Nếu chế biến 'đúng bài', món rắn nước hầm sả có thể gọi là mồ nhậu bậc nhất của các 'tín đồ' rượu đế miền Tây vùng sông nước Cửu Long.
Nếu chế biến 'đúng bài', món rắn nước hầm sả có thể gọi là mồ nhậu bậc nhất của các 'tín đồ' rượu đế miền Tây vùng sông nước Cửu Long.
Quê tôi miền Tây Nam bộ vốn nhiều kênh rạch, sông ngòi chằng chịt mà nhà văn Đoàn Giỏi từng ví là “chi chít như mạng nhện”. Nhờ vào đặc điểm địa hình ấy mà vùng đất này lắm cá nhiều tôm.
Theo lời của các vị cao niên, trước đây nơi này có nhiều loài động vật hoang dã sinh sống; còn rùa, rắn, trăn…thì vô số kể. Mùa nước nổi, dân quê chống xuồng theo dọc các kênh rạch để săn chuột, bắt rắn đem về cải thiện bữa ăn.
Đối với “dân nhậu” nơi miền Tây, một trong những món ngon được xếp “bậc” nhất là… món rắn nước hầm sả.
Rắn nước là một trong số những loài rắn lành tính, không có nọc độc như các loài rắn hổ. Thức ăn chủ yếu của loài rắn nước thường là những sinh vật nhỏ như cá, tép…
Còn khi thấy người là rắn bò đi và mất hút. Ngày trước, vùng đất này có nhiều cây cối rậm rạp chưa được khai hoang, rắn nước thường chọn những nơi hoang sơ như thế để trú ẩn. Mùa nước nổi về, chúng lại tranh thủ lội trên mặt nước để tìm con mồi. Đó là “cơ hội” cho các cư dân miền Tây ra tay tóm gọn rắn nước.
Rắn nước làm sạch, chặt khúc tầm 2 đốt tay. (ảnh: Hoàng Lê) |
Loại rắn này lội trên mặt nước dọc theo các con rạch thường có màu đen, dưới bụng màu trắng hoặc vàng và không lớn lắm.
Khi bắt được rắn, không cần phải lột da, chỉ cạo sạch lớp da trơn ở ngoài rồi rút ruột chứ không mổ phanh dễ làm mềm thịt và mất đi mùi vị đặc trưng của loại rắn này.
Sau khi làm sạch rắn, cắt thành từng khúc nhỏ tầm 2 đốt ngón tay, cho rắn vào cái xoong, đổ nước dừa tươi, nêm ít sả đập dập cắt khúc, đun sôi luộc rắn cho bán mùi rồi vớt ra để ráo.
Bắc thêm cái nồi nhỏ lên bếp, thêm ít nước dừa cộng với nước dừa luộc rắn, ít sả băm nhuyễn, muối, đường… đợi nước sôi rồi đổ rắn khúc vào nồi, thêm ít đu đủ để gia tăng hương vị.
Vì đã sơ chế rắn trước nên khi các gia vị chín tới là thịt rắn cũng vừa ăn. Món rắn nước hầm sả này có thể ăn nóng trong nồi lẩu đi kèm với cơm hoặc bún đều rất ngon. Theo các “thợ nấu” miền Tây, món rắn này sẽ mất đi mùi đặc trưng nếu không luộc rắn trước trong nồi nước dừa.
Rắn nước chế biến hầm với sả sẽ có mùi vị ngọt lành, đặc trưng của vùng sông nước. (ảnh: Hoàng Lê) |
Rắn nước thịt ngọt ngon, béo ngậy hòa với mùi hương ngào ngạt của sả, của đu đủ vườn nhà tạo thành một món ăn độc đáo, trở thành món “khoái khẩu” của “dân nhậu” nơi miền Tây sông nước này.
Những buổi chiều mùa lũ, ngồi dưới tán cây rồi nhâm nhi ly rượu đế miệt vườn cùng với món rắn hầm sả thiệt là hết ý.
Loại rắn này ăn vào có tính mát, lại lợi về xương cốt, làm giảm chứng đau lưng trong những ngày lam lũ ruộng đồng. Chính vì vậy mà “dân nhậu” miệt này còn có câu nói kháo nhau: “Có rắn dù mắng cũng nhậu”.
Giờ đây, rắn nước quê tôi cũng dần khan hiếm bởi các vùng đất hoang rậm rạp từng ngày được thay thế bằng các khu nhà ở, khu chợ búa với một bộ mặt mới của nông thôn.
Cư dân miền Tây cũng thiếu dần đi những buổi chiều cùng nhau bên bàn nhậu, nhâm nhi ly rượu với món rắn nước hầm sả quen thuộc.
Mặc dù vậy, đối với người dân miệt sông nước vẫn luôn tự hào về vùng đất này đã sản sinh ra những món ăn đặc trưng mà không nơi nào có được.
Theo Dân Việt
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin