Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh và "Tình yêu ở lại"

11:08, 15/08/2018

Với mong muốn đem lại những ký ức đẹp nhất về 2 nghệ sĩ tài năng trong lòng bạn bè và khán giả cũng như thắp lên nguồn cảm hứng mãnh liệt mà Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh dành tặng cuộc đời trong quãng thời ngắn ngủi họ được sống, Báo Dân Việt, Nhà hát Tuổi Trẻ và VTV3 - Đài Truyền hình Việt Nam cùng phối hợp tổ chức đêm thơ nhạc "Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh: Tình yêu ở lại" vào ngày 26-8 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Với mong muốn đem lại những ký ức đẹp nhất về 2 nghệ sĩ tài năng trong lòng bạn bè và khán giả cũng như thắp lên nguồn cảm hứng mãnh liệt mà Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh dành tặng cuộc đời trong quãng thời ngắn ngủi họ được sống, Báo Dân Việt, Nhà hát Tuổi Trẻ và VTV3 - Đài Truyền hình Việt Nam cùng phối hợp tổ chức đêm thơ nhạc "Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh: Tình yêu ở lại" vào ngày 26-8 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh Ảnh: tư liệu
Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh Ảnh: tư liệu

Buổi họp báo về đêm thơ - nhạc - kịch kỷ niệm 30 năm ngày mất Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh, diễn ra vào ngày 14-8, đã biến thành buổi trò chuyện đầy ắp kỷ niệm về cặp vợ chồng tài hoa bạc mệnh này. Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cho rằng Lưu Quang Vũ nổi danh trên văn đàn cả về thơ ca và viết kịch nhưng với riêng ông, cái còn lại của Lưu Quang Vũ là thơ. "Thơ anh sống cùng thời gian bởi tạo nên sự khác biệt. Ở tuổi ngoài hai mươi, Lưu Quang Vũ không đứng trong dàn đồng ca của thơ miền Bắc hồi ấy, anh "tách đàn" đứng độc lập riêng mình. Anh không hát đồng ca mà là solo: "Tôi chán cả bạn bè/ Mấy năm nay họ không nói được câu gì mới/ Tôi bỏ ra đi, họ ngồi ở lại" - nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên rất ngưỡng mộ người bạn của mình.

Nhà thơ Lưu Quang Vũ sinh năm 1948 tại Phú Thọ, nhưng quê gốc của ông ở Hải Châu, Đà Nẵng, là con trai nhà viết kịch Lưu Quang Thuận. Năm 20 tuổi, ông đã có thơ in chung với nhà thơ Bằng Việt trong tập "Hương cây - Bếp lửa" (1968) và các tập thơ tiếp sau này như "Mây trắng của đời tôi" (1989), "Bầy ong trong đêm sâu" (1993)...

Từ năm 1978, Lưu Quang Vũ bắt đầu sáng tác kịch nói với vở đầu tay "Sống mãi tuổi 17". Tiếp sau đó, hàng loạt vở kịch của ông ra đời đã gây nên một hiện tượng chấn động sân khấu kịch nói cả nước như: "Nàng Sita", "Hồn Trương Ba da hàng thịt", "Lời thề thứ 9", "Bệnh sĩ", "Tôi và chúng ta", "Người tốt nhà số 5", "Lời nói dối cuối cùng"…

Nhà thơ Xuân Quỳnh, người vợ đã gắn bó với nhà thơ Lưu Quang Vũ trong 15 năm đỉnh cao sự nghiệp của ông cho đến cuối đời. Thơ Xuân Quỳnh giàu cảm xúc với những cung bậc khác nhau như chính tính cách luôn hết mình của bà. Những bài thơ khi hạnh phúc đắm say, lúc đau khổ, suy tư của nhà thơ luôn gần gũi vì được viết với sự đằm thắm của một người phụ nữ vừa làm thơ vừa làm vợ, làm mẹ. Nhiều bài thơ của Xuân Quỳnh đã trở nên nổi tiếng: "Thuyền và biển", "Sóng", "Hoa cỏ may", "Tự hát", "Nói cùng anh"... Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đã phổ nhạc rất thành công bài thơ "Thuyền và biển", "Thơ tình cuối mùa thu" của Xuân Quỳnh.

Theo nld.com.vn

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh