Huyền thoại đội quân tóc dài

07:08, 05/08/2018

Trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc của quân và dân Bến Tre luôn có hình ảnh của một đội quân đặc biệt "Đội quân tóc dài". Những người phụ nữ giản dị giữa đời thường nhưng can trường trong chiến đấu, đã góp phần làm nên lịch sử và giờ đây họ đã trở thành huyền thoại.

Trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc của quân và dân Bến Tre luôn có hình ảnh của một đội quân đặc biệt “Đội quân tóc dài”. Những người phụ nữ giản dị giữa đời thường nhưng can trường trong chiến đấu, đã góp phần làm nên lịch sử và giờ đây họ đã trở thành huyền thoại.

Cô Ba Định. Ảnh tư liệu
Cô Ba Định. Ảnh tư liệu

Vị nữ tướng tài ba

Về thăm lại khu Đền thờ Nữ tướng Nguyễn Thị Định, thắp nén nhang thay lời chào, lời tri ân đối với vị nữ tướng tài ba, một trong những người lãnh đạo phong trào Đồng khởi năm xưa, người góp phần lãnh đạo và xây dựng nên “Đội quân tóc dài” huyền thoại và sáng tạo phương thức đấu tranh 3 mũi giáp công “binh vận, chính trị kết hợp vũ trang”.

Sinh năm 1920, trong một gia đình nông dân có truyền thống cách mạng của xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm. Là con út nhưng do thể trạng yếu đuối vì căn bệnh hen suyễn, trường học xa nhà, vậy là cô Ba ở nhà học chữ với người anh thứ ba, anh Chẩn.

Chính “người thầy” ấy đã sớm đưa cô Ba đi theo con đường cách mạng. Có lẽ vì thế mà 16 tuổi cô Ba đã tham gia rải truyền đơn, làm giao liên, lo cơm nước cho các anh, tham gia các hội tương tế ái hữu, cổ động “dân chúng”…

Với sự gan dạ, mưu trí của mình, 2 năm sau, cô Ba đứng vào hàng ngũ của Đảng. Trong thời gian này, cô Ba xây dựng gia đình với ông Nguyễn Văn Bích.

Thế nhưng hạnh phúc không bao lâu, chồng cô Ba bị Pháp bắt đày đi Côn Đảo và hy sinh ngoài ấy. Nhận tin chồng hy sinh, lòng căm thù giặc trong cô Ba nhân lên gấp bội.

Cô Ba gửi con nhỏ lại cho mẹ cô chăm sóc, thoát ly tham gia hoạt động cách mạng tại tỉnh nhà.

Có thể nói, trong suốt quá trình tham gia cách mạng, cô Ba có mặt ở hầu hết các chiến trường. Hết chống Pháp, đến chống Mỹ, cô luôn đồng cam cộng khổ với đồng chí, đồng bào.

Dường như ở những khúc quanh lịch sử, cô thường lãnh trách nhiệm đi đầu. Sau thắng lợi năm 1945, đến tháng 3-1946, cô Ba được Tỉnh ủy chọn làm thuyền trưởng chuyến tàu đầu tiên vượt biển ra Bắc báo cáo với Đảng, với Bác Hồ về tình hình chiến trường Nam Bộ và xin vũ khí chi viện.

Năm ấy cô mới 26 tuổi, thế nhưng bằng lòng quả cảm, trí thông minh, cô Ba đã cùng đồng chí của mình khéo léo vượt trùng dương đưa 12 tấn vũ khí chi viện cho miền Nam một cách an toàn. Và từ đó, tên tuổi của cô Ba gắn liền với con đường huyền thoại - “Đường Hồ Chí Minh trên biển”.

Cô Ba còn là linh hồn của phong trào Đồng khởi. Tình hình miền Nam từ giữa năm 1959 bắt đầu rơi vào khủng hoảng kéo dài.

Giữa lúc ấy, Hội nghị lần thứ 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã phân tích những đặc điểm tình hình và xác định nhiệm vụ cơ bản của cách mạng miền Nam.

Cô Ba sau khi được quán triệt Nghị quyết số 15, trở về cùng lãnh đạo Tỉnh ủy triệu tập Hội nghị cán bộ vào đêm mồng 2-1-1960, tại Mỏ Cày.

Tại đây, cô Ba và các đồng chí trong Tỉnh ủy bàn kế hoạch phát động quần chúng nổi dậy diệt ác phá kìm.

Trong cô Ba ý nghĩ “Đồng khởi” được liên tưởng từ cuộc khởi nghĩa đồng loạt trong Cách mạng tháng Tám, phải nhất tề nổi dậy mới thắng được.

Bằng kế hoạch quân sự chặt chẽ, khoa học của Ban Tham mưu mà người chỉ huy trực tiếp là Nguyễn Thị Định, phong trào Đồng khởi bùng nổ trên đất Mỏ Cày đêm 17-1-1960 thắng lợi đã mở ra một cục diện mới trong đấu tranh cách mạng ở miền Nam.

Thành công và ý nghĩa lịch sử to lớn này là kết quả đúc kết bằng máu xương, sinh mạng của hàng vạn người yêu nước cộng với trí tuệ lãnh đạo của Đảng, trong đó công đầu là cô Ba Định. Từ đây, tên tuổi cô gắn liền với Đội quân tóc dài với phương châm đấu tranh “ba mũi giáp công”.

Sau Đồng khởi thắng lợi, cô Ba được cử làm Bí thư Tỉnh ủy rồi Khu ủy viên Khu 8, Hội trưởng Hội Liên hiệp Phụ nữ miền Nam. Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ kết thúc, cô Ba về Hà Nội công tác với nhiều cương vị khác nhau.

Trên cương vị nào cô cũng hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc. Nhận định tài thao lược của cô Ba, bạn bè quốc tế không ít lời khen ngợi. Trong mắt họ, cô Ba luôn hiển hiện là người phụ nữ đẹp, tài ba và đôn hậu.

Ở Cuba có hẳn ngôi làng mang tên Nguyễn Thị Định. Bà Valentina Tereshkova - Chủ tịch Ủy ban Phụ nữ Xô Viết từng nói: “Ở Liên Xô nhân dân chúng tôi biết rõ về chị là chiến sĩ xuất sắc trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, người lãnh đạo phong trào phụ nữ Việt Nam”.

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói “Cả thế giới chỉ nước ta có vị tướng quân gái như vậy. Thật là vẻ vang cho miền Nam, cho cả dân tộc ta”.

Đội quân tóc dài huyền thoại

Chính thức mang danh hiệu “đội quân tóc dài” từ phong trào Đồng khởi ở đất Bến Tre ngày 17-1-1960 rồi phát triển, lan rộng ra toàn miền Nam.

Sự ra đời của đội quân đặc biệt này đã nâng tầm vóc phong trào đấu tranh của phụ nữ lên một đỉnh cao mới.

Nói đến “đội quân” là muốn nhấn mạnh yếu tố tổ chức đội ngũ, yếu tố kỷ luật và chỉ huy chặt chẽ. Đây là đội quân chính trị bao gồm những người trung kiên, ưu tú, dũng cảm, mưu trí, gồm đủ mọi lứa tuổi, mọi thành phần xã hội, có cơ sở ở khắp nông thôn đến thành thị, được tôi luyện qua các phong trào đấu tranh. Họ chính là lực lượng xung kích trên mặt trận đấu tranh chính trị với giặc…

Tính đến năm 1965, quân số thường trực “Đội quân tóc dài” lên đến 2 triệu người, tăng gấp 4 lần lúc mới nổ ra Đồng khởi.

Nữ tướng Nguyễn Thị Định, người đã góp phần lãnh đạo và xây dựng nên “Đội quân tóc dài” ở tỉnh từng nhận xét “Đó là binh chủng đặc biệt của giới nữ được tổ chức thành đội ngũ chặt chẽ, có lực lượng tiến công, hậu bị, hậu cần, y tế, cứu thương…”.

Tiếng vang của đội quân này không chỉ bao phen làm cho bọn giặc khiếp sợ mà còn vượt ra ngoài biên giới Việt Nam.

Ngày 30/1/1961, để giảm bớt các đơn vị hành quân càn quét, đánh phá các vùng giải phóng trên địa bàn huyện Giồng Trôm, Tỉnh hội phụ nữ đã huy động gần 20 ngàn phụ nữ khắp nơi trong tỉnh tổ chức đấu tranh đòi ngưng càn quét, bắn phá vào thôn xóm.

Trước lý lẽ và tinh thần đấu tranh quyết liệt của quần chúng buộc địch phải chấp nhận yêu sách, cuộc biểu tình kết thúc thắng lợi.

Tháng 10/1961, hàng chục ngàn phụ nữ trong tỉnh kéo vào thị xã Bến Tre phản đối việc càn quét gom dân, bắt lính.

Địch dùng lựu đạn cay đàn áp, nhưng không làm nao núng được tinh thần chị em. Cuộc đấu tranh kéo dài 3 ngày, buộc địch phải nhượng bộ, cam kết giải quyết các yêu sách.

Ngày 17/3/1963, để chống phá kế hoạch bình định của địch, theo sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, Tỉnh hội phụ nữ huy động gần 30 ngàn phụ nữ các huyện Châu Thành, Giồng Trôm, Ba Tri, Mỏ Cày, Thạnh Phú đổ về thị xã Bến Tre vượt qua những tốp lính cản đường, tranh thủ sự ủng hộ của binh lính, cảnh sát, họ bao vây tòa hành chính tỉnh, yêu cầu gặp tỉnh trưởng để trao kiến nghị phản đối chính sách gom dân,

lập ấp chiến lược, buộc địch phải chấp nhận giải quyết. qua đó đã làm chậm kế hoạch bình định, tạo điều kiện cho các huyện, thị có đủ thời gian củng cố, xây dựng lực lượng, xây dựng các căn cứ chiến đấu bảo đảm cho kháng chiến lâu dài.

Đồng thời, cùng lúc phụ nữ còn lại ở các huyện đã tập trung hỗ trợ bộ đội ta tiến công địch trên khắp chiến trường giành nhiều thắng lợi. Thắng lợi trên đã góp phần đánh bại cuộc càn của địch mang tên “Sóng thần”.

Có thể nói, “Đội quân tóc dài” đã vận dụng một cách sáng tạo đường lối đấu tranh chính trị kết hợp đấu tranh vũ trang.

Có không ít huyền thoại chung quanh đội quân đặc biệt này, họ có mặt khắp nơi, không súng ống nhưng có thể đương đầu với đại bác, chặn đứng cả những chiến xa không cho chúng tiến vào tàn phá xóm làng.

Để rồi đến năm 1974, ở các vùng mới mở ra, lực lượng phụ nữ đã nhanh chóng vận động nhân dân trở về bám trụ sản xuất, tham gia các phong trào tại địa phương, đóng góp nuôi quân.

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, phụ nữ các cấp có hơn 2 vạn tham gia “xuống đường” hỗ trợ đắc lực cho các hoạt động vũ trang, vây hãm các căn cứ địch, vận động các gia đình binh sĩ ngụy kêu gọi con em bỏ ngũ; kịp thời đưa tin về việc tổng thống ngụy Dương Văn Minh đầu hàng, kêu gọi binh lính bỏ súng trở về gia đình.

Những đóng góp to lớn đó đã góp phần giải phóng hoàn toàn tỉnh đúng theo dự kiến lúc 8 giờ 30 ngày 1-5-1975. 

Qua 2 cuộc kháng chiến, phụ nữ Bến Tre có 1.053 liệt sĩ, 938 thương binh, 215 bệnh binh, 2.164 bà mẹ Việt Nam anh hùng, 2 tập thể nữ được tuyên dương anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân ,15 nữ anh hùng Lực lượng vũ trang, 615 người bị bắt tù đày, 542 người được tặng các danh hiệu dũng sĩ diệt Mỹ, diệt nguỵ. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh 3 lần được phong tặng Huân chương Giải phóng hạng Nhất và nhiều huân chương, huy chương hạng Nhất, Nhì, Ba cho các cấp hội và hội viên.

Theo Báo Đồng Khởi

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh