Chân chất như "Tài tử miệt vườn"

05:08, 14/08/2018

Có một cuộc thi mà dường như chuyện thắng thua không quan trọng, hình ảnh sân khấu cũng chẳng màng. Quan trọng là được ca tài tử, được trải lòng với cung bậc ngũ âm. Chân chất và hồn hậu như "Tài tử miệt vườn". 

Có một cuộc thi mà dường như chuyện thắng thua không quan trọng, hình ảnh sân khấu cũng chẳng màng. Quan trọng là được ca tài tử, được trải lòng với cung bậc ngũ âm. Chân chất và hồn hậu như “Tài tử miệt vườn”. Chương trình phát sóng lúc 19 giờ 10 phút Chủ nhật hằng tuần trên kênh THĐT1, Đài PT-TH Đồng Tháp.

Phần thi của thí sinh “Tài tử miệt vườn” mang đến cho người xem nhiều thú vị. Ảnh: baodongthap.vn
Phần thi của thí sinh “Tài tử miệt vườn” mang đến cho người xem nhiều thú vị. Ảnh: baodongthap.vn

Đang thời truyền hình thực tế bão hòa, nhất là chương trình về cổ nhạc. Kể cả chương trình tạo tiếng vang như “Chuông vàng vọng cổ” cũng đang chật vật tìm thí sinh. Vì thế, thông tin Đài PT-TH Đồng Tháp tổ chức gameshow “Tài tử miệt vườn” khiến nhiều người ái ngại: số thí sinh tham gia và sức hút đối với một đài truyền hình tỉnh.

Vậy nhưng, với số lượng tuyển sinh hơn 500 người (gấp đôi số thí sinh của cuộc thi “Chuông vàng vọng cổ” 2018), giới chuyên môn không khỏi bất ngờ. Không chỉ có thí sinh ở ĐBSCL, mà nhiều giọng ca miền Trung, miền Bắc cũng hồ hởi đi thi. Dù tự sản xuất (trong khi hầu hết các đài truyền hình tổ chức gameshow đều hợp tác với đối tác bên ngoài), nhưng Đài PT-TH Đồng Tháp thể hiện sự chỉn chu trong kịch bản, bố cục, phần thi của thí sinh… Nhưng có lẽ, sự hồn hậu, chân chất của thí sinh chính là điều đọng lại nhiều nhất sau mỗi tập phát sóng.

Quy định của cuộc thi là thí sinh phải là tài tử, không chuyên, nên những “tài tử miệt vườn” mạnh dạn tranh tài. Nhiều thí sinh ra sân khấu mà tay run cầm cập, hát sai lời, trật nhịp, thậm chí quên mang cả dép. Nhiều người chỉ vì yêu thích mà chọn những bài bản khó như Tứ đại Oán, Phụng hoàng… nên ca không nổi, nhưng được Ban Giám khảo là NSƯT Việt Anh, nghệ sĩ Thanh Hằng và nghệ sĩ Ngọc Huyền chỉ dẫn hơi ca, cách ca… nên có tiến bộ hơn.

Thú vị làm sao có thí sinh đang bán cá ngoài chợ nghe thông tin cuộc thi đang tuyển sinh liền gửi xề cá cho bà con để vào dự thi. Nghe trải lòng của thí sinh Danh Thị Ngọc, đến từ Cà Mau, mà thương: cô đi xe máy từ 9 giờ tối, đến gần 4 giờ sáng mới tới Đồng Tháp. Thí sinh nhỏ tuổi nhất của chương trình là Nguyễn Thanh Tứ (10 tuổi), đến từ Hậu Giang. Không chỉ Tứ mà mẹ em và chị gái Nguyễn Như Ý (13 tuổi) cũng là thí sinh của “Tài tử miệt vườn”. Còn với cụ Lê Thành Tri, 78 tuổi, thí sinh lớn tuổi nhất cuộc thi, dù tuổi cao nhưng giọng ca cụ rất sáng, đẹp. Cụ Tri nói: “Đi thi không phải để đạt giải mà cái chính là được ca, được giao lưu với những anh em cùng chung sở thích”.

Khán giả sẽ không khỏi bật cười khi thí sinh mấy lượt xin ban đờn cho ca lại vì “run quá run” hay phụng phịu trách yêu ban đờn: Sao lúc thi thì ca không hay bằng khi tập; rồi có thí sinh gửi con cho nghệ sĩ Quế Trân (dẫn chương trình) giữ để lên sân khấu. Những thí sinh lần đầu lên sóng truyền hình với gương mặt nông dân, mang đôi dép lê, áo quần nhuốm màu đồng ruộng… Tất cả lại làm đẹp thêm cho một sân chơi thú vị.

Theo Báo Cần Thơ

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh