Nếu vua vọng cổ hài Văn Hường với cách ca vọng cổ hài bằng giọng ự ự duyên dáng, mở ra một kỷ nguyên ca vọng cổ hài thì nghệ sĩ Hề Sa cũng đã tạo cho mình một lối ca vọng cổ hài khác hơn bằng hơi cao vút, eo éo, kéo dài tiếng ự ự và đặc biệt ở câu vô vọng cổ qua xàng xê độc đáo.
Nếu vua vọng cổ hài Văn Hường với cách ca vọng cổ hài bằng giọng ự ự duyên dáng, mở ra một kỷ nguyên ca vọng cổ hài thì nghệ sĩ Hề Sa cũng đã tạo cho mình một lối ca vọng cổ hài khác hơn bằng hơi cao vút, eo éo, kéo dài tiếng ự ự và đặc biệt ở câu vô vọng cổ qua xàng xê độc đáo.
Ở tuổi 76 nhưng NS Hề Sa (ở giữa) vẫn luôn cháy bỏng với nghề, giọng ca vẫn khỏe khoắn, cao vút. |
Danh hài Hề Sa cũng đã có một vị trí đặc biệt trong làng danh ca hài trong hai thập niên 60 và 70 của thế kỷ trước. Nay ở tuổi 76 nhưng lòng yêu nghề vẫn luôn cháy bỏng trong ông, giọng ca vẫn còn khỏe khoắn, cao vút.
- PV: Xin chào nghệ sĩ hài Hề Sa! Trước hết nghệ sĩ Hề Sa có thể cho biết giọng ca của mình có ảnh hưởng gì từ người đàn anh- ông vua vọng cổ hài Văn Hường- mà nghệ sĩ thường gọi bằng cái tên thân thương anh Sáu Văn Hường?
- NS Hề Sa: Dù rằng Hề Sa không học anh Sáu Văn Hường nhưng Hề Sa đi theo con đường của anh Sáu Văn Hường, xem anh như một người anh trong nghề hát hài.
Lúc anh Sáu Văn Hường đi hát thì tôi còn ở nhà, tên tuổi anh lúc đó rất nổi, cũng vì mê giọng ca của ảnh nên tôi mới đi theo đoàn hát.
Phải nhìn nhận rằng giọng ca của anh Sáu lúc đó ảnh hưởng tôi rất nhiều, mà nhiều nhất là ở 2 bài vọng cổ hài “ Hề Sa có 5 người vợ” và “ Tư Ếch đi Sài Gòn”.
- PV: Ở cách ca vọng cổ giữa nghệ sĩ Văn Hường và Hề Sa cũng có những điểm tương đồng?
- NS Hề Sa: Thật sự mà nói thì Văn Hường không có chỉ dạy Hề Sa ca vọng cổ hài nhưng cách sắp nhịp nhã chữ, lối ca của Văn Hường rất mới, trước đó có Hề Minh, rồi mới tới Hề Sa, do đó ít nhiều gì giọng ca của tôi cũng bị ảnh hưởng của các đàn anh.
Tuy nhiên, cái khác của Văn Hường và Hề Sa là ở chỗ: Văn Hường thì vô câu vọng cổ bằng cách “ự” còn tôi thì qua xàng xê, thế nhưng cách bẻ qua vọng cổ của tôi cũng là “ự” như anh Sáu, chẳng hạn như cách ca của tôi trong bài “Pháp sư giải nghệ” là dễ thấy nhất.
- PV: Hát hài đòi hỏi người hát phải chắc nhịp đúng không thưa NS Hề Sa?
- NS Hề Sa: Đúng rồi! Vì văn hài là văn nói nhiều nhưng người hát nói như thế nào thì nói mà khi đến gõ nhịp song loan thì bắt buộc phải theo khuôn. Lời bài hát đôi khi còn dài hơn cả bài ca bình thường, do đó hát hài đòi hỏi người hát phải thật cứng, thật chắc nhịp.
- PV: NS Hề Sa có đào tạo thế hệ học trò không?
- NS Hề Sa: Có chứ, đó là nghệ sĩ Tấn Lợi. Giọng ca Tấn Lợi cũng tương tự tôi, bắt đầu ca cũng “nhiễm” anh Sáu Văn Hường như tôi nhưng mỗi người có chất giọng riêng. Tấn Lợi còn trẻ nên sẽ còn tiến xa hơn nữa.
- PV: Cuộc sống đời thường của NS hài Hề Sa hiện nay ra sao?
- NS Hề Sa: Bây giờ tôi đã già, 76 tuổi rồi còn gì nên cũng ít đi hát tuồng như trước đây, chỉ hát các bài lẻ ở đám cưới, tiệc chúc thọ. Một là để đỡ nhớ nghề, nhớ sân khấu, hai là để trang trãi cuộc sống hàng ngày.
- PV: Ngày nay bài vọng cổ hài và người hát hài không còn được ủng hộ như xưa, theo NS nguyên nhân vì sao?
NS Hề Sa: Theo tôi hiện nay không còn tổ chức thi giọng hát hài cho nên bài ca hài và người hát hài dần bị mai một.
Nếu được tổ chức tôi tin sẽ có nhiều lối ca hài mới, chất giọng hay. Ngày nay ít có người ca hài ngoài Văn Hường, Hề Sa, sau này có Thanh Nam.
Mà Thanh Nam cũng có câu vô vọng cổ giống Hề Sa đó là câu vô xàng xê. Mong rằng thời gian tới các nơi sẽ tổ chức hội thi hoặc chương trình hát vọng cổ hài để phát hiện tài năng mới, những ai yêu thích hát vọng cổ hài có dịp thi thố, bày tỏ niềm yêu thích và giữ được bài vọng cổ hài trong lòng công chúng.
- PV: Xin cảm ơn NS Hề Sa đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn này. Chúc ông dồi dào sức khỏe và tiếng hát của NS Hề Sa luôn sống mãi trong lòng người mộ điệu.
HỒ VĂN (thực hiện)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin