Từ câu chuyện về Mục Kiền Liên bồ tát báo hiếu cho mẹ của đạo Phật, ngày lễ Vu Lan (15/7 âm lịch) với nhiều người có đạo và không đạo là dịp tự nhắc nhở mình về sự hiếu kính, về bổn phận làm con.
Lễ Vu Lan- nơi san sẻ tình yêu thương ra cộng đồng. |
Từ câu chuyện về Mục Kiền Liên bồ tát báo hiếu cho mẹ của đạo Phật, ngày lễ Vu Lan (15/7 âm lịch) với nhiều người có đạo và không đạo là dịp tự nhắc nhở mình về sự hiếu kính, về bổn phận làm con.
Hơn thế nữa, tinh thần ấy còn lan tỏa ra cộng đồng bằng những hành động sẻ chia, những món quà ý nghĩa hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn trong xã hội.
Làm con phải hiếu
Hiếu thảo với cha mẹ là nét đẹp văn hóa của con người Việt Nam từ bao đời nay. Ngày lễ Vu Lan nhắc nhở mọi người hiếu kính với cha mẹ, trân trọng khi cha mẹ còn trên đời.
Một trong những hình ảnh đã trở thành nét đẹp văn hóa, thường bắt gặp ở mùa lễ Vu Lan là cài bông hồng trên ngực áo. Bông hồng trắng dành cho những người không còn mẹ, cha; bông hồng đỏ dành cho những người còn có cha, mẹ trên đời.
Hình ảnh bông hồng tượng trưng đã gợi bao niềm tưởng nhớ: với người đã mất mẹ cha thì để hồi tưởng, kính nhớ; với người còn cha mẹ thì nhắc nhở để thêm trân trọng những phút giây bên cha mẹ, chăm nom, thể hiện lòng hiếu để đối với mẹ cha.
“Lên non mới biết non cao/ Nuôi con mới biết công lao mẫu từ”- chị Nguyễn Ngọc Hà quê huyện Tam Bình đang làm việc ở TP Hồ Chí Minh xúc động nói.
Khi chị Hà mang bầu bé Su Su, mẹ chị khăn gói từ quê lên Sài Gòn chăm con bầu bí vì thai yếu chị Hà phải nằm suốt trên giường từ tháng thứ 6 mang thai. Ngày chị sinh con, trong khi những người thân chạy theo xem mặt em bé mới chào đời, chỉ có cha mẹ là đứng ngồi không yên muốn vào thăm con gái sau ca sinh khó.
“Mấy tháng sau khi tôi sanh, mẹ tôi cũng ở lại giúp tôi chăm cháu, rang muối đắp bụng cho con gái dù rất khó chịu khi sống cảnh chật chội ở Sài Gòn”. Chăm con vất vả, chị Hà càng hiểu và yêu mẹ nhiều hơn.
“Nhớ những lần gọi điện về quê xin tiền đi học, cha mẹ chậm gửi lên là tôi lại giận hờn…”- chị Hà nói nhỏ. Chị không hiểu sao lúc đó chị lại quên đi hoàn cảnh gia đình khó khăn mà cứ lo trách hờn cha mẹ, “cũng may giờ hiểu ra vẫn còn kịp để đáp đền”.
Ngày lễ Vu Lan nhắc nhở mọi người hiếu kính với cha mẹ, trân trọng khi cha mẹ còn trên đời. Chị Thy (Phường 2- TP Vĩnh Long) cho biết: “Tháng Bảy- mùa Vu Lan, mùa hiếu hạnh, tôi cũng thành kính cắm hoa dâng cúng dường cầu nguyện quốc thái dân an, cho mọi người và chính mình được bình an”.
Mùa lễ Vu Lan, khách thập phương ghé chùa cầu an cho gia đình, cha mẹ. Mẹ con chị Nguyễn Thùy Dương (Phường 4- TP Vĩnh Long) đến chùa Hội Đức (xã Trường An- TP Vĩnh Long) thắp hương, cầu nguyện.
Chị Dương tâm sự: “Tôi từng hỏi mẹ phải làm gì để đền đáp cho ba mẹ. Mẹ bảo chúng tôi hãy cứ sống tốt, lo được cho bản thân là đủ rồi. Tuy nhiên, đối với tôi, mong ước lớn nhất vẫn là chăm lo được cho ba mẹ những ngày tháng sau này”.
Lan tỏa yêu thương
Rằm tháng 7 hàng năm hầu hết các chùa đều tổ chức tặng quà người nghèo, tàn tật; tặng gạo; tặng học bổng cho các em có hoàn cảnh khó khăn.
Trong buổi trao quà tại tịnh xá Ngọc Tân (Phường 9- TP Vĩnh Long), nữ phật tử là nhà hảo tâm đã trao hơn 300 phần quà mà xin phép không nói về mình, không xưng tên họ. Chị cho biết tháng 7 âm lịch nào cũng hỗ trợ quà cho người nghèo, trước là muốn tạo phước cho cha mẹ, sau là chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng theo tinh thần “lá lành đùm lá rách”.
Mang nụ cười đến những hoàn cảnh khó khăn. |
Sự chia sẻ ấy dù không nhiều nhưng mang lại niềm vui cho nhiều mảnh đời còn khốn khó. Chú Mai Ngọc Minh (65 tuổi, Khóm 2, Phường 9- TP Vĩnh Long) vui vẻ ngồi đợi nhận quà. Chú Minh cho biết năm nào lễ Vu Lan cũng được nhận quà của các chùa, nhà hảo tâm.
“Đối với vợ chồng già neo đơn như tui, hai ba trăm ngàn lớn lắm. Tui đi hứng cám thuê ở nhà máy chà gạo. Vợ tui thì hở van tim ba lá, đi bộ chút đã mệt rồi”- chú Minh thở dài. Bản thân chú Minh cũng bị thấp khớp, việc làm cũng “bữa có bữa không” nên cuộc sống gia đình rất khó khăn.
Ngồi trên chiếc xe lắc, chú Lê Văn Đệ (79 tuổi, Phường 9) rưng rưng khi nhận phần quà của Tịnh xá Ngọc Tân. Chú Đệ cho biết: “Vợ tui bị tai biến nằm liệt ở nhà. Tui bị tai nạn giao thông tật nguyền vầy. Con cái nghèo khó nên ai giúp đỡ được gì tui mang ơn lắm”.
Dịp lễ Vu Lan này, chùa Phước Nguyên (xã Lục Sĩ Thành- Trà Ôn) vận động quý phật tử trong và ngoài nước hỗ trợ trên 450 suất quà tặng những hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn ở 2 xã Lục Sĩ Thành, Phú Thành. Mỗi phần quà khoảng 300.000đ, gồm tiền mặt và các nhu yếu phẩm.
Không chỉ có vậy, các cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp, thậm chí những người dân quê “có dư chút đỉnh” cũng chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn quanh mình. Dạo quanh một vòng TP Vĩnh Long ngày Vu Lan báo hiếu sẽ thấy những hàng người xếp hàng để nhận quà. Anh Dũng- người khuyết tật ở Phường 3 (TP Vĩnh Long) nói “rằm tháng 7 đẩy xe đi nhận quà mấy chỗ luôn”.
Báo ân, báo hiếu, san sẻ với cộng đồng là nét đẹp văn hóa không giới hạn ở phạm vi Phật giáo, đó là nét đẹp của dân tộc cần được truyền giữ, phát huy thành giá trị tinh thần, làm cho cuộc sống tươi đẹp hơn, ý nghĩa hơn
Theo Thượng tọa Thích Mật Tịnh- trụ trì chùa Phước Nguyên, ở một góc nhìn khác, Vu Lan thực chất là sự kết hợp của từ bi với trí tuệ, tu và học. Chính vì vậy, lễ Vu Lan trở thành nét đẹp văn hóa thể hiện tính nhân văn trong đời sống tâm linh, thể hiện tấm lòng báo ân, báo hiếu của những người con Phật. |
Bài, ảnh: QUYÊN HUYỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin