Hội thảo "Nhà viết kịch Lưu Quang Vũ với sân khấu đương đại Việt Nam" do Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam tổ chức ngày 20/8 tại Hà Nội, nhằm tri ân cống hiến của Lưu Quang Vũ cho sự phát triển của nền sân khấu cách mạng Việt Nam.
Quang cảnh hội thảo. (Ảnh: Mỹ Bình/Vietnam+) |
Hội thảo “Nhà viết kịch Lưu Quang Vũ với sân khấu đương đại Việt Nam” do Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam tổ chức ngày 20/8 tại Hà Nội, nhằm tri ân cống hiến của Lưu Quang Vũ cho sự phát triển của nền sân khấu cách mạng Việt Nam.
Tham dự hội thảo, các đại biểu cùng thảo luận về đóng góp của Nhà viết kịch Lưu Quang Vũ với sân khấu đương đại Việt Nam. Các đại biểu đánh giá những giá trị chân-thiện-mỹ qua các tác phẩm sân khấu cũng như quan điểm nhân sinh quan của tác giả; những góc nhìn có tính dự báo, tính nhân văn, tính thời đại thể hiện trong các tác phẩm; phong cách nghệ thuật và những vấn đề của cuộc sống đa chiều ở nhiều thể loại, đề tài và tư duy nhân văn sâu sắc trong kịch bản của Lưu Quang Vũ…
Hầu hết các đại biểu đều ghi nhận những tác phẩm của Lưu Quang Vũ còn mãi với thời gian chính là sự khẳng định tài năng của ông. Thời gian qua, những tác phẩm của ông vẫn được các đơn vị nghệ thuật chèo, cải lương, rối, dân ca kịch và đặc biệt là sân khấu kịch Việt Nam khai thác, dàn dựng. Ðặc biệt, năm 1985, tại Hội diễn Sân khấu toàn quốc, trong 8 vở kịch ông tham gia hội diễn có đến 6 vở giành được huy chương vàng, 2 vở đoạt huy chương bạc - một con số kỷ lục trong làng sân khấu Việt Nam cho đến thời điểm này. Gần đây nhất, tại Liên hoan sân khấu Kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc năm 2018, vở “Hoa cúc xanh trên đầm lầy” do Nhà hát Tuổi trẻ dàn dựng đã giành huy chương vàng...
Trong sự nghiệp của mình, nhà viết kịch, nhà thơ Lưu Quang Vũ đã sáng tác 53 vở kịch ngắn, dài; hàng trăm bài thơ, truyện ngắn, bài viết về sân khấu. Cuộc đời và tác phẩm của Lưu Quang Vũ luôn được bạn bè trong giới văn nghệ, người đọc, người xem đón nhận.
Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam, Nghệ sĩ Nhân dân Lê Tiến Thọ ghi nhận: Có thể khẳng định Lưu Quang Vũ là nhà viết kịch có nhiều tác phẩm thu hút dư luận nhất. Sau sự ra đi đột ngột của “hiện tượng Lưu Quang Vũ,” sân khấu Việt Nam vẫn chưa có tác giả nào bù đắp được khoảng trống mà ông để lại.
Nhà xuất bản Sân khấu (Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam) đã xuất bản cuốn “Tuyển tập kịch Lưu Quang Vũ” năm 1994; sách “Tác phẩm chọn lọc Lưu Quang Vũ” với 8 kịch bản tiêu biểu nổi bật trong sáng tác của ông vào năm 2016. Năm 2013, Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam chủ trì, phối hợp tổ chức "Liên hoan các vở diễn của tác giả Lưu Quang Vũ.” Năm nay, cùng với hội thảo “Nhà viết kịch Lưu Quang Vũ với sân khấu đương đại Việt Nam,” Hội phối hợp với Nhà hát Kịch Việt Nam công diễn vở diễn “Nguồn sáng trong đời” của tác giả Lưu Quang Vũ.
Phó giáo sư, tiến sỹ Lưu Khánh Thơ đã khái quát diện mạo sân khấu Việt Nam thời kỳ đầu Đổi mới từ trường hợp của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ. Bà cho rằng, mẫn cảm nghệ sỹ và ý thức công dân đã thôi thúc Lưu Quang Vũ viết những vở kịch chứa đựng nhiều vấn đề nóng bỏng của đời sống. Lưu Quang Vũ đã cùng với một số tác giả như Xuân Trình, Tất Đạt, Võ Khắc Nghiêm, Doãn Hoàng Giang, Sỹ Hanh... làm nên một giai đoạn sân khấu sôi động khó có thể lập lại. Kịch là nơi Lưu Quang Vũ có thể bộc lộ trực tiếp những khám phá và nhận thức của anh, là nơi anh có thể đóng góp tích cực cho sân khấu, cho xã hội...
Nghệ sĩ ưu tú Đào Quang cũng cho biết, tâm nguyện và mục đích cuối cùng mà nhà viết kịch Lưu Quang Vũ muốn gửi gắm qua các tác phẩm của ông chính là là tinh thần công dân trước cuộc sống xã hội, những giá trị đạo đức của con người về hạnh phúc, đối nhân xử thế trong một cơ chế đầy biến động với những cảm xúc mới mẻ, đầy khát khao...
Lưu Quang Vũ sinh năm 1948 tại xã Thiệu Cơ, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ, quê gốc ở phường Hải Châu, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng, là con trai nhà viết kịch Lưu Quang Thuận. Năm 20 tuổi, anh đã có thơ in chung với nhà thơ Bằng Việt trong tập “Hương cây-Bếp lửa” và các tập thơ tiếp sau này là “Mây trắng của đời tôi,” “Bầy ong trong đêm”...
Từ năm 1978 dến 1988, Lưu Quang Vũ làm biên tập viên Tạp chí Sân khấu và bắt đầu sáng tác vở kịch nói đầu tay “Sống mãi tuổi 17.” Tiếp sau đó, ông đã gây nên hiện tượng chấn trong sân khấu kịch nói cả nước bằng hàng loạt tác phẩm khác như "Nàng Sita;" "Hẹn ngày trở lại;" "Nếu anh không đốt lửa;" "Hồn Trương Ba, da hàng thịt;" "Lời thề thứ 9;" "Khoảnh khắc và vô tận;" "Bệnh sĩ;" "Tôi và chúng ta;" "Người tốt nhà số 5;" "Ngọc Hân công chúa;" "Linh hồn của đá;" "Ông vua hóa hổ;" "Chiếc ô công lý;" "Ông không phải là bố tôi;" "Điều không thể mất;" Lời nói dối cuối cùng"…
Nhà thơ Lưu Quang Vũ đã có cuộc sống hạnh phúc bên cạnh người bạn đời là nhà thơ Xuân Quỳnh và "tay trong tay" ngay cả lúc về thế giới bên kia. Nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật năm 2000. Đến nay, Lưu Quang Vũ là nhà viết kịch trẻ nhất Việt Nam được nhận giải thưởng danh giá này./.
Theo MỸ BÌNH (TTXVN/VIETNAM+)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin