền hình nhiều tập hay vào mạng xem thông tin hay làm một thứ gì đó.

Ngày cứ trôi qua như buổi sáng mở cửa nhìn nắng lên, buổi tối đóng cửa, tắt hết những ngọn đèn. Ngày trôi qua trong căn nhà rộng thênh thang có hai người.

Anh và em có nhiều thứ mà mọi người không phải ai cũng có được. Đó là có cả bảy năm trời yêu nhau. Yêu nhau từ thuở còn khờ khạo, vụng dại cho đến khi khôn lớn.

Yêu nhau từ thuở muốn rủ rê bạn gái đi uống một ly nước anh phải nhịn ăn sáng cả tuần lễ, là ngọn đồi đầy cỏ xanh với những cây trắc bá ở Đại học Đà Lạt.

Ôi, nụ hôn đầu vụng dại trong mùi hoa trắc bá ngai ngái, trong vạt nắng sớm mai đánh tan cái lạnh buổi sáng của thành phố cao nguyên.

Là những ly cà phê sữa nóng kèm theo chiếc bánh pate chaud là món ăn ngon nhất của thời sinh viên. Là những khi anh lang thang trên những con đường cao thấp để hái cho em biết bao nhiêu cánh hoa để em đưa vào bộ sưu tập của mình.

Là gì nữa? Là đêm Noel trong cái buốt lạnh của Đà Lạt, cùng rủ nhau đến nhà thờ Con Gà để cầu nguyện, thật ra chẳng là để cầu nguyện điều gì mà là chỉ cần có ở bên nhau. Và những ngày hết tiền, mua một đĩa cơm chia đôi mà cảm thấy ngon miệng.

Anh và em về với nhau cùng hạnh phúc bởi cả hai đều là mối tình đầu của nhau. Hành trang về làm vợ chồng của chúng ta dằng dặc những kỷ niệm.

Kỷ niệm giống như tặng phẩm của cuộc đời trao tặng cho chúng ta. Để có thể ung dung vượt qua những bất trắc, mà đôi khi nếu không có những kỷ niệm đó, hạnh phúc sẽ dễ dàng vỡ tan.

Về với nhau, ta khởi đầu cuộc sống gia đình bằng căn nhà thuê chen chung với nhiều gia đình khác. Căn phòng nhỏ xíu chia vui buồn ấy không có căn phòng nào cho em trốn anh khi buồn bực mà ngồi khóc một mình, cũng chẳng có vườn cây đầy hoa thơm ngát để em mở rộng những cánh cửa sổ mà nghe mùi hương cỏ cây trộn trong giấc ngủ.

Tiền bạc khi ấy không nhiều, nhưng với chiếc xe đạp anh và em đã “đi khắp thế gian” như cách anh và em cùng nói. Anh có thể chở em trên chiếc xe đạp ấy đi hàng chục cây số, lưng áo anh mồ hôi đẫm ướt, vậy mà anh vẫn thầm thì với em: “Ôm anh đi, không thôi té bây giờ”.

Em ôm anh đi, không thôi té bây giờ, tưởng chỉ là lời nói vui giữa những vòng xe, nhưng đó đã là suốt đời. Bây giờ, không có anh, em không nổi lửa trên bếp, để căn nhà lạnh lẽo.

Không có anh, em không biết thay một bóng đèn bị hỏng, không có anh em âm thầm khóc một mình. Em tìm cách để anh trở thành một người quan trọng nhất trên thế gian này đối với em, và vì thế mãi mãi anh không thể bức lìa khỏi em.

Nhưng không có thứ hạnh phúc nào gọi là trọn vẹn. Mười lăm năm vui buồn, mười lăm năm bươn chải để có ngôi nhà xinh đẹp, đêm đến những cánh cửa sổ mở tung để hương hoa tràn vào để giấc ngủ tràn đầy mộng đẹp ấy của chúng ta đã thiếu đi tiếng cười con trẻ.

Em khao khát được làm mẹ, anh khao khát được làm cha. Đi trên phố, nhìn những đứa con của người khác trong vòng tay của họ, lòng anh bỗng thênh thang, còn em thì héo hắt nụ cười.

Ta cùng không muốn cho nhau những nỗi buồn trong căn nhà xinh, mỗi người có một xâu chìa khóa, mỗi người có một chiếc xe gắn máy riêng mà khi trở về nhà, vẫn không có một thứ gì bị xáo trộn ngoài lớp bụi do gió thổi từ ngoài đường vào. Ta yêu nhau nên không dám cho nhau nghe tiếng thở dài vì căn nhà thiếu một đứa con.

Rồi anh không trở về nhà trong đêm. Cái đêm anh đi dự đầy tháng con của một người bạn. Em từ chối đi cùng, dù anh và em có thói quen rõ ràng là ngoại trừ công việc, còn bất cứ việc gì thì đi cùng nhau. Tại sao đi cùng nhau?

Để người kia khỏi ngồi ăn cơm một mình, như triết lý sống đơn giản trong phim “Bỗng dưng muốn khóc” mà đạo diễn Vũ Ngọc Đản đã đưa ra.

Trúc nhất định đợi Bảo Nam sau khi hoàn tất nhiệm vụ là mặc bộ đồ con gà trước nhà hàng mời khách, về ăn cơm cùng- bởi vì ăn cơm chung bữa cơm mới vui. Nhà chỉ có hai người, nếu ăn cơm một mình thì giống như đang ăn đá sỏi, em vẫn thường nói thế.

Hôm đó anh không trở về nhà trong đêm. Và nhiều đêm sau em đã phải ăn cơm một mình. Lòng người đôi khi chông chênh mà cứ tưởng rằng mình đi đúng hướng.

Anh giấu trái tim buồn bã một mình vì mười lăm năm em không hề sinh cho anh một đứa con. Trong phút giây ấy, anh đã đi về hướng khác, cái con đường anh đi đấy giống như anh đang bước vô định.

Hôm đó anh say, cái say đong đưa của hạnh phúc người khác, cái say để biết rằng mãi mãi mình chẳng bao giờ mình có thể tổ chức một buổi tiệc đầy năm cho con trai mình, mời bạn bè đến dự.

Cái say của cảm giác một bé thơ vô tình đái ướt áo cha hay tất bật đẩy chiếc nôi đưa khi trong đêm tiếng con trẻ thức dậy đòi sữa. Trong thẳm sâu lòng anh khi ấy thèm khát một đứa con.

Anh đã không về nhà. Còn em vẫn đậy mâm cơm để trên bàn. Em ngủ trong cơn đói, cho đến khi trời rạng sáng. Anh mở cửa bằng xâu chìa khóa của mình, còn em thì đóng cửa bằng xâu chìa khóa của em.

Buổi sáng vẫn hai chiếc xe đi về hai phía. Căn nhà của chúng ta vẫn đang tỏa hương hoa.

@@

Em bảo: “Anh cứ ký vào đây nhé! Có lẽ anh cần phải có một đứa con, còn em thì không thể sinh cho anh một đứa con nào.”

Rồi em dắt xe ra trước, em rồ máy, nói vọng: “Em sẽ ở nhà ngoại, khi nào thu xếp xong em sẽ về. Em để đồ ăn đủ cho cả tuần trong tủ lạnh. Ký xong anh điện cho em”.

Sống với em 15 năm, anh chưa bao giờ thấy em giận dữ. Hàng xóm có khi gặp vợ chồng mình phải buộc lời khen: “Trời ơi, anh chị sống với nhau thế nào mà chẳng bao giờ to tiếng với nhau”.

Năm nào, ông tổ trưởng cũng đem tới cho vợ chồng mình một tấm bằng Gia đình văn hóa. Gia đình không bao giờ cãi cọ đó, gia đình năm nào cũng nhận tấm bằng Gia đình văn hóa đó đang đứng trước tờ đơn ly dị.

Buổi tối anh ra quán nhậu. Bạn bè nâng ly tung hô: “Hoan hô anh chàng độc thân một lần nữa”. Anh uống cạn ly bia, lòng anh buồn khủng khiếp. Không có em anh buồn khủng khiếp.

Lòng anh buồn khi những bông hoa vẫn tỏa hương thơm, nhưng những cánh cửa sổ nhà mình không có ai mở, hương thơm cứ lan ra ngoài không gian. Nhà không có em, ngôi nhà buồn muốn khóc.

Bỗng dưng anh muốn trở về, anh trở về nhà ngoại. Anh biết anh phải làm gì để em về lại căn nhà của mình. Anh sẽ đứng trước cửa nhà như thời trai trẻ hò hẹn cùng em. Anh đứng mặc cho mưa, mặc cho đêm cho đến khi em bước ra. Anh sẽ nói: “Anh sai rồi”.

KHUÊ VIỆT TRƯỜNG (Nha Trang)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh