Lớp dạy đờn ca tài tử của nghệ nhân đặc biệt

10:08, 06/08/2018

Dù đôi mắt không lành lặn, nhưng với tài năng và sự khổ luyện, nghệ nhân khiếm thị Trần Ngọc Nương vẫn mang tiếng đàn vươn xa.

Dù đôi mắt không lành lặn, nhưng với tài năng và sự khổ luyện, nghệ nhân khiếm thị Trần Ngọc Nương vẫn mang tiếng đàn vươn xa.

Sinh ra và lớn lên ở huyện Cần Đước, tỉnh Long An - cái nôi của đờn ca tài tử Nam bộ nên tình yêu dành cho lời ca, tiếng đàn đã thấm sâu vào máu của nghệ nhân khiếm thị Trần Ngọc Nương.

Dù đôi mắt không lành lặn, nhưng với tài năng và sự khổ luyện, ông đã mang tiếng đàn vươn xa, truyền dạy nghề cho nhiều nghệ sĩ trẻ với tất cả sự tận tâm.

Nghệ nhân Trần Ngọc Nương dạy ca cho các học trò trong ngôi nhà nhỏ của mình. (Báo Long An)
Nghệ nhân Trần Ngọc Nương dạy ca cho các học trò trong ngôi nhà nhỏ của mình. (Báo Long An)

Căn nhà nhỏ của nghệ nhân khiếm thị Trần Ngọc Nương ở khu phố 6, thị trấn Cần Đước, Long An luôn rộn ràng tiếng đàn, tiếng hát của học viên chăm chỉ luyện tập theo lời chỉ dạy của thầy.

Những âm điệu ngân nga của bài Bắc, bài Oán vang lên hòa cùng tiếng đàn da diết, mang đến cảm giác dễ chịu và bình yên ở làng quê miền Tây Nam bộ. Thỉnh thoảng trong lớp rộ lên tiếng cười của thầy và trò khi có ai đó hát sai lời hay gõ không đúng phím.

Sinh ra trong gia đình có đến 15 anh em làm nghề rèn, từ năm 4 tuổi, đôi mắt của ông Trần Ngọc Nương không còn nhìn thấy ánh sáng.

Gia đình cho ông theo học chữ nổi năm 14 tuổi, rồi sau đọc học đàn piano, nhưng vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên ông phải nghỉ học nửa chừng.

Vậy là ông dành dụm tiền đi học cổ nhạc, hễ nghe ở đâu có thầy là tìm đến “tầm sư học đạo” với quyết tâm phải có cái nghề nuôi sống bản thân chứ không phụ thuộc gia đình. 

Người bình thường học đàn đã khó, người khiếm thị như ông lại càng khó khăn hơn vì chỉ dựa hoàn toàn vào đôi tai để học và nhận ra những sai lệch về âm điệu.

Thế nhưng, nhờ niềm đam mê mãnh liệt với với âm nhạc dân tộc và không ngừng khổ luyện, giờ đây ông Trần Ngọc Nương không chỉ chơi được guitar mà còn thành tạo cả đờn sến, đờn cò, đờn hạ uy di...

Gặp những người đồng cảnh ngộ, ông đưa về nhà truyền dạy ngón đờn, lời ca để giúp họ kiếm thêm thu nhập. Có thời gian gia đình ông cưu mang mười mấy người mà chẳng nề hà chuyện tiền bạc, miễn học trò tiến bộ từng ngày thì đó là niềm hạnh phúc của ông. 

Tiếng lành đồn xa, có người quê tận Đồng Tháp, Sóc Trăng, Trà Vinh cũng đến tìm đến học. Đối với ông, cuộc đời dù khổ nhưng để góp phần gìn giữ tiếng đàn truyền thống thì chẳng cần phân vân, nghĩ ngợi gì.

Nghệ nhân Trần Ngọc Nương cho biết:"Tôi chỉ muốn bảo tồn âm nhạc dân tộc của mình thôi chứ không nhận học phí. Các em muốn học thì tự tìm đến đây, có đứa nó đam mê quá, không biết chỗ nào dạy, chỉ cần tới đây cúng tổ xong thì học thôi."

Đã hơn nửa cuộc đời gắn bó với nghiệp đờn ca tài tử và nhạc cụ dân tộc, nghệ nhân Trần Ngọc Nương đã truyền lửa nghề cho rất nhiều thế hệ học trò.

Cuộc đời ông là câu chuyện xúc động về một nghệ sĩ tài hoa, vượt lên số phận và dống hết lòng với mọi người. Nhiều học trò của đã thành tài, mang lời ca tiếng hát đến mọi nơi, tạo nên sức sống mạnh mẽ cho bộ môn nghệ thuật đờn ca tài tử.

Theo VOV

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh