Dành trọn tâm huyết cho nghệ thuật cải lương

12:08, 08/08/2018

Mặc dù, cuộc đời gặp không ít thăng trầm, nhưng Tiến sĩ, nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Bạch Tuyết (trong ảnh) đã quyết chí vươn lên không ngừng nghỉ, dành trọn tâm huyết của mình cho nghệ thuật cải lương.

Mặc dù, cuộc đời gặp không ít thăng trầm, nhưng Tiến sĩ, nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Bạch Tuyết (trong ảnh) đã quyết chí vươn lên không ngừng nghỉ, dành trọn tâm huyết của mình cho nghệ thuật cải lương.

NSND Bạch Tuyết tên thật Nguyễn Thị Bạch Tuyết, quê quán xã Khánh An, huyện An Phú, tỉnh An Giang. Với hơn 50 năm trên sàn diễn cải lương, NS Bạch Tuyết bộc bạch:

“Tôi thấy mình may mắn vì được khán giả ưu ái, vì thế, tôi rất trân trọng những gì người và đời đã trao cho mình để được như ngày hôm nay, để đến một lúc nào đó tôi tự tin hơn để được trả ơn đời, ơn người, ơn đất nước”.

Đây là ơn nghĩa rất sâu nặng, luôn đeo đẳng trong tâm hồn của một nghệ sĩ mà ngay từ lần xuất hiện đầu tiên trên sân khấu cải lương đã làm cho công chúng yêu mến giọng ca, điệu hát.

Sau hai năm đặt chân vào sân khấu cải lương, năm 1960, lúc mới 18 tuổi, NS Bạch Tuyết đã được phóng viên kịch trường, đồng nghiệp sân khấu và công chúng tôn vinh ngôi vị “Cải lương chi bảo”.

Điều này, có thể nhận thấy qua ngòi bút của nhà văn Sơn Nam: “Bạch Tuyết là nghệ sĩ định hình... Cô có nét quyến rũ, đưa người nghe, người xem vào thế giới riêng, thực và mộng không có ranh giới nữa”.

NS Bạch Tuyết đã gắn liền cuộc đời với sân khấu cải lương trong suốt 50 năm, tham gia khoảng 400 vở diễn, trong đó có những vai để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng người xem như các vở: “Kim Vân Kiều”, “Kiều Nguyệt Nga”, “Thái hậu Dương Vân Nga”, “Đời cô Lựu”, “Hoàng hậu của hai vua”…

NS Bạch Tuyết luôn xem NS Út Bạch Lan và Thanh Nga là thần tượng để học hỏi. Lúc nhỏ, bà thường đứng nép trong cánh gà, say sưa ngắm hai NS này hát trên sân khấu.

Bà chia sẻ: “Cô Út, chị Thanh Nga chỉ cần cất giọng đã khiến khán giả bên dưới nao lòng, rơi nước mắt. Đây chính là hai thần tượng của tôi”.

Đối với NS Bạch Tuyết, nghệ thuật cải lương đã đem đến cho bà rất nhiều, từ vinh quang, niềm vui, nỗi buồn. Tất cả với bà đều là nguồn hạnh phúc vô tận. Bà nhận thấy phải trả nghĩa cho bộ môn nghệ thuật mà qua đó, mọi người đã dành cho bà tấm lòng ưu ái.

Đó là phải tiếp tục con đường học vấn. Bởi sau nhiều lần dang dở, đến năm 1985 (lúc đã 40 tuổi) bà mới bước vào giảng đường đại học.

Năm 1987, bà tốt nghiệp chuyên ngành Ngữ văn tại Trường đại học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh. Bà tiếp tục theo học và tốt nghiệp đạo diễn của Viện Hàn lâm sân khấu và phim ảnh Sofia (Bun-ga-ri).

Năm 1995, bà bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại hai Hội đồng là Viện Hàn lâm Hoàng gia kịch nghệ Anh quốc và Viện Hàn lâm Phim ảnh - Sân khấu Sofia (Bun-ga-ri), với đề tài “Sự thích nghi của nghệ thuật sân khấu dân tộc của các quốc gia Đông - Nam Á với điều kiện sinh hoạt hiện đại của khán giả thế kỷ 21”.

Bà nói: “Sự học của tôi dở dang nhiều lần rồi, cứ học rồi nghỉ đi hát, rồi lại nghỉ hát đi học…

Hồi xưa, có hứa với má là phải học tới nơi tới chốn, thành ra phải học”. Vì bà thấy phải làm một điều gì đó cho cải lương, cũng như báo đáp một nén tâm hương cho người mẹ nơi suối vàng.

Với tâm huyết và trách nhiệm, NS Bạch Tuyết đã dùng tài năng, kiến thức để “nghệ thuật cải lương hóa” nhiều tác phẩm văn học như “Cung Oán Ngâm Khúc” của Nguyễn Gia Thiều, “Bút Quan Hoài” của Á Nam Trần Tuấn Khải, “Câu chuyện dòng sông” theo ý truyện cùng tên của Hermann Hesse.

Các tác phẩm nêu trên đã phát hành và được công chúng đón nhận nồng nhiệt. Đặc biệt, bà đã dựa theo tác phẩm “Nhật ký trong tù” viết “Trường ca Hồ Chí Minh” đây là tác phẩm khiến bà rất tự hào khi viết về Người. Tác phẩm được hoàn thành và công diễn năm 2009 sau 14 năm ấp ủ.

Bằng tấm lòng vô vàn kính yêu, nghệ sĩ đã viết những dòng sâu sắc về Người: “Biết hy sinh cho đời, làm những việc lợi ích, dạy người cách làm người tốt, biết ơn hôm qua đền ơn cho hôm nay, trả ơn cho mai sau.

Ở đó sự nghiệp chính trị, dân quyền, kinh tế - xã hội… nhất nhất đều bắt nguồn từ hạnh phúc và quyền lợi của từng con người, của đất nước, của dân tộc Việt Nam, đồng thời quan tâm tới những dân tộc yếu đuối, nhỏ bé trên hành tinh Trái đất hiện còn phải gánh chịu nhiều nỗi bất công, áp bức, cơ cực…”.

Qua tác phẩm này cho thấy, NS Bạch Tuyết bằng âm điệu, tiết tấu đẹp của nghệ thuật cải lương, luôn dành tâm huyết, tình cảm kính yêu Bác Hồ, một người đã hiến dâng toàn bộ cuộc đời mình cho độc lập của Tổ quốc và tự do, hạnh phúc của nhân dân.

Bản trường ca là sự tổng hòa âm nhạc của cả ba miền cho nên đã nhận được sự đón nhận nồng nhiệt của người xem.

Với những cống hiến, đóng góp cho nghệ thuật cải lương, NS Bạch Tuyết vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT năm 1988, NSND năm 2012.

Hiện, tuy đã ngoài 70 tuổi nhưng NSND Bạch Tuyết vẫn đóng góp sức mình cho nghệ thuật cải lương. Bà cùng góp mặt với NSND Thanh Hải trong chương trình vọng cổ online, giám khảo các chương trình nghệ thuật như để bà chia sẻ với thế hệ trẻ về sự hay, đẹp của nghệ thuật truyền thống dân tộc.

Theo CHÂU PHONG (Báo Nhân Dân)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh